Khi tôi quyết định khăn gói vào Dòng Truyền Giáo
Ngôi Lời sau khi tốt nghiệp đại học, sự lựa chon của tôi đã làm cho không ít người
bất ngờ. Mặc dầu lúc đó không ai nói gì trực tiếp với tôi, nhưng về sau tôi
nghe kể lại rằng, có người thắc mắc tại sao với khả năng và kiên thức của tôi
như thế mà phải dựa vào nhà dòng để có cơm ăn. Việc bỏ ra công sức học bốn năm tại một trong
những trường đại học nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ để rồi đi tu xem ra không hợp
lý. Ngay cả tôi cũng đã phân vân rất nhiều về sự lựa chọn của mình đến nỗi tôi
đã dấu không cho nhiều người bạn của tôi biết điều tôi đang làm cho đến sau khi
chịu chức linh mục rồi mới tiết lộ mọi thứ.
Tôi biết rất rõ tại sao tôi đi tu, cụ thể là gia
nhập dòng truyền giáo. Tôi cũng đã từng chia sẻ với nhiều người về ơn gọi của
tôi. Nhưng câu hỏi mà tôi phải trả lời trong ngày tĩnh tâm này là tại sao tôi lại
chọn Thái Lan để làm nơi phục vụ mà không phải là một đất nước khác xa xôi hơn
và nghèo khó hơn nữa? Đáng ra tôi phải chọn một nơi thật cực khổ như các nước ở
Châu Phi, nơi mà những người anh em của tôi phải thường xuyên đương đầu với căn
bệnh sốt rét và thiếu thốn về mọi mặt. Nơi tôi đang phục vụ không phải như thế.
Thái Lan là một đất nước tương đối phát triển và hiện đại. Ở đây dường như người
ta không thiếu bất cứ điều gì. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy mình khổ
cực hoặc vất vả, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất mà tôi đã từng
trãi qua. Những khó khăn mà tôi từng gặp
phải trên thực tế không phải là nhỏ. Nhưng thiết nghĩ tôi cũng không cần phải
bi kịch hóa những điều đó để cho người khác thán phục và công nhận những gì tôi
đã làm thực sự là những hy sinh.
Cho dù tôi có hy sinh như thế nào đi chăng nữa thì
tôi cũng chưa bao giờ thấy mình vất vả. Tôi xem những khó khăn trong đời sống
phục vụ đó là chuyện đương nhiên và cần thiết đối với một ơn gọi truyền giáo.
Điều tôi phải ý thức và thận trọng là đừng để cho mình quên rằng ơn gọi truyền
giáo gắn liền với phục vụ và hy sinh. Sự hy sinh tự nguyện là điều có giá trị
nhất vì nó không phải do hoàn cảnh bắt buộc mà vì đó là một sự lựa chọn xuất
phát từ tâm tính của chính mình. Chỉ có hy sinh một cách tự nguyện mới mang lại
cho mình sự bình an ngay trong lúc đang khó khăn và đau khổ.
Sau hơn tám năm trên đất Thái Lan, tôi nhận ra rằng
tôi không phải đã đến một đất nước nghèo khó về vật chất, mặc dầu Thái Lan thì
không thể nào so bì với nước Mỹ nơi tôi lớn lên và được đào tạo. Ngày trước khi
ơn gọi truyền giáo mới bắt đầu chớm nở trong tâm trí của tôi, tôi đã mơ về một
cuộc đời truyền giáo ở một xứ sở xa xôi, hẻo lánh. Tuy nhiên, thánh ý Chúa đã
đưa tôi đến đây để phục vụ.
Điều quan trọng là trong môi trường này tôi tìm ra
cho mình một đường hướng phục vụ vừa đúng với linh đạo của hội dòng đồng thời
phản ảnh những mong mỏi và thao thức trong tâm hồn của tôi. Tôi vốn có tính
không thích làm theo kiểu rập khuôn. Và tôi tin rằng mỗi người phải ý thức được
rằng mặc dầu mình chỉ là những phần tử nhỏ nhoi của một bức tranh ghép thật to
lớn và tuyệt diệu, nhưng từng mãnh ghép phải có hình hài và màu sắc riêng của
nó thì vị trí của nó trong toàn thể bức tranh mới đặc biệt và có ý nghĩa. Và thế
là tôi chỉ biết làm hết sức mình để cống hiến cái phần nhỏ bé của riêng tôi
trong sứ vụ cao cả và vĩ đại của Thiên Chúa. Tiếng gọi của Chúa đã hướng dẫn
tôi từ gia đình và trường học đi vào nhà dòng rồi đến đất nước Thái Lan để phục
vụ. Lý do ban đầu tại sao tôi chọn Thái Lan để làm nơi phục vụ giờ đây không mấy
quan trọng nữa. Điều quan trọng là tôi sẽ phải làm gì để cộng tác vào sứ vụ của
Chúa một cách hài hòa ngay trong bối cảnh hiện tại của mình. Có lẽ câu hỏi bổ
ích hơn mà tôi phải chất vấn chính mình không phải là “Tại sao tôi chọn Thái
Lan để phục vụ?” mà là “Tại sao Chúa sai tôi đến đây để phục vụ?” Ngài muốn tôi
làm gì ở xứ sở này? Và tôi sẽ phải làm gì để thực hiện thánh ý của Ngài?
Nong Bua Lamphu, ngày 8.4.2015