Làm hướng dẫn viên du lịch

Chuyến đi Việt Nam vừa qua nhanh như chong chóng. Tối thứ hai đến Sài Gòn, chiều thứ sáu trở về Thái Lan. Mình làm hướng dẫn viên du lịch cho một đoàn 10 linh mục Thái Lan. Các ngài nhờ mình đứng ra sắp xếp nơi ăn, nơi ở, nơi đi tham quan, và phương tiện đi lại. Mình chưa làm hướng dẫn viên du lịch bao giờ nên việc sắp xếp khá khó nhọc.

Cũng may là mình có người quen ở Việt Nam giúp tìm khách sạn cũng như những nhu cầu khác, không thì chuyến đi sẽ rất khó khăn. Trong chỉ 4 ngày ngắn ngủi, mình đưa các cha đi Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang. Các ngài thích nhất là Đà Lạt và luyến tiếc không được ở lại lâu hơn. Có người nói lần sau phải trở lại Đà Lạt. Dường như ai cũng thích uống cà phê Việt Nam và thích thú với cách thông thả mà người Việt ngồi trò chuyện bên tách cà phê.

Các ngài không thích những món nhậu, mà thích những món ăn cơm thuần túy như cá kho tộ, thịt rim, rau xào, canh chua v.v. Những bữa cơm với các món ăn như vậy các ngài đều tấm tắc khen ngon và ăn rất nhiều.

Các ngài lại thật ấn tượng với các nhà thờ Công giáo tại Việt Nam, đặc biệt là số lượng nhà thờ dọc con đường đi Sài Gòn – Đà Lạt. Ngày cuối cùng tại Sài Gòn, mình đưa các cha đến thăm nhà thờ Đức Bà rồi sau đó vào nhà sách Hòa Bình. Khi ra về, cha nào cũng mang theo những bao bị chứa đầy tranh ảnh, tràng hạt, và những đồ lưu niệm khác để về tặng con chiên.

Chuyến bay AirAsia đi trể, về cũng trể. Tới Bangkok thì đã 9h tối. Mình mệt nhừ vì công việc hướng dẫn viên của mình. Nhưng mình cũng thấy vui trong lòng vì đã có một chuyến đi thành công. Các cha tỏ ra rất vui với chuyến đi này. Một cha trong đoàn nói: “Coi chừng sau chuyến đi này, cha sẽ bận bịu vì có nhiều người đến nhờ cha làm hướng dẫn viên đó.”

Mình về đến Nong Bua Lamphu trên chuyến bay 6 giờ sáng ngày thứ bảy để kịp lo việc mục vụ giáo xứ hai ngày cuối tuần. Tối Chúa Nhật khi đi Udon Thani làm lễ tiếng Việt về thì biết rằng mình đã bị cảm. Cổ họng rát, mủi nghẹt thở không được, và trong người thì uể oải.

Chiều qua mình chạy xe đến tiệm thuốc của cô Giúng, một giáo dân trong xứ, để mua thuốc cảm. Cô cho 5 loại thuốc uống một lúc. Thuốc uống rất hiệu quả, sau chỉ một liều thì thấy đã đỡ hơn rất nhiều. Chỉ tội không biết thuốc gì mà uống vào là buồn ngủ đến nổi không mở mắt ra được. Chiều qua khi uống xong, mình vào phòng ngủ cho đến gần 10 giờ tối. Thức dậy ra bếp kiếm đồ ăn để uống thêm một liều nữa. Uống xong thì lại vào ngủ tiế cho đến sáng.

Sáng nay mình không dám uống thuốc vì sợ phải đi ngủ. Đợi trưa mới uống. Cũng may mình không có uống vì khoảng 9h30 sáng thì thầy Ron gọi điện thoại đến nói là thầy sẽ đến đón mình đi tới trường trung học của tỉnh để trao đổi với thầy trưởng khoa Anh văn về việc dạy thêm ở trong trường.

Thầy trưởng khoa tên Saiyon muốn mình dạy một tuần khoảng 2-4 tiếng cho học sinh lớp 10 và 11. Mình cũng đồng ý và nói mình có thể dạy vào hai chiều thứ 5 và thứ 6. Thầy hỏi mình sáng nay có muốn dạy thử không. Mình nói được. 10h30 thầy đưa mình lên phòng học. Hóa ra một số học sinh của thầy cũng đang học với mình vào hai ngày cuối tuần ở nhà thờ.

Tụi nó thấy mình đến dạy thì rất bất ngờ. Sau lớp, nó nán lại hỏi: - Ủa, sao cha lại đến đây dạy bọn em?

- Thì thầy trưởng khoa mời cha đến dạy nên cha đến. – Mình trả lời.

Thầy Saiyon hỏi tụi nó: - Các em có muốn thầy này dạy cho các em không?

Tụi nó đáp: - Dạ muốn.

Vậy là bắt đầu tuần này, mình lại có thêm một công việc nữa. Công việc càng lúc càng nhiều và đa dạng hơn. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là không biết mình sẽ còn ở NBL được bao lâu? Giờ nay cha Trực đã học xong tiếng Thái, đã dọn đến Nong Bua Lamphu, và tháng tới sẽ đi thực tập vài tháng. Sau đó, ngài sẽ trở lại NBL để làm cha quản xứ. Khi đó mình còn được ở đây hay không? Hay là phải đi đến một xứ khác? Trong đầu mình e ngại
rằng mình khởi xướng công việc nhưng rồi phải bỏ dỡ vì hoàn cảnh thay đổi.

Mặc dầu trong công việc mục vụ còn nhiều điều không chắc chắn, nhưng mình nghĩ rằng hãy cứ làm. Đến tới đâu thì hay tới đó. Có lẽ Thiên Chúa sẽ an bài mọi sự và sẽ giúp cho mình tìm ra con đường mà mình cần bước tới.

Nong Bua Lamphu, ngày 29.7.2008

No comments: