Chuyện Thánh Lễ trong phòng trọ của các lao động Việt Nam tại Thái Lan



Thỉnh thoảng trên mạng xã hội Facebook của các anh chị em Công giáo Việt Nam tại Thái Lan vẫn thấy có video hoặc hình ảnh các Thánh lễ được cử hành bởi linh mục đến từ Việt Nam. Các vị linh mục khách đó đến Thái Lan với những mục đích khác nhau. Có người đi thăm mục vụ, đi du lịch, đi hội họp, hoặc đi với mục đích riêng tư nào đó.

Việc các vị linh mục cử hành Thánh lễ hàng ngày không phải là điều bất thường. Tuy nhiên, điều bất thường về các video hoặc hình ảnh Thánh lễ được đăng lên mạng xã hội đó nằm ở chỗ Thánh lễ không được tổ chức trong nhà thờ hoặc là một nơi Giáo hội địa phương cho phép cử hành mà là trong các phòng trọ, xưởng may, thậm chí quán xá nào đó. Trong video hoặc hình ảnh thấy rõ ràng là ở phòng trọ hoặc hãng xưởng làm việc vì thấy máy móc, chăn gối, chén bát và các đồ đạc khác. Không chỉ Thánh lễ có giáo dân tham dự đã được tổ chức ở một nơi ngoài quy định mà còn được phát tán lên mạng cho mọi người đều biết có Thánh lễ diễn ra ở đó.

Khi chủ nhân của các phòng trọ hoặc hãng xưởng đó được hỏi có biết việc tổ chức Thánh lễ trong những không gian đó là trái quy luật của Giáo hội địa phương không thì dường như mọi người đều nói là không biết và không nghĩ rằng đó là hành động không đúng. Tuy nhiên khi tôi hỏi họ: Đặt trường hợp cha về quê của các bạn, đến thăm gia đình của các bạn tại Việt Nam, cha nói rằng cha muốn tổ chức một Thánh lễ ấm cúng trong nhà của bạn, và sẽ mời một số người quen biết trong khu vực tới tham dự, thì các bạn có dám cho cha tổ chức Thánh lễ không?

Khi hỏi như vậy thì dường như mọi người trả lời là không dám vì sẽ phải xin phép cha xứ chứ không dám tự tiện tổ chức Thánh lễ bất cứ ở đâu không phải là trong nhà thờ.

Mình hỏi: Đặt trường hợp mình tự tiện tổ chức một Thánh lễ ở trong quán cà phê gần giáo xứ, rồi sau đó cha xứ phát hiện ra thì ngài sẽ phản ứng như thế nào?

Họ trả lời: Chắc chắn ngài sẽ không vừa lòng.

Các anh chị em Việt Nam rất hiểu biết về quy luật nếu trong trường hợp đang ở Việt Nam. Tuy nhiên, không hiểu tại sao khi họ qua Thái Lan thì họ không nghĩ rằng tại Thái Lan cũng có những quy định của Giáo hội Thái Lan không khác gì ở Việt Nam. Và cha xứ ở Thái Lan cũng có thẩm quyền không khác gì cha xứ ở Việt Nam.

Việc các anh chị em Việt Nam tại Thái Lan có hành động không đúng đắn vì thiếu hiểu biết đã là một vấn đề. Tuy nhiên có một vấn đề nghiêm trọng hơn nữa là tại sao quý vị chủ chiên đến tham quan Thái Lan cũng không thực hành theo những quy tắc mà chính các ngài sẽ không bao giờ bỏ qua tại Việt Nam?

Là một người đang phục vụ trong Giáo hội Thái Lan đang làm mục vụ cho người Việt Nam, thật là một khó khăn khi những quy định của Giáo hội địa phương không được tôn trọng và thi hành. Tháng 8, 2017, trong một cuộc họp về vấn đề mục vụ cho người Việt Nam tại Thái Lan, Đức Hồng Y Fancis Xavier Kriengsak Kovithavanij, ĐGM TGP Bangkok kiêm chủ tịch HĐGM Thái Lan đã khẳng định rằng việc tổ chức các Thánh lễ ở phòng trọ hoặc quán xá là không được phép. Ngoài việc sai quy định của giáo hội địa phương, việc tụ tập đông người còn có thể ảnh hưởng đến những người Thái xung quanh (đặc biệt các anh chị em Việt Nam hay tổ chức lễ vào giờ khuya sau khi làm việc xong).

Mặc dầu Thái Lan là một đất nước Phật giáo, nhưng không có nghĩa là không có Giáo hội Công giáo hay các nhà thờ lớn bé. Mà đã có Giáo hội thì phải có quy luật của Giáo hội. Và khi chúng ta đến sinh sống và làm việc ở đâu thì chúng ta có trách nhiệm phải tuân theo quy luật của giáo hội nơi ta đang ở. Việc tổ chức Thánh lễ là sinh hoạt đạo đức tốt lành, nhưng phải làm theo quy định của Giáo hội địa phương. Nếu không thì không chỉ các anh chị em Việt Nam đang sinh sống tại Thái Lan bị mang tiếng, nhưng quý linh mục khách cũng sẽ bị mang tiếng, và quý linh mục Việt Nam đang phục vụ tại Thái Lan cũng sẽ phải lãnh chịu hậu quả của những quyết định không đúng đắn này.

Bangkok, ngày 18.4.2018

Đi giảng cắm phòng




Tuần này mình đi giảng cắm phòng cho các thầy thuộc dòng Camillian tại Trung tâm mục vụ của dòng ở quận Lat Krabang, thủ đô Bangkok. Trung tâm Mục vụ khá lớn và khang trang, bao gồm tòa nhà tổ chức các chương trình tĩnh tâm, hội thảo và tòa nhà nuôi và dạy các trẻ em khuyết tật. Vì trung tâm nằm cách sân bay quốc tế Suvarnaphumi chỉ 12km nên thuận tiện cho các tổ chức và hội dòng sử dụng cho các chương trình khác nhau. Tuần này, ngoài việc trung tâm được dùng để tổ chức tĩnh tâm cho các thầy dòng Camillian còn thấy các linh mục và sư huynh dòng Marist cũng hội họp ở đây. Hình như họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau vì sáng nay khi vừa tới nhà tĩnh tâm thì gặp một cha dòng Marist người Tây, nhưng đang phục vụ tại Việt Nam hơn 10 năm qua.


Tại Thái Lan Dòng Camillian hoạt động tích cực trong lĩnh vực xã hội với các trung tâm chăm sóc người già neo đơn, trẻ em khuyết tật, bệnh nhân HIV/AIDS và trẻ em nghèo thuộc vùng sâu vùng xa. Trong khi các hội dòng khác tại Thái Lan thường nhấn mạnh việc mở trường học thì dòng Camillian tập trung vào linh đạo của dòng là lĩnh vực y tế.



Hôm nay là ngày đầu tiên của tuần cắm phòng và cũng là ngày đầu tiên sau những ngày Lễ hội Songkran truyền thống của Thái Lan. Mặc dầu mình giảng cắm phòng, không phải tĩnh tâm, nhưng đến đây đồng hành với các thầy trong những ngày này cũng là một thời gian thuận tiện để mình nghỉ ngơi, cầu nguyện và hoàn tất những việc đang còn dang dở.  Quan trọng hơn hết là với 10 đề tài mà mình đã soạn để chia sẻ với các thầy thì có lẽ mình cũng cần thời gian này để không chỉ cố gắng trình bày cho hay ho mà còn là dịp để mình lượng giá chính bản thân xem hành động và lới nói có đi đôi với nhau hay không. Và nếu khoảng cách giữa hai điều đó còn xa quá thì bây giờ vẫn không quá muộn để điều chỉnh cho tốt hơn.

Sáng nay trong bài giảng khai mạc tuần cắm phòng, mình đã chia sẻ với các thầy rằng mặc dầu mình là người soạn các đề tài và xuất hiện trước mọi người để trình bày nội dung đã chuẩn bị, nhưng Chúa Thánh Thần mới chính là người đang giảng thuyết. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể làm cho những gì xem ra nhàm chán trở nên thú vị, những gì phức tạp trở nên dễ hiểu và dễ cảm nhận được, những gì xem như cũ kỹ có thể trở nên mới mẻ. Nếu có Chúa Thánh Thần thì tuần cắm phòng sẽ là những ngày chất chứa ân sủng đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho cả người giảng thuyết lẫn người lắng nghe. Còn nếu không có Ngài thì mọi thứ sẽ là gánh nặng mà từng người phải chịu đựng như một trách nhiệm bị áp đặc một cách vô lý. Đối với mình thì hôm nay cũng như mọi khi, mình luôn xin Chúa Thánh Thần ngự đến trong tâm trí và môi miệng của mình để mình chỉ nói những điều mà Chúa muốn mình nói.

Bangkok, ngày 16.4.2018

Những điều nên biết về Lễ Hội Songkran




Lễ hội Songkran là lễ hội lớn nhất tại Thái Lan cũng như ở các nước Phật giáo Tiểu thừa tại vùng Đông Nám Á. Lễ hội này đánh dấu năm mới của người Thái, trùng vào ngày 13 tháng 4 dương lịch. Tuy nhiên thường lễ hội được ăn mừng trong 3 ngày, từ 13-15. Từ “Songkran” có nguồn gốc trong từ “Samkranti” trong ngôn ngữ Sanskrit (Ấn Độ), có nghĩa là “biến đổi” vì đây là thời gian mặt trời di chuyển từ khu vực Hoàng Đạo sang khu vực Kim Ngưu trong vũ trụ.

Như Tết Nguyên Đán của Việt Nam, Tết Songkran là tết đoàn viên. Vì thế, người  vùng quê đang làm việc tại các thành phố thường sắp xếp để trở về quê để ăn mừng lễ hội với người thân và bạn bè. Tại thủ đô Bangkok, trong các ngày Songkran sẽ không diễn ra tình trạng kẹt xe như mọi ngày trong năm, và mọi thứ trở nên êm đềm hơn.

Vào ngày đầu tiên của lễ hội, người Thái có truyền thống đi chùa để làm phúc, phóng sinh và cầu an. Ngoài ra họ còn cúng lương thực cho các vị sư khất thực trên đường phố.  Nghi thức tôn giáo quan trọng nhất là nghi thức tắm Phật trên chùa. Trong các gia đình, con cái, cháu chắt cử hành nghi thức chúc lành cho cha mẹ, ông bà. Trong nghi thức này, người trẻ sẽ lấy nước thơm đổ lên tay của người lớn rồi nói lời chúc thọ và những lời chúc tốt đẹp khác. Sau đó người lớn chúc lại cho người trẻ và lấy nước xoa lên tay hoặc đầu của người trẻ để thể hiện lòng yêu mến. Trong chậu nước dùng để cử hành nghi thức, người Thái thường bỏ vào những cánh hoa như hoa khùn (hoa bò cạp vàng) hay hoa lan để trang trí.

Ngoài các nghi thức và sinh hoạt mang tính tâm linh và truyền thống thì Lễ hội Songkran hầu như được người nước ngoài biế tới rộng rải như một lễ hội vui chơi bằng nhiều hình thức. Cách vui chơi phổ biến nhất là ra đứng trước nhà để xối nước lên nhau hoặc bắn nước vào nhau bằng súng nước. Không chỉ xối nước lên nhau mà người ta còn xối nước lên những người đi qua trên đường.

 
Chính quyền địa phương trên cả nước thường cho tổ chức những khu vực mà hàng trăm đến hàng chục ngìn người có thể tụ tập để vui chơi trong 3 ngày lễ. Tại Bangkok, những tụ điểm nổi tiếng nhất là ở khục vự Tây ba lô Khao San, phố Silom, và trung tâm RCA trên đường Rama 9. Ngoài sinh hoạt té nước thì người Thái Lan còn tổ chức nhiều sinh hoạt khác như văn nghệ, diễu hành, thi hoa hậu hoặc thi tài năng.

Trên thực tế, mỗi vùng miền trên đất nước Thái Lan sẽ có những sinh hoạt khác nhau, mang tính chất địa phương. Tỉnh Chiangmai ở miền bắc Thái Lan là một trong những nơi thu hút nhiều du khách đến vui chơi vì họ tổ chức các sinh hoạt rất công phu, đầy màu sắc và mang đậm tính chất văn hóa miền bắc. Người Thái ở vùng đông bắc có truyền thống xây các chùa cát như một sinh hoạt vừa mang tính tâm linh vừa mang tính vui chơi mà mọi người trong gia đình có thể tham gia. Người miền nam Thái Lan thường thực hiện 3 quy tắc trong dịp lễ là: (1) Làm việc và tiêu tiền càng ít càng tốt; (2) không làm hại người khác hay súc vật; và (3) không nói dối trong ngày lễ. Đối với người miền trung Thái Lan, thì một trong những việc nhiều người làm trong dịp lễ là cúng cát cho chùa để cộng tác cho việc xây dựng chùa chiền trong năm tới.

Rất tiếc là ý nghĩa tâm linh và truyền thống của Lễ hội Songkran cũng phần nào bị lưu mờ trong thời đại mới vì nhiều người trẻ không còn coi trọng các nghi thức và sinh hoạt văn hóa và tôn giáo mà chỉ quan tâm đến việc vui chơi. Nhiều du khách đến Thái Lan trong dịp lễ hội cũng chỉ thấy những cuộc chơi trên đường phố mà không mấy hiểu biết về ngày lễ và các giá trị của nó. Vì việc ăn chơi được nhấn mạnh nên ở nơi tụ tập đông người thấy nhiều người ăn mặc hở hang, nhảy múa phản cảm. Nhiều cô gái bị sờ soạng, thấm chí bị tấn công tình dục trong đám đông. Việc ăn chơi hiển nhiên phải có bia rượu nên nhiều vụ ẩu đả xảy ra ở trong các cuộc liên hoan trong các quán xá cũng như trên đường phố. Tai nạn giao thông dẫn đến thương tích và tử vong tăng vọt cũng là một trong những hậu quả không thể tránh được trong những ngày lễ.

Tóm lại, Lễ hội Songkran là một dịp vô cùng quan trọng trong văn hóa của người Thái Lan và các nước láng giềng. Tuy nhiên, để cho ngày lễ không mất đi những giá trị và vẽ đẹp của nó thì những người lãnh đạo trong xã hội và tôn giáo cần phải lưu tâm tới việc giáo dục tâm linh và nhân bản cho giới trẻ và biết cách tổ chức các sinh hoạt vui chơi một cách lành mạnh và an toàn.

Bangkok, ngày 11.4.2018