Sống tử tế



Vừa rồi mình xem vòng “Lộ Diện” của chương trình Nhân Tố Bí Ẩn, phần thi của các thí sinh trong đội của Hồ Quỳnh Hương. Có 6 thí sinh, nhưng chỉ có 4 được chọn vào vòng Live Show. Trong phần công bố kết quả mà HQH phải gặp riêng từng thí sinh để báo cho học trò của mình biết là sẽ được chọn vào vòng tiếp theo hay không thì khán giả truyền hình đã biết rằng huấn luyện viên này đã chọn chàng trai Tích Kỳ, bạn trẻ làm nghề trông xe đam mê ca hát để được đi tiếp. Nhưng đến khi HQH gặp Loki Bảo Long, là người bạn thân của Tích Kỳ trong cuộc thi thì cô ta đã nói với Loki rằng hôm nay Tích Kỳ hát thực sự đáng tiếc. Nếu cô chọn Loki thì Tích Kỳ sẽ phải ra về. Nhưng nếu Loki sẵn sàng ra về thì Tích Kỳ sẽ được đi tiếp vào vòng trong.

Sau khi nghe HQH đưa ra sự lựa chọn cho mình, chàng trai Loki khóc nức nở. Với những giọt nước mắt lăn dài, Loki nói giọng đầy tiếc nuối : - Em rất muốn. Em muốn lắm. Em rất là muốn đi tiếp….

Loki úp mặt vào lòng hai bàn tay. Một vài giây phút sau, Loki ngẩng mặt lên, nhìn HQH và nói: - Em muốn Tích Kỳ ở lại.

Loki đã khẳng định rằng sẽ nhường chỗ cho Tích Kỳ, người bạn thân trong chương trình mặc dầu biết rằng đánh mất cơ hội này thì sẽ không còn cơ hội khác. Và cơ hội đến với Loki cũng không dễ dàng vì em cũng đã phải vượt qua không ít khó khăn để có được ngày hôm nay. Cuộc sống của Loki theo như bạn ấy kể thì cũng đã phải trải qua rất nhiều đau khổ đến nỗi mắc bệnh trầm cảm, một căn bệnh mà em chỉ mới thoát ra khỏi được từ khi tham gia chương trình. Nhưng rồi Loki đã không nghĩ đến mình mà nghĩ đến người bạn nhỏ tuổi hơn mình. Và Loki đã sẵn sàng tặng cơ hội ấy cho Tích Kỳ cho dù việc được đi vào vòng trong thì em “muốn lắm”. Mà cũng chính vì cái "muốn lắm" đó mà làm cho sự hy sinh của Loki thật sự có ý nghĩa. 

Mặc dầu biết rằng việc đặt ra một lựa chọn cho thí si chỉ là cách chương trình giàn dựng để tạo nên phần kịch tính cho khán giả, nhưng tình huống là có thật, và sự lựa chọn cũng có thật. Và trong tình huống này, Loki Bảo Long đã chọn hy sinh lợi ích riêng tư vì người khác. Có người có thể chỉ trích rằng, bạn ấy dại dột khi không chọn cho chính mình vì dầu sao đi nữa thì đây cũng là một cuộc thi mà người nào làm tốt hơn thì người ấy xứng đáng được thưởng. Người khác cũng có thể nghi ngờ rằng Loki Bảo Long không thể chọn cách khác trong tình huống này nếu không muốn hàng chục triệu người đánh giá mình là con người ích kỷ. Dù sao đi nữa thì em ấy cũng đã chọn điều tốt cho người khác và sẵn sàng lãnh nhận sự thiệt thòi về phía mình.

Khi xem xong chương trình mình bổng nhiên liên tưởng đến nhiều người trẻ mà mình quen biết. Mình ước gì các bạn trẻ ấy cũng có một tinh thần cao thượng như thế khi đối xử với nhau. Có quá nhiều lần, mình chứng kiến sự tranh dành quyền lợi, lợi ích cho bản thân mà dường như không nghĩ về người khác. Và vì ai nấy đều chỉ thấy điều mình muốn, điều mình cần có, và điều mình phải đạt được nên rốt cuộc là dẫn đến tranh cải, dẫn đến mâu thuẫn, dẫn đến sự xúc phạm lẫn nhau, và cuối cùng là sự xụp đỗ trong mối quan hệ anh em, bạn bè.

Cuộc sống luôn luôn khó khăn. Tích Kỳ có gia cảnh nghèo. 17 tuổi, Tích Kỳ không đi học mà lại đi trông xe tại một trường học. Loki thì sống trong gia đình có nhiều mâu thuẫn và không nhận được hạnh phúc. Thế nhưng thay vì để cho sự khó khăn trong cuộc sống làm cho họ trở nên ích kỷ và bon chen thì họ đã trở nên rộng lượng hơn, thông cảm cho nhu cầu của người khác hơn, và sẵn sàng bị thiệt thòi vì người khác hơn.

Trong cuộc sống, có những điều chúng ta “rất muốn”, thậm chí những thứ đó cũng xứng đáng thuộc về mình vì mình đã bỏ ra công sức để sở hửu được nó. Thế nhưng có khi mình được mời gọi để mang trong người một tấm lòng rộng lượng và bao dung mà chỉ cần một làn gió nhẹ cũng đủ để cuốn nó đi khắp nơi. 

Cuối cùng thì Loki cũng đã được chọn vào vòng trong, vì chương trình sẽ không bỏ qua một giọng hát hay. Nhưng chắc chắn với cử chỉ đẹp và cao thượng của Loki trong khoảnh khắc gay cấn đó thì tấm lòng của bạn giờ cũng đã được nhiều người biết đến và giúp cho bạn được tình cảm của nhiều người hơn. Hóa ra khi mình sống tốt thì người khác cũng được nhờ. Và khi mình biết bảo vệ người khác thì chính mình cũng được bảo vệ.

Bangkok, ngày 25.7.2014


Thông cảm



Một ngày sau khi vụ tai nạn xảy ra, mình gọi cho một giáo dân tên Chaweewan ở Hatyay, miền nam nước Thái và nói rằng:

-       - Chị  ơi, chương trình hành hương Việt Nam tháng bảy này tôi phải hủy vì cha Giacôbê đã qua đời trong vụ tai nạn. Giờ tôi không thể tổ chức đi được nữa. 

Cô Chaweewan nói: - Tôi cũng đã xem tin tức về vụ tai nạn. Tôi xin thành thật chia buồn với cha. Tôi cũng đang nghĩ là cha có thể sẽ hủy chuyến tour. Nhưng cha hay khoan quyết định đã nhé. Để xem sau vài bữa nữa như thế nào. Ở đây mọi người đang rất trông chờ chuyến đi này với cha đó.

-       Tôi cảm ơn chị nhiều, nhưng có lẽ sẽ rất khó để tiếp tục tổ chức được. Bây giờ tôi không còn thời giờ hoặc tâm trí để làm bất cứ việc gì khác. Số tiền mà tất cả mọi người đã đặt cọc cho chuyến đi tôi sẽ hoàn trả lại. Còn số tiền mà quý anh chị đã bỏ ra để mua vé máy bay từ Hatyay lên Bangkok, tôi cũng sẽ đền cho anh chị nhé. Xin cho tôi một ít thời gian, khi tôi lo xong chuyện ở đây thì tôi sẽ giải quyết vấn đề này.

- Cha đừng suy nghĩ nhiều. Chúng tôi hiểu tâm trạng của cha trong lúc này. Dù cha quyết định như thế nào chúng tôi cũng sẽ thông cảm. Cha hãy lo việc của cha cho xong trước đã.

Cô Chaweewan là người mà năm ngoái đã cùng tham gia chương trình hành hương đi Việt Nam vào dịp Mùa Vọng do mình tổ chức với cha Giacobe. Trong chuyến đi đó, cô đã rất ấn tượng, vì thế sau khi trở về Thái Lan, cô đã gọi điện thoại cho mình và yêu cầu tổ chức một chương trình hành hương đi La Vang cho một nhóm giáo dân ở miền nam nước Thái. Trong nhóm của cô có cả thảy 13 người. Tuy nhiên, mình sẽ phải tìm thêm người từ Bangkok để đủ số lượng 35 khách. Điều đó cũng không khó vì cũng có không ít người muốn được đi hành hương La Vang.

Nhưng cuối cùng thì chương trình hành hương đã phải hủy bỏ sau khi vụ tai nạn xảy ra vào đầu tháng sáu. Không thì hôm nay, ngày 24 tháng 7 sẽ là ngày đầu tiên của chương trình hành hương đi miền trung Việt Nam kéo dài 5 ngày 4 đếm do mình và cha Giacobe dẫn dắt. Còn số tiền mà những người giáo dân đã bỏ ra để mua vé máy bay từ Hạtya den Bangkok thì họ cũng không đòi phải đền bù. Họ nói: - Cha cứ xem như chúng tôi làm phúc vậy.

Không đi hành hương được, nhưng do vé máy bay đi Bangkok đã mua rồi, nên cô Chaweewan và một số người khác vẫn quyết định đi Bangkok. Trưa nay, họ mời mình đi ăn trưa để có dịp gặp gỡ. Bữa ăn trưa thật vui vẻ và ấm cúng. Trong bữa ăn, cô Chaweewan nói: - Chúng tôi sẽ đợi khi nào cha hồi phục và có thời giờ để tổ chức lại thì chúng tôi sẽ đi. Hy vọng năm sau cha sẽ làm được.

- Tôi sẽ cố gắng. – Mình nói. – Tôi rất cảm ơn sự thông cảm và giúp đỡ của quý anh chị. Chuyện buồn xảy ra và mang lại cho chúng tôi những mất mát ngoài sức tưởng tượng. Tuy vậy chúng tôi cũng nhận ra rằng Chúa đã an ủi và ban cho chúng tôi rất nhiều ơn lành. Tôi xin chân thành cảm ơn quý vị. 

Đúng vậy. Cho dù có hoạn nạn nhưng luôn có người nâng đỡ. Cho dù có đau khổ nhưng cũng không thiếu hồng ân. Cho dù mất mát nhiều, nhưng cũng đã nhận được rất nhiều. Đó là cảm nhận của mình đối với tất cả những gì đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

Bangkok, ngày 24.7.2014

Chuyện từ một bài giảng


Từ tuần trước, mình bắt đầu dạy tiếng Thái cho các sinh viên từ Hoa Kỳ vừa đến Thái Lan trong chương trình du học ngắn hạn. Nhóm sinh viên có 40 người, đến từ trường đại học Loyola tại tiểu bang Maryland. Đây là một trường đại học thuộc dòng Tên tại Hoa Kỳ. Đa số các sinh viên là người Công giáo. Mặc dầu chỉ là chương trình du học nửa năm, nhưng vì cha James Kelly là người phụ trách chương trình muốn họ có một trải nghiệm sâu sắc hơn trong thời gian ở Thái Lan nên đã mời mình dạy khóa tiếng Thái nói trên.


Hôm nay, sau giờ học, một bạn nam sinh viên tên R. đến nói với mình: - Thưa cha, cho con gặp cha một chút được không?

Mình nói được, trong đầu nghĩ có lẽ R. muốn hỏi gì về nội dung của bài học ngày hôm nay. Nhưng hóa ra đó không phải là lý do em muốn gặp mình.

R. nói: - Thưa cha, trong bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật hôm qua, cha kể câu chuyện về người mẫu cho họa sỹ Leonardo Davinci. Người mẫu ông ta dùng để vẽ Chúa Giê-su cũng chính là người mẫu mà sau này ông ta dùng để vẽ Giu-đa, kẻ phản bội Chúa. Anh ta đã thay đổi từ một người điển trai với khuôn mặt thánh thiện để trở thành một con người với khuôn mặt hung dữ và đáng sợ. Câu chuyện này đã thật sự đánh động con bởi vì con thấy mình cũng đang thay đổi. Tuy nhiên, con đang thay đổi ngược lại. Trước đây, khi còn học trường phổ thông thì con là một người rất manh động, cộc tính, và hay bốc đồng với người khác. Nhưng sau khi tốt nghiệp trường trung học và vào đại học, thì con đã có những thay đổi để trở nên con người hiền hòa và tốt hơn. Con thấy tính cách của nhân vật trong câu chuyện hình như có những điểm tương đồng với bản thân con trước đây. Con cảm ơn cha đã kể câu chuyện đó cho con nghe và giúp con có thêm nghị lực để tiếp tục thăng tiến.

Trong căn phòng có hàng chục sinh viên khác đang đứng trò chuyện với nhau, mình thật bất ngờ và cảm động khi một bạn sinh viên trẻ đến chia sẻ với mình những điều thật riêng tư. Mình nói:

Cha rất vui khi nghe những lời chia sẻ của con. Cha nghĩ rằng mọi người đều trải qua những kinh nghiệm trong cuộc sống. Có những kinh nghiệm vui buồn và đau khổ. Có những kinh nghiệm không hay ho mà chúng ta muốn quên đi hoặc che dấu. Nhưng tất cả chúng ta đều được kêu gọi để hoàn thiện bản thân bằng chính nỗ lực cá nhân và ơn lành đến từ Thiên Chúa.
Mình đang nói chuyện với R. thì có một vài bạn sinh viên khác đến đứng gần. Mình nghĩ lúc này không mấy thuận tiện để nói nhiều nên mình nói với R. rằng:

- Suốt thời gian con học tại đây, nếu con muốn gặp cha để chia sẻ bất cứ điều gì, cần có người lắng nghe thì cứ gọi điện thoại cho cha nhé. Chúng ta có thể gặp gỡ và trò chuyện với nhau.

- Vậy thì tốt lắm. – R. đáp.

- Vậy nhé. Cha sẽ viết số điện thoại của cha xuống cho con. Rồi khi nào cần thì con gọi cho cha.

Mình đưa cho R. mảnh giấy có ghi số điện thoại của mình. R. cầm lấy rồi bỏ vào túi sau khi nói lời cảm ơn.

Mình rời phòng học trong lòng dâng trào niềm hạnh phúc vì bài giảng lễ của mình đã đánh động vào một bạn trẻ đang cố tìm cho mình một lối đi trong cuộc sống. Có khi mình giảng lễ, cứ tưởng chừng như không ai nghe, cứ tưởng chừng như chỉ là nước chảy lá môn, cứ tưởng chừng như vào tai này rồi ra tai kia. Nhưng trên thực tế không phải vậy. Có rất nhiều người đang muốn nghe một lời nói liên kết thực trạng cuộc sống với Lời Chúa, một lời nói cảm thông, một lời nói thách đố, một lời nói chất chứa Tin Mừng của Chúa. Họ muốn nghe những điều đó từ một vị linh mục giảng lễ, và họ sẵn sàng đón nhận khi nó được nói lên một cách chân thành và nghiêm túc. Có những khi mình làm biếng soạn bài giảng vì nó phải mất nhiều thời giờ mới có được một bài giảng hay và sâu sắc. Nhưng hôm nay, R. đã nhắc nhở mình rằng sự hy sinh và cố gắng đó là đích đáng, vì trong những hàng ghế giáo dân tham dự lễ, còn có nhiều người đang chờ đợi và lắng nghe những điều mà vị đại diện của Chúa muốn nói với họ.

Bangkok, ngày 21.7.2014  

Thánh lễ quý giá


Ngày hôm qua là Chúa Nhật đầu tiên mình trở lại dâng lễ cho các bạn trẻ Việt Nam từ ngày vụ tai nạn xảy ra. Thời gian một tháng rưỡi qua đã có quá nhiều thay đổi, không chỉ thay đổi vì biến cố ra đi thật đau thương của cha Giacôbê và 13 bạn trẻ, mà còn vì những biến đổi trong tình hình chính trị tại Thái Lan dẫn đến việc khoảng 90% các bạn trẻ Việt Nam đang sinh sống tại Thái Lan phải lần lượt đưa nhau về quê, chờ đợi ngày nào chính quyền nước này có thái độ dễ giải hơn đối với lao động nước ngoài thì mới quay trở lại. Vừa rồi mình đi thăm nhà dòng ở tỉnh Nong Bua Lamphu, cha Tuấn cho hay là bây giờ ở đó không còn một bạn trẻ Việt Nam nào hết. Ở tỉnh Udon Thani dường như chỉ còn các bạn trẻ du học sinh Việt Nam ở lại.   

Những tuần qua các Thánh lễ tiếng Việt dường như đã bị hũy do thành viên của các nhóm kể cả ban lãnh đạo đã lần lượt “hồi hương”. Tuy vậy, mình và các cha cũng thống nhất với nhau là sẽ tiếp tục dâng lễ ở nơi nào vẫn còn người tham dự cho dù chỉ được vài chục người.  Tuần trước, cha Hà dâng lễ ở nhà thờ Fatima Dindaeng thì số người đến tham dự lễ được gần 30. Chiều hôm qua mình dâng lễ ở nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức cho nhóm Bangbon thì số người đến tham dự đông bất ngờ. Trước đó anh nhóm Trưởng ước lượng sẽ có khoảng 20 người đi lễ, nhưng trên thực tế có đến 70 người đến tham dự.
Số người đi lễ ít hơn mọi khi, nhưng không vì vậy mà Thánh lễ bớt phần sốt sáng. Có lẽ trong chính những lúc này các bạn trẻ cảm nhận hơn bao giờ giá trị của Thánh lễ bằng tiếng Việt để các bạn được đọc kinh, được hát, được cầu nguyện và được nghe linh mục thuyết giảng bằng chính ngôn ngữ quen thuộc và thân yêu của mình. Trong chính những lúc này thì Lời Chúa và Thánh Thể trở nên những món ăn tinh thần thật quý giá cho đời sống của các bạn để có đầy đủ nghị lực vượt qua những khó khăn và hoang mang trong cuộc sống ngày càng bất ổn. Chính trong những lúc này là việc đi lễ không phải chỉ là một sinh hoạt mang tính chất phong trào – đi cho vui, đi theo bạn bè – mà đi vì các bạn cần gặp gỡ Chúa, cần duy trì đời sống tâm linh vững bền giữa những phong ba trong cuộc sống, và cần thấy được rằng không chỉ riêng ta phải đương đầu với những thách đố mà nhiều người khác cũng thế, nên ta phải biết kiên trì và phó thác vào Chúa.

Nhưng thật ra thì giá trị của Thánh lễ, của lời cầu nguyện, của mối tương quan mật thiết với Chúa thì lúc nào cũng thế. Giá trị cao quý ấy không bao giờ thay đổi. Chỉ có cảm nhận của con người mới thay đổi. Đứng trước những biến cố trong cuộc sống, đau buồn có, hạnh phúc có, điều cần thiết là trong từng sự việc, mình biết tìm ra dấu chỉ hiện diện của Chúa, để rồi trong khi vui thì mình biết tạ ơn Chúa, và trong khi buồn thì mình biết rằng mình càng cần Chúa hơn.

Bangkok, ngày 14.7.2014

Tiến tới

Thế mà cũng đã đúng một tháng từ ngày biến cố kinh hoàng đó xảy đến cho mình và những người thân yêu của cha Giacôbê và các bạn trẻ trên chuyến xe đi tham dự đại hội giới trẻ lần thứ IV. Ba lần trước tổ chức không được rầm rộ, không được đông đảo tham dự viên, nhưng mọi việc đều trôi chảy. Năm vừa rồi cái vấn đề lớn nhất xảy ra là có một nhóm thằng con trai trốn ra ngoài giữa đêm nên sáng hôm sau bị mình giảng cho một bài trước khi cho phép trở lại sinh hoạt. Ngoài ra không có gì nghiêm trọng. Giờ chia tay, ai nấy bùi ngùi vì không muốn rời xa nhau. Con Ngọc là người khóc nhiều nhất. Cái hình chụp nó khóc được đăng khắp nơi trên facebook. Nhưng nó không mắc cở vì đó chỉ là những giọt nước mắt hạnh phúc. Năm này nếu chương trình được thực hiện như dự định thì có lẽ nó cũng sẽ khóc nhiều như thế.

Nhưng chương trình đã không diễn ra như dự kiến. Vụ tai nạn thảm khốc đó xảy ra chỉ cách địa điểm tổ chức đại hội 100 km đã làm cho mọi thứ phải dừng lại. Những bài giảng mà các cha đã chuẩn bị không được chia sẻ. Những bao gạo thơm hôm trước mình lái xe đi mua không được đem ra nấu. Những trò sinh hoạt Hoàng Anh đã chuẩn bị kỹ lưỡng không được đem ra chơi. Những cái pháo hoa thằng Thắng mua để đốt vào buổi tối thứ nhì của chương trình nằm yên trong phòng để đồ. Và thay vào những giọt nước mắt bùi ngùi giờ chia tay là những tiếng khóc nức nở và đau thương của những người mẹ, người cha, người vợ, người chồng, bạn bè thân thương…khi biết người thân của mình đã gặp phải tai nạn chết một cách thương tâm mà  có nằm mơ cũng không nỗi nào hình dung ra được.

Một tháng đã trôi qua. Những gì cần làm để giải quyết các vấn đề dường như đã được thực hiện. Có lẽ ở địa điểm xảy ra tai nạn giờ đây cũng đã trở lại bình thường sau những cơn mưa mùa vừa qua. Nếu còn thì cũng chỉ những mảnh vãi áo quần của cha Giacôbê và các bạn bị cháy dỡ dang còn xót lại nằm rải rác trên thảm cỏ dại bên đường.

Có khi thời gian một tháng hay thậm chí một năm trôi qua rất hờ hững. Người ta chẳng thấy có gì thay đổi. Họ chỉ sống, làm việc, ăn, ngủ, nghỉ, giải trí. Mọi thứ xem ra rất bình thường và không có gì đáng chú ý. Bản thân họ cũng không thay đổi là bao. Nhưng một tháng qua đối với mình và với rất nhiều người là một bước ngoạch thật lớn. Mọi điều xảy ra đòi hỏi mình phải tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi đầy tâm huyết: Thánh ý Chúa là gì? Chúa muốn gì nơi mình? Mình có đủ nghị lực và quyết tâm để tiếp tục hay không? Bổn phận của mình đối với những người đã mất và những bạn trẻ còn lại là gì?....
                                                                                                                          

Cả tháng qua, giữa khi phải đương đầu với biến cố lớn lao này, mình cứ tưởng như mọi thứ xung quanh mình chậm lại. Cái náo nhiệt của đường xá, xe cộ và cuộc sống hiện đại không còn thấy ồn ào như trước. Những điều thường dễ làm cho mình bị kích động cũng không ảnh hưởng mình nhiều như trước. Những điều trước đây làm cho mình băn khoăn nao núng cũng không ám ảnh mình quá mức. Mọi thứ như lặng xuống và trầm tĩnh hơn, cứ tưởng như mình đang cách ly với thế giới thật. Nhưng không phải thế. Chính trong khoảng không gian nửa mơ nửa tỉnh đó, khi mình phải đương đầu với thực trạng xảy đến, khi mình suy gẫm về những câu hỏi hiện ra trong tâm trí và chất vấn lương tâm, mình dường như đã nghe được tiếng Chúa thì thầm trong tai: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” Và như thế, mình lại bắt đầu một tháng mới, một giai đoạn mới, và một chặng đường mới trong cuộc hành trình phục vụ trong niềm tin và phó thác.

Bangkok, ngày 2.7.2014