Hôm qua mình đi thăm một gia đình giáo dân người Thái Lan mà
mình thân quen. Gia đình 3 mẹ con (bố đã qua đời) rất đạo đức và luôn hoạt động
tích cực trong nhà thờ và cộng đồng Công giáo. Bà mẹ là thành viên của hội đồng
mục vụ trong giáo xứ và phong trào Lòng Chúa Thương Xót Thái Lan. Người con
trai tên P. chuyên vẽ những ảnh Chúa Mẹ để phổ biến trong cộng đồng Công giáo.
Anh cũng thường xuyên thực hiện những chương trình Công giáo bàn về những vấn đề
thời sự trong Giáo hội để mở rộng quan điểm.
Hôm qua anh P. chia sẻ với mình anh đang chuẩn bị thực hiện
chương trình về hội nhập văn hóa tại Thái Lan vì trong dịp lễ hội Songkran vừa
qua, có trường học Công giáo đã tổ chức nghi thức “tắm Đức Mẹ” song song với
nghi thức “tắm Phật” để mừng lễ hội té nước mà người Thái gọi là Tết truyền thống
của họ. Trường Công giáo nói trên hình như muốn tạo điều kiện cho các giáo viên
và học sinh Công giáo cùng được tham gia vào ngày lễ theo tín ngưỡng của mình,
nên đã đặt hai bức tượng Phật và Đức Mẹ bên nhau để cho mỗi người thuận tiện bên
nào thì tưới nước lên tượng đó.
Nghi thức tắm Phật được người theo Phật giáo Nam tông cử hành
trong nhiều dịp lễ khác nhau, trong đó là dịp lễ Songkran tại Thái Lan là một
thời điểm mà nghi thức này được tổ chức phổ biến ở các chùa chiền cũng như ở các
cơ sở nhà nước và tư nhân trên khắp cả nước. Khi các bức hình về sinh hoạt “tắm
Đức Mẹ” trong dịp lễ hội Songkran của trường học Công giáo được đăng tải lên mạng
xã hội Thái Lan thì đã có nhiều ý kiến trái chiều trong giới giáo dân. Có người
cho rằng việc cử hành một nghi thức Phật giáo với tượng ảnh Công giáo là lạc đạo, không phù hợp với niềm tin Công giáo.
Nhưng người khác thì cho rằng đây chỉ là một cử chỉ mang tính “hội nhập văn hóa”
– có nghĩa là thể hiện lòng kính mến Đức Mẹ bằng một cử chỉ truyền thống quen
thuộc của người Thái. Vì dư luận trái chiều nên anh P. sẽ mời một linh mục có
hiểu biết về lĩnh vực hội nhập văn hóa để giải thích quan điểm của Giáo hội cũng
như thần học cho giáo dân có thêm hiểu biết nhằm đánh giá hành động của trường
Công giáo.
Quả thật hoạt động của anh P. rất có giá trị cho Giáo hội địa
phương, vốn vẫn là một Giáo hội nhỏ bé với chỉ hơn 300.000 giáo dân. Mặc dù các
chương trình mà anh P. thực hiện mang tính độc lập, không nằm dưới sự bảo trợ
hay ủy thác của bất cứ giáo phận hay tổ chức tôn giáo chính thức nào, nhưng anh
rất thận trọng trong việc bàn thảo về vấn đề và mời những người có uy tín để trình
bày các quan điểm. Nhờ vậy mà anh P. nhận được nhiều sự trân trọng trong cộng đồng
Công giáo, ngay cả với các linh mục tu sĩ trong Giáo hội địa phương. Được biết
sắp tới TGP Bangkok sẽ mời anh chia sẻ trong một cuộc họp của các linh mục
trong Tổng Giáo phận. Đây là một cử chỉ có tính “hiệp hành” thực sự khi các
linh mục sẵn sàng lắng nghe và đón nhận tiếng nói của giáo dân để nhận ra quan điểm,
tâm tư và nguyện vọng của hàng giáo dân nhằm phục vụ họ tốt hơn, và đặc biệt để
tạo điều kiện cho giáo dân cộng tác với hàng giáo phẩm một cách tích cực hơn trong
sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Bangkok, ngày 22.4.2022
No comments:
Post a Comment