Khấn vái




Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thể ở đường Ruam Rudii có ba cổng ra vào. Bên trong cổng gần đường chính có một tượng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ở đây cũng như trong nhà thờ quanh năm suốt tháng đều có đầy hoa mà người giáo dân mang đến để cúng Đức Mẹ, ngay cả trong Mùa Chay. Cha Picharn nói rằng trước đây nơi góc khuôn viên nhà thờ đó sát với một con hẻm nơi người dân ở rất đông, thường ngửi được một mùi khai do tệ nạn phóng uế. Nhưng từ ngày có tượng Đức Mẹ thì không khí ở khu vực đó trong lành hẳn ra. Thỉnh thoảng còn thấy mấy gã chạy xe ôm (ngay ngoài cổng nhà thờ là “trạm xe ôm” hoạt động rất tấp nập mỗi ngày) còn đem nhang tới vái và đem thức ăn đến cúng Đức Mẹ. Nghe cha Picharn kể vậy, mình hỏi:

- Thưa cha, mấy tài xế xe ôm đó có theo đạo Công giáo không?

- Chẳng đạo Công giáo gì cả. – Cha Picharn trả lời. – Họ thấy có tượng thì họ thờ thôi. Người Thái là vậy đó.

- Vậy thì nếu ta thử đem tượng Đức Mẹ ra đặt trước một thương xá sẽ có người không phải theo đạo Công giáo tới cúng vái không? – Mình hỏi tiếp.

- Chắc chắn là có vì nói chúng người Thái dễ dãi lắm. Cái gì mà họ nghĩ rằng có thể phù giúp họ được họ đều thờ cả.

Đúng vậy, người Thái rất sốt sắng trong việc cúng vái. Đi đâu cũng thấy những đền thờ lớn bé dọc đường, trước nhà hàng, trước khách sạn, trước khu thương xá… có tượng Phật, các thần thánh Ấn Độ giáo luôn có hoa quả được dâng cúng. Nơi có đền thờ lớn thì lúc nào cũng nghi ngút hương khói. Gần bên luôn có người dân đặt sẵn những quầy bán hoa bán nhang để phục vụ người đến cầu nguyện.

Thành phần đến cầu nguyện già trẻ lớn bé gì đều có cả. Có khi thấy những cô cậu thanh niên tóc tai áo quần thật mốt sốt sắng nhắm mắt khấn vái với những que nhang cầm sát trước mặt. Nhiều người khi cầu nguyện quỳ gối thật trịnh trọng. Còn những người khác không ghé vào cầu nguyện chỉ đi ngang qua cũng không quên xoay về hướng tượng để vái một cái rồi đi tiếp. Nhiều lần mình ngồi trên xe buýt đi ngang qua đền thờ thấy người ngồi trên xe buýt cũng xoay mình để vái.

Nói chung người Thái có đời sống tâm linh khá cao. Nhưng tâm linh của họ là một thứ tâm linh hổn hợp giữa truyền thống, đạo giáo và mê tín dị đoan. Chính vì não trạng này mà có lẽ tạo ra nhiều thách thức cho những ai muốn làm việc truyền giáo ở đất nước này. Hiện nay mình chưa hiểu nhiều về văn hóa và tâm lý của người Thái. Nhưng chắc chắn một khi bắt tay làm việc nhiều hơn, mình sẽ thấy rõ hơn người Thái suy nghĩ và hành động như thế nào?

Bangkok, ngày 28.9.2007

Chọn lựa


Tuần nay mình bắt đầu đi tập thể dục thể hình ở một câu lạc bộ tại ngã tư đường Asok và Sukkhumvit có tên là True Fitness. Đây là một health club lớn có đầy đủ các loại dụng cụ cần thiết với chất lượng cao nhất. Mình phải bỏ ra một số tiền khoảng 40USD/tháng để được vào tập ở đây, tuy nhiên lệ phí mà mình thương lượng được với nhân viên clb là lệ phí khá thấp so với giá mà họ đòi lúc đầu. Mình có sở thích và thói quen tập thể dục thể hình từ những năm còn học đại học, vì thế nên dù đi đâu hoặc làm gì cũng không thể thiếu sinh hoạt này trong đời sống. Vài ngày không tập thể dục, không cử động là mình cảm thấy sức khỏe bị ảnh hưởng, tinh thần bị suy giảm. Nếu được tập thể dục thì cảm giác khỏe mạnh và phẩn khởi quay trở lại.

Khi đến Thái Lan mình cố tìm cho được một nơi tập thể hình bình dân, nhưng tìm mãi không ra. Có lẽ do mình ở khu vực trung tâm nên ở vùng này chẳng có gì là bình dân cả. Trong công viên Lumpini có một khu vực tập thể hình dạng bình dân, nhưng nó lại nằm ngoài trời. Nắng thì nóng quá không tập được, còn mưa thì bó tay. Các câu lạc bộ thể dục thể hình ở Bangkok đều thuộc dạng cao cấp, không thua gì những địa điểm sang trọng ở nước Mỹ. Thành viên của các câu lạc bộ này đều thuộc loại dân sành điệu cả. Thấy vậy nên mình ngại vào vì mình chủ trương khi nào có thể thì nên tránh làm những gì mà người dân bình thường không thể làm được. Cuối cùng mình đành quết định tập ở nhà bằng cách mua vài cục tạ và một trái banh tập bụng. Bên cạnh đó trong nhà xứ còn có một máy chạy bộ và một máy đạp. Coi như tạm được. Chiều chiều mình vẫn vào căn phòng nho nhỏ nơi đặt những thứ này để tập. Nhưng sau năm tháng như thế này bổng nhiên thấy chán, nhìn qua nhìn lại chỉ thấy chừng đó dụng cụ nên tìm đến clb để tập.

Vào clb tập cũng là một quyết định mà mình đã làm sau khi đánh đo khá nhiều. Trong đời sống tu trì với lời khấn khó nghèo mình đã không ít lần phải đặt nhiều câu hỏi với bản thân khi quyết định mua một món đồ gì đó, đi ăn ở một nhà hàng nào đó, dùng một phương tiện đi lại gì đó, hoặc đi giải trí ở một nơi nào đó. Nói chung phải nhìn đi nhìn lại những người xung quanh mà sống. Họ có những gì? Họ sống như thế nào? Họ phải bươn chải như thế nào? Và có nên không khi mình chọn lựa một lối sống quá an nhàn và dễ dãi? Chính vì thế nên có khi mình quyết định đi ăn ở một quán bình dân, ở một quán cóc thay vì vào nhà hàng. Cũng vì thế nên khi nào có thể mình chọn đi bằng xe buýt thay vì taxi hoặc xe điện. Cũng vì thế nên mình cố không tham gia vào những sinh hoạt mà người bình dân không có điều kiện làm được.

Nhưng mình sẽ thật dối trá nếu mình bảo rằng mình đã làm như thế một cách hoàn hảo. Mặc dầu không nhiều, nhưng đã có những lần mình được mời và đã đến ăn ở những nơi sang trọng, ngủ trong những phòng khách sạn hạng sang và cảm thấy tâm trí thật thoải mái. Đã có những lần mình được người thân cho mượn chiếc xe BMW hoặc xe Lexus để lái đi đây đó và mình ngồi vào lái một cách thật khoái chí. Đã có những lần mình bỏ ra số tiền gấp nhiều lần lương ngày của người dân bình thường để đải bạn bè một chầu karaoke. Đã có những lần mình bước ra ngoài từ bên trong một nhà hàng sang trọng và đối mặt với một người ăn xin đang đứng chờ bố thí.

Mình vẫn nghĩ rằng trong đời sống tu trì việc đánh đo giữa những ước muốn vật chất và những nhu cầu chính đáng vẫn là một việc làm tối quan trọng mà mình phải áp dụng vào hầu hết những lựa chọn hằng ngày của mình. Khi nào mình quên cân nhắc có nghĩa là mình không còn suy nghĩ về chính mình và không còn quan sát những gì đang xảy ra xung quanh. Sống như thế thì sẽ rất trái ngược với lối sống mà một kẻ tu hành nên tuân theo. Bản thân mình biết rằng mình còn phải làm việc này một cách nhiệt thành và đúng đắn hơn, ngày càng nhạy cảm hơn trong các lựa chọn để không đi lạc hướng trong hành trình ơn gọi của mình.

Bangkok, ngày 25.9.2007

Thiên Chúa mà tôi sẽ không bao giờ tin vào


Tuần qua mình giới thiệu cho các bậc phụ huynh trong chương trình giáo lý cho người lớn một bài báo của Lm. Juan Arias. Bài báo có tựa đề "Thiến Chúa Mà Tôi Sẽ Không Bao Giờ Tin Vào". Mình đã đọc được bài báo này cách đây vài năm và rất ấn tượng với nó nên mình đã gởi đến một số tu sĩ ở Việt Nam để cùng đọc. Tuy nhiên, bài báo thì viết bằng tiếng Anh nên mình phải tạm chuyển qua tiếng Việt như sau:


Không! Tôi sẽ không bao giờ tin vào:

Thiên Chúa là Đấng chụp lấy con người trong giây phút họ đang yếu đuối,

Thiên Chúa là Đấng chê ghét những thứ vật chất,

Thiên Chúa là Đấng không thể đưa ra một câu trả lời đối với những vấn đề nan giải mà một người thành thật và chân chính gào thét trong nước mắt: “Tôi không thể làm được”,

Thiên Chúa là Đấng ưa chuộng sự đau đớn,

Thiên Chúa là Đấng chống lại những niềm vui của con người,

Thiên Chúa là Đấng làm cho con người không thể lý luận,

Thiên Chúa là Đấng chúc phúc cho những Cain trong nhân loại thời nay,

Thiên Chúa là một pháp sư hay một phù thủy,

Thiên Chúa là Đấng để cho mọi người phải sợ hãi,

Thiên Chúa là Đấng không muốn ai nói chuyện cách thân mật với mình,

Thiên Chúa như một ông già mà mọi người có thể uốn nắn trong bàn tay mình,

Thiên Chúa là Đấng không cần đến con người,

Thiên Chúa như một tấm vé số mà tôi chỉ trúng được cách tình cờ,

Thiên Chúa là Đấng thẩm phán với cuốn sách luật trong tay và đưa ra những lời tuyên án,

Thiên Chúa là Đấng không thể mỉm cười trước những lầm lỗi vụng về của con người,

Thiên Chúa là Đấng thích thú với việc xử phạt,

Thiên Chúa là Đấng đẩy người ta xuống hỏa ngục,

Thiên Chúa là Đấng không biết hy vọng,

Thiên Chúa là Đấng luôn đòi hỏi 100% trong các cuộc thẩm phán,

Thiên Chúa là Đấng mà triết học có thể giải thích cách trọn vẹn,

Thiên Chúa là Đấng được thờ phượng bởi những người có thể kết án người ta phải chết,

Thiên Chúa là Đấng không thể yêu thương những gì nhiều người khác chê ghét,

Thiên Chúa là Đấng không thể tha thứ điều mà nhiều người kết án,

Thiên Chúa là Đấng không thể cứu rỗi người tồi tệ,

Thiên Chúa là Đấng không thể hiểu rằng trẻ con dễ quên và luôn làm cho mình dơ bẩn,

Thiên Chúa là Đấng cản trở không cho con người thăng tiến, và chiến đấu, cải hóa, và vượt qua chính mình để trở nên giống như Chúa,

Thiên Chúa là Đấng đòi hỏi con người phải bỏ thân phận làm người mới có thể có niềm tin,

Thiên Chúa là Đấng không đón nhận chỗ ngồi ở trong các buổi tiệc của con người,

Thiên Chúa là Đấng mà chỉ có những người đứng đắn, khôn ngoan, và giàu có mới có thể hiểu được,

Thiên Chúa là Đấng mà những người giàu có không kính sợ mặc dầu trước cửa nhà họ là những người nghèo đói và bần cùng đang nằm la liệt,

Thiên Chúa là Đấng có thể được đón nhận và thấu hiểu bởi những kẻ không biết yêu thương,

Thiên Chúa là Đấng được thờ phượng bởi những kẻ đi lễ những lại tiếp tục ăn cắp và vu khống,

Thiên Chúa là Đấng “vô khuẩn” được chế tạo ra bởi những nhà thần học và nhà giáo luật đang ngồi trong những chiếc ghế cao trọng,

Thiên Chúa là Đấng không thể nhận ra một chút gì sự tốt đẹp và bản chất của Ngài ở nơi có tình thương, bất kể tình thương đó lỗi lạc như thế nào,

Thiên Chúa là Đấng kết tội người ta khi họ bị lôi cuốn bởi một đôi chân đẹp không khác gì khi họ vu khống và ăn cắp của người khác hay họ lạm dụng quyền lực để lấy lợi hoặc trả thù,

Thiên Chúa là Đấng kết tội tất cả các loại tình dục,

Thiên Chúa là Đấng thốt lên câu: “Ngươi sẽ phải trả giá vì điều ngươi đã làm!”

Thiên Chúa là Đấng đôi khi ân hận vì đã giao cho con người tự do ý chí,

Thiên Chúa là Đấng ưa chuộng sự bất công hơn sự hổn loạn,

Thiên Chúa là Đấng vui lòng vời một người luôn quỳ gối cầu nguyện nhưng không làm việc,

Thiên Chúa là Đấng không bao giờ lên tiếng hay cảm nhận gì về những vấn đề đau khổ của nhân loại,

Thiên Chúa là Đấng chỉ quan tâm đến linh hồn nhưng không nghĩ gì về thân xác,

Thiên Chúa là Đấng đè nén những cải cách trên thế gian và chỉ ban niềm hy vọng cho đời sống về sau,

Thiên Chúa là Đấng có những môn đệ quay lưng với công việc của thế gian và bất cần đối với hoàn cảnh của tha nhân,

Thiên Chúa là Đấng mà người ta nói là họ thương yêu vì họ không yêu bất cứ ai khác,

Thiên Chúa là Đấng bảo vệ những người không bao giờ lam lũ, những người không bao giờ nhìn ra cửa sổ, những người không bao giờ nhảy vào vũng nước,

Thiên Chúa là Đấng làm hài lòng những người luôn nói câu: “Mọi sự đều tốt đẹp”,

Thiên Chúa của những người muốn cha chánh xứ rảy nước thánh lên bàn tay mâu thuẫn và dơ bẩn của họ,

Thiên Chúa của các linh mục luôn giảng rằng hỏa ngục thì đông đúc trong khi thiên đang thì dường như trống vắng,

Thiên Chúa của những người cho rằng mọi thứ và mọi người đều đáng chỉ trích trừ ra bản thân họ,

Thiên Chúa của các linh mục thuộc giới trung lưu,

Thiên Chúa là Đấng cho rằng chiến tranh là điều tích cực,

Thiên Chúa là Đấng đặt lề luật trước lương tâm,

Thiên Chúa là Đấng dựng lên một Giáo Hội cô động, không thể thay đổi, và không thể làm trong sạch, cải hóa, và phát triển,

Thiên Chúa của các linh mục luôn có những câu trả lời vẹt cho mọi vấn đề,

Thiên Chúa là Đấng không cho con người tự do lầm lỗi,

Thiên Chúa là Đấng không lên án những Pharisee mới trong lịch sử,

Thiên Chúa là Đấng không tha thứ một số tội lỗi,

Thiên Chúa là Đấng ưa chuộng người giàu có và quyền lực,

Thiên Chúa là Đấng “tạo ra” bệnh ung thư hay “làm” cho người đàn bà bị hiếm hoi,

Thiên Chúa là Đấng mà người ta chỉ có cầu nguyền cùng khi họ tới nhà thờ và quỳ bái,

Thiên Chúa là Đấng đón nhận và ủng hộ mọi điều các linh mục nói về Ngài,

Thiên Chúa là Đấng không cứu chuộc những người không biết Ngài mặc dầu họ đã mong muốn và cố tìm Ngài,

Thiên Chúa là Đấng “mang” một đứa trẻ xuống hỏa ngục sau khi nó phạm tội lần đầu tiên,

Thiên Chúa là Đấng không cho con người khả năng làm nguy hại đến chính mình,

Thiên Chúa là Đấng không cho rằng con người là thước đo của tất cả các tạo vật,

Thiên Chúa là Đấng không chịu bước ra gặp người đã bỏ Ngài,

Thiên Chúa là Đấng không thể tái tạo mọi sự trở nên mới,

Thiên Chúa là Đấng không có một điều gì riêng biệt và cá nhân để nói với từng người,

Thiên Chúa là Đấng chưa bao giờ khóc cho con người,

Thiên Chúa là Đấng không phải là ánh sáng,

Thiên Chúa là Đấng ưa chuộng sự trong sạch hơn yêu thương,

Thiên Chúa là Đấng vô cảm trước vẻ đẹp của một nụ hoa hồng,

Thiên Chúa là Đấng không tìm ra mình trong ánh mắt của một đứa trẻ hay một phụ nữ đẹp hay một người mẹ đang khóc than,

Thiên Chúa là Đấng không hiện diên trong tình thương của con người,

Thiên Chúa là Đấng ủng hộ chính trị,

Thiên Chúa là Đấng không tỏ mình ra với người đang thực sự mong mỏi tìm đến Ngài,

Thiên Chúa là Đấng tiêu diệt trái đất và những gì con người yêu thích thay vì biến đổi chúng,

Thiên Chúa là Đấng mà trong Ngài không có mầu nhiệm, và không vĩ đại hơn chúng ta,

Thiên Chúa là Đấng ban cho chúng ta niềm hạnh phúc tách rời khỏi bản tính con người chỉ để thỏa mãn chúng ta,

Thiên Chúa là Đấng tiêu diệt thân xác chúng ta đời đời thay vì phục hồi nó,

Thiên Chúa là Đấng nhận ra giá trị của con người chỉ vì những gì chúng ta có hay tượng trưng thay vì chính con người chúng ta,

Thiên Chúa là Đấng làm bạn với những người sống mà không bao giờ mang lại niềm vui cho một người nào,

Thiên Chúa là Đấng không rộng lượng như mặt trời, xưởi ấm bất kể thứ gì dù đó là bụi hoa hay là đống phân,

Thiên Chúa là Đấng không thể làm cho con người nên thánh và cho chúng chỗ ngồi trong bàn tiệc của Ngài và ban cho chúng một phần cơ nghiệp của Ngài,

Thiên Chúa là Đấng không biết cách tạo ra một thiên đường mà tất cả chúng ta nhận ra rằng chúng ta thực sự là anh em với nhau; nơi đây ánh sáng không chỉ đến từ mặt trời hay các vì sao nhưng xuất phát từ tình yêu giữa người với người,

Thiên Chúa là Đấng không yêu thương và không biết biến đổi mọi thứ mà Ngài chạm vào để trở thành yêu thương,

Thiên Chúa là Đấng không thể truyền đạt lại niềm vui và hạnh phúc lớn hơn tất cả những gì con người có khi Ngài ôm ấp con người ngay cả khi còn trên thế gian,

Thiên Chúa là Đấng không thể thu hút trái tim con người,

Thiên Chúa là Đấng không thể mang thân phận con người và những hệ quả của việc này,

Thiên Chúa là Đấng không sinh ra cách kỳ lạ từ bụng của một người đàn bà,

Thiên Chúa là Đấng không trao tặng con người ngay cả chính mẹ mình,
Thiên Chúa là Đấng mà tôi không thể đặt niềm hy vọng vào khi không còn một niềm hy vọng nào khác.

Vâng, Thiên Chúa của tôi là Thiên Chúa ‘kia’.

Rớt mạng


Mấy hôm nay ở nhà mạng có vấn đề không vào được, tất cả những sinh hoạt thường xuyên của mình trên mạng bị ảnh hưởng. Không có mạng vài ngày mà đã thấy nhịp sống của mình có phần thay đổi. Đến hôm nay mạng vẫn chưa trở lại bình thường, mình đành phải sách máy ra quán McDonald’s, nơi duy nhất ở Bangkok mà mình biết có wifi miễn phí để lên mạng. Không có mạng không làm được nhiều thứ, như coi phim tập của Thái bằng youtube, tham gia một vài diễn đàn mà mình thường xuyên ghé vào, theo dõi báo chí tiếng Việt, và một cái rất quan trọng là nghe radio buổi tối. Mình có thói quen khi ngủ là phải mở radio ra nghe. Có khi mình nghe được chỉ 10 phút thì đã ngủ rồi, còn chương trình radio sau khoảng 1 giờ đồng hồ thì tự tắt. Mình thường nghe những chương trình radio được phát qua mạng. Không có tiếng radio, mình có cảm giác “thiếu thiếu” khó ngủ. Mấy hôm nay, không có radio mình đành mở băng Thánh Lễ tiếng Thái mà mình dùng để học làm lễ bằng tiếng Thái ra nghe. Nói chung cũng có hiệu quả. Lại càng tốt đằng khác vì mình lại có thêm cơ hội để học thuộc các từ tiếng Thái được dùng trong Thánh Lễ. Không biết tình hình nay sẽ kéo dài bao nhiêu ngày nữa, nhưng có lẽ đây cũng là một cơ hội giúp mình nhận ra rằng không có mạng internet, đời sống vẫn tiếp diễn và mọi sự vẫn tốt đẹp.


Bangkok, ngày 19.8.2007

Thành phố sôi động







Sáng sớm trời Bangkok mưa lớn, nhưng đến giờ đi học thì cơn mưa đã ngừng, chỉ còn rơi lất phất. Trời mát hơn thường lệ, mình quyết định đi bộ thay vì ngồi xe ôm đến trạm xe điện. Bước ra khỏi trạm xe điện Asok, mình lại đi ngang qua "trạm xe ôm" với hàng chục bác xe ôm trong những chiếc áo khoác màu cam (áo xe ôm) đang chờ khách, nhưng mình quyết định lội bộ thêm hơn một cây số nữa đến trường. Bình thường mình không xiêng như sáng nay, nhưng có lẽ vì trời không có nắng nên mình tự nhủ hôm nay hãy thưởng thức trọn vẹn bầu không khí của thành phố thủ đô vào những giờ sáng. Mà chỉ có thả bộ như thế mới thưởng thức được hết những gì xung quanh mình. Chỉ như thế mình mới có cái cảm giác giật mình khi một giọt nước lớn đọng trên nhành cây rơi lên vầng tráng. Rồi đi ngang qua những chiếc xe đẩy bán thức ăn mình mới ngửi được mùi cá nướng, thịt nướng, gà nướng nóng hổi thơm phức đang nằm trên những lò than. Hay ngắm nhìn những miếng trái cây như dứa, dưa hấu, và ổi đã được gọt vỏ và sắp đặt ngăn nắp trong những chiếc xe đẩy chờ khách đến mua với giá 10 baht một miếng. Một quán kuấy tiếu lề đường với ba chiếc bàn chiếm hết vĩa hè đã có năm ba người đang ngồi ăn sáng. Chỉ thong tha đi bộ mình mới phát hiện được trên con đường nhỏ dẫn vào trường đại học có rất nhiều tiệm làm đẹp và tiệm massage (loại đàng hoàng) với giá massage chân mỗi giờ 250 baht. Rồi cũng trên con đường này khuất phía sau một cái tường cao cao là một nhà hàng có hình dạng như một căn biệt thự với cái tên Le Dalat. Đó là một nhà hàng bán thức ăn Việt Nam, có lẽ cho giới trung lưu trở lên. Mình lại phát hiện ra một bưu điện nho nhỏ, cái bưu điện đầu tiên mà mình thấy được từ khi đến đất Thái. Giờ còn sớm, bưu điện chưa mở cửa. Nhưng mình tự nhủ, hãy nhớ nơi này để sau này khi cần gởi gì thì ghé vào. Rất tiện vì nó nằm ngay trên đường đi học. Mình lại đi ngang tòa đại sứ Ấn Độ. Tầm 8 giờ sáng đã có một số người đang chờ cổng mở để vào làm giấy tờ. Bên kia đường, đối diện với tòa đại sứ là một căn nhà lớn có phần đã bị đập vỡ. Miếng đất lớn xung quanh căn nhà đang để trống, chưa có ai xây dựng gì. Đây là một điều lạ ở thành phố này nơi nhìn đâu cũng thấy toàn xi-măng và bê-tông, và hiếm khi thấy đất bị bỏ không. Thành phố thủ đô nước Thái sô bồ, chật chội, và sôi động không thua bất cứ thành phố lớn nào trên thế giới này. Ở đây tìm cho được sự yên tỉnh, trong lành, và thoải mái rất khó. Nhưng ở đâu cũng thế, nếu chịu khó nhìn một chút thì mình cũng sẽ phát hiện ra những điều thú vị của nó. Đôi khi chỉ cần thong thả đi bộ qua một vài khu phố với tâm hồn cởi mở và một ánh mắt biết quan sát, ta sẽ phát hiện những quang cảnh bình thường nhưng lại rất dễ thương.

Bangkok, ngày 14.8.2007

Học trường mới


Hai ngày nay mình đã bắt đầu đi học tiếng Thái ở trường mới, đó là trường đại học Srinakharinwirot ở đừng Sukhumvit Soi 23. Đây là một trường đại học lớn ở Bangkok. Lớp học mình có 8 người, 5 người Nhật, một người Indonexia, và một người Hoa. Mọi người đều còn trong lứa tuổi khá trẻ nên bầu không khí học trong lớp tương đối vui nhộn. Ngoài ra, đây là lớp nâng cao nên mọi người đều đã có khả năng nói, viết và đọc. Được bước vào môi trường học mới, mình cảm thấy phấn khởi hơn, không còn những giờ chán nản ở trường cũ nữa. Tuy nhiên, đến đây học mình phải chịu khó đi xa hơn một đoạn. Buổi trưa nắng chang chang, mình đi bộ từ trường học ra trạm xe điện hơn một cây số phải hứng cái nóng của Bangkok rất khó chịu. Mình muốn ngồi xe ôm đi ra cho nhanh, chỉ mất 10 baht. Nhưng trong lớp mình có một bạn học đi cùng đường với mình. Người này lại không thích đi xe ôm vì sợ nguy hiểm, kêu mình hãy đi bộ cùng. Mình thấy tội nghiệp anh ta nên đành phải chiều. Ở đây người Thái thích được có làn da trắng, mà cứ phải lội nắng như mình thì chắc không bao lâu mình cũng sẽ có làn da màu đường phèn không khác gì người ở đây. Mình đem chuyện đi nắng làm đen da kể cho một người bạn nghe, nó xỏ mình mình một câu: "Làm cha làm cố mà bày đặt điệu bộ, đòi cho có da trắng trẻo". Mình lặng ngắt luôn.


Lớp học chỉ có 8 người mà có đến ba giáo sư, mỗi người phụ trách một lĩnh vực trong việc học ngôn ngữ. Mình đã gặp được hai thầy, ngày mai mình mới gặp được giáo sư thứ ba. Mình vẫn chưa biết nhân vật thứ ba này sẽ là thầy hay là cô. Đọc tên tiếng Thái mình không phân biệt được giới tính.


Tên tiếng Thái phức tạp lắm. Tên nào cũng dài cả cây số. Mà còn phải đọc theo luật bất quy tắc nữa vì đa số các tên đến từ ngôn ngữ Sanskrit hoặc Pali. Chính vì tên Thái dài lòng thòng nên người Thái ai cũng có một tên cúm cơm, chỉ một vần. Những người thân quen gọi nhau bằng cái tên cúm cơm này. Người nước ngoài đến đây cũng hay được đặt cho một cái tên cúm cơm vì tên người nước ngoài nhiều khi khó đọc đối với người Thái. Nhưng mình thì chưa được hoặc "bị" đặt tên vì mình dùng tên thánh là Anthony, rút ngắn lại thành "Tony". Tên này người Thái rất quen thuộc và dễ đọc, vì vậy không có nhu cầu đặt tên mới.


Cũng nói về cái tên tiếng Thái, vì không biết đó là tên của con trai hay con gái nên nhiều tình huống mình khó xử lý. Cách đây không lâu, mình lên một diễn đàn về học tiếng Thái. Có một số người đăng tin tìm bạn đối thoại. Một người có nhu cầu học tiếng Anh, một người có nhu cầu thực tập tiếng Thái. Hai bên sẽ gặp nhau để tập nói chuyện. Nhưng nhìn cái tên không thì mình cũng không biết đây là đàn ông hay đàn bà. Chính vì thế nên mình không biết có nên "mạo hiểm" hay không. Bởi vì trước đây, mình cũng đã từng đăng tin tìm bạn đối thoại, nhưng những người trả lời cho mình, đa số là phụ nữ liên lạc để tìm người yêu nước ngoài hơn là tìm bạn học tiếng Anh. Vì vậy mình cũng thấy ngán ngán. Ngay cả cái phương tiện tìm người thực tập ngôn ngữ cũng bị kẻ có đầu óc hướng ngoại lạm dụng. Mình đã bỏ cái ý định tìm bạn đối thoại qua internet. Ngoài đời, gặp được ai thì gặp, còn không thì thôi, đành phải tìm những cách khác để thăng tiến trong ngôn ngữ vậy.


Bangkok, ngày 12.8.2007

Giáo lý bồi dưỡng cho phụ huynh


Hôm qua là một ngày thật vui khi mình được giảng lần đầu tiên trong thánh lễ dành cho các em học giáo lý và bố mẹ của các em. Chương trình dạy giáo lý bằng Anh ngữ cho người nước ngoài có sự tham gia của hơn 300 học sinh. Vì có quá nhiều người nên mỗi Chúa Nhật phải có một thánh lễ riêng cho các em và bố mẹ trong hội trường. Vì là thánh lễ cho giới trẻ nên cũng khá vui nhộn. Mình cố sọan một bài giảng phù hợp không chỉ với người lớn mà còn với các bạn trẻ nữa. Sau Thánh Lễ, đã có nhiều giáo dân đến phản hồi về bài giảng làm cho mình cảm thấy rất vui.


Hôm qua cũng là ngày đầu tiên mình bắt đầu chương trình giáo lý bồi dưỡng cho các phụ huynh. Vì là ngày đầu tiên nên việc chính yếu là nêu lên các vấn đề mà những người lớn quan tâm đến trong đời sống đức tin.


Mình đưa những câu hỏi cho mọi người chia sẻ với nhau như: quý vị đánh giá trình độ hiểu biết của mình về giáo lý và đức tin như thế nào? Quý vị quan tâm về những đề tài gì trong đức tin Công giáo? Quý vị thấy bối rối về những vấn đề gì trong niềm tin và giáo huấn của giáo hội? v.v. Và như thế các phụ huynh đã chia sẻ về nhu cầu cần học hỏi thêm không chỉ để thăng tiến trong đời sống đức tin mà còn có thêm kiến thức để hướng dẫn con cái tốt hơn.

Anh Francis chia sẻ rằng:

- Tôi đánh giá sự hiểu biết về giáo lý của tôi rất kém. Mặc dầu tôi đã từng đi học trường Công giáo suốt các năm phổ thông, nhưng tôi biết quá ít. Chính vì thế mà tôi đưa con tôi đến đây để học giáo lý. Con tôi bây giờ không học trường Công giáo. Tôi học trường Công giáo mà như thế này, thì nói gì đến con tôi khi học trường ngoài.

Một phụ huynh khác chia sẻ rằng:

- Có một điều tôi không thể nào hiểu được và không chấp nhận được là hình ảnh Thiên Chúa trong sách Cửu Ước là một Đấng hay tức giận và phẫn nộ. Làm sao có thể dung hòa hình ảnh này với một Thiên Chúa yêu thương trong sách Tân Ước?

Rồi một phụ huynh khác phát biểu:

- Tôi muốn hiểu thêm về các lề luật của giáo hội liên quan đến vấn đề ly hôn.

Và cứ như thế các đấng cha mẹ đã bày tỏ nhu cầu hiểu biết thêm để củng cố cho đời sống đức tin của mình. Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là số phụ huynh tham gia chương trình giáo lý bồi dưỡng chỉ là một phần của tổng số phụ huynh. Mặc dầu chương trình không kéo dài, mỗi tuần chỉ 20 phút, và trong không khí thoải mái, nhưng nhiều phụ huynh chỉ thích ở ngoài hành lang đứng ngồi trò chuyện với nhau hơn là tận dụng thời gian chờ đợi con em để học hỏi thêm. Rất tiếc khi có quá nhiều phụ huynh mong muốn con em mình thăng tiến trong sự hiểu biết về đạo đức, nhưng lại không chịu áp dụng tiêu chuẩn đó cho chính bản thân mình.

Bangkok, ngày 10.8.2007

Đặt Chúa trên hết


Ngày mai mình giảng lễ cho thánh lễ giới trẻ và bố mẹ của những em đến nhà thờ học giáo lý. Lễ bằng tiếng Anh, nội dung của bài chia sẻ Lời Chúa của mình như sau:


Các bạn thân mến, cách đây hai tuần kênh truyền hình MTV và Thông tấn xã Associated Press đã phổ biến kết quả của một cuộc tham khảo về đề tài những gì làm cho giới trẻ tại Hoa Kỳ cảm thấy hạnh phúc. Những câu trả lời được đúc kết từ 1280 bạn trẻ tuổi từ 13 đến 24. Sau đây là một vài điều mà họ đã tìm thấy:

Điều quan trọng nhất mà các bạn trẻ nói mang lại cho họ niềm hạnh phúc là có được mối quan hệ tốt với bạn bè và gia đình. Sau đó là có mối quan hệ với Thiên Chúa. Và điều quan trọng tiếp theo mang lại cho các bạn trẻ niềm hạnh phúc là những thú vật nuôi trong nhà, và các sinh hoạt thư giãn như nghe nhạc. Một điều làm cho nhiều người bất ngờ là chỉ 1% trong các bạn trẻ trả lời cho rằng tiền bạc là thứ quan trọng nhất mang lại cho họ niềm hạnh phúc.

Khi tôi mới đọc kết quả này, tôi cảm thấy rất thú vị và vui mừng. Nó cho thấy, trên thực tế, giới trẻ ngày nay (ít nhất là ở Hoa Kỳ) vẫn còn cần đến gia đình, bố mẹ, và bạn bè. Nhiều người trẻ vẫn cần Thiên Chúa. Tiền bạc chỉ là phương tiện chứ không phải chủ đích đối với họ. Tôi cảm thấy lạc quan hơn đối với tương lai của thế hệ mai sau.

Tôi vẫn lạc quan như thế. Nhưng sau khi đọc bài Tin Mừng hôm nay, tôi nhận thấy rằng chúng ta vẫn còn được lời của Chúa Giêsu thách thức rất nhiều. Tại sao? Có 85% các bạn trẻ nêu lên rằng bạn bè rất quan trọng đối với niềm hạnh phúc của mình. Có 76% các bạn trẻ cho rằng gia đình rất quan trọng đối với niềm hạnh phúc của mình. Nhưng các bạn có thể đoán được bao nhiều phần trăm cho rằng Thiên Chúa rất quan trọng đối với họ? Thưa các bạn, đó là con số 44%. Dù sao đi nữa thì Thiên Chúa cũng đứng trước các con thú nuôi trong nhà và việc nghe nhạc thư giãn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta một cách rõ ràng và thẳng thắn rằng Thiên Chúa phải đứng đầu trong đời sống của chúng ta. Nếu các bạn nhớ lại trong bài Phúc Âm, khi Chúa Giêsu đang rao giảng có nhiều đám đông cùng đi với Ngài. Nhưng việc họ đi cùng với Ngài không có nghĩa tất cả đều đi theo Ngài. Trong đám đông đó, chỉ có một ít người là các môn đệ thực sự của Ngài.

Nếu chúng ta nhìn lại đới sống của mình, chúng ta có thể nói rằng có rất nhiều người xung quanh chúng ta, nhưng trong số người đó, bao nhiêu người thực sự là bạn thân của mình? Có bao nhiêu người chúng ta có thể nhờ vả vào trong lúc khó khăn? Nếu chúng ta nhìn vào Giáo hội, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều người đi lễ. Nhưng trong số đó có bao nhiêu người là người Kitô giáo đúng nghĩa? Kinh Thánh nói rõ rằng: Chỉ vì người ta nói “Lạy Chúa, Lạy Chúa” không có nghĩa là tất cả trong họ đều làm những gì Chúa yêu cầu nơi họ.

Các bạn thân mến, để trở nên những người Kitô giáo thực sự, để trở nên những người tin vào Thiên Chúa thực sự, để trở nên môn đệ của Chúa Giêsu thực sự, chúng ta phải đặt Thiên Chúa trước trong đời sống của mình. Nhưng khác với ấn tượng ban đầu khi đọc bài Tin Mừng, Chúa Giêsu không muốn chúng ta ghét bỏ gia đình và bạn bè để mến Ngài. Chúa Giêsu dạy chúng ta không ghét bất cứ ai, nhưng yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù của mình. Vậy Chúa Giêsu có ý gì khi Ngài phán rằng: "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.”? Điều Ngài muốn nói ở đây là chúng ta phải sẵn sàng đặt bản thân và tất cả những người quan trọng đó thứ hai trong đời sống của mình, để chúng ta có thể dấn thân thực hiện công việc của Thiên Chúa trao phó cho chúng ta.

Gia đình rất quan trọng. Bạn bè rất quan trọng. Họ là nguồn hành phúc lớn cho mỗi người chúng ta. Gia đình của tôi ở tận bên Hoa Kỳ. Thỉnh thoảng tôi gọi qua hỏi thăm, và bố mẹ anh chị cũng thỉnh thoảng gọi điện thoại cho tôi. Mỗi khi được nói chuyện với nhau, chúng tôi đều cảm thấy rất hạnh phúc vì nghe được tiếng nói của nhau. Những đứa cháu của tôi thường xuyên gởi email nói rằng chúng rất nhớ tôi và mong chờ được sớm gặp lại. Nhưng tôi biết rằng để làm môn đệ của Chúa Giêsu tôi phải xa cách những người thân yêu trong lúc này. Tôi phải sẵn sàng bỏ qua một vài điều vui mà gia đình của tôi mang lại cho tôi. Tuy nhiên, tôi biết rằng tôi rất thương gia đình tôi cũng như gia đình tôi cũng rất thương tôi. Nhưng tôi cũng biết rằng không ai yêu tôi bằng Chúa Giêsu yêu tôi. Tôi trở nên môn đệ của Ngài bởi vì tình yêu này, và gia đình tôi ủng hộ tôi trở nên môn đệ của Ngài vì họ cũng thấu hiểu được tình yêu này.

Có thêm một thông tin về công trình tham khảo trên mà tôi muốn chia sẻ với các bạn. Trong số các bạn trẻ cho rằng Thiên Chúa rất quan trọng hoặc là điều quan trọng nhất trong đời sống của mình, có 80% cho rằng các bạn thấy hạnh phúc với đời sống của mình, trong khi chỉ có 60% các bạn trẻ cho rằng Thiên Chúa không hề quan trọng đối với họ cảm thấy mình hạnh phúc.

Các bạn thân mến, đây không phải là điều tình cờ. Khi chúng ta đặt Chúa Giêsu trước trong đời sống của mình, chúng ta sẽ tìm ra niềm hạnh phúc. Chúa Giêsu sẽ không bỏ rơi chúng ta khi chúng ta gặp phải rủi ro. Ngài sẽ không quay mặt đi khi chúng ta đang gặp phải hoạn nạn. Ngài sẽ không đẩy chúng ta ra ngoài khi không còn nơi nào để đi. Cuộc sống rất khó nhọc. Cuộc sống có nhiều thử thách. Nhưng khi chúng ta đặt Chúa Giêsu trước trong đời sống của mình, những thử thách và sự khó nhọc trở nên bớt căng thẳng bởi vì chúng ta có được sự an ủi và nâng đỡ nơi Thiên Chúa luôn ở với chúng ta.

Bài Phúc Âm hôm nay cũng nói khá rõ ràng với chúng ta rằng, việc trở nên môn đệ của Chúa Giêsu không dễ dàng. Có những đồ đạc vật chất mà chúng ta phải từ bỏ. Có những người quan trọng mà chúng ta phải đặt thứ yếu để chúng ta có thể đặt Thiên Chúa vào vị trí tối quan trọng trong trái tim và lý trí của mình. Và một khi chúng ta đi theo Chúa Giêsu, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận nhiều sự hy sinh. Vì thế, việc trở nên môn đệ của Chúa không phải là điều chúng ta có thể làm được trong vài ngày, vài tháng, hoặc thậm chí vì năm. Tuy nhiên, điều này có thể xảy ra nếu chúng ta sẵn sàng để cho chính mình biến đổi dần dần mặc lấy hình dạng của một môn đệ của Chúa.

Có một câu chuyện như sau. Có một cậu bé đến nhà của người chú thăm ở một thành phố khác. Chú cậu bé là một nhà điều khắc, ông ta tạo ra những tượng hình tuyệt đẹp từ những tảng đá cẩm thạch to lớn. Khi cậu bé đến nhà chú chơi thì thấy ông ta đang làm việc điêu khắc với một tảng đá rất lớn. Cậu ngồi nhìn người chú làm việc một lúc, ông ta đục từng mảnh đá một rất chậm và công phu. Một lúc sau, cậu bé thấy chán nên chạy ra sân nhà chơi đá banh với những đứa trẻ trong xóm. Chiều đó cậu bé ra về, nhưng một tháng sau thì trở lại thăm người chú. Nơi mà trước đây cấu bé thấy một tảng đá cẩm thạch thật lớn, bây giờ không còn là đá nữa mà một con sư tử hùng vĩ và tuyệt đẹp. Cậu bé thấy vậy bèn hỏi người chú với giọng nói tỏ ra rất ngạc nhiên.

- Chú ơi, con sư tử này đến từ bên trong tảng đá to lớn mà lần trước con thấy chủ đục phải không chú?

- Đúng rồi đó cháu. – Người chú trả lời.

- Nhưng chú ơi. – Cậu bé hỏi tiếp. – Làm sao mà chú biết được trong tảng đá có con sư tử đang ngồi mà chú đem nó ra?

Các bạn thân mến, nếu chúng ta nhìn vào chính mình một cách thành thật, trong lúc này, chúng ta thực sự nhìn giống như những tảng đá to lớn. Chúng ta nhìn không giống những môn đế của Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta không nên nản lòng, bởi vì bên trong sự cứng rắn và thô sơ ấy có một môn đệ của Chúa đang chờ để được đưa ra bên ngoài. Điều cần thiết trước tiên là phải cần một ít gọt dũa để loại đi những gì cản trở chúng ta trở nên môn đệ. Có nghĩa là phải dũa đi sự ích kỷ luôn đặt mình trên hết; gọt đi sự ham muốn có được những cái không thực sự cần thiết; bỏ đi tính bám víu vào những người chia phối chúngta làm cho chúng ta không nhận ra Thiên Chúa. Tất cả những điều này cần thời gian. Bị gọt dũa, bị đục và điêu khắc cũng đau đớn, nhưng là điều quan trọng để chúng ta có thể trở nên môn đệ của Chúa Giêsu.

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa trở nên nhà điêu khắc đục đi khỏi chúng ta tất cả những gì khiến cho chúng ta không thể đặt Ngài trước hết trong cuộc sống của chúng ta. Như thế, dần dần, chúng ta sẽ không còn chỉ đi nhà thờ, mà trở nên những người Kitô hữu thực sự; và chúng ta không chỉ đi theo Chúa Giêsu một cách nữa vời, mà trở nên những môn đệ đích thực của Ngài.


Bangkok, ngày 8.9.2007

Bị bắt

Tối nay mình đang ngồi viết "nhật ký" bằng tiếng Thái để thực tập thì nhận được một cú điện thoại với số lạ hiện lên trên màn hình. Mình cầm điện thoại lên "alô" thì nghe bên kia đường giây giọng nói của một cô gái Hà Tỉnh.

- Đây là ai đây? - Mình hỏi.

- Thưa cha con là một người Việt Nam đang làm việc tại Thái Lan. - Cô ta trả lời.

- Vậy hả? Em tên gì?

- Thưa cha con tên Thu.

- Thu kiếm mình có chuyện gì không?

- Thưa cha con có một chuyện muốn nhờ cha cầu nguyện cho. - Thu trả lời.

- Chuyện gì vậy?

- Thưa cha hôm qua anh con dẫn một nhóm 9 người về lại nước. Nhưng trên đường về thì bị bắt vì bị cảnh sát phát hiện.

- Rồi sau đó như thế nào?

- Thưa cha anh con xuống xe đưa tiền cho cảnh sát để họ cho đi, nhưng họ không lấy.

- Tại sao họ không lấy?

- Vì cảnh sát này là cảnh sát của vua nên họ không dám lấy tiền. Nếu cảnh sát thường thì họ đã lấy tiền rồi.

- Vậy bây giờ mọi người đang ở đâu?

- 9 người kia thì họ đã thả ra. Nhưng anh con thì họ đang giam ở đâu gần ranh giới Lào. Mặc dầu anh con có giấy tờ đầy đủ, nhưng họ lại buộc tội anh con đưa hối lộ cho cảnh sát.

- Vậy họ định làm gì?

- Con nghe nói vài bữa họ sẽ xử. Nếu thả ra thì có thể phải đóng phạt tới 300,000 baht hoặc là đi tù 5 năm.

- Vậy thì nguy rồi.

- Giờ con cũng không biết làm gì nên xin cha cầu nguyện cho anh con với.

- Được, mình sẽ nhớ cầu nguyện cho Thu và anh của Thu trong lúc này. Hy vọng Chúa và Mẹ Maria sẽ giúp đỡ để sự việc được giải quyết tốt đẹp cho anh của Thu.

Lại thêm chuyện người Việt Nam lao động tại Thái Lan bị bắt, lần này không phải bị bắt khi đang còn làm việc mà đang trên đường trở về quê. Số tiền người anh của Thu vất vã làm được ở đất Thái trong thời gian qua có lẽ sẽ không bằng số tiền 300,000 phải đóng phạt cho cảnh sát. Cái giá phải ở 5 năm tù cũng quá đắt. Ở đây một số người Thái đặt vấn đề nghe nói hiện nay ở Việt Nam kinh tế phát triển rất nhanh, đầu tư nước ngoài đổ vào rất nhiều, vậy tại sao người Việt không ở lại nước mình để làm việc mà phải qua Thái Lan tìm việc? Họ cũng không hiểu rằng ở Việt Nam, với dân số 85 triệu dân thì tình hình kinh tế đất nước hiện nay có khả quan đến bao nhiêu cũng không đủ tốt để cung cấp việc làm cho hàng triệu người trẻ Việt, đặc biệt là những người trẻ thiếu học đến từ các tỉnh miền trung đất nước như Nghệ An, Hà Tỉnh, Thanh Hóa, nơi sự phát triển kinh tế quá chậm so với những nơi khác.

Bangkok, ngày 5.8.2007

Tình thương mến thương


Mười một giờ sáng Thước, một bạn trẻ đang làm việc tại Thái Lan gọi điện thoại tới nói:

- Thưa cha, chiều nay mời cha đến chỗ con chơi nhé.

- OK. Vậy chỉ cho mình chỗ đến.

- Vậy cha định đến bằng phương tiện gì?

- Cũng tùy, thấy phương tiện nào được thì đi. Mà nhà ở gần đâu?

- Con ở gần chỗ Tượng Đài Chiến Thắng.

- Vậy mình sẽ đón xe điện tới đó rồi đi taxi vào.

- Cha định đến lúc mấy giờ?

- Khoảng sáu giờ được không?

- Sao cha đến trể vậy?

- Vậy muốn mình đến mấy giờ?

- 3 giờ được không cha?

- 3 giờ cũng được. Nhưng tối hôm qua làm việc đến sáng không cần ngủ à?

- Không sao đâu cha à. Tôi nay con không phải đi làm ngủ bù được. Con muốn cha đến sớm hơn để được ở lại chơi lâu hơn với tụi con.

Đi cùng với mình còn có cha Tr. Hai anh em đến nhà trọ của Thước còn gặp được thêm 5 thanh niên khác mà Thước cho biết đều là anh em họ hàng với nhau từ Hà Tỉnh sang Thái Lan làm việc chui. Các bạn trẻ này mình đều đã từng gặp những lần có lễ cho người Việt Nam. Ngoài ra còn có hai cô gái là người yêu của hai bạn trẻ đến chơi. Nơi Thước ở có 5 bạn làm việc may áo quần. Còn Thước thì ban đêm đem áo quần ra chợ bán cho chủ, đa số khách hàng là khách du lịch và người từ quê lên thành phố mua hàng đem về bán lại.

Các bạn trẻ Việt Nam được chủ giao cho hai căn phòng trên lầu 3 để ở không tính tiền. Mỗi tháng chủ cung cấp gạo để cho ăn. Lương may trả theo sản phẩm làm ra. Vì thế mỗi ngày làm mười mấy tiếng đồng hồ là chuyện bình thường.

Có hai cha đến, các bạn tỏ ra hết sức quý trọng. Một bạn thì đi chợ mua đồ ăn có tôm, cá, thịt heo, dạ dày, dội trường. Thuấn làm đầu bếp chế biến thức ăn theo kiểu Việt Nam. Còn có thêm một thùng bia Leo loại chai lớn. Thấy nhiều đồ ăn quá, mình bảo:

- Làm gì mà thịnh soạn đến thế này?

- Chúng con đâu bao giờ được ngồi ăn với cha như thế này. – Nhiên đáp. – Nên chúng con muốn làm cho nó đặc biệt một chút.

Quả thật là vậy, đối với các bạn trẻ từ quê, cơ hội được tiếp xúc và ăn uống với bất cứ vị linh mục nào là một chuyện rất hiếm. Vì thế nên các bạn đã làm sạch phòng ngủ và chuẩn bị những món ăn ngon để chiêu đãi mình và cha Tr.

- Mới đầu chúng con định ra quán, nhưng nghĩ lại ăn ở nhà thoải mái hơn. Ra quán thì không được nói chuyện tâm sự với cha như ở nhà. – Thước chia sẻ.

10 người ngồi bệt dưới sàn nhà ăn những món ăn đơn giản nhưng ngon miệng, chia sẻ những câu chuyện vui, và tâm sự rất nhiều về đời sống của các bạn khi phải lăn lộn trên đất Thái để kiếm tiền cho bản thân và gia đình.

Ngay trong buổi ăn mà các bạn cũng đã phải gọi điện thoại qua lại để tìm cách giúp cho cô em dâu của anh Tường và hai bạn gái khác mới vừa bị cảnh sát bắt trước đó hai giờ đồng hồ khi đi ra chợ mua đồ. Một lúc sau anh Tường phải đi giải quyết sự việc bằng cách đưa tiền lên đồn công an “chuộc” 3 cô gái về.

Một lát sau Nhiên lại nhận được cú điện thoại từ ai đó báo ba bạn nam khác mới vừa bị bắt và phải chuẩn bị tiền để giúp đưa họ ra. Chỉ một buổi chiều mà đã có sáu người quen bị cảnh sát bắt. Trong hàng ngàn bạn trẻ đang lao động bất hợp pháp tại Thái Lan thì không biết còn bao nhiêu người khác đã bị bắt trong ngày hôm nay. Cũng may cho các bạn là đa số những trường hợp cảnh sát bắt là để “làm tiền” chứ không phải để đưa lên sở di trú với mục đích trục xuất ra khỏi nước Thái.

Đi đâu cũng phải cẩn thận, và trong số các bạn trẻ trong bữa ăn, ai cũng đã từng bị bắt vài lần, nhưng họ vẫn thích làm việc tại Thái Lan.

- Tụi con may mắn có chủ rất tốt bụng. Có lần 3 người trong chúng con bị bắt, ông bà chủ đã bỏ ra mấy chục triệu (VND) để chuộc tụi con về từ Campuchia vì tụi con khai với cảnh sát là người Campuchia. Gạo mà họ mua cho tụi con ăn cũng là gạo loại tốt chứ không phải loại xấu như những người khác. Hàng xóm xung quanh cũng mến tụi con. Họ cũng hay mời tụi con nhậu với họ, nhưng tụi con phải làm việc nên không có giờ. Có lần cảnh sát đến nhà bắt bọn con họ cũng nói giùm để can thiệp, nhưng không được vì cảnh sát thì làm theo luật. Lần đó 3 người bị bắt, còn mấy người còn lại thì chạy lên sân thượng trốn kịp. – Nhiên kể.

Trong những giờ đồng hồ với các bạn trẻ, những câu chuyện về đời sống của các bạn được kể ra rất nhiều. Những cái vui, cái buồn, cái khó nhọc, cái thách đố của thanh niên sống trong môi trường thiếu sự nâng đỡ của xã hội và gia đình, các bạn đều chia sẻ rất chân thành. Mình ngồi nghe mãi không thấy chán. Càng nghe mình càng thương cảm cho các bạn và thán phục sự chịu đựng của các bạn.

Trên tường của gian phòng có hình Chúa Giêsu, có thánh giá, và có nhiều câu Kinh Thánh “lộc đầu năm” được gián khắp tường. Một bạn mách:

- Ở nhà thì không thấy đọc kinh, mà khi đi đâu đó phải ra khỏi nhà thì tụi con lại đeo tràng hạt vào người và đọc kinh để xin Chúa Mẹ gìn giữ cho được an toàn.

Bangkok, ngày 2.9.2007

"Gà thành phố"


Hôm qua mình ngồi trong bàn ăn với các cha người Thái, câu chuyện buổi ăn mỗi ngày cũng rất giản dị. Hôm qua, bà bếp cho ăn món cơm gà. Gà thì luộc ăn với nước chắm có vị gừng. Còn cơm thì nấu bằng nước mở từ gà. Mình thấy món ăn quen thuộc bèn nói:

- Đây cũng là một món ăn thuần túy Việt Nam đấy.

- Ở Thái cơm gà cũng là món phổ biến của người dân. - Cha Sririchai bảo.

- Nhưng cơm gà phải là gà đi bộ mới ngon.

- Đúng vậy. - Cha T. nói. - Nhưng loại gà mà ở Thái Lan gọi là gà nhà giá mắc lắm.

- Bây giờ ở Bangkok gà nhà hiếm. Chỉ có "gà thành phố" là nhiều. Vào công viên Lumpini là thấy "gà thành phố". - Cha S. cho hay.

Mọi người trong bàn bật cười vì hiểu được ý của cha S. Hóa ra ở Việt Nam và ở Thái đều có khái niệm giống nhau về "gà". Mình cũng không hiểu tại sao con gà hiền lành chẳng bao giờ làm hại ai, suốt ngày chỉ lục đục dạo quanh vườn để kiếm con giun con dế để ăn cho no bụng lại bị đưa ra để đặt cho thành phần các cô gái làm tiền. Nghĩ cũng thấy oan và tội nghiệp cho mấy con gà ta.

Nói tới gái kiếm tiền, thấy nhiều cô gái ở Thái Lan từ quê vào thành phố phải đi làm quán bar hoặc bán thân rất tội nghiệp. Tất cả cũng do kinh tế gia đình ở quê nghèo ngặt quá nên không biết làm gì khác để kiếm ra đồng tiền giúp bố mẹ và anh chị em. Cha T. đã mở một trung tâm nhỏ ỡ thành phố Pattaya để giúp đỡ những cô gái đã không may đi lạc vào con đường mại dâm. Ở Thái Lan cũng có nhiều tổ chức với sứ mệnh như vậy. Một phụ nữ mình quen biết hằng đêm đi vào các quán bar để tìm cách tiếp cận với các cô gái ở đó hầu giúp họ thoát ra khỏi môi trường nguy hiểm và tội lỗi.

Nhưng nhiều cô gái bán thân kiếm ra tiền mình cũng không hiểu tại sao không biết dành dụm để có vốn làm một việc khác lành mạnh hơn. Ở quán bar nơi một người bạn làm việc nhằm phục vụ phái nữ, anh ta kể rằng hằng đêm có những cô gái hành nghề mại dâm ghé vào chơi vào canh khuya tới sáng. Có cô sài lần 5,000-10,000 baht (3,400 baht = 100 USD) để mua rượu và boa cho các tiếp viên nam. Mà không phải thỉnh thỏang các cô mới đến, có cô đến mỗi tuần hai ba lần. Có cô sài nhiều quá trong một đêm không có đủ tiền trong người phải ghi sổ. Nghĩ cũng khó hiểu khi một cô gái bán thân kiếm tiền, rồi đem số tiền không nhỏ đó đi chơi ở quán bar hết sạch trong một đêm. Tệ nạn mại dâm quả thực không đơn giản và có nhiều yếu tố để cho những người làm việc xã hội phải suy nghĩ và tìm cách đối phó.

Bangkok, ngày 1.9.2007