Trò chuyện với anh cảnh sát di trú trên xe nhà tù



Hôm nay mình đi cùng với cảnh sát di trú đưa 3 người Việt Nam và 1 Thái vi phạp luật pháp di trú đi từ sở di trú tại Suan Phlu qua tòa án hình sự ở đường Ratchadaphisek. Trong khi 4 nghi can ngồi phía sau thì mình ngồi trước với anh cảnh sát tên K.

Trên đường hai bên bắt chuyện với nhau. Không bao lâu thì câu chuyện liên quan đến lao động Việt Nam được nhắc đến. Anh cảnh sát di trú nói: - Biết là người Việt sang Thái Lan làm việc bất hợp pháp, nhưng phải công nhận là họ siêng năng, thông mình và có tài. Thái Lan thì đang thiếu lao động, mà người Thái lại hay làm biếng. Những công việc phổ thông người Thái không chịu làm thì phải nhờ vào người nước ngoài mới đáp ứng nhu cầu lao động cho đất nước. Đã vậy mà họ lại thích tiêu sài phung phí. Ban ngày làm được 300 baht thì tối về tiêu hết 350 baht. Còn người Campuchia, Lào và Miến Điện thì biết chịu khó. Họ chấp nhận làm những công việc nặng nhọc như việc xây dựng. Người Việt thì không làm việc nặng, nhưng họ thích làm công việc đòi hỏi tay nghề. Trong chợ Suan Phlu có một cô gái Việt Nam bán cơm rang cực ngon. Trước đây cô ta từng làm ở một quán cơm rang nổi tiếng nên học được bí quyết của họ. Bây giờ ra mở quán riêng, làm cơm rang ngon mà lại rẽ nữa. Mua một phần 50 baht là ăn no luôn. Trong khu vực gần sở di trú có nhiều người Việt Nam làm việc lắm. Nhưng họ bao cảnh sát hết rồi nên không có chuyện gì xảy ra.

Một phần lớn trong quãng đường 20km từ sở di trú đến tòa án hình sự, câu chuyện chủ yếu xoay quanh vấn đề lao động nước ngoài, đặc biệt là những ưu điểm của người Việt Nam. Thấy cũng hơi trớ trêu khi một cảnh sát di trú hết lời ca ngợi những lao động người Việt cũng như thừa nhận nhu cầu đất nước Thái Lan cần có những người lao động như thế, nhưng bao nhiêu năm qua người Việt vẫn đã, đang và sẽ còn phải làm việc bất hợp pháp vì giữa hai nước chưa có ký kết để cho người Việt có thể mưu sinh một cách hợp pháp trên đất Thái. Và cảnh sát K. sẽ còn tiếp tục đưa thêm những người Việt Nam mà anh đánh giá là siêng năng, thông minh và giỏi giang từ sở di trú qua tòa án hình sự để bị xét xử về tội lao động trái phép.

Bangkok, ngày 18.2.2019

Giấc mơ “kinh hoàng”



Bây giờ là 4 giờ 30 sáng. Cho đến lúc này mình vẫn còn cảm giác ớn lạnh và trên hai cánh tay nổi hết da gà mặc dầu giấc mơ mình mà mình vừa trải qua đã kết thúc 15 phút rồi. Đó là một giấc mơ “kinh hoàng” khiến cho mình trong giấc mơ và ngay cả sau khi đã tỉnh giậy không thể nói ra một lời, và ngay cả lúc này sau khi đã tỉnh ngủ cũng không muốn diễn tả bằng miệng mà chỉ muốn ghi lại bằng những từ ngữ hạn chế mà mình có thể dùng để nói đến sự việc. Giấc mơ của mình như sau:

Mình tổ chức một chương trình tĩnh tâm tại một trung tâm tĩnh tâm mà mình cũng không rõ là ở đâu.  Người tham dự tĩnh tâm có cả người Việt (kiều) và người Tây. Người tham dự chủ yếu là người trưởng thành bởi vì có người đến tham dự tĩnh tâm mà còn có đưa con dại theo.

Trong khi đang giảng tĩnh tâm thì mình có cảm giác không vui vì hai vấn đề. Thứ nhất là số người đến tham dự tĩnh tâm ít hơn rất nhiều so với số người ghi danh. Mặc dầu trời đã về tối mà chỉ còn vài người lác đác tới muộn. Điều thứ hai làm mình buồn là tham dự viên thì đã ít mà mình không thể nào giảng tĩnh tâm cho cầm lòng cầm trí vì mình đang giảng mà người lớn thì nói chuyện, còn trẻ em thì chạy nhảy.

Thấy việc giảng tĩnh tâm không hiệu quả nên mình cho nghỉ giải lao và đi ra phía trước trung tâm để uống nước và lấy lại tinh thần. Lúc đó trời dường như đã khuya. Đèn trong khu vực đón tiếp của tòa nhà đã tắt chỉ còn vài bóng điện hiu hắt để giúp cho người đi thấy đường. Từ cổng vào trung tâm cho tới tòa nhà có một hành lang khá dài, nhưng vào giờ khuya thì đèn cũng đã tắt.

Mình đang đứng một mình đưa mắt nhìn ra phía trước thì chợt thấy có một dáng người đang đi tới. Mình cảm thấy có một chút phấn khởi dâng lên trong lòng vì nghĩ rằng có lẽ đây là một tham dự viên chương trình tĩnh tâm đến muộn.  Và quả thật là như vậy. Người đang bước vào bên trong khu vực sảnh của trung tâm với những bước chân vội vàng đến để tham dự tĩnh tâm. Đó là một cô gái người lương ngoài 20 tuổi, nhưng mình không biết cô  ấy. Cô ta tỏ ra gấp gáp vì đến muộn. Mình mời cô vào bên trong.

Cô gái mới bước vài bước thì bổng nhiên thốt lên “Thánh tâm, tượng Thánh tâm!” Mình nhìn lên tường thì không thấy có treo tượng Thánh tâm nào cả. Cô gái chỉ về bức tranh bán thân của Đức Mẹ đang treo trên tường và tỏ ra vô cùng phấn khích khi nhìn thấy Đức Mẹ. Cô gái thốt lên nhiều lời ca ngợi và chúc tụng mà bây giờ mình không còn nhớ đó là những câu nói gì.

Cô gái quỳ xuống trước hình ảnh Đức Mẹ và tiếp tục cầu nguyện, nhưng lại hướng mặt về bên trong căn nhà trong khi tượng Đức Mẹ thì ở phía sau. Mình chạy tới bảo cô gái hãy quay mặt lại nhìn Đức Mẹ để cầu nguyện và cô gái đã làm theo lời của mình.

Khi cô gái đang cầu nguyện thì mình đứng phía sau và nảy ra ý lấy điện thoại ra chụp vài tâm hình để ghi lại khoảnh khắc một cô gái lương dân thể hiện tấm lòng yêu mến với Đức Mẹ để chia sẻ với người khác. Thoạt đầu mình chụp hình từ phía sau cách cô gai chứng 5 mét, rồi dần dần tiến lại gần, chụp cận cảnh nét mặt cô gái khi ngước lên nhìn Đức Mẹ một cách sốt mến. Từ vị trí ở góc bên phải có thể thấy được ánh mắt của cô gái đang chăm chú nhìn lên Đức Mẹ và hoàn toàn bị thu hút đến nổi không còn biết gì xung quanh nữa. Lúc đó mình dường như chỉ quan sát cô gái và Đức Mẹ qua màn hình của chiếc điện thoại vì mình lia lịa bấm để ghi lại hình ảnh.

Trong lúc đang chụp hình và quan sát sự việc qua màn hình điện thoại thì bổng nhiên mình thấy trên mành hình hiện lên những tia chớp như tia chớp laser đang bắn ra về phía trước. Những tia chớp lấp lánh di chuyển không ngừng. Mình đưa điện thoại lên cao hơn, nhìn về phía Đức Mẹ thì nhận ra từ bức tranh của Đức Mẹ đang liên tục phát ra những tia sáng  dài khoảng 1 mét làm cho cả căn phòng tràn ngập những tia sáng hai màu xanh trắng.

Chứng kiến hiện tượng kỳ diệu này mình trở nên vô cùng phấn khích. Cả người mình run lên, tay mình không còn cầm máy điện thoại vững được nữa. Mình tiếp tục bấm trên điện thoại như để chụp hình, nhưng không biết có bấm đúng chỗ hay không. Mình nghĩ trong đầu đã chụp được hình rồi nên quay clip để ghi lại sự việc. Mình tìm nút để chuyển máy qua chế độ quay video nhưng trên màn hình không thấy có nút nào để bấm cho quay, mà chỉ có một chấm đỏ ở giữa màn hình. Mình hiểu được rằng Đức Mẹ không cho phép mình quay phim/chụp hình sự việc đang diễn ra. 

Một vài giấy phút sau, những tia sáng không còn phát ra nữa. Gian phòng trở lại hiu hắt như cũ. Lúc đó mình vẫn chưa hoàn hồn. Trong người có nhiều cảm xúc lẫn lộn—sợ hãi, vui mừng, phấn khích. Mình chạy vào bên trong phòng tĩnh tâm để nói cho những người bên trong biết chuyện gì đã xảy ra thì thấy chỉ còn một căn phòng trống và tối đen. Mọi người đã đi nghỉ. Mình chạy đến phòng ngủ của hai người, đánh thức họ dậy để báo, nhưng mình dường như không nói được câu gì. Lưỡi như bị đơ. Mình chỉ biết chỉ ra phía trước và cố gắng nói ra thành tiếng hai chữ “Đức Mẹ,” nhưng cũng không nói được.

Những giây phút cuối của giấc mơ là mình vùng vẫy để tìm cách nói thành lời những gì vừa xảy ra. Rồi mình dần dần tỉnh giấc, dần dần ý thức được rằng những gì vừa diễn ra không phải là sự thật mà là một giấc mơ thật kỳ diệu. Mình cảm thấy lạnh, và cảm giác “kinh hoàng” vẫn chưa tan biến. Đây là sự “kinh hoàng” theo nghĩa của từ mà các nhà tôn giáo học dùng khi diễn tả cảm giác của một con người đứng đối diện với một thần thánh. Đó là cảm giác của ông Job trong sách Cửu Ước khi ông chứng kiến một vị thần đi ngang qua trước mặt ông khiến ông kinh khủng sợ hãi, xương cốt run rẩy, và các lông tóc của ông bị xửng lên. Và đó cũng là cảm giác của những ngươi phụ nữ khi họ đứng trước ngôi mộ trống của Chúa Giê-su và sáng Chúa Nhật Phục Sinh. Khi chứng kiến sự hiện diện của Thiên Chúa một cách kỳ diệu, con người cảm thấy vừa sợ hãi vừa tôn kính, như có thể chết đi được. Đó là lý do tại sao trong sách Xuất Hành, Thiên Chúa đã phán với ông Mô-sen: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống” (33:20).

Mình đã trải qua những giây phút “kinh hoàng” đó trong một giấc mơ như chưa từng có trong đời. Tuy nhiên trong những giấy phút giữa thức giữa chiêm bao đó, mình lại có cảm giác chạnh lòng. Chạnh lòng vì mình “ghen” với cô gái lương dân trong giấc mơ. Đức Mẹ đã bày tỏ chính mình với cô gái ấy chứ không phải với mình. Chẳng qua mình chỉ là người may mắn được chứng kiến sự việc. Chính lòng đạo đức và sốt mến của cố gái trẻ đó đã khiến Đức Mẹ đáp trả bằng một dấu chỉ lạ thường. Còn mình chỉ là người đứng quay phim, chụp hình—mà ngay cả việc đó cũng không thành công vì máy của mình đã bị vô hiệu hóa trong lúc sự việc đang diễn ra.

Mình chạnh lòng nhưng cũng tự an ủi bản thân. Dù sao thì cô gái lương dân ấy đã được Đức Mẹ ban cho hồng ân lớn lao khi tới tham dự một chương trình tĩnh tâm mà mình tổ chức. Mình đã hướng dẫn cô gái ấy quay mặt nhìn Đức Mẹ. Vì thế nếu ai đó được điều gì tốt lành mà mình có đóng vai trò một cách gián tiếp thì cũng là một niềm vui và cũng là một hồng ân mà Chúa ban cho. 

Sáng sớm ngày Chúa Nhật, 17.2.2019

Chuyến đi Việt Nam trong những ngày cuối năm âm lịch



Tối hôm qua mình mới trở lại Thái Lan từ chuyến đi bảy ngày đến Việt Nam trong những ngày trước Tết—một chuyến đi vừa mang tính mục vụ vừa mang tính thư giãn. Lý do chính mình đi là để làm phép nhà cho một bạn trẻ lao động tại Thái Lan. Bình thường mình sẽ không sắp xếp công việc chỉ để về Việt Nam làm phép nhà và dự tiệc tân gia. Nhưng trong trường hợp của bạn trẻ này mình cảm thấy có lý do chính đáng để thực hiện chuyến đi về Hà Tĩnh là quê hương của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đang làm việc tại Thái Lan. Bạn trẻ mới xây nhà và mời mình làm phép tên N. là người mà chồng đã tử vong trong vụ tai nạn thảm khốc tháng 6, 2014 cùng với cha Giacobe và 11 bạn trẻ khác khi chiếc xe của họ tông vào xe tải và bốc cháy. Tai nạn xảy ra khi mọi người đang trên đường đi tỉnh Nong Bua Lamphu từ Bangkok để tham dự Hội trại giới trẻ Việt Nam tại Thái Lan do chính mình tổ chức.

Chồng của N. qua đời để lại một người vợ trẻ và con trai nhỏ. N. đã phải chống chọi với cuộc sống và nỗi cô đơn mất chồng khi tuổi đời còn quá trẻ. Những năm qua N. đã tiếp tục qua Thái Lan làm việc, dành dụm những đồng tiền kiếm được để lo cho đứa con trai. Với số tiền từ tay mình làm ra cộng với khoản tiền đã nhận được từ các nhà hảo tâm trong vụ tai nạn, N. đã xây được cho mình một căn nhà tương đối khang trang. Khi nghe tin đã xây được nhà mình đã đồng ý lời mời làm phép nhà để chúc mừng cũng như động viên tinh thần của N.

Trước khi đi Việt Nam để làm phép nhà cho N. mình cũng đã vận động nhóm Tin Yêu là một nhóm giới trẻ mà mình mới thành lập cách đây 4 tháng để làm từ thiện cho những người kém may mắn trong dịp Tết. Khi các bạn nhận được lời ngõ ý của mình thì mọi người đã tích cực đáp trả và đã đóng góp tùy theo khả năng để có những suất quà tặng cho người nghèo hầu mang lại niềm vui nho nhỏ cho họ trong những ngày đầu xuân. Thoạt đầu nhóm dự tính chỉ tặng 30 suất quà, nhưng sau khi triển khai sinh hoạt thì đã nhận được rất nhiều đóng góp nên số lượng suất quà đã gia tăng gấp 3 lần so với số ban đầu. Điều này phần nào nói lên tinh thần của các thành viên trong nhóm cũng như những người ngoài nhóm đã ủng hộ và đóng góp và sinh hoạt đầy nhân văn này. Trong một tuần lưu lại tại Việt Nam, mình và một số bạn trong nhóm Tin Yêu đã bỏ ra 3 ngày để đi tặng quà Tết cho người nghèo ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Mặc dầu món quà không phải là to lớn, nhưng tấm lòng yêu thương của các bạn thể hiện với những mảnh đời kém may mắn cũng đã mang lại niềm vui nho nhỏ cho họ trong những ngày cuối năm âm lịch.

Dĩ nhiên khi đã đến Việt Nam trong dịp Tết thì sẽ còn nhiều điều khác nữa như tham dự các tiệc cưới, những tiệc tất niên, hoặc chỉ là được mời đến thăm những gia đình quen biết. Vì thế nên từ khi mình bước chân xuống sân bay ở Hà Nội cho tới khi mình ra sân bay Tân Sơn Nhất để trở lại Thái Lan đã có một chuỗi dài những cuộc giao lưu, gặp gỡ và chia sẻ. Điều này diễn ra trong nhà, trong quán ăn, trong quán cà phê, tại nhà thờ, và ngay cả trên đường phố. Có những cuộc gặp gỡ vô cùng bất ngờ như khi mình đang di dạo buổi sáng trong khu vực Hồ Hoàn Kiếm thì có hai bạn nam tới chào mình. Một trong hai bạn nói: “Cha không biết con đâu, nhưng con biết cha.”

Sau chuyến đi đầy thú vị mình đã trở lại Thái Lan. Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Kỷ Hợi. Hôm nay mình đã trang hoàng trong nhà với những cây hoa mai, hoa cúc, nụ tầm xuân để chuẩn bi đón Tết. Ngày mai sẽ có một số bạn trẻ Việt Nam đến nhà cộng đoàn để gói bánh chưng. Chiều nay mình cũng đã đi mua nếp, thịt ba chỉ, đậu xanh….để phục vụ cho việc gói bánh. Từ ngày mai trở đi chắc chắn không khí trong nhà cộng đoàn sẽ khá nhộn nhịp. Mặc dầu là đón Tết ở Thái Lan, nhưng không vì thế mà không làm hết sức để tạo cho mình cũng như cho người khác niềm vui đầu năm.

Bangkok, ngày 2.2.2019 (28 tháng chạp)