Một ngày vui

Hôm nay là một ngày mình gặp được nhiều niềm vui. Buổi sáng, mình đi cùng hai seour dòng Vincent de Paul đến một trường học cách nhà thờ chánh tòa khoảng 8 cây số. Ở đây mỗi tháng một lần, các seour dạy tiếng Anh cho các học sinh trong làng. Các em từ tuổi 6 đến 13-14. Mình là “khách mời” của các seour và được các seour cho “đứng lớp”. Mình dạy cho các em hát một bài hát quen thuộc của con nít ở Mỹ rất vui. Bọn trẻ nhà quê rất hồn nhiên và dễ thương. Mình vừa dạy vừa pha trò hề cho bọn trẻ cười và học một cách thoải mái. Cũng may là tiếng Thái của mình không đến nỗi tệ cho nên sinh hoạt rất tốt với các em.

Phần mình xong thì nhường lại cho các seour. Mình ngồi xuống nghĩ giải lao. Một cụ già 70 tuổi tới nắm tay mình nói:

- Cha vui tính và dễ thương quá. Dạy như cha bọn trẻ con thích lắm.

- Ồ, cám ơn ngoại. – Mình đáp. – Vậy ngoại có thích không?

- Ngoại thích chứ. Cha cố gắng tới nhiều nhiều nhé.

- Vâng, lúc nào con rảnh con sẽ tới dạy cho các em và nói chuyện với ngoại.

Mình và các seour rời trường học lúc hơn 11h sáng để về nhà ăn trưa. Hôm nay nhà xứ có nhiều khách, các cha có, giáo dân có. Mọi người về để tham dự lễ mừng sinh nhật 75 của ĐGM George. Chiều đến thì có thánh lễ diễn ra lúc 4 giờ, và sau đó là tiệc mừng ngoài trời và chương trình văn nghệ chúc mừng sinh nhật Đức Cha.

Giáo dân làm thức ăn đem tới rất nhiều, trong đó còn có món giả cầy của giáo dân Việt kiều Thái. Nhưng mình dường như quên ăn vì bận nói chuyện và gặp gỡ người này người khác.

Nhóm đầu tiên mình gặp là một số người Việt Nam đến Thái Lan từ các tỉnh Nghệ An, Phú Thọ để làm việc. Dường như mọi người bán trong các quán có chủ là Việt kiều Thái. Họ cũng xin làm sao có một thánh lễ bằng tiếng Việt để được tham dự một cách sốt sáng. Mình góp ý là hãy đến nói chuyện với cha John, một linh mục người Mỹ đã từng làm việc tại Việt Nam nên nói tiếng Việt rất thạo. Sau đó cha John sẽ trực tiếp đề nghị với ĐGM cho phép mình làm lễ tiếng Việt một tháng một lần. Các anh chị đồng ý đến gặp cha John. Một lúc sau mình đến bàn cha John để chia sẻ với cha những về đề nghị của mình thì cha John nói là cha hoàn toàn ủng hộ nếu có người đến bàn chuyện với cha.

Nhóm thứ hai mình gặp gỡ là những người Việt kiều Thái. Họ cũng rất vui khi thấy có linh mục người Việt đến làm việc ở địa phương, và nhiều người mời mình đến nhà chơi khi nào có thời giờ. Mình hứa là sẽ đến để gặp gỡ và thăm hỏi những gia đình ở đây.

Một lúc sau một nhóm học sinh nữ ở trường St. Mary đến gặp mình bảo:

- Thưa cha, chúng con đặt tên Thái cho cha rồi.

- Ủa đặt tên gì vậy?

- Chúng con đặt tên cho cha là “Mèo”. (Tiếng Thái mèo cũng phát âm là “Mèo”).

- Trời sao lại đặt tên cho cha là Mèo?

- Vì cha Surin có tên Miếu (một tên cúm cơm Thái khác có nghĩa là mèo) rồi, nên chúng con đặt tên cho cha là Mèo để hai người đi với nhau.

- Vậy các em đã hỏi ý kiến cha Miếu chưa nào?

- Dạ hỏi rồi. Cha đồng ý rồi.

- Vậy thì cha cũng đồng ý với cái tên Mèo. Thực ra cha rất thích cái tên này, vì cha là tuổi Mèo đó.

Nghe vậy, bọn con gài reo lên khoái chí. Thế là từ đây mình còn có cái tên là “Cha Mèo”, được đặt bởi bọn học sinh ở trường St. Mary. Cũng hay đấy, khi còn nhỏ cái tên cúm cơm của mình là Cu Mèo. Còn bây giờ lớn lên thì lại là “Cha Mèo”.

Đùa giởn với bọn trẻ ở trường St. Mary xong, mình lại gặp bọn đệ tử trong tiểu chủng viện. Cuối tiệc, tụi nó có công tác dọn dẹp những đồ trang trí. Mình cũng đến giúp thu xếp và luôn tiện nói chuyện làm quen. Mình là người mới đến nên cứ nghĩ tụi nó không biết mình là ai, nhưng vài lần mình làm lễ đồng tế có tụi nó tham dự nên nó cũng nhận ra.

Còn nhiều người khác nữa mình đã gặp và nói chuyện trong ngày hôm nay. Mình cảm thấy rất hạnh phúc khi được làm quen với nhiều người mới ở xứ này. Trong giới linh mục tu sĩ thì thực ra mình còn có vẻ lạc loài vì văn hóa, tuổi tác, và phong cách khá khác nhau. Đó cũng là một điều làm mình đôi khi phải suy nghĩ. Nhưng chắc chắn nó sẽ không phải là điều mình để cho gây ra cản trở với những gì mình muốn đạt được khi đến đây làm việc. Thời gian còn rất dài. Mình sẽ cho bản thân thời gian và cơ hội để thích nghi và dần dần vạch ra cho mình một lối đi tốt đẹp trong đời sống truyền giáo ở Udon Thani.


Udon Thani, ngày 19.1.2008

No comments: