Tuần trước mình đi Ấn Độ để tham dự một chương trình hội thảo
của Trung tâm nghiên cứu Á châu về tôn giáo và truyền thông xã hội. Mình tham dự
trong vai trò thành viên ban tổ chức cũng như một trong những chuyên gia thuyết
trình trong chương trình với chủ đề “Tôn giáo tại Á châu trong thời kỳ kỹ thuật
số”.
Đây là lần thứ hai mình đến Án độ. Để đến nơi tổ chức hội thảo
ở bang Odissa, mình phải trải qua hai chuyến bay từ Bangkok đến Calcutta, rồi từ
Calcutta đến Bhubaneshwar. Nơi tổ chức là trường đại học Centurion.
Một tuần lưu lại đây, ngoài việc tham dự hội thảo, thuyết
trình và thảo luận thì mình còn có một vài cơ hội để đi tham quan như đến Ngôi
đền thờ Mặt trời được xây từ thế kỷ thứ 12. Ngôi đền thờ Ấn độ giáo này là di
tích lịch sử vì nó không còn hoạt động nữa. Mình cũng có dịp đến thăm viện bảo
tàng dân tộc, mà dân tộc ở đây là dân tộc thiểu số tại Ấn độ. Ấn độ có rất nhiều
dân tộc với nhiều văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau. Ngay cả trong Ấn độ
giáo thì cũng không có sự đồng nhất về niềm tin hay truyền thống. Ấn độ giáo có
tới 330 triệu thần thánh khác nhau. Có người chỉ thờ một hoặc một số thần thánh
mà họ ưa thích. Nhưng có người thờ luôn cả 330 triệu vị thần. Vì sự đa dạng
trong Ấn độ giáo quá lớn nên không thể nói bất cứ điều gì về tôn giáo này mà có
thể áp dụng cho mọi người ở mọi nơi.
Khi nói về Ấn độ, ngoài văn hóa và tôn giáo ra thì còn có một
đặc điểm mà có lẽ ai cũng biết đó là cà-ri. Như tôn giáo, cà-ri ở Ấn độ cũng đa
dạng không kém. Mỗi vùng miền đều có những loại cà-ri đặc thù của họ do mỗi nơi
dùng nguyên liệu và công thức phá chế khác nhau. Giáo sư Chandra nói với mình rằng,
cà-ri chẳng qua là một hổn hợp các loại gia vị pha trộn với nhau. Tuy nhiên, đối
với người Ấn độ để tạo nên những hổn hợp đó phải theo những công thức cụ thể
cũng như sử dụng nguyên liệu khác nhau tùy theo vùng miền.
Người Ấn độ dường như ăn cà-ri hằng ngày, không chỉ hằng
ngày mà còn dường như mỗi bữa ăn đều có cà-ri. Có khi cà-ri rau, có khi cà-ri cá, có khi
cà-ri gà. Chỉ duy nhất cà-ri bò thì không thấy vì người Ấn độ giáo xem con bò
là một loài vật linh thiêng nên không làm thịt nó. Ở ngoài đường tại Ấn độ, mặc
dầu đường xá đã rất chật chội vì dân số đông cộng thêm nhiều phương tiện giáo
thông, người ta còn thấy có rất nhiều con bò đi trên đường, hoặc nằm trước nhà
người dân hay các quán xá.
Một tuần ăn cà-ri tại Ấn độ mình có cảm giác như món nào
cũng na ná giống nhau, cả hình thức lẫn mùi vị. Mặc dầu mình đã làm quen với thức
ăn Ấn độ từ lầu và thích ăn những món cà-ri, nhưng sau một tuần được cho ăn chủ
yếu những món cà-ri khác nhau nên mình đã bắt đầu cảm thấy ngán ngẩm. Ở Thái
Lan mình thường ăn những món tươi sống như rau, củ, quả. Tuy nhiên ở Ấn độ một
tuần mà không thấy người ta dọn bất cứ loại trái cây nào. Mình và thầy
Chainarong, hiệu trưởng trường ĐH St. John’s tại Bangkok nói với nhau rằng: khi
trở lại Thái Lan nhất định là phải thực hiện một quá trình giải độc bằng cách
tránh những món thịt và ăn nhiều rau củ quả.
Người Ấn độ không chỉ có thức ăn đặc trưng, thức ăn mà họ chủ yếu ăn
bằng tay, giờ giấc ăn uống cũng rất khác người Việt. Tại Ấn độ, có thể đến 9 giờ
họ mới ăn sáng, và 14g mới ăn trưa. Vì thế bữa ăn tối cũng rất muộn. Có ngày
mình phải đợi tới gần 9g tối mới được ăn. Ăn xong là chuẩn bị đi ngủ luôn. Để
thích nghi với thói quen của người Ấn độ không phải dễ dàng nếu đã quen với lối
sống của người Việt là thức dậy sớm, dùng bữa sớm, và đi làm việc sớm.
Mình suy nghĩ như thế nào về phong tục tập quán của người Ấn độ thì
cũng phải nhận thức rằng mỗi nền văn hóa có những tính chất khác nhau. Người Ấn
độ hiện nay chiếm khoảng 1/7 dân số toàn cầu. Người ta ước lượng vài chục năm nữa
thì dân số Án độ sẽ vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia có đông dân nhất thế
giới. Nền văn hóa và lịch sử thế giới cũng đã chịu ảnh hưởng không ít từ đất nước
này vì hai trong các tôn giáo lớn trên thế giới, Ấn độ giáo và Phật giáo bắt
nguồn từ vùng đất này. Mặc dầu đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, nhưng người
Ấn độ vẫn có một lối sống rất truyền thống, đậm chất văn hóa, lịch sử và con
người Ấn. Chính vì thế mà đa số phụ nữ Ấn độ, đặc biệt ở vùng ngoại ô và thôn
quê vẫn ăn mặc theo kiểu truyền thống cho dù là ở nhà hay đi ra ngoài. Đến với Ấn
độ là một trải nghiệm đầy ấn tượng. Cho dù tích cực hay tiêu cực thì ít ai đến
với đất nước và con người ở đây mà không có những cảm nhận nhất định về những
gì họ đã nghe, đã thấy, và đã trải qua.
Bangkok, ngày 16.2.2017
No comments:
Post a Comment