Trong tiếng Anh, trước đây người ta gọi người chơi ma túy là “người dùng ma túy” (drug user). Nếu dùng ngày càng nhiều mà không bỏ được thì trở thành người nghiện ma túy (drug addict). Nhưng từ khi công nghệ internet được phát minh và phổ biến rộng rải cho người dân thì những người sử dụng công nghệ này cũng được gọi là “người dùng”. Vì thế người dùng internet trong tiếng Anh là “internet user”. Không ai ngờ được rằng, internet cũng có thể trở nên một thứ gây nghiện khiến cho nhiều người chuyển từ “người dùng internet” thành “người nghiện internet” (internet addict). Nhìn lại mới nhận ra tính “ứng nghiệm” trong việc sử dụng từ “người dùng” để nói về những người đón nhận và đưa công nghệ kỹ thuật số vào cuộc sống của mình.
Ngày nay, rất nhiều trung tâm cai nghiện internet đã mọc lên trên khắp thế giới, đặc biệt ở các quốc gia Á châu như Nhật Bản và Hàn Quốc. Quá trình cai nghiện internet có nhiều điểm tương đồng với quá trình cai nghiện ma túy, bia rượu, thuốc lá… vì các triệu chứng và hậu quả của việc nghiện internet cũng giống như các loại nghiện trên.
Người Việt Nam bỏ ra trung bình 6 giờ 39 phút mỗi ngày trên internet, xếp thứ 25 trên thế giới. Cao nhất là người Nam Phi với 10 giờ 46 phút. Đứng thứ 2 là Philippines với 10 giờ 27 phút. Thái Lan xếp thứ 7 với 9 giờ 06 phút. Trên toàn thế giới ngày nay có 4,66 tỷ người (60%) được liệt kê vào thành phần “người dùng internet”. Tuy nhiên, trong số này chắc chắn có một số đáng kể không chỉ là người dùng mà đã trở thành “người nghiện internet.”
No comments:
Post a Comment