Hôm qua mình đi lễ Chúa Nhật ở giáo xứ Tổng lãnh thiên thần Michael, giáo xứ Công giáo duy nhất tại Nong Bua Lamphu. Tổng số giáo dân đi tham dự có tất cả 15 người, không tính các seour dòng Mẹ Têrêsa và các em mồ côi. Sau lễ cha xứ giới thiệu cho mình 'ông trùm', người Thái gốc Việt.
Ông trùm giới thiệu với mình bác tên là Hữu, quê quán ở Nghệ An. Đúng ra là bố mẹ bác quê ở Nghệ An, còn bác thì sinh ra ở Lào cách đây 78 năm trong thời Việt Minh chống Pháp. Đến năm 16 tuổi thì gia đình bác di cư sang Thái Lan, và đã lập nghiệp ở đất nước này. Bác có 5 người con.
Cũng như chú Hòa, bác Hữu kể lại trước đây đời sống của người Việt tại đất Thái rất khổ. Bác nói:
- Đi ra khỏi khu vực cho phép là cảnh sát kiểm tra giấy tờ và bắt giam.
Thế nhưng bây giờ đời sống của người Việt ở đây đã khá hơn nhiều, từ khi người Việt được quyền công dân.
- Trong thành phố này, những cơ sở làm ăn lớn lớn đều của người Việt đó - bác nói.
Điều bác Hữu nói là có thật. Theo sư huynh Ron, gia đình bác Hữu là một trong những gia đình khá giả nhất Nong Bua Lamphu. Những đứa con của bác có các cơ sở bán xe máy, bán đồ phụ tùng xe cày, bán điện thoại di động... Ngoài ra, những người Việt khác cũng có những cơ sở làm ăn có tầm cở trong thành phố.
Bác Hữu kể:
- Người Việt lướt qua người Lào thì không nói, nhưng ở đây bây giờ người Việt còn làm tốt hơn người Hoa nữa.
Số người Việt nói tiếng Việt được như bác Hữu bây giờ không còn nhiều lắm. Những đứa con của bác chỉ sử dụng tiếng Thái là chính. Một người giáo dân mình gặp tại nhà thờ năm nay đã ngoài bốn mươi, nhưng không biết nói tiếng Việt.
Ở Hoa Kỳ hay ở Úc, thế hệ thứ hai đi lập gia đình nhiều khi phải tìm cho được người Việt vì bố mẹ không nói được tiếng Tây. Tuy nhiên, ở Thái Lan, con cái và bố mẹ đều nói tiếng Thái. Họ cũng hòa đồng với văn hóa của người Thái. Thực ra mình nhìn người Việt cũng khó đoán được họ là đồng hương nếu không có ai nói cho biết. Nhưng bác Hữu đã cho mình hay một điều rất thú vị. Đó là trong cộng đồng người Việt, người Việt khi lập gia đình vẫn lấy nhau chứ ít ai lấy người Thái hay người Lào.
- Nếu đi lấy người Thái sẽ bị người ta nói - bác Hữu kể.
Hóa ra, người Việt lấy người Việt không chỉ để thỏa mãn nhu cầu ngôn ngữ hay văn hóa, là những lý do được nêu lên nhiều nhất ở phương Tây, mà còn có gì đó sâu xa hơn nữa. Yếu tố đó là gì nhỉ? Phải chăng tự hào dân tộc? Phải chăng có một sự liên kết tâm linh nào đó mà chỉ có người Việt với nhau mới thông cảm được?
Cộng đồng người Việt ở Nong Bua Lamphu tuy nhỏ, nhưng mình có thể hình dung được một lịch sử rất thú vị, phức tạp, và khác biệt với các thành phần "Việt kiều" khác mà ta thường nhắc tới. Mình hy vọng trong tương lại sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với những người đồng hương này, với những câu chuyện khác hẳn với những gì mình quen biết.
Nong Bua Lamphu, ngày 26.2.2007
No comments:
Post a Comment