Ký ức tháng mười


Thêm một ngày nữa là khép lại tháng 10, cái tháng có thể nói là có rất nhiều kỷ niệm trong cuộc sống của mình. Tháng 10 là tháng Mân Côi nên mọi người đều phấn khởi để đọc kinh Mân Côi tôn sùng Đức Mẹ. Lễ của các bạn trẻ Việt Nam luôn có phần dâng hoa kính Mẹ trong tháng Mân Côi làm cho thánh lễ long trọng hơn hẳn. Cách đây hai năm, cũng vào dịp tháng 10 mình tổ chức một chương trình du lịch Việt Nam cho những cô giáo và thầy giáo tại tỉnh Nong Bua Lamphu. Và trong chuyến đi đó, mình đã đưa được một tượng Đức Mẹ Mân Côi bằng đá qua Thái để đặt trên tượng đài ngay trước nhà thờ. Có tượng đài Đức Mẹ bằng đá trước nhà thờ nhìn thật đẹp. Trong suốt 5 năm làm cha xứ ở Nong Bua Lamphu, mình chẳng làm công trình xây dựng gì đáng kể. Mình không có khiếu về xây dựng và cũng không thấy có nhu cầu phải xây dựng nhiều. Vì thề mình chỉ xây được tượng đài Đức Mẹ đơn giản. Nhưng dù sao đi nữa thì đó cũng là một “công trình” thật ý nghĩa đối với mình.

Tháng 10 cũng là tháng mà mình đã từng tổ chức những chương trình họp trại cho các bạn trẻ Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2010-2013, các chương trình họp trại đều tổ chức vào tháng 10. Những chương trình đó là những kỷ niệm thật đẹp trong cuộc sống mục vụ với các bạn trẻ di dân Việt Nam tại Thái Lan. Ở đó luôn có rất nhiều tiếng cười cũng như thật nhiều nước mắt trong những giây phút chia tay. Tiếc thay năm 2014 khi chuyển qua tổ chức vào tháng 6 thì gặp biến cố tai nạn dẫn đến sự ra đi của cha Giacôbê và các bạn trẻ làm cho chương trình hội trại không thể diễn ra như mong muốn và nó sẽ luôn gắn liền với một sự việc thật đau thương trong tâm trí của cộng đoàn Việt Nam tại Thái Lan.

Nghĩ tới tháng 10 cũng là nghĩ tới những con đường đầy lá vàng rơi trong ký ức của mình. Những năm sống trong đại chủng viện Ngôi Lời ở thành phố Chicago vùng miền trung Hoa Kỳ, tháng 10 luôn rực rở màu sắc trên những đường từ nhà đến trường thần học. Những chiếc lá màu vàng màu đỏ đua nhau khoe sắc như cố gắng thể hiện chính mình một lần cuối cùng thật mãnh liệt trước khi rơi rụng xuống đất để rồi thả mình theo những làn gió mùa thu se lạnh của thành phố được mệnh danh là “Thánh phố gió”.

Cái kiếp của một chiếc lá hành trình từ một cái chồi non biến thành một chiếc lá xanh, rồi cũng phải chuyển qua vàng và rơi rụng để trở về với đất bụi cũng chẳng khác gì một kiếp người. Và nghĩ tới đây thì cũng nhắc nhở mình rằng mỗi cái sinh nhật mà mình trải qua vào tháng 10 cũng là mỗi đánh dấu một chẳng đường trong cuộc hành trình mà kết thúc đều biết trước đó. Dù sao đi nữa thì cũng phải sống hết mình. Hãy cố vươn lên như một chồi non nóng lòng để trở thành chiếc lá. Hãy lạc quan như một chiếc lá xanh không lo lắng về ngày mai mà chỉ biết tận hưởng giây phút hiện tại. Và hãy hết mình như một chiếc là vàng rực rở vì biết rằng thời gian dành cho mỗi người không phải là vô tận.  

Bangkok, ngày 30.10.2014

Tai nạn




Tối Chúa Nhật hai bạn An và Dũng mời mình đi ăn “khuya.” Lúc đó cũng đã 10h tối. Ba cha con vừa tới quán ăn và kêu thức ăn thì mình nhận được điện thoại từ một bạn trẻ trong nhóm Bangbuathong. Bạn báo tin cho biết là vừa xảy ra một vụ tai nạn. Một bạn trẻ Việt Nam đang bán mực nướng bên mép đường thì bị một chiếc xe ôtô đâm vào khiến anh ta bị thiệt mạng tại chỗ. Bạn trẻ trên điện thoại nhờ mình đến để cầu nguyện cho nạn nhân. Mình trả lời một lúc nữa sẽ đến.

Sau khi ăn xong mình cùng với An và Dũng gọi xe taxi để đi đến hiện trường xảy ra tai nạn. Mình không muốn tự lái xe vì lúc đó đã khuya, mình lại không rành đường xá nên sợ đến nơi thì quá trể. Vả lại mình cũng sợ giờ đó lái xe không an toàn vì sau một ngày với rất nhiều sinh hoạt thì mình cũng đã thấy mệt.

Khi đến hiện trường xảy ra tai nạn thì cảnh sát cũng đã làm việc xong và thi hài đã được đưa lên xe chuyên chở xác để đi đến bệnh viện Thammasat cách đó khoảng 50 km. Ở hiện trường đã có nhiều người thân và bạn bè của nạn nhân là anh Phaolô Trần Quốc Mỹ đã tập trung sau khi nhận được hung tin. Trong số những người thân có vợ của anh Mỹ cũng như anh trai là Quốc. Mọi người đều đau khổ trước cái chết thảm thương của anh Mỹ khi bị xe tông trong khi đang làm việc để kiếm tiền lo cho gia đình. Hai vợ chồng có một người con thơ mới được hai tuổi. Vợ của anh lại đang mang thai bốn tháng. Thế mà trong chỉ chốc lát, một người vợ trẻ đã trở nên góa chồng, một người con trở nên mồ côi cha, và sẽ có thêm một đứa con nữa sinh ra mà sẽ không hề được nhìn mặt người cha của mình.

Câu chuyện của gia đình anh Mỹ lại càng thảm thương hơn khi được biết anh Mỹ có một em trai cũng vừa mới qua đời vì bị xe tông tại Việt Nam cách đây chỉ hơn hai tháng. Trong khi ở nhà gia đình đang chưa kịp tổ chức lễ giỗ 100 ngày cho đứa con út thì bây giờ phải tổ chức đám tang cho thêm một người nữa. Mẹ của anh Mỹ đã kiệt quệ với cái chết của đứa con út giờ lại phải đương đầu với sự ra đi của thêm một người con trai khác. Ai nấy đều sợ bà ta sẽ không chịu đựng nổi khi nhận được hung tin này.

Nửa đêm, nhân viên chuyên chở thi hài cần phải đưa thi hài đến bệnh viện. Nhưng người thân và bạn bè của anh Mỹ muốn được cầu nguyện cho anh trước khi để anh đi tới nhà xác. Nhưng mấy chục người đứng giữa đường để cầu nguyện thì không thuận tiện. Mình kêu mọi người di chuyển về nhà thờ Công giáo cách hiện trường xảy ra tại nạn khoảng 3km. Đến nơi thì cổng nhà thờ đã khóa. Mình gõ cửa gọi bảo vệ. Một lúc sau mới có người ra mở. Mình trình bày sự việc và xin được tập trung cầu nguyện trước tượng đài Đức Mẹ trước nhà thờ. Anh bảo về đồng ý. Thế là mọi người cùng đọc kinh trước khi xe chở thi hài lên đường đến bệnh viện.

Bệnh viện Thammasat rất xa, cách Bangbuathong khoảng 50km. Nhân viên dịch vụ chở thi hài khuyên mọi ngườ nên về nhà nghỉ ngơi, rồi ngày mai lên bệnh viện làm thủ tục chứ giờ đó lên bệnh viện cũng không làm gì được. Nhân viên canh gác cũng sẽ không cho người thân vào bên trong sau giờ đóng cửa. Cho dù không muốn để anh Mỹ phải ở bệnh viện một mình, nhưng mọi người không thể làm gì được nên đành phải chấp nhận.

Hai ngày tiếp theo là dành cho việc làm thủ tục để đưa thi hài về quê hương. Vì là người nước ngoài nên phải có những giấy chứng tử từ bệnh viện, đại sứ quán Việt Nam, và của chính quyền địa phương thì thi hài mới được về tới quê nhà. Thế là các người thân và bạn bè của nạn nhân phải chạy ngược chạy xuôi để làm những thủ tục cần thiết. Ngoài ra còn phải hợp tác với cảnh sát để điều tra sự việc cũng như tìm cách để đòi bồi thường cho gia đình anh Mỹ vì sự mất mát quá lớn lao này. Tuy nhiên việc yêu cầu bồi thường thì luôn phức tạp và sẽ được giải quyết về sau. Trước mắt ưu tiên lớn nhất là đưa anh Mỹ trở về quê hương để làm lễ an táng và chôn cất.

Chiều hôm qua sau khi tất cả các thủ tục đã xong. Người thân và bạn bè của anh Mỹ đã tập trung tại bệnh viện Thammasat để tiễn đưa anh về quê hương. Mình đã làm nghi thức tẫm liệm và làm phép xác và quan tài ngay trong nhà xác. Trong một căn phòng được trang trí với nhiều tượng ảnh Đức Phật và các nhà sư nổi tiếng Phật giáo tại Thái Lan, các bạn trẻ Việt Nam đã cầm trong tay hình ảnh Lòng Thương Xót Chúa, Thánh giá, và tràng hạt Mân Côi để cầu nguyện theo nghi thức Công giáo. Tiếng kinh nguyện bằng tiếng Việt vang lên cả một khu vực của bệnh viện, những lời nguyện thiết tha cầu xin cho linh hồn của một người trẻ được Chúa gọi về một cách quá đột ngột. Sự đau xót và bàng hoàng dường như được thể hiện qua những tiếng nguyện kinh thật da diết.

Cử hành nghi thức xong, quan tài đựng thi hài của anh Mỹ được các bạn đưa lên xe. Và như thế anh Mỹ sẽ khởi hành một chuyến hồi hương trở về với gia đình, với vợ con, và cuối cùng sẽ được chôn sâu vào lòng đất mẹ. Giờ này chắc hẳn thi hài của anh đã về đến nhà ở giáo họ Tân Lâm, giáo xứ Lộc Thủy, Hà Tỉnh. Chắc hẳn bây giờ đang có rất nhiều người khóc than, thương tiếc, đau đớn và bàng hoàng trước sự ra đi của anh. Giờ đây có lẽ gia đình của anh không thể không thắc mắc Thánh Ý của Chúa trong sự việc đang xảy ra là gì? Và phải làm như thế nào để cho họ vượt qua sư đau khổ khi trong biến cố này, cha mẹ đã phải mất con, vợ phải mất chồng, và con phải mất cha? Và tương lai của đứa con trong bụng sẽ phải như thế nào khi ngày nó chào đời không có người cha ẳm bế. Và suốt cuộc đời của nó cũng sẽ không bao giờ được biết đến tình thương của người cha? Có lẽ giờ này chỉ có những câu hỏi mà không thể nào có được câu trả lời. Giờ đây chỉ có thương tiếc và đau khổ. Giờ đây chỉ biết tin cậy và phó thác. Giờ đây chỉ biết chấp nhận cho dù thật khó để hiểu được Thánh Ý của Ngài trong biến cố này là gì?
Bangkok, ngày 15.10.201