Bầu khí Tam Nhật Thánh tại nhà cộng đoàn Ngôi Lời, Bangkok



Sáng thứ sáu Tuần Thánh tại nhà cộng đoàn Ngôi Lời Bangkok khá yên ắng. Gần 7 gờ sáng, mình ra trước nhà thấy cha Bính đang tưới cây cảnh trong vườn. Tưới cây xong, cha quét sân và phía ngoài đường. Nhà cộng đoàn có nhiều giàn hoa leo dọc bức tường trước nhà nên hoa rụng rất nhiều, mỗi ngày đều phải quét để cho sạch đường. Phần mình thì sau khi uống xong ly cà phê hòa tan (không đường) thì ra dọn dẹp trong khu vườn nhỏ sau nhà. Phía sau nhà có một mảnh vườn với giàn hoa ti-gôn và sử quân tử mọc rất tốt nên phải thường xuyên cắt tỉa, vì những nhánh hoa thích leo qua phía nhà hàng xóm. Bên cạnh cắt tỉa giàn hoa ti-gôn, mình cũng xịt thuốc cho một số cây cảnh như hoa dâm bụt, hoa ngũ sắc (mà các bạn người Hà Tĩnh gọi với cái tên không mấy dễ thương là hoa ‘kích lợn’)…đang bị rầy bám vào các nhánh cây. Mình cũng nhổ cỏ dại và những cây mưng con đang mọc lên đầy vườn. Trong vườn có một cây mưng lớn, nó luôn đẻ ra đầy những cây con xung quanh. Một vài tuần một lần, mình phải nhổ những cây con để chúng không át những cây hoa mà mình trồng trong vườn.

Hôm nay là ngày ăn chay kiêng thịt bắt buộc trong lịch phụng vụ. Đối với mình thì ngày hôm nay chỉ có khác biệt ở phần kiêng thịt, chứ bình thường mình ăn theo chế độ nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting), có nghĩa là nhịn ăn 16 tiếng đồng hồ, ăn hai bữa trong vòng 8 tiếng đồng hồ còn lại, không ăn vặt, nên cách ăn uống cũng sẽ không thay đổi bao nhiêu trong ngày hôm nay. Tuy nhiên, có lẽ do yếu tố tâm lý hoặc là do cám dỗ của ma quỷ, mà có khi bình thường ăn như vậy mà không thấy đói, nhưng vào ngày phải ăn chay kiêng thịt thì lại cảm thấy đói cũng nên.


Các cha trong cộng đoàn Ngôi Lời ở Bangkok không ai làm mục vụ giáo xứ nên những ngày Tam Nhật Thánh cũng không quá bận rộn. Tuy nhiên, có một nhóm nhỏ khoảng 20-30 người di dân Việt Nam thường xuyên tới nhà cộng đoàn để tham dự các Thánh Lễ nên trong những ngày này, các cha cũng cử hành đầy đủ các nghi thức Tam Nhật Thánh để mọi người có thể tham dự một cách trọn vẹn hơn. Đối với hầu hết các di dân Công giáo Việt Nam tại Thái Lan, thì họ chỉ đi lễ vào Chúa Nhật Phục Sinh. Còn những ngày khác thì bận đi làm hoặc không sốt sắng nên không mấy ai đi tham dự các nghi thức tại các nhà thờ của Thái Lan. Riêng ngày Chúa Nhật Phục Sinh thì tại những nơi có nhiều di dân Việt Nam đang cư trú có tổ chức Thánh lễ bằng tiếng Việt để phục vụ cho giáo dân Việt Nam. Phần lớn các anh chị em Việt Nam sẽ đi tham dự các Thánh lễ tiếng Việt này. Một số khác tham dự Thánh lễ tiếng Thái. Và có một số khác không đi lễ nào vì “quên”, hoặc “bận”, hoặc một lý do nào đó mà chỉ họ mới biết.

Tại nhà cộng đoàn Ngôi Lời thì tối hôm qua đã tổ chức Thánh lễ rửa chân và chầu Thánh lễ. Chiều nay sẽ có nghi thức ngắm nguyện sự thương khó của Chúa Giê-su với sự tham dự của một số anh chị em Việt Nam đảm nhận việc ngắm. Sau khi ngắm xong thì sẽ cử hành nghi thức tưởng niệm sự thương khó của Chúa Giê-su.

Riêng mình thì tối thứ bảy, mình sẽ chủ tế Thánh lễ Vọng Phục Sinh cho cộng đoàn nhỏ bé tại nhà dòng với đầy đủ các nghi thức như làm phép lửa, phép nến, nước… Ngày Chúa Nhật Phục Sinh, mình sẽ đi dâng lễ ở nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức cho một nhóm di dân Việt Nam ở quận Chomthong, Bangkok. Đây là một trong hơn 10 nhà thờ trong TGP Bangkok có tổ chức Thánh lễ hàng tháng cho di dân Việt Nam. Tuy nhiên, đó là trước thời đại dịch. Từ khi có dịch, nhiều nhà tạm thời ngưng các sinh hoạt, nhiều di dân Việt Nam cũng hồi hương, nên mục vụ di dân cũng giảm bớt đáng kể.

Không khí những ngày Tam Nhật Thánh tại nhà cộng đoàn như vậy đó. Nhẹ nhàng, không quá bận rộn, mặc dù cũng có những sinh hoạt đánh dấu ngày lễ. Trước nhà có một giàn máy, nên mình mở nhạc thánh ca suốt ngày để tạo thêm bầu khí linh thiêng của ngày lễ. Cha Hùng cũng lái xe đi mua những thứ đồ cho ngày lễ như nước, và thức ăn thức uống để phục vụ các giáo dân khi họ tới tham dự các nghi thức. Cha Bính phụ trách phần phụng vụ nên chuẩn bị các bài hát, tập cho một số anh chị em hát bài Thương Khó, tập bài Exultet… Mình thì dọn dẹp vườn tược và tượng đài Đức Mẹ, cắt tỉa hoặc trồng thêm cây cảnh để khu vườn nhìn khang trang hơn. Chị giúp việc nhà thì cũng lau chùi và chuẩn bị những món ăn để mừng lễ Phục Sinh vào tối mai. Cha Linh vắng nhà vì ngài đi Malaysia để dâng lễ Phục Sinh cho một nhóm di dân Việt Nam trên đảo Penang. Cứ thế, mỗi người làm một ít việc cho ngày lễ long trọng hơn và diễn ra tốt đẹp.

Ở Thái Lan, Giáo hội rất nhỏ bé nên các sinh hoạt Lễ Phục Sinh cũng không nhộn nhịp như ở các Giáo hội khác, đặc biệt trong tình trạng dịch bệnh đang tiếp tục hoành hành tại nước này. Năm nay Tuần Thánh trùng hợp với dịp Lễ hội té nước (Songkran) của Thái Lan, nhưng mọi thứ cũng rất yên ắng vì chính quyền cấm các sinh hoạt té nước để hạn chế dịch bệnh lây lan. Đây là năm thứ ba lễ hội lớn nhất Thái Lan mà người ta gọi là Tết Thái Lan bị hạn chế trầm trọng. Tuy nhiên từ góc nhìn của mình thì việc chính quyền Thái Lan cấm các hoạt động Songkran cũng tốt cho người Công giáo, để họ có tâm trí hướng về tinh thần của Tam Nhật Thánh hơn. Có lẽ sẽ rất khó cho một số người để hòa mình vào tâm tình của ngày lễ khi xung quanh, mọi người đang ăn mừng, nhảy múa, vui chơi, tạt nước nhau…. Những năm trước dịch, không ít lần thấy các bạn trẻ Công giáo Việt Nam, vào thứ Sáu Tuần Thánh đăng hình ảnh đang đi chơi té nước tại những tụ điểm mừng lễ Songkran, hoặc đi quán bar, karaoke….thay vì đi nhà thờ tham dự các nghi thức Tuần Thánh. Hành động của các bạn trẻ cho thấy rằng đời sống đạo của họ khi mưu sinh ở nước ngoài rất đáng quan ngại.

Thời gian gần đây, vì công việc của mình nên mình đã dần dần không tham gia vào các mục vụ di dân Việt Nam nữa. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến người di dân nói chung, cách riêng di dân Việt Nam vẫn là một mối ưu tư mà mình luôn suy tư và nghiên cứu trong cương vị của mình. Và dĩ nhiên mình sẽ tìm cách để đưa đề tài về di dân vào các diễn đàn hội thảo mà mình tham gia hoặc tổ chức trong tương lai. Vấn đề di dân là vấn đề của Giáo hội, của xã hội, của thời đại….nên không thể nào gác nó qua một bên được. Trên thế giới sẽ luôn có hiện tượng di dân, vì thế cần có những hiểu biết và tiếng nói đúng đắn về người di dân để tránh tình trạng người di dân bị bỏ quên, bị lạm dụng, bị đàn áp, hoặc bị gạt bên lề xã hội.

Bangkok, ngày 15.4.2022  

No comments: