Tuần này hơn 100 vị giám mục và linh mục trong bốn địa phận của vùng đông bắc Thái Lan có cuộc họp hàng năm để học hỏi, trao đổi, và gặp gỡ. Mình cũng đi theo để tham dự và lợi dụng cơ hội để làm quen thêm với các cha trong các địa phận lân cận. Hai ngày đầu dành cho các cuộc hội thảo và nói chuyện theo đề tài liên quan đến Lời Chúa để triển khai chương trình cho “Năm Lời Chúa” của Giáo hội Thái Lan tại vùng đông bắc. Ngày mai, các cha sẽ giải lao bằng việc đi tham quan viện bảo tàng về khủng lông. Sáng thứ sáu sẽ kết thúc buổi họp và mọi người ra về.
Năm nay cuộc họp diễn ra tại khách sạn Kosa ở thành phố Khon Ken, cách Udon Thani hơn 100 cây số. Những ngày qua mình đã có cơ hội để lắng nghe “ngôn ngữ tôn giáo” rất nhiều bởi vì có những cuộc thảo luận, thánh lễ, các buổi cầu nguyện, cũng như những cuộc trao đổi trong và ngoài chương trình họp. Mặc dầu mình không mở sách ra đọc hoặc học thuộc từ vựng, nhưng mình cũng có cảm giác như đã học được thêm rất nhiều từ, và đặc biệt là cách dùng từ. Một điều mình phải tập trung vào trong thời gian tới là việc làm quen với những từ ngữ tôn giáo để sử dụng trong việc giảng lễ, cầu nguyện, cũng như những cuộc chia sẻ với giáo dân.
Thời gian học ở Bangkok, một điều mình ít chú trọng đó là những từ ngữ tôn giáo vì mình không có môi trường cũng như nhu cầu tìm hiểu những từ ấy. Đó là vì ở giáo xứ Dòng Chúa Cứu Thế, môi trường của mình dường như hoàn toàn dùng tiếng Anh. Vì thế, trong khi khả năng dùng từ bình thường trong cuộc sống của mình tiến bổ rất khả quan, thì những từ chuyên môn mà mình cần biết trong vị trí một linh mục thì lại rất ít.
Tại buổi họp, mình được biết trong số các cha có mặt, các cha gốc Việt rất nhiều, ngay cả một vị giám mục cũng là gốc Việt. Nhưng chỉ vài người biết nói tiếng Việt một cách không rành rỏi cho mấy. Loại tiếng Việt mà các ngài sử dụng đến từ Miền Trung Việt Nam cả trăm năm trước. Mà khi gặp một linh mục, người ta không chỉ thưa: “Chào Cha” như người Việt thường nói, nhưng lại là: “Chào Ông Cha.”
Mình hỏi một cha gốc Việt tại sao lại dùng chữ “Ông Cha” thì ngài cho biết, đó là cách xưng hô tôn trọng đối với một vị linh mục. Mình có chia sẽ với ngày rằng, ngày nay không người Việt nào nói với một vị linh mục như thế nữa. Ngoài ra, từ “Ông Cha” có thể làm cho vị linh mục có cảm giác là mình không được tôn trọng. Ngài cũng thấy bất ngờ khi nghe mình chia sẻ như vậy. Chỉ một ví dụ này cũng để cho chúng ta thấy rằng trong ngôn ngữ, ý nghĩa của các từ ngữ có thể thay đổi rất nhiều qua thời gian.
Nhưng từ ngữ tiếng Việt không phải là vấn đề của mình lúc này mà là tiếng Thái. Đêm thứ hai, trong nghi thức khai mạc cuộc họp, tất cả các vị linh mục mới, trong đó có mình, được mời lên trước mọi người để ra mắt và tự giới thiệu về mình. Mình cảm thấy rất ngại khi phải làm việc này, nhưng không thể nào tránh được. Cuối cùng, mình cũng nói được những câu cần phải nói, như tên gì, sinh ra ở đâu, lớn lến ở đâu, thuộc về dòng nào, đến Thái Lan được bao lâu rồi, và hiện nay đang làm gì. Những câu đơn giản như thế này mình đã từng nói nên không phải chuẩn bị gì nhiều. Mà có muốn chuẩn bị cũng không được, vì mình không hề biết là sẽ có cái mục tự giới thiệu ấy. Nói chung là mình đã vượt qua trách nhiệm này vô sự cố.
Chiều qua, lại có giờ chia sẻ theo nhóm nhỏ. Mình được đưa vào nhóm số một, với đề tài: Trong vị trí một linh mục, các cha nghĩ rằng mình nên chia sẻ tin mừng với người tín hữu và người ngoài đạo Công giáo như thế nào?
Mình ngồi im lặng để lắng nghe vì mình nhỏ tuổi, cũng như không tự tin về việc chia sẻ bằng tiếng Thái trước nhiều người. Nhưng lần lượt các cha đều chia sẻ hết. Cuối cùng, cha điều khiển buổi chia sẻ quay sang mình hỏi: - Cha có muốn chia sẻ gì không? Cha có thể chia sẻ bằng tiếng Anh cũng được.
Mình đành trả lời: - Dạ thưa cha, để con cố nói bằng tiếng Thái trước, nếu không được thì sẽ nói bằng tiếng Anh.
Thế là mình cũng nói đại những suy nghĩ mà mình đã soạn trong đầu trong trường hợp mình được yêu cầu bày tỏ suy nghĩ. Nghĩ lại hình như mình cũng nói không ngắn, mà có lẽ không phải do vì có nhiều ý tưởng, mà do mình cũng lập lại vài lần những gì mình muốn nói cho rõ ràng hơn.
Sáng hôm sau, khi đang xếp hàng lấy thức ăn sáng, cha điều khiển nhóm đứng sau mình nói: - Cha khá thật đó. Hôm qua, tôi cứ nghĩ có lẽ cha không chia sẻ được bằng tiếng Thái, mà cha cũng làm được. Cha mới học tám tháng mà đạt được khả năng này là tốt lắm.
Mũi mình vốn không phải nhỏ lắm lại càng to ra khi nghe những lời khen như thế này trong những ngày qua. Khong chỉ lời khen từ các cha, mà còn lời khen từ các giáo dân ở Udon Thani khi họ nghe mình đọc lời nguyện Thánh Thể khi đồng tế với cha sở, cũng như khi đứng lên giới thiệu chính mình, và khi nói chuyện trước nhà thờ. Đúng vậy, mình học nhanh và nói được nhiều mặc dầu thời gian không lâu. Nhưng không ai hiểu hơn mình là con đường đi đến sự thông thạo, nói được suôn sẽ còn dài chừng nào. Vì thế vui thì cũng có vui thật, nhưng trong lòng vẫn nôn nào và luôn tự nhắc mình phải phấn đấu để học cho được những gì mình cần biết để việc làm tiến triển và đạt được kết quả như mình mong muốn.
Khon Ken, ngày 23.1.2008
No comments:
Post a Comment