Đến giờ thì có lẽ cả thế giới đề đã biết về vụ nổ
bom tại Bangkok ngày 17.8.2015 vừa qua. Vụ khủng bố tại một đến Ấn giáo ngay ở
trung tâm thành phố nơi có nhiều người
Thái cũng như du khách qua lại hoặc đến cúng tế quả là một cú sốc cho đất nước
Thái Lan cũng như người nước ngoài. Cho đến bây giờ thì số người bị thiệt mạng
đã tới 22 người và số người bị thương khoảng 125 người. Trong số nạn nhân có
người Thái lẫn người nước ngoài, đặc biệt là người Châu Á. Mặc dầu không có người
Việt trong số người bị thiệt mạng, nhưng có một người bị thương. Đó là một
thanh niên người Thanh Hóa tên Mai Văn Trường. Anh Trường bị mảnh vỡ bay vào
vùng mắt và kẹt ở đó khiến mắt bị xưng và máu tụ lại. Bác sĩ phải giải phẩu để
lấy mảnh vỡ ra. Ngoài ra, anh cũng bị thương ở hai chân. Xương chân trái bị dập.
Bác sĩ nói phải mất khoảng hai tháng mới có thể bắt đầu đi được. Hiện nay những
người bị thương đang được điều trị ở nhiều bệnh viện khác nhau trong thành phố.
Một số người bị thương nhẹ đã về nhà. Riêng anh Trường thì sẽ còn phải ở lại bệnh
viện đa khoa của chính phủ vài tuần để được bác sĩ chăm sóc và theo dõi.
Sau khi nhận được tin có người Việt nằm trong số
người bị thương, mình đã tìm đến để thăm hỏi và động viên. Mình còn kêu thêm một
trong những lãnh đạo giới trẻ Công giáo Việt Nam tại Thái Lan là anh Thành cùng
đi với mình. Mặc dầu chỉ là ngày sau vụ khủng bố và phải đi ngang qua khu vực
trung tâm sầm uất, nhưng mình cũng muốn đi để thể hiện sự quan tâm của một vị
linh mục Công giáo Việt Nam trước sự cố không may xảy ra cho đồng hương trên đất
Thái Lan.
Mình và anh Thành đến bệnh viện vào lúc 7 giờ tối.
Mình hỏi thông tin thì được biết anh Trường đang được điều trị trong khoa
xương. Mình bước vào và được cô y tá chỉ đến một giường bệnh có người thanh niên
trẻ đang nằm ở đó. Khi đến nơi thì thấy đã có vài người đồng hương Thanh Hóa
cũng đã đến thăm hỏi và chăm sóc. Tuy nhiên, anh Trường không có anh em ruột thịt
gần bền. Người nhà cũng chỉ vừa mới nhận được hung tin và đang chuẩn bị qua để
chăm sóc cho người thân.
Mình tự giới thiệu là một linh mục bên đạo Công
giáo. Nghe tin có người Việt bị thương nên đến thăm. Nhìn nét mặt của bệnh nhân
và những người xung quanh thì thấy họ cũng hơi bở ngỡ trước sự xuất hiện của
mình. Có lẽ họ cũng không ngờ là có “cha đạo” tới thăm hỏi, mặc dầu trong ngày
đó đã có những đại diện văn phòng thủ tướng, văn phòng thị trưởng thành phố
Bangkok, dại diện của Bộ du lịch và thể thao, cũng như đại diện của Đại Sứ Quán
Việt Nam tại Thái Lan đến thăm và tặng quà. Một người trong số đồng hương cảm
ơn mình đã đến thăm hỏi. Sau khi thăm hỏi xong, mình đề cập đến việc các nạn
nhân có một số quyền lợi mà có thể lãnh nhận được. Nếu họ không có ai giúp hướng
dẫn trong sự việc này thì mình có thể giúp. Họ bảo rằng về tiếng tăm cũng như
hiểu biết về thông tin thì họ không biết nhiều. Vì thế nếu được thì xin cha
giúp đỡ. Mình đồng ý sẽ tìm hiểu thông tin rõ ràng để cho họ biết và hướng dẫn
họ trong vấn đề thủ tục. Sau đó mình đã liên lạc với các cơ quan chính phủ để
tìm hiểu về quyền lợi của nạn nhân cũng như thục tục cần có để nhận được sự hỗ
trợ. Hôm nay mình cũng đã trở lại bệnh viện để gặp đại diện của Bộ du lịch và
thể thao để nghe trình bày về những gì họ sẽ giúp cho nạn nhân cũng như yêu cầu
họ tìm chỗ ở cho người anh trai vừa mới từ Việt Nam sang để chăm sóc cho người
em của mình.
Trong sự cố này mình nhận thấy chính quyền Thái
Lan đã thể hiện tinh thần khá tốt trong việc đối phó với tình huống và hỗ trợ
cho nạn nhân. Tuy nhiên, họ cũng chưa thể đáp ứng hết những nhu cầu của những
người không may mắn trong sự việc này. Riêng mình là một linh mục truyền giáo
thì mình rất ý thức được rằng những cơ hội để truyền giáo luôn xuất hiện trong
cuộc sống hằng ngày của mình để mình sống sự vụ mà mình đã được trao phó. Khi
ra về, mình và Thành đứng bên lề đường trước bệnh viện để chờ xe taxi, mình đã chia
sẻ với Thành rằng: Đây là một cơ hội để cho chúng ta truyền giáo, để cho người
khác tôn giáo nhìn thấy tinh thần và sự thiện chí của người Kitô giáo. Chúng ta
truyền giáo không phải là để cho họ bỏ đạo của họ mà theo mình, nhưng để giúp
cho họ có cái nhìn tích cực hơn về người Kitô giáo để xây dựng mối tương quan gần
gũi và hòa thuận hơn với nhau. Ngoài ra,
truyền giáo không chỉ là đến nơi người ta đang trông chờ mình hay yêu cầu mình
đến, mà còn đến những nơi không ai chờ đợi mình hay nghĩ rằng họ cần mình. Mình
chỉ đến để hiện diện với người khác, để phục vụ bằng cách mình có thể, để chia
sẻ tình yêu và sự quan tâm với họ. Có khi mình sẽ được đón nhận và chấp nhận.
Nhưng cũng sẽ có khi mình sẽ bị khước từ. Đó là cái rủi ro và cũng là hồng ân của
một nhà truyền giáo. Điều quan trọng là khi bị khước từ, ta biết chấp nhận với
tâm hồn bình an. Còn khi được đón nhận thì hãy phục vụ hết mình và luôn cảm tạ
Chúa vì hồng ân mà Ngài đã ban cho.
Bangkok, ngày 20.8.2015
No comments:
Post a Comment