Chúa đến với chúng ta để chúng ta đến với nhau


Hôm qua là một ngày hạnh phúc cho mình khi mình đã giải tội cho cả trăm bạn trẻ đến xưng tội để có thể rước Mình Thánh Chúa vào dịp Noel. Lễ mừng Giáng Sinh của cộng đoàn Việt Nam tại Bangkok diễn ra trể gần một tuần so với Giáo Hội Công Giáo, nhưng không vì thế mà thánh lễ hôm qua tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Minburi thiếu phần long trọng.

Sau khi bị nhà thờ Don Bosco “đuổi” cách đây vài tuần, lãnh đạo cộng đoàn đã phải bôn ba đi tìm chỗ mới để dâng lễ. Cuối cùng đã được Dòng Chúa Cứu Thể cho tổ chức lễ ở nhà thờ trong khu vực trường quốc tế Ruam Rudii (cũng thuộc về DCCT), bên cạnh “làng” Chok Chai. Gọi là “làng” nhưng nhà dân cư ở đó thuộc loại sang nhất nước Thái.

Là một địa điểm an toàn và sang trọng, nhưng đường đến nhà thờ không dễ chút nào. Ngoài ra không có phương tiện xe công cộng từ đường ngoài (đường Ramkhamheng) vào trong nên cộng đoàn phải chuẩn bị hai chiếc xe 15 chỗ để đưa từng tốp từ đầu hẻm vào nhà thờ, đoạn đường dài khoảng 7 cây số. Còn bạn nào vào được bằng taxi thì cho vào. Ở đầu hẻm 164 của đường Ramkhamheng có bốn bạn trong ban trật từ (không ai có giấy tờ hợp pháp) đứng làm hướng dẫn viên cho người đi lễ.

So với lần trước ở nhà thờ Don Bosco có đến gần 600 người đi lễ thì hôm qua chỉ có khoảng 300, coi như bị xuống một nữa. Vì là địa điểm mới, xa lạ, và khó đi, nên nhiều bạn đã không dám mạo hiểm. Nhưng con số 300 là cũng đã vượt ngoài sự mong đợi của ban tổ chức lễ khi chỉ chuẩn bị 200 phần ăn. Nhưng cuối cùng mọi người cũng chia sớt với nhau những lương thực để mọi người có gì để lót bụng sau nhiều giờ đồng hồ chỉ có uống nước cầm hơi. Có bạn đến nhà thờ từ lúc 8h30 sáng, trong khi 3h30 chiều thánh lễ mới kết thúc. Tuy nhiên, nhà thờ DCCT nhỏ hơn nhà thờ Don Bosco, nên với 300 người đi lễ thì nhà thờ cũng đã hết chỗ ngồi.

Hôm qua mình có vinh dự được chia sẻ lời Chúa với cộng đoàn. Mình đã chia sẻ như sau:

Thiên Chúa đến với chúng ta để chúng ta đến với nhau
Noel 2007, Bangkok


Mùa Noel sắp đến, Cha xứ muốn tạo nên không khí phấn khởi trong giáo xứ, nên ngài tổ chức cuộc thi đua giáo lý. Cu tí được seour Huyền cử đại diện cho lớp vở lòng. Các anh các chị lần lượt lên bóc thăm câu hỏi rồi trả lời một cách xuôn sắn. Đến phiên Cu Tí lên thì bắt thăm được câu như sau: Em hãy đọc thuộc lòng bất cứ thứ ngắm nào trong 15 thứ ngắm của Kinh Mân Côi. Cu Tí vừa đọc lời yêu cầu mà tay run như cầy sấy. Vì Mẹ nó sắp sinh em bé, nó phải giúp việc trong nhà, nên không có giờ để ôn bài trước khi lên thi. Nó nhìn qua nhìn lại trong nhà thờ, thấy có hang lừa mang cỏ đang được xây bên cạnh cung thánh. Bổng nhiên nó nhớ lại Ngắm thứ ba mùa vui. Nhưng nó chỉ nhớ được phần đầu nên chần chừ chưa dám trả lời. Từ đàng sau cung thánh, Sr. Huyền nhìn Cu Tí với ánh mắt đốc thúc. Cu Tí đành sáng tác đại ra một ý tưởng hợp với hoàn cảnh gia đình nó nhưng cũng thực hợp lý sau đây:

- Thứ ba thì ngắm, Ðức Bà sinh Ðức Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được... Mẹ tròn con vuông.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em rất thân mến trong Đức Kitô, ngày lễ Noel chính thức đã trôi qua gần 1 tuần rồi, và nhìn về hang đá, ta có thể thấy cảnh mẹ tròn con vuông của ngày Chúa sinh ra. Đây là ngày mà cả thế giới đều phải ăn mừng vì Đấng Cứu Thế đến với chúng ta.

Có lẽ trong chúng ta không ai không có những kỷ niệm về ngày lễ Noel. Bản thân tôi vì lớn lên ở Hoa Kỳ nên dường như tất cả những ký ức về mùa Giáng sinh đều xoay quanh
Cảnh trạng mùa đông băng giá rét buốt, đặc biệt trong những năm tu học tại thành phố Chicago ở miền bắc Hoa Kỳ. Đây là thành phố mà người ta mệnh danh là “thành phố gió”. Nhưng ở Chicago không chỉ có gió, mà còn có tuyết – rất nhiều tuyết.

Có những buổi sáng thức dậy, kéo màn cửa sổ nhìn ra ngoài, bổng nhiên nhìn thấy một không gian trắng xóa. Trong đêm tuyết rơi xuống bao phủ khắp nơi – tuyết phủ đầy những mái nhà; bám sát những cành cây khô trụi lá; lấp kín những chiếc xe đậu hai bên đường; và tạo nên một lớp thảm trắng tinh trên đường phố.

Trong quang cảnh như thế, không ai mở lên những bài hát đạo đời bất hữu về Noel mà không khỏi cảm thấy tâm trạng nao nao trong sự trông chờ ngày Chúa đến.
Người Việt ta ở Hoa Kỳ đến mùa Giáng Sinh vẫn ưa chuộng những bài tình ca giáng sinh như bài thánh ca buồn, Hai mùa Noel, hoặc Kỷ niệm đêm giáng sinh.

Ở Bangkok này, mặc dầu không có tuyết lạnh, nhưng vừa qua, có vài ngày thời tiết dịu xuống, có những buổi sáng trời se se lạnh, có những cơn gió mùa đông ở đâu đó thổi đến,
Có lẽ lúc ấy bạn nào mở nhạc Giáng sinh nghe Elvis Phương hát: “Bài thánh ca đó còn nhớ không em; Noel năm nào chúng mình có nhau” hay nghe Mạnh Đình và Nhu Quỳnh hát: “Mùa Noel đó, chúng ta quen bên giáo đường. Mùa Noel đó, anh dắt em vào tình yêu” - Các bạn cũng đưa hồn về một kỷ niệm đẹp năm xưa dưới tháp chuông nhà thờ, hay thầm nghĩ đến một bóng dáng nào đó đang âm thầm cầu nguyện bên hang máng cỏ chăng?

Vâng, trong các ngày lễ đạo của chúng ta, không có ngày lễ nào làm cho chúng ta mang nhiều kỷ niệm và nhớ đến người thân yêu bằng ngày lễ Giáng sinh. Đây là ngày mà chúng ta trao tặng nhau những món quà dễ thương, những tấm thiệp kèm theo những lời chúc bình an, và cầu nguyện cho nhau được tràn đầy hồng ân của Chúa Giêsu hài đồng.

Lý do gì làm cho chúng ta gần gũi nhau đến thế? Phải chăng trong lúc này thời tiết thay đổi, những cơn gió bấc se lạnh tâm hồn, làm cho chúng ta muốn tìm đến nhau nhiều hơn
để sưởi ấm lòng nhau?

Có thể vậy. Nhưng thiết nghĩ còn có một lý do khác rất quan trọng khiến cho chúng ta gần gũi nhau hơn. Đó chính là sự hiện diện của Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Sự kiện Chúa Giêsu sinh ra trên trần thế là một sự kiện lịch sử vô cùng kỳ diệu và đặc biệt. Thiên Chúa đã vượt qua tất cả mọi ranh giới và cản trở để đến với chúng ta . Từ trời cao Ngài hạ xuống thế. Từ Thiên Chúa, Ngài xuống làm người. Tự sự cao sang vô tận, Ngài trở nên thấp hèn bé mọn. Để rồi, trong cuộc sống của Ngài, Ngài sống như chúng ta,
Làm việc như chúng ta, khóc, cười, ăn nói, và đi lại như chúng ta,
Và đau khổ chịu đựng như chúng ta. Tất cả những điều này Ngài làm trong sự cảm thông
với số phận con người yếu đuối tội lỗi, và với mục đích nhân hậu cao cả là để cứu chuộc chúng ta khỏi sự chết muôn đời.

Quý ông bà và anh chị em thân mến, Chúa đến với chúng ta cũng là để cho chúng ta đến với nhau. Khi chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã vượt qua tất cả những ranh giới để đồng hành với chúng ta, chúng ta không thể không thấy rằng chúng ta cũng phải bắt chước Ngài trong việc đập phá những rào cản khiến cho chúng ta bị cách ly bằng những lý do nhỏ nhoi không đáng kể.

Là những người Việt Nam sống trên đất khách quê người, có lẽ chúng ta cũng hiểu được như thế nào là vượt ranh giới. Lần đầu tiên tôi đến sống ở Thái Lan, gọi điện thoại về thăm gia đình, mẹ tôi hỏi: “Sao, con thấy người Thái như thế nào?” “Cũng hơi kỳ mẹ ạ.” Tôi trả lời. “Con thấy đi đâu gặp ai là họ cứ chắp tay lạy nhau chẳng khác gì lạy Chúa lạy Mẹ. Còn nói chuyện thì một chữ là ‘khrap’ hai chữ là ‘khrap’. Nghe không buồn cười thì thôi mẹ ạ.”

Còn có nhiều điều khác nữa làm cho tôi cảm thấy bỡ ngỡ. Nhưng rồi dần dần làm quen với phong tục tập quán ở đây, tôi thấy những điều này cũng rất dễ thương và tốt đẹp.
Chính sự cởi mở và lắng nghe đã giúp tôi thấu hiểu nhiều hơn, hầu biến những điều xa lạ thành quen thuộc, cách xa thành gần gũi.

Thiên Chúa đến với chúng ta để chúng ta đến với nhau. Vậy thì không lý do gì trong cộng đoàn chúng ta chúng ta không thể xây dựng tình tương thân tương ái một cách chặt chẻ bất kể chúng ta là Việt kiều Thái, hay Việt Nam gốc, dân Nghệ An hay dân Thánh Hóa,
Người Huyện Thạch Kim hay người huyện Thạch Hà. Nếu Thiên Chúa có thể từ trời hạ xuống thế để làm người thì cái ranh giới huyện, ranh giới tỉnh, hay ranh giới quốc gia
Là cái gì mà chúng ta không thể nào vượt qua được?

Thiên Chúa đến với chúng ta để chúng ta đến với nhau. Vậy không có lý do gì chúng ta không thể dấn thân phục vụ nhau bằng cách tham gia các sinh hoạt của cộng đoàn để xây dựng một cộng đoàn yêu thương, vững mạnh.

Cộng đoàn chúng ta đang gặp phải khó khăn trong việc tìm một nơi ổn định để sinh hoạt.
Hơn bao giờ hết, việc chúng ta quan tâm đến nhau bằng cách tham gia các sinh hoạt ca đoàn, ban trật tự, và các công việc khác để cho thánh lễ tổ chức được trang trọng, an toàn, và em xuôi là điều tối quan trọng.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần gắn bó chặt chẻ với nhau để duy trì sự đoàn kết trong thời gian chuyển biến. Và hơn bao giờ hết, việc chúng ta ý thức được hành động của mình
Trong môi trường tập thể như nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh, tránh những hành động tổn thương đến sự an toàn của những người xung quanh, và gây ấn tượng không tốt về cộng đoàn chúng ta với người khác – Tất cả những điều này là điều quyết định sự tồn tại của cộng đoàn chúng ta.

Quý ông bà và các bạn thân mến, tương lai của cộng đoàn hoàn toàn phụ thuộc vào tinh thần và ý chí dấn thân phục vụ của mỗi người chúng ta. Nếu Thiên Chúa có thể hạ mình xuống, sinh ra trong một hang bò lừa, làm một con người hèn mọn để phục vụ chúng ta,
Thì lý do gì lại cản trở làm cho chúng ta co mình lại trước những nhu cầu cần thiết của cộng đoàn chúng ta?

Thiên Chúa đến với chúng ta để chúng ta đến với nhau. Vậy thì trong đời sống cá nhân của mỗi người chúng ta, không có lý do gì chúng ta không thể bỏ qua những giận hờn nhỏ nhoi, những sự hiểu lầm không đáng kể, và những ác cảm vô căn cứ khiến cho chúng ta xa cách những người trong cộng đoàn, bạn bè, đồng nghiệp, và những người thân yêu trong gia đình chúng ta.

Đêm Giánh sinh là đêm của an bình, giải hòa, và yêu thương. Việc Chúa sinh ra chỉ có ý nghĩa thực sự khi chúng ta được thúc đẩy xây dựng sự bình an, hòa giải và yêu thương đó
Trong mối tương quan giữa chúng ta với những người mà chúng ta gặp phải sự bất hòa, sự xung đột trong cuộc sống. Để từ đó, chúng ta tái thiết lập những mối quan hệ đã bị sứt mẻ, xóa bỏ những hận thù ghen ghét giữa chúng ta với người khác, và thay vào đó là sự yêu thương, thông cảm, và hòa giải là quà tặng mà Chúa Giêsu Hài đồng mang đến cho mỗi người chúng ta khi Ngài nhập thể làm người vào đêm đông băng giá hơn 2000 năm trước.

Quý ông bà và anh chị em thân mến, Thiên Chúa đã đến với chúng ta, và đang ở giữa chúng ta. Mỗi khi chúng ta mừng lễ Giáng sinh, chúng ta được nhắc nhở rằng
Trên thế gian này không có gì là không thể làm được nếu chúng ta có tình yêu thực sự.
Khi chúng ta lấy tình yêu của Chúa làm tấm áo khoác cho tâm hồn, và làm kim chỉ nam cho cách chúng ta đối xử với nhau, chúng ta đang để cho Chúa sinh ra ngay chính trong trái tim chúng ta và trong đời sống của chúng ta.

Nhưng nếu lễ Giáng Sinh chỉ là một dịp vui cho chúng ta ngắm nhìn những đồ trang trí trong các trung tâm thương mại, là ngày đặc biệt để chúng ta dẫn người yêu đi chơi, hoặc một cơ hội để chúng ta tổ chức ăn nhậu. Nếu mùa giáng sinh chỉ là những bài tình ca lãng mạn, hay chỉ là những kỷ niệm êm đẹp, thì ý nghĩa của ngày lễ đã bị chôn vùi dưới sự hoành tráng rực rỡ của những ánh đèn lấp lánh, dưới những thứ đồ vật chất, và những thú vui chống tàn.

Mùa Giáng sinh trôi qua, chúng ta dẹp đi những cây thông, những giây đèn màu, hang máng cỏ, mọi sự trở lại như cũ, sự bơ vơ trống trải trở lại trong tâm hồn vì chúng ta để cho Chúa Giêsu sinh ra trong hang lừa máng cỏ nhưng lại không để cho Ngài sinh ra trong tâm hồn chúng ta.

Hôm nay chúng ta mừng lễ Giáng Sinh, tôi xin chúc cho mỗi người chúng ta cảm nhận được sự yêu thương và bình an của Ngài bằng cách để cho Ngài sinh ra trong tâm hồn của chúng ta – Để cho tình yêu của Ngài tràn ngập quả tim của chúng ta; để cho sự bình an của Ngài bao phủ lý trí của chúng ta; và để cho sự hòa giải của Ngài hướng dẫn hành động của chúng ta. Amen.

No comments: