Đổi thay





Ngày cuối cùng trong căn hộ 521 trong tòa nhà ở hẻm số 3, đường Ratchadaphisek của thủ đô Bangkok. Nằm trên cái nệm trần, kê đầu trên chiếc gối đã được bọc trong bao nylon mà trong lòng không khỏi cảm thấy một chút bâng khuâng. Hôm nay là ngày trả nhà. Hợp đồng thuê nhà đã kết thúc đúng vào ngày cuối cùng của tháng giêng dương lịch, cũng trùng hợp với ngày mình chính thức lên đường để đi ăn Tết tại Việt Nam rồi sau đó về Hoa Kỳ thăm gia đình theo quy luật 3 năm một lần của hội dòng. Lần cuối cùng mình về thăm bố mẹ và các anh chị cũng đã cách đây ba năm rồi. Lần đó mình về trùng vào dịp Tết nguyên đán nên được thưởng thức không khí Tết với những người thân yêu, cho dù đó là cái Tết ở trên đất khách quê người chứ không phải là cái Tết trên mảnh đất quê hương nơi mình sinh ra và đã trải qua những năm tháng tuổi thơ. Năm nay mình được đón Xuân tại Việt Nam, với những gia đình và con người mà mình đã trở nên thân quen trong cuộc hành trình truyền giáo suốt thời gian qua.

Cái Tết ở miền trung và miền bắc năm nay có lẽ rét hơn năm ngoái. Tuần qua, thời tiết băng giá, ở một số nơi tại Việt Nam còn có tuyết rơi. Ở Hà Nội học sinh được phép nghỉ học vì nhiệt độ xuống quá thấp. Lại còn có tin nhiều con trâu con bò chịu không nỗi cái lạnh nên đã lăn ra chết. Thế là bất đắc dĩ mà nhiều gia đình lại có thêm thịt ăn Tết. Mà có lẽ mình có duyên với những cái Tết băng giá rét buốt của miền bắc. Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất mình được ăn Tết ở Hà Tĩnh vào năm 2008 thì cũng là năm có thời tiết rét lạ thường. Năm đó báo đưa tin có một bé trai bố mẹ chở ngồi trên xe máy mà chết rét hồi nào không biết. Năm đó trâu bò cũng chết. Có gia đình nọ ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh trâu bị chết nên làm thịt trâu đải khách. Đó là lần đầu tiên trong đời mình được thưởng thức món thịt trâu. Gia đình đó cũng có nuôi dê. Họ thấy trâu là con vật mà người ta hay dùng để so sánh những người khỏe mạnh lăn đùng ra chết nên họ phòng ngừa dê chết bằng cách mặc áo ấm cho nó. Ở nước ngoài những người nuôi chó mèo cũng hay mặc áo cho chúng bởi vì là những con vật được nuông chiều như những thành viên trong nhà. Nhưng trường hợp những con dê này được mặc áo chẳng qua là để tránh mất mát cho kinh tế gia đình. Dù với lý do nào đi chăng nữa thì những con thú tội nghiệp cũng cần phải được chăm sóc để sống xót qua những tháng mùa đông khắc nghiệt.

Trở lại cái nệm trần trong căn hộ thì có lẽ nó cũng là biểu tượng cho nhiều thay đổi trong cuộc sống của mình trong năm qua cũng như năm mới sắp đến. Năm 2015 mình đã hoàn tất công việc học tập để lấy cho mình cái bằng tiến sĩ. Mặc dầu bằng cấp đã có trong tay, nhưng trong lòng không cảm thấy mấy ổn vì mình đã nhận ra một điều là hình như những người có bằng cấp thường hay bị đề cao quá đáng. Có cái bằng chưa hẳn là hiểu biết nhiều, và nếu thành thật với chính mình thì phải thừa nhận là biết rất ít, đặc biệt so với tất cả những gì mình còn phải học hỏi và tìm hiểu thêm. Nhưng dù sao đi nữa thì cũng có được cái bằng để đem đi “hù dọa” người khác. Mà cũng cần phải có cái bằng thì mới được làm một số việc trong cuộc sống. Nhiều người hỏi rằng, “Cha tốt nghiệp rồi thì bây giờ phải làm gì?” Họ cứ nghĩ rằng tốt nghiệp rồi thì việc học hành đã chấm dứt. Sự thật hoàn toàn ngược lại. Có được cái bằng mới chỉ là điểm khởi đầu. Tiếp theo là cả một quá trình phải tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, suy tư để xây dựng thêm kiến thức cho chính mình, để có khả năng san sẻ kiến thức đó cho người khác, đặc biệt là những người trẻ là những lãnh đạo của gia đình, xã hội và giáo hội trong tương lai.

Năm mới, năm Bính Thân sẽ là chặng đường mới này với những gia nan thử thách và những phiêu lưu của một nhà truyền giáo và “cái gọi là” nhà tri thức. Mỗi lần chuyển nhà, chuyển chỗ ở là một cơ hội để nhìn lại những gì mình đang có, để thu xếp đồ đạc cho trật tự và để loại đi những thứ không cần thiết hầu giúp cho mọi thứ ngăn nắp và gọn gàng hơn. Để có một khởi hành tốt đẹp thì sự chuẩn bị phải chu đáo. Nhìn quanh gian phòng trống với những chiếc vali chất chứa đồ đạc đã được thu xếp gọn gàng đặt ở trong một góc nhà, có lẽ điều này cũng nói lên rằng một năm cũ đã kết thúc tốt đẹp và giờ đây hãy hân hoàn để chào đón một năm mới đang tiến về.

Bangkok, Ngày 31.1.2016

Tinh thần phục vụ của các bạn trẻ lao động di dân


Ban điều hành nhóm Bangbon tại Bangkok, nhiệm kỳ 2016


Ở trong mỗi giáo xứ Công giáo, ngoài vị cha xứ thì một trong những thành phần quan trọng nhất của cộng đoàn là ban hành giáo với những chức vụ khác nhau. Những thành viên trong ban hành giáo là những người làm việc đắc lực để cộng tác với vị linh mục quản xứ chăm sóc cho đoàn chiên về mặt tâm linh và còn nhiều vấn đề khác nữa trong đời sống của cộng đoàn. Tại Thái Lan không có những cộng đoàn Công giáo người Việt với hàng trăm hàng ngìn giáo dân như ở quê nhà. Tuy nhiên, cho dù chỉ là những nhóm nhỏ bao gồm vài chục người hay vài trăm người thì việc phải có một ban lãnh đạo để cộng tác với vị chủ chiên để phục vụ nhóm cũng không kém phần quan trọng.

Những ai đã xuất thân từ những giáo xứ Công giáo tại quê nhà hẳn thấy rằng vai trò của ban hành giáo trong cộng đoàn vô cùng thiết yếu. Và việc được làm ban hành giáo không chỉ là một trọng trách mà còn là một vinh dự về mặt tâm linh và nhiều khi là một vinh dự mang tính xã hội đối với những người được tuyển chọn vào vài trò lãnh đạo. Vì thế có nhiều cá nhân không chỉ sẵn sàng mà còn rất ao ước được phục vụ trong ban hành giáo của giáo xứ. Chính vì có sự nhiệt huyết đó mà phần nào giúp cho nhiều giáo xứ tại Việt Nam được lớn mạnh với nhiều sinh hoạt sống động, đồng thời giúp cho gánh nặng của cha xứ giảm đi phần nào.

Đối với cái nhìn và thái độ về vai trò của ban hành giáo tại quê nhà là thế. Nhưng trên đất khách quê người khi những người Công giáo trẻ tuổi đang phải bươn chãi để mưu sinh kiếm sống với những công việc tay chân đòi hỏi họ phải ngồi hàng chục giờ đồng hồ ở máy may để may áo quần hoặc phục vụ ở các nhà hàng quán ăn thì việc phục vụ trong nhóm Công giáo không phải là một điều mà có nhiều người quan tâm hoặc ao ước muốn tham gia. Đó là vì khi tham gia trong ban lãnh đạo, họ không chỉ phải sắp xếp công việc mà còn phải hy sinh thời giờ, công sức, giấc ngủ, và nhiều khi cả tiền bạc để thi hành vai trò của mình trong ban lãnh đạo. Đó là những hy sinh không phải nhỏ đối với những người lao động di dân rời khỏi quê hương với mục đích chính yếu là kiếm tiền để xây dựng cuộc sống gia đình và bản thân. Vì thế ở Thái Lan, việc phục vụ trong ban lãnh đạo của khoảng 20 nhóm Công giáo Việt Nam ở các tỉnh thành khác nhau từ thủ đô Bangkok cho tới tỉnh Khon Kaen ở vùng đông bắc, đối với các bạn trẻ Việt Nam là một sự hy sinh đích thực, chứ không mấy liên quan đến chức vị hay danh tiếng.

Đối với hầu hết nếu cho họ lựa chọn thì họ dường như chỉ muốn làm một thành viên nhóm như bao nhiêu người khác. Nhưng vì sự soi sáng của Thiên Chúa, sự khuyến khích của quý cha, sự nâng đỡ của người khác, và nhiều khi chỉ vì sự can đảm và tinh thần hy sinh của bản thân mà họ sẵn sàng đảm nhận những vai trò trong các ban lãnh đạo nhóm. Mặc dầu phải hy sinh và nhiều khi còn bị thiệt thòi về vật chất, nhưng họ đã trở nên những chứng tá tốt lành cho Chúa, dám khẳng định với những người xung quanh rằng cuộc sống không chỉ là của cải và vật chất mà còn có nhiều giá trị tâm linh khác nữa. Cho dù vấn đề cơm áo gạo tiền vẫn là những thứ làm cho ta phải ưu tư lo lắng và phấn đấu mỗi ngày, nhưng không vì thế mà quên Chúa, lơ là với bổn phận sống đạo và giữ đạo, hay đánh mất linh hồn giữa cơn bão ham muốn vật chất và dục vọng đang tấn công dữ dội vào đời sống của người trẻ trong xã hội ngày nay.   

Trong những tuần qua nhiều nhóm giới trẻ Công giáo Việt Nam tại Thái Land đang bầu cử ban điều hành mới cho nhiệm kỳ 2016. Không phải dễ dàng để họ có thể đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa và cộng đoàn. Nhiều người đã từ chối vì lý do này hay lý do khác. Nhưng cuối cùng thì mỗi nhóm vẫn có ban điều hành của mình, bao gồm những con người rất bình thường, những lao động di dân làm việc tay chân, bất toàn về tri thức và ngay cả đạo đức. Nhưng họ đã dám đáp trả tình yêu của Chúa và sự tính nhiệm của cộng đoàn bằng tinh thần dấn thân phục vụ. Qua sự cố gắng của họ, quý linh mục tu sĩ đang phục vụ tại Thái Lan sẽ có thêm những cộng tác viên đắc lực. Những bạn trẻ Công giáo Việt Nam tại Thái Lan sẽ có thêm những tấm gương thực tế đến từ những người đồng lứa. Và những người Công giáo Thái Lan sẽ hiểu thêm về tính chất của người Công giáo Việt Nam, đặc biệt là người Công giáo trẻ, qua tinh thần và hành động của họ.

Bangkok, ngày 10.1.2016