Nhìn lại năm 2018: Tháng 3



Sự việc nổi bật nhất trong tháng 3 là chuyến đi đến Nhật Bản. Trong chuyến đi này mình đã đặt ra một số mục tiêu để cho cuộc hành trình có ý nghĩa. Thứ nhất là thăm các anh em dòng Ngôi Lời đang phục vụ tại Nhật. Thứ hai là trải nghiệm về con người và đất nước Nhật bản một cách thực tế hơn. Thứ ba là gặp lại một người anh em linh mục Việt Nam mà mình rất quý mến đang phục vụ tại Nhật. Và cuối cùng là tìm hiểu thêm về thực trạng lao động di dân Việt Nam tại đây.

Chỉ trong vòng hơn 10 ngày mình đã làm được tất cả những điều đó và đã có một trải nghiệm vô cùng thú vị trên đất nước hoa anh đào. Nếu ôn lại những gì mình đã chứng kiến thì phải cần rất nhiều trang giấy nên mình sẽ không làm điều đó mà nói về một điều mà mình rất thích ở Nhật—đó là chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp mà người Nhật sử dụng đa số nhìn rất giản dị. Thường thì những chiếc xe đạp có kiểu dáng khá đơn điệu và màu sắc cũng chỉ là những màu sẩm tối. Nhưng những chiếc xe đạp ấy xuất hiện rất nhiều trên đường phố. Ở trong khu vực các trạm tàu điện hoặc trước các trung tâm mua sắm đều có hàng trăm, thậm chí cả ngìn chiếc xe đạp đang được gởi trong bãi đậu xe. Trước các cửa tiệm trong phố người ta cũng thấy có những chiếc xe đạp của khách hàng đang đậu ở đó. Xe đạp ở Nhật không chỉ dành cho sinh viên, học sinh mà ngay ca nhân viên văn phòng hoặc người lớn tuổi cũng đạp xe để đi làm hoặc đi công việc. Có xe còn gắn thiết bị đặc biệt để cho người có con nhỏ chở trẻ em.

Nhật bản là một đất nước phát triển nên ai chưa đến Nhật có lẽ không nghĩ rằng ở đây phương tiện đi lại này được sử dụng nhiều như vậy, ngay cả trong thành phố thủ đô Tokyo. Ở Thái Lan và Việt Nam chiếc xe đạp truyền thống dường như ngày càng thấy hiếm có và thay vào đó la những chiếc xe máy hoặc xe đạp điện. Nếu ai có khả năng thì tậu cho mình chiếc xe ô-tô để trở thành xế hộp. Não trạng phải “lên đời” làm cho nhiều người cảm thấy áp lực phải sắm cho mình những chiếc xe đắt tiền và cảm thấy ái ngái nều phải xuất hiện ở nơi công cộng ngồi trên một chiếc xe đạp. Còn ở Nhật nếu người ta có cảm thấy như vậy thì cũng không thấy hiện lên trên nét mặt của họ bởi vì việc đi lại trên chiếc xe đạp xem ra rất bình thường, bất kể đó là một người đang mặc đồng phục học sinh hoặc là một bộ đồ veston để đi đến văn phòng làm việc.

Một lối sống giản dị là thách đố lớn cho những người đang cố chạy theo kịp với những phong trào mang tính chủ nghĩa vất chất trong đó những gì mới nhất và đắt tiền nhất được cho là có giá trị nhất. Những chiếc xe đạp ở Nhật nhắc nhở chúng ta về một lối sống nhẹ nhàng và bình dị hơn, nhưng lại chất chứa sự văn minh và nhân bản. Giữa sự tối tân và hiện đại của xã hội kỹ thuật số thì chiếc xe đạp là một biểu tượng cho những giá trị về cái thực, về sự chân thành và về sự hài hòa giữa con người và môi trường thiên nhiên.

Bangkok, ngày 24.12.2018

Nhình lại năm 2018: Tháng 2


Những năm qua mình đã làm phép xác cho nhiều lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan, nhưng không mấy khi dâng lễ an táng. Đó là vì đa số những trường hợp làm phép xác là ở trong một căn phòng hoặc không gian nào đó trong khu vực nhà xác của các bệnh viện, sau đó thi hài được đưa về Việt Nam để an táng.

Trong tấm hình này là một bạn gái chỉ mới 16 tuổi. Ra đời sớm, qua Thái Lan làm việc, rồi mạng sống bị kết thúc một cách thê thảm trên xa lộ mà có xe chạy với tộc độ cả trăm cây số một giờ. Đa số các tại nạn liên quan đến người Việt Nam xảy ra vào giờ khuya khi họ đang đi làm, đang đi làm về, hoặc đang đi chơi sau giờ làm việc.

Năm 2018 cũng đã có không ít các tai nạn xảy ra, có vụ dẫn đến tử vong, nhưng cũng có những người thoát được tử thần vì được đưa tới bệnh viện cấp cứu kịp thời. Dường như các vụ tai nạn xảy ra mình đều được báo và tìm tới để xin hỗ trợ bằng cách này cách khác. Sự hỗ trợ không hẳn chỉ là vấn đề kêu gợi sự giúp đỡ từ cộng đồng về tài chánh, mà còn tư vấn về cách làm các thủ tục để đưa thi hài về quê hương, để đòi bồi thường bảo hiểm, hoặc chỉ là để có những lời động viên an ủi gia đình và người thân của nạn nhân.

Người ta nói trong công việc mục vụ thì có hai sự kiện có nhiều người quay quần lại với nhau: đó là đám cưới và đám tang. Ở Thái Lan thì dường như mình rất ít có cơ hội để tham dự các lễ cưới hoặc đám cưới của các bạn trẻ Việt Nam; nhưng mình đã hiện diện ở không ít những dịp buồn. Mặc dầu không ai muốn có sự việc đau đớn xảy ra, nhưng khi đã phải trải qua biến cố đau thương thì sự hiện diện và nâng đỡ của một vị mục tử cũng mang lại niềm an ủi không ít cho những người trong cuộc.

Niềm vui, nỗi buồn là kinh nghiệm chung của con người bất kê tôn giáo, nên mình không chỉ tìm đến những người bên giáo mà những người bên lương mình cũng tìm cách để nâng đỡ họ trong những lúc vô cùng khó khăn như thế này. Đối với người bên giáo thì việc tìm đến một vị linh mục khi có chuyện nghiêm trọng xảy ra là điều bình thường. Nhưng đối với các anh chị em bên lương thì nhiều khi chính mình phải chủ động liên lạc với họ để xem có cần sự giúp đỡ như thế nào hay không vì nhiều người nghĩ rằng linh mục thì chỉ quan tâm đến người bên giáo.

Những gì mình làm để hỗ trợ cho gia đình của những người gặp nạn hoàn toàn là những thứ mà mình đã học hỏi được trong chính kinh nghiệm phục vụ của mình. Không có lớp học nào trong suốt những năm được đào tạo trong chương trình triết học hay thần học để đối phó với những hậu quả xảy ra từ những vụ tai nạn thương tâm. Và vụ tai nạn thương tâm nhất chính là vụ tại nan xảy ra ngày 2 tháng 6, năm 2014 khi đã có 14 người Việt thiệt mạng trên đường đi tham dự chương trình hội trại do mình tổ chức. Chính từ tất cả những gì mình đã làm để giải quyết các vấn đề trong vụ tai nạn đó đã giúp mình hiểu rõ những gì cần phải làm trong những vụ tai nạn xảy ra tiếp theo.

Vụ tai nạn năm 2014 lấy đi mạng sống của cha Hanh, 12 bạn trẻ Việt Nam và anh tài xế quả là một sự mất mát quá lớn lao. Nhưng cũng chính từ biến cố đó mà mình đã học hỏi được nhiều điều để có thể phục vụ cho những người sau này. Khả năng phục vụ là vậy. Nó dựa trên một phần rất nhỏ kiến thức học hỏi qua sách vở và trường lớp. Phần lớn còn lại là đến từ những trải nghiệm thực tế với những bài học vô cùng giá trị chỉ có thể thu thập được qua trường đời và qua kinh nghiệm dấn thân phục vụ.

Bangkok, ngày 22.12.2018

Nhìn lại năm 2018: Tháng 1

Lên máy bay đi Chiangmai, Bắc Thái Lan

Bức hình này chụp trong ngày mồng 2 tháng 1 đã nói lời tiên báo cho năm 2018 của mình là năm của hàng chục chuyến đi xa cả trong lẫn ngoài nước. Có những chuyến đi mục vụ. Có những chuyến đi họp hành. Và cũng có những chuyến đi kết hợp công việc với nghỉ ngơi, giải trí. Thấy mình đi nhiều quá nên có người bạn trêu là nhìn cứ tưởng là đại gia.

Những chuyến đi trong năm 2018 đã mang lại cho mình thật nhiều trải nghiệm quý giá. Ở mỗi nơi đến mình không chỉ có cơ hội để hiểu biết thêm về văn hóa và xã hội ở đó mà còn được xây dựng những mối quan hệ mới, duy trì và vun đắp những mối quan hệ đang có, hoặc nối kết lại những mối quan hệ cũ. Những chuyến đi mục vụ đến Phuket để dâng lễ cho các bạn Việt Nam ở đó đã làm cho mối quan hệ cha con ngày càng thân thiết hơn. Chuyến đi đến Nhật tháng 3 đã tạo cơ hội cho mình gặp lại một người anh em linh mục mà mình đã xa cách mười mấy năm qua. Chuyến đi đến Roma để tham dự tổng tu nghị của hội dòng tháng 6 cũng đã giúp cho mình gặp gỡ lại một người bạn cùng lớp chịu chức với mình nhưng hiện đang truyền giáo tại Nam Mỹ. Và trên hết là trong chuyến đi này, mình đã được đi hành hương ở nhiều nơi quan trọng như Assisi và Tòa thánh Vatican. Trong chuyến đi thứ hai đến Ý tháng 11 vừa qua, mình được đoàn tụ với hai người chị gái đến từ Hoa Kỳ và cả ba chị em đã có những ngày hành hương với nhau thật ý nghĩa.

Có những chuyến đi xa đáng nhớ nhưng không phải cứ đi xa mới quan trọng. Có những chuyến đi gần hơn, chỉ vài chục cây số. Những chuyến đi đó không đòi hỏi một sự chuẩn bị quy mô hay đòi hỏi nhiều thì giờ vì nó được thực hiện đều đặn và thường xuyên. Đó là những lần đi dâng lễ ở các nhà thờ khác nhau. Đó là những ngày lái xe đi dạy học ở Đại Chủng Viện Lux Mundi. Đó là những lần đi thăm một người trong bệnh viện, đi giúp đàm phán đòi bồi thường cho gia đình của một nạn nhân tai nạn giao thông, hay thậm chí chỉ là đi đến một quán cà phê nhỏ để ngồi đọc sách, chấm bài, viết nhật ký…. Nhưng những gì làm trong những chuyến đi này đều quan trọng không kém vì tất cả những gì làm được trong những chuyến đi ngắn ngủi này nối kết lại để tạo thành một sứ mệnh truyền giáo với sứ vụ yêu thương, phục vụ, rao giảng và chia sẻ.

Việc đi chỉ có ý nghĩa đặc biệt và cụ thể nếu nó kèm theo hành động ngừng. Nếu ai đó cứ đi mãi mà không bao giờ ngừng thì không có gì đáng nói. Những gì liên quan đến chuyến đi chỉ nổi bật khi nó có khởi hành và kết thúc. Trong những ngày cuối năm 2018 này, mình đang cố ý ngừng lại để nhận ra những hồng ân, những niềm vui và những kết quả đã gặt hái được từ những cuộc hành trình lớn nhỏ mà mình đã thực hiện trong suốt năm qua.

Bangkok, ngày 20.12.2018