Hành trình của một vị linh mục


Trong bữa ăn tối, các cha ngồi nói chuyện với nhau. Đề tài chuyển đến những phim kinh dị. Cha S. bảo:


- Khi còn trong đại chủng viện, lần đầu tiên tôi xem phim Exorcist, tôi sợ lắm. Nhưng dạo này phim kinh dị không còn sợ nữa, nhiều khi xem thấy buồn cười.


- À, các cha có biệt giáo phận Bangkok có linh mục phụ trách việc trừ quỷ không? Hình như mỗi giáo phận điều có linh mục được giao trách nhiệm đó. - Mình hỏi.


Cha S. chỉ sang cha Sr. bảo:


- Ngài có làm đó.


Cha Sr. không phải là linh mục phụ trách việc trừ quỷ, nhưng ngài đã có một số kinh nghiệm đối diện với những trường hợp người thường bị các linh hồn nhập. Ngài kể cho mọi người trong bàn nghe về những kinh nghiệm mà ngài đã trải qua. Mình nghe rất thú vị vì chưa từng gặp những trường hợp như thế, cũng như chưa từng biết ai có kinh nghiệm này. Cha Sr. nhận định:


- Khi đối diện với những linh hồn đó, mình không nên cải tay đôi với họ. Mình phải luôn nói chuyện bình tỉnh và nhẹ nhàng. Chỉ như vậy mình mới có thể thuyết phục họ rời khỏi người mà họ đã nhập.


Cha Sr. kể về nhiều trường hợp rất hay. Một lúc sau, mọi người trong bàn ăn đã đứng dậy cất bát dĩa. Chỉ còn mình và cha Sr. lại ở bàn ăn. Cha chia sẻ với mình:


- Những kinh nghiệm này đã giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về thiên đàng, hỏa ngục, và nơi luyện ngục. Nó cũng giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về các bí tích và mầu nhiệm của Chúa. Trước đây thời gian tôi học trong đại chủng viện, và ngay cả sau khi chịu chức, tôi đã có rất nhiều điều ngờ vực. Suốt thời gian 15 năm làm linh mục, tôi vẫn tiếp tục ngờ vực những điều đó. Ví dụ, làm sao một tấm bánh lại là thân thể của Chúa Giêsu? Hơn 20 năm trong đời sống linh mục, qua những kinh nghiệm trên, tôi mới bắt đầu có những cảm nhận mới. Bây giờ thì đã ba mươi mấy năm rồi.


Cha Sr. bắt đầu đi vào chi tiết về những cảm nhận của cha thì tiếc thay, cô thư ký gõ cửa phòng ăn báo rằng cha có khách. Thể là cuộc chia sẻ phải chấm dứt đột ngột. Mình lấy làm rất tiếc vì mình nhận ra rằng kinh nghiệm và cảm nhận của một vị tiền bối như cha Sr. sẽ rất bổ ích cho chính bản thân và đời sống linh mục của mình.


Hơn một năm trôi qua từ khi mình chịu chức, nhưng chính mình đôi khi cũng cảm thấy bất ngờ khi bổng nhiên "nhớ lại" mình là một ông cha. Mình vẫn không hiểu hết một ông cha là như thế nào? Một ông cha phải làm gì? Và một ông cha phải biết những gì, phải tin những gì, có thể nghi ngờ những gì, có thể phấn đấu với những điều gì? Cha Sr. đã phải trải qua thời gian hàng chục năm mới bắt đầu nhận định rõ ràng niềm tin và ơn gọi của ngài. Vậy mà khi đứng dậy bỏ dĩa vào bồn nước ngài còn nói:


- Vẫn chưa phải là 100%. Còn phải tiếp tục tìm hiểu nữa.


Nghe cha Sr. tâm sự mình vừa cảm thấy được an ủi, vừa cảm thấy lo lắng. An ủi là vì mình biết rằng mình vẫn còn rất non trẻ trong đời sống linh mục, vì thế mình hãy cho mình thời gian và cơ hội để thăng tiến và cảm nhận ý nghĩa của ơn gọi này. Nhưng lo lắng vì không biết mình có đủ kiên nhẫn như cha Sr. hay không? Và mình có chịu khó tìm cho mình câu trả lời đối với những điều mà mình chưa hiểu được hay không? Hay là mình sẽ thơ ơ, biếng nhác, để rồi mình trở nên một vị linh mục làm việc cách máy móc mà không thực sự đặt hết tâm hồn của mình vào sứ vụ, vì chính mình cũng không biết được sứ vụ đó thực sự như thế nào?


Bangkok, ngày 23.7.2007

No comments: