Ông cố cha Miếu qua đời, tối nào cũng có đọc kinh và làm lễ ở nhà không khác gì truyền thống ở Việt Nam. Quang tài được đặt tại nhà, con đường trước nhà bị chiếm để dựng lều, đặt bàn ghế cho khách đến ngồi. Từ Chúa Nhật đến nay, tối nào mình cũng đến để tham dự thánh lễ cùng đông đảo các cha và các seour. Giáo dân đến cũng rất đông. Các chú trong tiểu chủng viện cũng ngồi xe hơn 100 cây số để đến tham dự thánh lễ mỗi tối. Lễ xong thì dọn thức ăn cho khách ăn cũng như ở Việt Nam vậy. Tuy nhiên, trên bàn thì không có những dĩa dưa để cắn như ta thường quen thấy ở quê nhà.
Không khí trong nhà giống như có tiệc vui hơn là có đám tang. Văn hóa Thái Lan, khác với người Việt Nam có lẽ ở chỗ này. Vì không có việc để tang chế nên sự buồn sầu có vẽ không tỏ lộ ra bên ngoài nhiều. Những ngày qua mình chưa thấy ai trong nhà khóc. Mình có hỏi cha Wichai ở Thái Lan đám tang người ta có khóc nhiều không thì ngài bảo cũng không nhiều lắm, đặc biệt khi người chết đã lớn tuổi. Người ta chỉ khóc nhiều trong những trường hợp như tai nạn xảy ra với người còn trẻ.
Trưa mai lúc 1 giờ sẽ có lễ đám tang tại nhà thờ và sau đó là nghi thức chôn cất tại nghĩa trang. Đáng ra Đức Giám Mục sẽ cử hành thánh lễ nhưng tại vì ngài mất giọng từ cả tuần nay nên sẽ không làm được. Cha Pattana sẽ thay thế. Cha Gowit ở nhà thờ chánh tòa là cha xứ của cha Miếu cũng không đến tham dự được vì ở nhà thờ chánh tòa có lễ đám tang cùng giờ. Nhưng chắc chắn thánh lễ sẽ diễn ra rất long trọng vì là lễ đám ta của thân phụ của một vị linh mục.
Tối qua sau lễ mình ngồi trò chuyện với mấy đứa trẻ trong xóm. Tụi nó bảo đây là lễ đám tang lớn nhất trong làng mà nó từng thấy. Tối nào bọn nó cũng đến đọc kinh và được cho ăn, vì ở nhà cũng chẳng có gì để ăn.
Mình ở đây với cha Wichai được hơn 3 ngày rồi. Cha để cho mình tự do thoải mái. Ngoài việc làm lễ sáng, mình không còn trách nhiệm gì nên đem sách lễ ra tập đọc. Buổi sáng mình lấy chiếc xe máy của bà giúp việc trong nhà xứ chạy ra tiệm internet để đọc tin tức về những gì đang xảy ra tại Hà Nội xung quanh việc giáo hội đòi lại đất mà nhà nước tịch thu và sử dụng bất hợp pháp. Mình rất khâm phục tinh thần của người giáo dân cũng như lớp linh mục tu sĩ ở quê nhà. Mình tin rằng với niềm tin vững chắc qua việc cầu nguyện kiên trì của những người giáo dân thì không có mãnh lực sấu xa nào có thể tiêu diệt họ được.
Mấy ngày nay có một tin tức đáng buồn khác là có một nhóm bạn trẻ người Nghệ An, Hà Tỉnh, và Vinh lao động tại Thái Lan, trên đường về Việt Nam ăn Tết với gia đình thì bị đắm thuyền khi qua sông Mekong ở ranh giới Thái - Lào. Trên chiếc thuyền chân vịt có đến 23 người và nhiều đồ đạc mà các bạn trẻ đã mua đem về nhà. Số người đông quá nên chiếc thuyền đã bị chìm trên sông. Mười mấy người bị nước cuốn đi, và nhiều người chưa tìm ra xác.
Những ngày này có rất nhiều bạn trẻ đang về quê ăn Tết. Các bạn ở Thái Lan bất hợp pháp nên việc tìm về nhà cũng phải làm một cách chui chúc như thế. Chính điều này đã tạo nên sự nguy hiểm khi họ đã thuê một chiếc thuyền để vượt ranh giới trong đêm, để rồi mang họa vào thân. Sự cố này làm cho mình cảm thấy rằng mình có một vai trò nào đó đối với các bạn trẻ di dân khi được đưa đến đất nước này để làm việc. Phải chăng đây là một sự kiện giúp cho mình vạch ra một hướng đi cho công việc tương lai? Mình cầu xin Chúa tiếp tục hướng dẫn và soi sáng cho mình hầu biết được sứ vụ của mình ở đất nước Thái này là gì?
Ban Dung, ngày 29.01.2008
No comments:
Post a Comment