Chuyện ngày lễ Giáng Sinh: chuyện vui chuyện buồn




Cách đây vài tháng anh Anh, nhóm trưởng của nhóm Praram III tới nói với tôi: - Thưa cha, con muốn lễ Giáng Sinh năm nay tổ chức tại nhà thờ của nhóm. Cha nghĩ sao?

Tôi trả lời: - Nếu cha linh hướng Hiệp hội đồng ý thì mình cũng tán thành thôi. Những thánh lễ lớn thời gian qua tổ chức ở nhà thờ thánh Phê-rô cũng nhiều rồi. Có lẽ bây giờ đổi địa điểm một lần cũng tốt.

Sau khi quý cha đưa ra quyết định sẽ tổ chức lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2016 tại nhà thờ thánh Giuse, nhóm Praram III, ban lãnh đạo của nhóm đã lên trình với cha xứ là cha Suphasin để xin phép tổ chức lễ cũng như xây dựng hang đá trước nhà thờ theo kiểu của người Việt Nam. Cha Suphasin đã đồng ý và tận tình hỗ trợ trong việc tổ chức lễ. Mặc dầu nhóm làm việc có ít người và ngân quỹ nhóm cũng rất hạn hẹp, nhưng cuối cùng họ đã hoàn tất được hang đá như mong muốn. Cha xứ và giáo dân người Thái cũng trầm trồ khen người Việt Nam khéo tay và làm hang đá nhìn rất tự nhiên. Cha Suphasin đầu tư cho nguyên một bộ tượng ảnh gần 30.000 baht để bỏ trong hang đá và nói rằng, bộ tượng này chỉ dành cho nhóm Việt Nam để dùng mỗi dịp lễ Giáng Sinh.

Ngày lễ Giáng Sinh với nhiều niềm vui và hân hoan cuối cùng cũng đã đến. Sáng Chúa Nhật, ngày 25, các cha và các bạn trẻ tìm đến nhà thờ thánh Giuse. Mới đầu nhìn người tham dự có vẻ thưa thớt. Khi chương trình diễn nguyện bắt đầu lúc 12g30 thì giáo dân chỉ có 1/3 nhà thờ. Nhưng càng về sau thì số người càng đông hơn. Người xếp hàng xưng tội cũng rất nhiều mà số linh mục có mặt để giải tội thì ít.

Đến giờ thánh lễ bắt đầu lúc 14g00 thì cả nhà thờ đã chật kín người và hai bên hông nhà thờ cũng không còn chỗ ngồi. Ban tổ chức ước lượng số bạn trẻ đến tham dự Thánh lễ lên đến 1.300 người. Thánh lễ diễn ra thật long trọng và sốt sắng. Từ lời dẫn lễ cho đến những lời nguyện, bài giảng, bài phát biểu của các cha và đại diện các bạn trẻ đều sâu sắc, đầy ý nghĩa và thấm đậm tinh thần của ngày lễ mừng Ngôi hai Thiên Chúa giáng trần. Ca đoàn trong Thánh lễ toàn là những người lao động đầu tắt mặt tối, chẳng có bao nhiêu thì giờ để tập tành, thế mà họ hát thật hay và thánh thót du dương. Trong Thánh lễ, do được nhắc nhở từ đầu nên không có những người có những cử chỉ thiếu trang nghiêm như chụp hình, quay phim, hoặc đi ra đi vào giữa thánh lễ. Đặc biệt đến giờ rước lễ thì số người lên rước Mình Thánh Chúa rất đông, và dường như không có trường hợp những người không rước lễ ra ngoài nhà thờ đứng trò chuyện hoặc hút thuốc một cách bất kính.

Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh kết thúc với nghi thứ hôn chân Chúa Hài Đồng. Sau đó, mọi  người ra trước nhà thờ để chụp hình lưu niệm, dùng thức ăn nhẹ, và gặp gỡ trò chuyện với nhau một cách thân tình. Niềm vui Giáng Sinh đang dâng tràn với nhiều cái bắt tay, những cái ôm, những câu chào thăm hỏi thì bổng nhiên từ phía nhà vệ sinh nam có một vụ xô xát và đánh nhau xảy ra. Số người tham gia cuộc đập lộn lên tới 5-6 người, cả nam lẫn nữ.

Khi có người đến nói cho tôi hay thì việc đập nhau đã chấm dứt. Một vài người tham gia đã ra khỏi nhà thờ. Người còn lại thì đang chảy máu vị bị những quả đấm vào mặt. Tôi hỏi chuyện thì biết lý do đánh nhà là do mâu thuẩn xảy ra cách đây đã hai năm. Nhưng giờ gặp nhau ở nhà thờ, gặp nhau sau Thánh lễ Giáng Sinh, một bên vẫn chưa hết bực tức nên đã giải quyết bằng bạo lực ngay tại chỗ.

Cha xứ người Thái, nhân viên nhà thờ, giáo dân người Việt đã chứng kiến toàn bộ sự ẩu đả xảy ra ngay bên ngoài nhà thờ. Mọi người đều không thể tin nổi có thể có sự việc như thế xảy ra ngay sau thánh lễ.

Nhân viên bảo vệ nhà thờ nói, “Tại sao người Việt có thể đập nhau trong ngày mừng lễ Chúa sinh ra?”

Cha Suphasin nói, “Tổ chức lễ có đông người Việt là sợ có đập nhau như thế này.”

Người trong cuộc là người khởi chiến trước thì nói: “Cha phải thông cảm cho con vì con tức quá.”  

Còn anh Anh, trưởng nhóm Praram 3 thì nói một cách buồn bả: “Thánh lễ vừa mới xong một cách tốt đẹp, chưa kịp mừng thì đã có chuyện. Không biết từ này trở đi cha xứ và giáo dân người Thái sẽ nhìn nhóm người Việt ở đây như thế nào?”  

Thế là tất cả công sức của các cha, sự đóng góp của các nhóm bạn trẻ, sự hy sinh vất vả của nhóm Praram 3 để có một ngày lễ Giáng Sinh long trọng, vui tươi, thánh ân cho mọi người bổng đã bị đổ vở chỉ vì ai đó không thể kiềm chế nổi cảm xúc của mình. Họ không hề nghĩ rằng cái nhu cầu ích kỷ cá nhân của họ sẽ gây tổn thương gì đến cho những người đã lao nhọc để tổ chức Thánh lễ, hay sẽ để lại tai tiếng gì cho Hiệp hội Công giáo Việt Nam tại Thái Lan khi phải đối phó với những trách móc và chỉ trích đến từ các linh mục và giáo dân bản xứ.

Đến bay giờ mình đang chờ những người trong cuộc đến để nói lời xin lỗi đối với các cha, đặc biệt là cha xứ Thái Lan. Có người hứa sau Tết dương lịch sẽ lên, có người liên lạc những không thấy trả lời. Mình sẽ chờ xem họ có ý thức về những việc họ làm và có động thái nào để chịu trách nhiệm cho hành động của mình hay không? Một điều tôi chắc chắn là hậu quả của vụ đánh lộn này sẽ còn tồn tại rất dài trong trí nhớ của các linh mục và giáo dân Thái Lan. Không chỉ ở nhà thờ này mà khắp giáo phận Bangkok và các giáo phận lân cận người ta sẽ biết về chuyện này. Và 10 năm sau họ sẽ vẫn còn nhớ và đem ra mổ xẻ khi nhận định về đạo đức của người Việt Nam.

Bangkok, ngày 30.12.2016

Giáng Sinh thứ 10 trên đất Thái




Thế là đã 10 mùa Giáng Sinh trên đất Thái chia đều ở hai nơi, 5 mùa ở Bangkok và 5 mùa ở tỉnh Nong Bua Lamphu, vùng đông bắc Thái Lan. Giáng Sinh ở Thái Lan vốn đã không nhộn nhịp như những nơi khác trên thế giới năm này lại có phần trầm lắng hơn vì người Thái đang trong thời gian để tang vương quốc vừa mới băng hà cách đây hơn hai tháng, nên việc trang hoàng các đường phố và trung tâm mua sắm rực rở như mọi năm thì năm này đã giảm bớt rất nhiều. Có nhiều nơi bình thường người ta bắt đầu trang hoàng từ tháng 11 năm này chẳng có một tí không khi Giáng Sinh nào hết. Thậm chí các nhà thờ Công giáo cũng đồng lòng là sẽ hạn chế những sinh hoạt nhộn nhịp trong khuân viên nhà thờ trong đêm Giáng Sinh để giữ tinh thần tưởng nhớ vị vua chung trên toàn đất nước. Bình thường ở Thái Lan trong đêm Giáng Sinh thì đi ra đường không mấy có không khí ngày lễ nhưng ít nhất khi đến nhà thờ thì sẽ thấy có hang đá và những sinh hoạt vui nhộn để mừng Chúa xuống thế. Nhưng năm nay các nhà thờ hầu hết chỉ tổ chức Thánh lễ hoặc có thêm phần hoạt cảnh Giáng Sinh, nhưng sẽ không có tổ chức những sinh hoạt mang tính lễ hội.

Cảnh vật bên ngoài là thế, nhưng điều đó không có nghĩa mình không thể tạo cho mình niềm vui Giáng Sinh riêng như tổ chức liên hoan với những người thân quen, trang trí không gian trong nhà để có không khí của ngày lễ. Vì thế  mình vẫn có cây thông, vẫn treo những ngồi sao Giáng sinh trước nhà, và mở những bài thánh ca Giáng Sinh để lắng nghe và hòa mình vào tinh thần của mùa hồng ân. Niềm vui Giáng Sinh bắt nguồn từ chính trong tâm hồn của từng người nên mình luôn cảm nhận được niềm vui cho dù là Giáng Sinh giá rét đầy tuyết ở bắc Mỹ, Giáng Sinh nhộn nhịp ở Sài Gòn, Giáng Sinh nóng bức ở Úc châu, hay là Giáng Sinh trầm lắng ở Thái Lan. Đó là những nơi mình đã đón Giáng Sinh và chưa bao giờ có một Giáng Sinh buồn. Không có Giáng Sinh buồn vì bên cạnh mình luôn có gia đình hoặc những người thân thương, bạn hữu khiến cho ngày lễ luôn ấm áp tình người và thấm đậm tình Chúa.

Giáng Sinh là một dịp nhắc nhở mình rằng khi ta cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa nhau thì lòng của mình luôn tràn ngập bình an và yêu thương, yêu thương dành cho Chúa và cho nhân loại. Mỗi Giáng sinh giúp cho ta nhận ra sự khác biệt giữa một cuộc sống không cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và một cuộc sống có Chúa rất gần gũi với chúng ta—một Thiên Chúa hiền lành như một em bé mà ta có thể bồng bế trong tay, một Thiên Chúa khiêm nhường như một hài nhi sinh ra trong hang lừa máng cỏ đơn sơ nghèo hèn, một Thiên Chúa cảm thông đến nỗi sẵn sàng mang thân phận con người để cùng đồng hành với chúng ta trong những nỗi vui buồn của cuộc sống. Dịp lễ Giáng Sinh nhắc nhở cho mỗi người giữa hai sự lựa chọn – chọn có Chúa hoặc chọn không có Chúa trong cuộc sống. Cụ thể hơn, đó là chọn giữa sự bình an hay sự bon chen trong cách sống, chọn giữa sự tử tế hay sự lừa đảo, mưu kế trong cách đối nhân sử thế, và chọn giữa một tấm lòng biết cảm thông, chia sẻ hay một tấm lòng ích kỷ, hẹp hòi trước những nỗi đau của người khác. Vì thế Giáng Sinh không phải là một ngày lễ hội để vui chơi thỏa thuê mà là một cơ hội để cho mọi người xác định lại với bản thân thái độ và cách sống của chính mình sẽ như thế nào không chỉ trong dịp lễ mà trong mỗi ngày của cuộc sống.

Bangkok, ngày 24.12.2016