Hoàn cảnh làm nên nhà truyền giáo


Từ ngày bước tới mảnh đất truyền giáo Thái Lan này, tôi dường như mang một căn tính mới, không phải do lựa chọn nhưng do “hoàn cảnh”. Mặc dầu tôi lớn lên và được giáo dục tại Mỹ, có lối suy nghĩ và phương thức làm việc khá “tây”, nhưng ở Thái Lan này, nhìn khuôn mặt và vóc dáng như tôi thì khó có thể thuyết phục người ta rằng tôi là “Mỹ”. Khi tôi được giới thiệu ở bất cứ nơi nào, tôi luôn là người Việt. Nếu người giới thiệu tỉ mỉ hơn thì họ sẽ nói thêm rằng tôi lớn lên và sinh sống tại Mỹ. Còn không thì tôi chỉ là người Việt. Có khí tôi cũng giải thích cặn kẻ hơn, nhưng có khi tôi cũng không hứng thú với việc trình bày chi tiết về lý lịch cá nhân của mình. Và cứ thế tôi là người Việt, hoặc là người Việt ở Mỹ.

Hóa ra điều này đã khiến cho đời sống của tôi trở nên đa dạng hơn những gì tôi từng hình dung trước đây. Tôi nhận được nhiều lời mời dạy các khóa tiếng Anh cho đủ thành phần từ học sinh tiểu học, trung học, đại học, các nhà giáo dục, bác sĩ, y tá, công nhân viên nhà nước, thậm chí tù nhân, vì tôi là người đến từ Mỹ và nói tiếng Anh lưu loát. Điều này thì thực sự không bất ngờ với tôi vì trước khi đến Thái Lan, tôi đã từng nghĩ rằng mình sẽ xử dụng khả năng tiếng Anh của mình để phục vụ và dùng nó như một phương tiện truyền giáo.


Nhưng điều bất ngờ đến với tôi, đó là tôi đã trở nên một người Việt một cách vượt ngoài sự mong đợi. Đỉnh điểm của việc trở nên người Việt là gần đây tôi được mời dạy một khóa tiếng Việt cho sinh viên đại học tại tỉnh Khon Kaen, cho dù theo nhận định của một người bạn của tôi, tôi phát âm tiếng Việt dấu “hỏi” và dấu “ngã” không thể phân biệt được. Tuần trước, tôi lại được mời thuyết trình về hệ thống giáo dục tại Việt Nam trong một loạt các chương trình hội thảo dành cho các hiệu trưởng trường học phổ thông tại tỉnh Nong Bua Lamphu. Và tuần này, tôi lại được mời để chia sẻ về công việc đối thoại liên tôn tại Việt Nam trong một chương trình hội thảo quốc tế 3 ngày tại Bangkok với đề tài “Tôn giáo và quá trình xây dựng hòa bình trong khối ASEAN”. Khi được mời cho những việc này, tôi luôn trình bày về lý lịch của mình để họ hiểu rõ, nhưng vì lý do này nọ họ không thể tìm ra những “chuyên gia” thực thụ, nên đành phải nhờ tôi. Thế là tôi đành nhận lời và trở nên “chuyên gia” về Việt Nam một cách bất đắc dĩ.

Nhưng vì tôi cũng cố gắng tìm tòi cộng với tính tình khá nhanh nhẹn sẵn có nên tôi cũng nhập vai tương đối tốt. Thế là do cái lý lịch đa dạng của mình và do tình thế mà tôi có cơ hội để làm những điều mà đáng ra tôi không đủ tư cách để làm. Nhưng có lẽ đó cũng là những cánh cửa được mở ra cho tôi để tôi bước vào những đường hướng mục vụ mới và thú vị hơn nữa trong cuộc đời truyền giáo của mình. Trong những thử thách mới đó tôi phát triển sự tự tin và đánh giá được những hạn chế trong khả năng hiện tại của bản thân. 

Chính vì thế mà đời sống của tôi không hề thấy nhàm chán và thiếu sự năng động. Có một vị linh mục người Thái đã vài lần nhận xét trên trang facebook của tôi rằng trường sống của tôi thật là bao la vì ngài theo dõi những sinh hoạt của tôi và thấy có sự đa dạng, không hề rập khuôn, và luôn có những điều thú vị. Đó không phải là một điều tình cờ vì tôi đã cố gắng tạo nên điều đó trong sinh hoạt truyền giáo của mình. Có khi vì tôi chủ đích tạo nên một sinh hoạt nào đó, có khi chỉ là kết quả của một sự lựa chọn trong một trương hợp ngẩu nhiên mà tôi không hề mong đợi.


Nong Bua Lamphu, ngày 20.9.2012

Nhìn lại một quãng đường (2011)


Có nhiều khi tôi tự chất vấn bản thân, “Những điều mình đã và đang làm có thực sự phục vụ cho việc truyền giáo không?”. Hay là tôi chỉ làm những điều để thỏa mãn tính năng động, thích sinh hoạt vốn có sẵn trong con người của mình, và để lập thành tích đối với những người xung quanh.  Nếu đó là sự thật thì tôi thật đáng bị chê bai vì tôi không còn làm việc vì Chúa và cho Chúa mà chỉ để phục vụ cái tôi của mình. Có lẽ vì ý thức được điều này nên tôi cố biến đổi các sinh hoạt mang tính “xã hội” thành những sinh hoạt mang tính tâm linh hơn. Tôi bắt đầu tổ chức những sinh hoạt như tĩnh tâm cho giới trẻ, lập nhóm cầu nguyện và chia sẻ lời Chúa, bắt đầu giớ chầu Thánh Thể hàng tuần, và đầu tư thêm thời giờ cho việc dạy giáo lý khai tâm, tân tòng và giáo lý hôn nhân. Đối với giới trẻ tôi không còn hứng thú với việc tụ họp chúng lại để đưa đi tham dự các lễ quan thầy đây đó chỉ để cho người ta thấy cái nhóm giới trẻ của tôi hùng mạnh như thế nào. Và tôi cũng không mấy chú tâm vào việc phải tổ chức những cuộc dã ngoại hay là những cuộc vui chơi để lấy lòng giới trẻ. Tôi chỉ tìm cách giới thiệu thêm cho các em những món ăn tâm linh thật bổ ích và quý giá mà từ trước đến nay họ chưa được biết đến. Với những sinh hoạt tâm linh nói trên tôi cảm thấy rằng mình đang đáp ứng nhu cầu cần thiết nhất của những người giáo dân, đặc biệt là những người trẻ đang cố tìm cho mình một lối đi trong cuộc sống một cách thiết thực hơn. Và thiết nghĩ chính những người trẻ cũng có thể nhận ra cái mà tâm hồn họ đang thực sự khao khát.