Trở về phố cũ với cộng đoàn mới

Mình trở lại Thái Lan được gần một tuần, trở lại với những con đường đầy ấp xe cộ và người đi lại, trở lại với cái thời tiết nóng bức như lò nướng bánh mì, trở lại với những món thức ăn cay đến tận não. Mọi thứ đều quen thuộc, gẫn gũi, về Thái Lan có cảm giác như về "nhà" -- không phải nhà như gia đình có cha có mẹ, có anh có chị, nhưng nhà như một nơi mình cảm thấy tự nhiên và tự tin đi lại, hành động và nói năng. Nhà là nơi mình biết chỗ nào phải đặt giày dép khi ra vào, chỗ nào cho phép được gác chân mà không sợ bị rầy. Gần 10 năm trên đất Thái, nó đã dần dần trở nên như cái nhà của mình. Cho dù nó nóng nực thế đó, kẹt xe thế đó, hỗn loạn thế đó, nhưng mình biết mình phải làm gì trong môi trường này.

Việc cảm thấy tự nhiên trong môi trường sống trong lúc này lại cần thiết hơn bao giờ hết vì ngay từ khi trở lại mình đã phải chạy ngược chạy xuôi để thuê một căn nhà để ở và đó sẽ là chỗ ở của cộng đoàn Ngôi Lời đầu tiên tại Bangkok. Một cộng đoàn nhỏ bé với hai thành viên đầu tiên là mình và cha Hùng. Tuần trước, hội đồng bề trên đã chấp thuận cho việc tiếnh hành thành lập một cộng đoàn Ngôi Lời tại Bangkok để thuận tiện cho việc mục vụ, trong đó có mục vụ cho lao động di dân. Với ngân sách hạn chế cho việc thành lập cộng đoàn, mình đã cố gắng tìm thuê một căn nhà phố ở một địa điểm thuận tiện cho sinh hoạt của anh em, mặc dầu không phải là khu vực trung tâm thành phố.

Tuy nhiên căn nhà thuê chỉ là một căn nhà trống. Vì thế mình phải đi mua sắm những thứ cần thiết để biến nó thành một nơi ở. Hai ngày qua, mình đi mua nệm, mua tủ sách, tủ lạnh, màn che cửa sổ. Chiều nay mình liên hệ để cài đặt truyền hình và internet. Trước tiên chỉ mua những thứ căn bản nhất vì ngân sách hạn chế.  Mình với cha Hùng bàn với nhau sẽ cố gắng sắm thêm khi có điều kiện. Cũng có một gia đình người Thái hứa sẽ cho bàn ăn, một bàn làm việc, bếp ga và một số chén bát.

Vạn sự khởi đầu nan. Mấy ngày qua mình may mắn có sự giúp đỡ của một số bạn trẻ nên công việc cũng đỡ vất vả hơn, đặc biệt anh nhóm trưởng nhóm giới trẻ trong khu vực Praram 3 đã bỏ ra thì giờ giúp mình đi tìm nhà cũng như sửa chữa một vài thứ trong nhà để chuẩn bị cho việc dọn vào chính thức vào tuần tới. Bà chủ nhà cũng rất vui vẻ. Hơn 70 tuổi rồi, sở hửu 19 căn nhà mà bà vẫn hành nghề làm tóc. Bà nói không làm thí sẽ mau đổ bệnh.  Mặc dầu tới đầu tháng sáu thì hợp đồng mới bắt đầu, nhưng bà cho mình nhận nhà và dọn vào sớm hơn một tuần mà không tính tiền. Mấy hôm nay bà ghé thăm thấy nhà cửa làm vệ sinh sạch sẻ bà rất vui.  Bà bảo muốn mình ở đó cho lâu. Bà hỏi bà phải xưng hô như thế nào vì bà không phải là người Công giáo. Mình nói thường thì giáo dân gọi tôi bằng "cha". Nhưng bà muốn xưng hô như thế nào thì tuỳ bà. Sau đó bà bắt đầu gọi mình là "khùn po". Bà nói bà cũng biết một số linh mục, nhưng họ nhìn lớn tuổi hơn mình rất nhiều. Nên bà không biết cách xưng hô.  Trưa nay bà hứa sẽ may cho cái màn cửa sổ nhỏ ở trên lầu hai. Bà muốn lót gạch hai bên tường ở lầu dưới cho đẹp nhưng người con trai của bà có vẻ không tán thành. Bà cũng hứa sẽ giúp tìm người tặng cho ít đồ dùng để giảm bớt chi phí.

Phải tìm nhà gấp rút để kết thúc tình trạng "vô gia cư", và căn nhà thuê tìm được cũng không phải là lý tưởng, nhưng mình nghĩ rằng đó là điều tốt nhất mình có thể làm trong hoàn cảnh bây giờ. Dù sao đi nữa thì nó cũng là điểm khởi đầu cho một sự tiến bước trong sứ vụ của Dòng Ngôi Lời trên đất Thái, và mình rất vui khi mình có phần trong sự phát triển khiêm tốn này.

Bangkok, ngày 26.5.2016

Gặp gỡ và chia sẻ




Tuần này mình và tất cả các anh em Ngôi Lời có tuổi U10 khấn dòng (trọng đời) sang Úc để tham dự một chương trình đào tạo do Dòng tổ chức. Bản thân mình trên 10 năm khấn dòng một chút, nhưng cũng được mời đi tham dự vì bề trên muốn mình trình bày về công việc truyền giáo của Hội dòng tại Thái Lan. Chủ đề của chương trình đào tạo và học hỏi là “Đời sống cộng đoàn và sứ vụ truyền giáo trong môi trường xuyên văn hóa”. Lý do hội đồng bề trên muốn tổ chức chương trình đào tạo là vì muốn củng cố kiến thức và tinh thần cho những thành viên trẻ của dòng để phục vụ hiệu quả hơn trong những sứ vụ mà hội dòng trao phó, đồng thời có một đời sống cộng đoàn vui tươi, hòa thuận, có sự tương thân tương ái và hỗ trợ lẫn nhau.

Trong số hơn 20 thành viên trẻ thuộc tỉnh dòng Úc, trong đó có 8 người đến từ Thái Lan. Việc Thái Lan có một “phái đoàn” hùng hậu cho thấy rằng dòng Ngôi Lời tại Thái Lan ngày càng phát triển và đặc biệt có nhiều thành viên trẻ tuổi. Trong số 8 người thì có người đã chịu chức hơn 10 năm, nhưng cũng có người chỉ mới chịu chức vài ba năm. Có người là gốc Việt nhưng cũng có người đến từ Indonesia hay Ấn độ.

Hiện nay hầu hết các anh em đang phục vụ tại vùng đông bắc Thái Lan, trong các xứ đạo hoặc điểm truyền giáo khác nhau ở những vùng tương đối xa xôi trong giáo phận. Có giáo xứ thì có giáo dân lên đến 300 người, nhưng có nơi chỉ có trên dưới 10 người. Nhà thờ để dâng lễ có khi không bằng một căn nhà của người dân. Có nơi khi đi dâng lễ người anh em còn phải lái xe bán tải ngang qua nhà giáo dân để đón họ tới nhà thờ vì họ là những người già hoặc ở quá xa nhà thờ không thể tự đi được.

Trước đây mình cũng trông coi một giáo xứ nhỏ, nhưng từ năm 2013 đã dọn về Bangkok để học chương trình tiến sĩ về tôn giáo học vừa mới kết thúc tháng 10 qua. Mình vừa học vừa làm mục vụ cho các bạn trẻ Việt Nam lao động di dân, một công việc mà mình làm quen được từ khi bước chân đên Thái Lan cách đây đã gần 10 năm. Mặc dầu mình không được hội dòng sai đến Thái Lan để phục vụ người Việt, nhưng vì hoàn cảnh những con chiên bơ vơ không có chủ chăn mà mình đã dấn thân vào công việc này, và đây cũng là một trong những công việc mà mình cảm thấy rất hạnh phúc để làm.

Qua Úc để tham dự chương trình hội thảo đào tạo, mình được gặp lại những người anh em trẻ trong dòng, những người đến từ nhiều nơi khác nhau và cũng đang phục vụ ở khắp mọi nơi trong tỉnh dòng Úc. Ngoài việc học hỏi từ những bài thuyết trình, mọi người còn được lắng nghe nhau chia sẻ về những niềm vui nổi buồn trong cuộc đời truyền giáo, được kể cho nhau nghe những câu chuyện hài hước qua những bữa ăn ngon và những ly rượu nồng. Ơn gọi truyền giáo Ngôi Lời được củng cố và thăng tiến không chỉ qua lý thuyết trên sách vở mà còn qua những kinh nghiệm thực tế của những nhà truyền giáo cùng trang lứa, đang phấn đấu để rao giảng Tin Mừng trong những môi trường khác nhau mà họ được sai đến.

Sydney, ngày 18.5.2016

Nhật ký về mẹ


Theo quy luật của nhà dòng, cứ ba năm tôi được về thăm gia đình một lần. Lần này cũng thế, tôi thu xếp công việc của tôi để có một khoảng thời gian thuận tiện để thực hiện chuyến về thăm gia đình của tôi. Mọi người trong gia đình của tôi đều ở Mỹ. Gia đình của tôi là ai? Là ba mẹ, là các anh chị trong đó có cả dâu lẫn rể, và có các cháu.

Tôi về tới nhà một chiều giữa tháng hai khi thời tiết đã vào xuân rất mát mẻ, khác hẳn với cái khí hậu nóng nực và oi bức ở Thái Lan. Bước ra khỏi sân bay, anh trai của tôi tới đón về nhà ba mẹ. Ở nhà mẹ và chị của tôi đã chuẩn bị một nồi bún bò để cho tôi ăn.

Ba mẹ tôi thấy tôi về, chúng tôi chào nhau bằng cái ôm nhẹ nhàng đơn giản. Chúng tôi thường không thể hiện những cử chỉ quá mức mặc dầu trong lòng cả tôi và ba mẹ đều rất vô cùng hạnh phúc khi được đoàn tụ. Nhưng gia đình của tôi có lẽ như vậy. Cách thể hiện tình cảm luôn rất được tiết chế.

Tôi liếc nhìn gương mặt mẹ tôi. Ba năm gặp lại, mẹ tôi nhìn già hơn. Tôi không bất ngờ với điều đó vì chỉ cách đây không lâu, bác sĩ phát hiện mẹ tôi bị ung thư phổi và hiện đang uống thuốc điều trị. Uống thuốc ung thư thì có đủ thứ tác dụng phụ làm cho mẹ tôi rất đau đớn. Bác sĩ phải giảm liều thuốc xuống một nửa mẹ tôi mới cảm thấy dễ chịu hơn.  Mắc bệnh cộng với tác dụng của thuốc tây mà ăn ngủ không ngon, mẹ tôi nhìn gầy đi nhiều, mí mắt xụp xuống theo độ tuổi già. Nhưng mẹ tôi vẫn tươi cười, vui vẻ không chỉ trước mặt tôi mà mọi người. Ai nói chuyện với mẹ trên điện thoại cũng cứ tưởng rằng mẹ khỏe mạnh lắm vì giọng nói trong trẻo rang rảng như có đầy sức sống. Nhưng mẹ tôi đã già yếu rồi – già yếu theo năm tháng của cuộc đời, già yếu theo những căn bệnh mà mẹ đã phải trải qua không chỉ bây giờ mà từ mấy chục năm qua.

Nhìn ba mẹ tôi thấy trong lòng tự nhiên trùng xuống, đặc biệt khi hai người ở trong căn nhà to nhưng trống vắng. Ba ngủ lầu trên. Mẹ ngủ lầu dưới. Thiết nghĩ hết năm này qua năm khác, hai bóng người già đi lại trong căn nhà hiu quạnh biết bao. Nhà to và khang trang, nhưng sao yên lặng quá. Có lẽ tôi quen với môi trường sống nhộn nhịp và sôi động ở thành phố Bangkok nên về nhà thấy mọi thứ càng yên lặng hơn.Thỉnh thoảng có những dịp lễ lớn như Phục Sinh, Giáng Sinh, sinh nhật, v.v. có con cháu quay quần, trong nhà tràn ngập tiếng nói tiếng cười. Nhưng một năm có 365 ngày thì những buổi tiệc linh đình đó tính ra cũng chẳng là bao.

Tôi chợt nghĩ nhà yên lặng như vậy có lẽ mỗi khi tôi gọi điện thoại về, tiếng nói vui tươi của mẹ cất lên khi nhận được cuộc điện thoại của đứa con ở phương xa chắc vang  dội hẳn lên. Mỗi lần nhận điện thoại của tôi, mẹ hay nói “Mẹ có linh tính là hôm nay con gọi. Vừa mới nghĩ tới con là nhận được điện thoại liền.”

Tôi nói với mẹ, “Mẹ có linh tính hay thật đó.” Nhưng trong bụng thì thầm nghĩ mẹ tôi mà khi nào chẳng nhớ tới con cái. Nhớ hoài vậy đó. Cho nên lần nào mà con gọi tới thì chả phải vừa mới nghĩ tới thì gọi. Dường như càng già thì càng nhớ tới con cháu nhiều hơn. Nhớ. Thương. Lo lắng. Mỗi lần nói chuyện với tôi mẹ kể cho tôi nghe về chuyện gia đình.  Mẹ tôi nhắc nhở tôi cầu nguyện cho những người trong gia đình đang gặp phải khó khăn—trong công việc, trong sức khỏe, hay trong đời sống cá nhân. Mẹ không kể nhiều chuyện buồn vì mẹ không muốn tôi phải bận tâm để tập trung phục vụ Giáo hội cho tốt đẹp. Có khi mẹ bảo mẹ kể cho con nghe nhưng ba không muốn mẹ kể vì ba không muốn con phải lo lắng.

Mẹ luôn cố gắng mang thái độ tích cực cho dù trong cuộc sống không phải điều gì cũng tốt đẹp. Lần cuối cùng mẹ đi xem kết quả thử máu để theo dõi tình hình bệnh ung thu, tôi đi theo mẹ để giúp thông dịch. Bình thường chị gái của tôi làm công việc này, nhưng hôm đó chị không khỏe nên tôi đi thế. Vào trong phòng bác sĩ, tôi lén chụp hình của mẹ để làm kỷ niệm. Một tấm hình làm tôi chạnh lòng là khi cô y tá đo áp huyết của mẹ thì mẹ lại nở nhẹ nụ cười trên môi. Đáng ra mẹ phải băn khoăn lo lắng, mà có lẽ cũng lo lắng thật. Nhưng mẹ lại không tỏ lộ điều đó. Mẹ vẫn tươi cười khi đang được khám.

Mẹ còn cười hơn nữa khi bác sĩ cho biết tình trạng ung thư có phần tiến triễn tốt đẹp. Mình thầm nghĩ ước gì mỗi lần tới xem kết quả xét nghiệm máu thì mẹ luôn được cười như thế. Cười vì biết rằng bệnh tình tốt hơn. Cười vì biết rằng còn thêm thời gian để nhìn thấy con cháu lớn lên, thành đạt trong cuộc sống. Cười vì biết rằng còn mẹ là còn một cột trụ trong gia đình để đưa con cái lại gần với nhau, yêu thương và đùm bọc nhau.

Chắc chắn một ngày nào đó mẹ sẽ không còn cười được nữa. Không cười được vì bị bệnh ung thư hành hạ. Không cười được vì cơn đau quá tột cùng mà chỉ có ai đã từng trải qua bệnh ung thu mới cảm nhận được. Mẹ có chia sẻ với tôi rằng mẹ cầu nguyện nói với Chúa rằng, mẹ chấp nhận căn bệnh, chỉ xin Chúa cho mẹ đừng quá đau đớn. Tôi không biết một người bị bệnh ung thư có thể tránh khỏi sự đau đớn về thể xác được hay không. Nhưng nếu phải đau đớn thì mong sao mẹ chỉ đau trong thân xác, còn trong tinh thần mẹ sẽ cảm thấy hạnh phúc vì xung quanh mẹ là những người yêu thương, quan tâm, lo lắng, hy sinh và ân cần đối với mẹ. Suốt đời  mẹ đã làm những điều này cho gia đình, cho chồng cho con. Chắc chắn cơn đau của mẹ sẽ giảm đi phần nào khi biết rằng trong những năm cuối đời của mình, mẹ luôn nhận lại được những điều  mà mẹ đã cho đi với cả tấm lòng yêu thương và bao dung của mình.

Tối cuối cùng ở Hoa Kỳ, đứng bên ngoài nhà hàng sau bữa ăn tối với ba mẹ và các anh chị, tôi chào tạm biệt ba mẹ. Vừa ôm tôi mẹ bật khóc. Tôi nhanh chóng chào các anh chị rồi lên xe để không kéo dài nỗi buồn của sự chia ly. Qua tới Thái Lan tôi nhắn tin rồi gọi điện thoại nói chuyện với mẹ để mẹ an tâm và bớt ngóng tin con. Mẹ ngóng tin con. Trông chờ thấy bóng dáng con. Mong mỏi được ôm ấp cháu chắt. Đó là tâm tình của những người mẹ yêu con tha thiết. Đó là bản năng tự nhiên của những người mẹ có con đi xa, tách lìa khỏi tổ ấm. Tâm hồn của người mẹ chất chứa yêu thương hướng về con cái bất kể tuổi tác. Con cái lớn lên thì mẹ cũng già đi. Nhưng còn sống thì vẫn là mẹ. Chỉ có khi chết rồi, mất rồi, khuất bóng rồi thì có lẽ mới hết chờ hết ngóng.

Tôi chào mẹ lên đường trở về với sứ vụ truyền giáo của tôi. Khi đang chờ lên máy bay ở phi trường, một người bạn của tôi nhắn tin nói: “Chắc là nhớ ba mẹ lắm phải không?” Tôi trả lời: “Đúng rồi. Nhưng hy vọng rằng ba năm sau mới được về đúng quy định của nhà dòng. Chứ không muốn về sớm hơn.” Người bạn nhắn tin lại: “Mình hiểu ý của bạn.”

Ao ước của tôi là muốn cho ba mẹ tôi trông chờ tôi. Tôi muốn mẹ tôi cứ ở đó trông mong tôi ba năm sau trở về thăm gia đình. Tôi muốn trở về với một người mẹ đang ngóng trông tôi và hạnh phúc ngồi xem tôi ăn tô bún bò thơm phức. Còn mẹ thì mới còn trông mong. Mẹ mất rồi thì ai sẽ trông sẽ chờ tôi?

Sydney, Úc, ngày 13.5.2016 (Lễ Kính Nhớ Đức Mẹ Fatima)