Mùa Phục Sinh thứ 3 với Covid-19

 


Đây là lễ Phục Sinh thứ ba mà mình và toàn thế giới đón mừng trong tình trạng dịch bệnh. Cơn khủng hoảng Covid-19 vẫn đè nặng trên nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Thái Lan nơi mình đang phục vụ. Tuy nhiên, nếu nhìn lại thì tâm trạng của mình trong mùa Phục Sinh này khác với hai năm trước. Mùa Phục Sinh năm 2020, đại dịch mới ập đến nên cả thế giới đều hoang mang. Mọi người vẫn chưa biết nhiều về con vi-rút corona nó nguy hiểm tới mức nào. Chủng đầu tiên của vi-rút cũng khá nguy hiểm, gây chết chóc cho nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi và những người có bệnh nền, nên sự sợ hãi tràn ngập toàn thế giới.

Qua mùa Phục Sinh thứ hai thì tâm trạng của nhiều người tương đối ổn hơn. Sự hoang mang và lo sợ có phần nào giảm xuống. Mọi người xem việc tránh tổ chức các hoạt động tôn giáo rầm rộ là để hạn chế sự lây lan không cần thiết, bên cạnh đó không khiến cho tôn giáo trở thành tâm điểm của sự chỉ trích trong dư luận cho rằng tôn giáo là nguyên do khiến cho dịch tái phát hoặc bùng nổ. Điều này đã xảy ra ở nhiều quốc gia, một số cộng đồng tín ngưỡng đã bị quy trách nhiệm và chỉ trích nặng nề khi có tình trạng dịch bệnh tái phát.

Đến mùa Phục Sinh năm này thì dường như mọi người đã trở nên quen dần với việc sống với dịch. Mặc dù vẫn có những hành động căn bản để bảo vệ bản thân và người khác, nhưng nhiều người chỉ làm vì là quy định của các nhà chức trách chứ không phải vì cá nhân họ cảm thấy bất an. Tại Thái Lan, năm này các nhà thờ vẫn tổ chức các nghi thức Tam Nhật Thánh đầy đủ, mặc dù nếu so với năm ngoái, thì số ca nhiễm hằng ngày trong thời điểm này cao hơn năm trước rất nhiều – mỗi ngày hơn 20.000 ca nhiễm và có hơn 100 người tử vong. Nhưng nếu đi ra đường hoặc đến các trung tâm mua sắm ở Bangkok thì ngoài việc thấy ai cũng đeo khẩu trang thì dường như không mấy có dấu hiệu rằng dịch bệnh vẫn đang hoành hành tại đây vì những nơi này người đi lại rất tấp nập.

Có thể thấy rằng cái mà người ta gọi là “đại dịch” còn lệ thuộc rất nhiều vào tâm ly của cộng đồng. Cách đây hai năm khi Thái Lan chỉ có vài chục ca nhiễm mỗi ngày, ai nấy đều lo sợ, bất an, hoang mang vì đại dịch. Nhưng hai năm sau, số ca nhiễm hằng ngày tăng hàng trăng hàng nghìn lần, nhưng người ta lại tỏ ra bình thản trước thực tại dịch bệnh. Họ vẫn đi lại và tụ tập để sống và đáp ứng nhu cầu cần giao tiếp, cần gặp gỡ, cần được tay bắt mặt mừng với những người thân cận, đặc biệt trong các dịp lễ truyền thống và tôn giáo.

Qua trải nghiệm về đại dịch, mình cũng nhận ra rất nhiều bài học cho cá nhân. Một trong những bài học đó là ngay cả trong những vấn đề mà mình nghĩ là “hiển nhiên” – ai cũng hiểu như thế, ai cũng phải làm như thế -- chưa hẳn là thực tế. Trên thực tế, trong bất cứ vấn đề nào người khác cũng có thể và có quyền có cách nhìn và cách cảm nhận khác, và họ sẽ không sẵn sàng để cho người khác áp đặc một lối suy nghĩ khác trên họ. Điều này đã thấy rất rõ trong những quan điểm khác nhau mà người ta có về hiện tượng Covid-19 và những vấn đề liên quan - nguồn gốc của dịch bệnh, cách nào để phòng ngừa, thuốc nào để điều trị.... Những bất đồng quan điểm này đã gây nên sự xáo trộn trong nhiều gia đình, cộng đoàn và toàn xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất không phải là làm thế nào để mọi người có chung một quan điểm, mà làm thế nào để mọi người khác quan điểm có thể sống chung với nhau. Đây vẫn là bài toán khó mà mỗi vấn đề, mỗi trường hợp, mỗi sự việc đòi hỏi nơi những người liên quan thái độ bình tĩnh và sự thiện tâm thiện chí để suy tư, phân định và hành động. Thay vì bỏ ra quá nhiều thời giờ và năng lượng để khẳng định ai đúng ai sai (một điều mà có thể không bao giờ thực hiện được), có lẽ sẽ hữu ích hơn nếu chúng ta đầu tư chất xám và công sức vào việc tìm ra chỗ đứng chung và củng cố vị trí đó cho vững chắc. Biết đâu khi người ta nỗ lực thực hiện điều này thì những điểm bất đồng bổng nhiên không còn thấy quan trọng và to tác như trước nữa. Kinh nghiệm hơn hai năm qua cho thấy ranh giới giữa “bệnh” và “dịch” một phần lệ thuộc vào não trạng và tâm lý của chúng ta. Vì thế, sự bất đồng giữa người này với người khác cũng vậy. Mức ảnh hưởng của nó trên đời sống và mối tương quan của chúng ta sẽ còn lệ thuộc vào thái độ và cách nhìn nhận của chúng ta về vấn đề mà chúng ta đối phó. Nó có thể là một triệu chứng mà chúng ta có thể khắc phục trong sự bình thản phân định về vấn đề, hoặc nó có thể trở thành một căn bệnh ngày càng leo thang và trở thành một loại dịch trong gia đình, trong cộng đồng và trong toàn xã hội.

Bangkok, ngày 16.4.2022

No comments: