Hắn và tôi


Tối hôm qua, nhà dòng có thêm một số khách dùng bữa ăn tối, khiến cho lượng chén bát nhiều hơn. Nhưng đến giờ rửa chén thì số người anh em ở lại giúp vẫn không thay đổi. Những ai thường ở lại rửa thì vẫn ở lại, còn những ai thường ăn xong rồi bỏ đi thì vẫn bỏ đi.

Thấy vậy, cái thằng có tính tình bủn xỉn trong tôi được đánh thức và nhảy toang ra. Hắn vừa lau bát vừa càm ràm: - Cha cụ gì mà làm biếng như heo. Ăn xong rồi phủi mỏ bỏ đi.

Hắn liếc nhìn ông cha với ánh mắt khinh dễ khi ông mang đĩa từ bàn ăn vào nhà bếp, đặt vào bồn nước, rồi bước ra khỏi phòng ăn một cách tỉnh bơ. Thấy vậy, hắn thầm nguyền rủa: - Biết ăn mà chẳng biết làm!

Cái thằng có đầu óc so đo tính toán, và nhỏ mọn đó - hắn ẩn nấp trong tôi, và sẵn sàng chụp lấy bất cứ cơ hội nào để lao ra và thể hiện chính mình. Tốc độ xuất hiện của hắn nhanh đến nỗi tôi không kịp chận hắn lại. Không có hắn, trong đầu tôi nẩy lên nhiều tư tưởng rất cao thượng. Tôi quan tâm đến người nghèo khổ, bệnh tật, và những người bị đàn áp. Tôi có những hoài bảo được đấu tranh cho công lý và hoà bình. Tôi mong mỏi được trở nên dụng cụ mang Tin Mừng và sự bình an của Chúa đến mọi người. Không có hắn, tôi là hiện thân của lòng từ bi và nhân ai. Nhưng khi hắn xuất hiện, hắn cướp đi trí thông minh của tôi. Hắn hoàn toàn điều khiển miệng lưởi và suy nghĩ của tôi. Tôi trở nên một tay sai ngu ngốc của hắn.

Tôi rất ghét cái thằng bủn xỉn đó, nhưng hắn không muốn rời bỏ tôi. Hắn cứ lẩn quẩn chờ đợi một hành động, một lời nói, hay một cử chỉ của ai đó làm cho tôi không vừa lòng là hắn tự động trình diện khuôn mặt dữ tợn của hắn. Khi tôi đuổi hắn đi, hắn thu mình lại một cách miễn cưỡng, nét mặt hầm hực, và ánh mắt hắn tỏ ra đầy hận thù với lời tuyên bố như trong bộ phim Kẻ huỷ diệt: - Tao sẽ trở lại!

Trong cuộc sống, có nhiều khi diễn ra cuộc xung đột giữa tôi và hắn một cách ác liệt. Khi tôi đầy đủ vũ khí để đối phó với hắn thì hắn bị đánh nhừ, có khi còn nằm thoi thóp như chờ chết. Nhưng hắn không chết, hắn nhắm mắt giã vờ tắt thở. Tôi nhìn thấy hắn nằm không động đậy, tưởng hắn chết thật, nên quay mặt đi. Tôi trở lại với công việc quan trọng mà tôi được giao trách nhiệm để thực hành. Nhưng rồi trong khi tôi đang tự tin và chủ quan, hắn lại hồi sinh với sức mạnh ngoan cường. Hắn hoành hành và đánh làm cho tôi bầm dập. Tôi tự vấn không biết cuộc chiến khốc liệt này sẽ còn diễn ra cho tới bao giờ.

Epping, NSW ngày 29.11.2006

Quy tắc trong mục vụ


Hôm nay tôi tham dự khóa học về các quy tắc để thực hiện công tác mục vụ tại Úc một cách chuyên nghiệp và mang tính đích thực. Mặc dầu tôi không có bài sai phục vụ ở Úc, nhưng bề trên vẫn muốn tôi tham dự khoá huấn luyện hội nhập văn hoá Úc kéo dài tới hai tuần lễ.

Các vấn đề được nêu lên hôm nay cho thấy làm mục vụ trong bối cảnh thời đại của Giáo hội và xã hội Úc không đơn giản chút nào. Hai hướng dẫn viên người Úc, Seour Angela và Frere Julian, trình bày cho chúng tôi những yếu tố cần thiết để làm mục vụ cách hiệu quả, song tránh được những tình huống gây ra tai tiếng và tổn thương cho người làm mục vụ lẫn người giáo dân.

Trong thời buổi giáo hội Tây phương đang trải qua cuộc khủng hoảng do các vấn đề sách nhiễu tình dục và lạm dụng quyền lực từ phía các linh mục - tu sĩ, lối làm việc theo cảm tính hay bất cẩn đã trở nên quá mạo hiểm. Vì thế, một cử chỉ chào hỏi hay giao tiếp, nơi lời nói hay hành động được thực hiện, đối tượng trong việc giao tiếp - tất cả đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.

Frere Julian tuyên bố: - Nếu bất cứ điều gì với người khác mà quý vị không thể làm được trước mọi người, thì quý vị không thể làm điều đó khi ở một mình với họ.

Ngược lại, Sr. Angela khuyên rằng: - Việc gì người khác làm với quý vị mà quý vị không thấy thoải mái, đó là dấu chỉ quý vị nên tìm cách tránh né.

Các lời hướng dẫn có mục đích giúp cho các linh mục - tu sĩ không rơi vào tình thế có những hành động gây ra tác hại cho người khác và ngược lại, cũng như hạn chế khả năng mình trở nên nạn nhân của sự vu oan.

Thời buổi các linh mục - tu sĩ có thể giao tiếp một cách vô tư với giáo dân, cho dù đó là người lớn hay trẻ em, không còn nữa, bởi vì nhiều trường hợp lạm dụng quyền lực nơi một số linh mục - tu sĩ đối với giáo dân, đặc biệt là trẻ em, cũng như nhiều trường hợp vu oan đã đưa chúng ta vào một thực trạng mới, nơi mọi người phải luôn cảnh giác và hành động theo nhiều quy tắc chặt chẻ.

Trong Thần học viện của tôi tại Hoa Kỳ, chúng tôi không được đưa bất cứ ai tuổi vị thành niên vào phòng riêng, ngoại trừ đó là em ruột. Trước đây, đi dạy kèm cho học sinh nghèo, tôi luôn phải dạy trong phòng có những người lớn khác hiện diện. Và đương nhiên, tôi không thể đưa em đó đi coi phim một mình.

Một ngày nọ, sau lễ Chúa Nhật, một em thiếu nhi không có phương tiện về nhà. Em nhờ tôi đưa em về, nhưng vì em còn ở tuổi vị thành niên, tôi không thể một mình đưa em về nhưng phải kéo thêm một người lớn khác cùng đi. Mục đích là để có người làm chứng trong trường hợp có sự kiện cáo gì xảy ra về sau.

Tuy nhiên, đưa ra những cái "được" và "không được" làm mà thôi thì không thể giúp mình làm mục vụ một cách tốt đẹp nhất. Điều quan trọng là mình phải trở nên một con người quân bình và lành mạnh trong tinh thần lẫn thể xác. Và mình dấn thân trong việc xây dựng những mối quan hệ dựa trên nền tảng tôn trọng, yêu thương, và phục vụ. Hành vi của một linh mục hay tu sĩ sẽ phải nói lên sự trung thành của mình với những giá trị mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người.

Vì thế, điều đáng tiếc ngày nay không phải là việc có những quy tắc về hành vi mà các linh mục - tu sĩ phải tuân theo, nhưng là việc chúng ta phải trình bày bằng giấy trắng mực đen một cách thẳng thắn những lỗi lầm mà các linh mục - tu sĩ đã mắc phải và cần khắc phục. Giá như các linh mục - tu sĩ ý thức được mình là ai và tính chất yêu thương và phục vụ của sứ mệnh mà mình đã được trao phó, thì có lẽ chúng ta sẽ không phải đối diện với một thực tại đáng lo ngại như bây giờ.

Epping, NSW ngày 28.11.2006

Chiếc áo không làm nên thầy tu


Tối hôm qua, tại nhà cha mới Ph. có tiệc họp mặt. Bà con và bạn bè đến chơi rất đông. Nhà đãi nguyên một con bê thui nóng bỏ trên cái lò xoay. Ban chiều thì con bê còn nguyên xi, nhưng tới 10 giờ tối thì nhìn lại chỉ thấy còn bộ xương.


Bà con ngồi trò chuyện từng nhóm, nhóm trong phòng khách, nhóm trong nhà bếp, nhóm sau vườn, nhóm trước cổng. Ngoài patio, cha Q., cha Th., anh Thắng, chị Hào, và chị Tuyết đang ngồi trò chuyện về trang phục của các cha.

Cha Q. từ Mỹ qua bình luận: - Bên Úc này 'cấp tiến' thật. Không ai mặc áo linh mục nữa. Mình tưởng ở Mỹ mình là cấp tiến, mà ai ngờ bên Úc này còn cấp tiến hơn.

Chị Tuyết đồng ý: - Ừ, cấp tiến thật đó. Có lần con lên dòng cha dự lễ. Bước từ ngoài cổng vào, còn thấy nhiều thanh niên ăn mặc sáng sủa lắm. Họ chào con, con cứ trả lời 'chào anh'. Cô bạn mới nhéo con bảo: 'Anh gì mà anh, cha thầy không đó bà'. Nghe nói mới biết chứ nhìn không ai mà biết được đó là cha thầy, hay anh chàng nào.

Chị Tuyết xoay qua hỏi tôi: - Vậy bên Mỹ dòng cha có mặc áo dòng không?

Tôi trả lời: - Áo dòng thì ở Mỹ đã bỏ lâu rồi. Nhưng áo linh mục thì tuỳ lựa chọn của cá nhân. Ai thích mặc thì mặc, ai không thích thì không bắt buộc.

- Vậy cha có mặc áo linh mục không?

- Em thì ít mặc, nhưng cũng thỉnh thoảng.

Một lát sau, trong phòng khách, cha mới Ph. mở hai gói quà từ một cha bác dòng Đồng Công ở Hoa Kỳ. Trong đó có 3 chiếc áo lễ được thêu rất là công phu bởi các seour ở tu viện Mân Côi trên đường Huỳnh Văn Bánh, Sài Gòn. 3 chiếc áo lễ có ba màu - vàng, trắng, và xanh. Cái áo thứ tư không phải là áo lễ, mà là áo linh mục màu xám. Cầm chiếc áo linh mục trong tay, anh Ph. nói với tôi:

- Bác cho mình chiếc áo này làm gì nhỉ? Mình đâu có mặc bao giờ đâu.

- Ngày mai, lễ mở tay của anh, anh có thể mặc một lần.


Anh nhìn tôi với ánh mắt như muốn nói: 'Không hề làm điều đó'.
Tôi hỏi anh:

- Vậy anh định không bao giờ mặc hết à?

Anh Ph. gật đầu, rồi hỏi tôi:

- Mình thấy bên đó các cha thường xuyên mặc áo linh mục phải không? Thấy cha Q., cha H. (anh em trong dòng) ai cũng mặc hết cả.

- Nhiều cha bên đó vẫn mặc. Không phải lúc nào mấy anh cũng mặc, nhưng khi có lễ, đặc biệt là lễ lớn, hay là có những trường hợp giao tiếp với giáo dân.

- Bên Úc này thì không thấy ai mặc bao giờ.

Anh Ph. nói xong rồi bỏ chiếc áo linh mục màu xám vào trong hộp quà, rồi đóng hộp lại như cũ.

Hoá ra là vậy. Ở Úc, các cha không có thói quen mặc áo linh mục. Từ ngày đến đây, tôi đã để ý điều này trong dòng tôi. Nhưng tôi đã không biết rằng đây không phải là trường hợp riêng biệt, nhưng mọi người đều như vậy.

Tôi vốn là người ít khi mặc áo linh mục, nhưng trước khi qua Úc tôi vẫn bỏ vào trong vali một chiếc áo màu đen và cổ trắng để sử dụng khi cần thiết. Nhưng từ ngày tới đây đến nay, tôi chưa có dịp lấy nó ra khỏi tủ. Bây giờ thì tôi biết rằng, nó sẽ giữ hoài vị trí của nó trong tủ áo cho đến ngày tôi thu xếp đồ đạc để lên đường sang Thái Lan. Thế là chiếc áo màu đen, một hình ảnh từng gắn liền với đời sống tận hiến của các cha không còn chỗ đứng nào trong não trạng của các linh mục ở đất nước này nữa.

Brisbane, QL ngày 26.11.2006

Xúc động


Lễ chịu chức của hai anh em trong dòng diễn ra tốt đẹp. Cuối lễ mỗi người đứng lên cám ơn cộng đoàn, người bằng tiếng Anh, người bằng tiếng Việt. Cha mới Ph. trong lời cám ơn cũng đã không giữ được bình tĩnh. Anh cứ bị nghẹn ngào vì quá cảm động, đặc biệt là trong lời cám ơn gia đình và những người thân đã đồng hành và nâng đỡ anh trong đời sống tu trì.


Trong bữa tiệc trà sau thánh lễ, khi tôi đến chúc mừng và trò chuyện với anh, anh đã tâm sự rằng: - Thật là khó mà không chảy nước mắt. Vì mình cảm thấy quá nhiều người đến với mình để giúp đỡ mình. Sự cảm động giống như là một phản ứng tự nhiên.

Tôi rất đồng tình với tâm trạng của anh Ph. Trong thánh lễ tạ ơn của tôi, tôi cũng đã phải rất cố gắng mới nói được hết lời cám ơn mà tôi đã soạn bởi vì tôi không thể giữ được bình tĩnh. Nhớ đến công lao sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ và sự thương yêu, nâng đỡ của các anh chị và người thân, tôi lại cảm thấy quá nghẹn ngào. Vừa nói mà tôi cứ xụt xịt, rồi lấy khăn thấm nước mắt. Sự xúc động của tôi cũng đã làm cho nhiều người tham dự thánh lễ phải chảy nước mắt theo.

Mà có lẽ chẳng phải một mình tôi hay anh Ph. là người duy nhất bị như thế. Dường như tất cả các lễ tạ ơn mà tôi đã tham dự, khi tân linh mục đứng lên bày tỏ lòng cảm ơn đều mất bình tĩnh. Chính tôi cũng biết mình sẽ như vậy trước khi sự việc xảy ra. Trong những ngày tháng chuẩn bị cho thánh lễ đầu tay, tôi liên tưởng rất nhiều về giây phút đứng lên cảm ơn bố mẹ, các anh chị, và các ân nhân. Và trăm lần như một, tôi cứ chảy nước mắt khi nghĩ đến những gì mình muốn nói. Ngồi một mình trong phòng, có những lần tôi cứ để cho mình khóc oà lên như một đứa bé đang nhớ mẹ.

Sự ngậm ngùi có lẽ cũng có nhiều lý do. Một phần là tôi biết rằng mình không thể có ngày này nếu không có sự trợ giúp của tất cả những người đã đồng hành với mình. Nhưng phần khác, tôi dường như cảm nhận được rằng, với hai bàn tay trắng của tôi, ngoài lời cầu nguyện thì lời cảm ơn chân thành có lẽ là món quà duy nhất mà tôi có thể dùng để đáp trả tình thương mà tôi đã nhận được nơi họ.

Brisbane, QL ngày 25.11.2006

Lý tưởng và thực tại


Hôm nay, một trong hai người được chịu chức linh mục trong Hội dòng của tôi là một người đã khá lớn tuổi, đã từng có vợ và có con. Nhưng cuộc hôn nhân đó đã được Giáo hội công nhận là không thành. Thầy G. cũng là người duy nhất có nguồn gốc ở Úc trong dịp chịu chức này.

Trường hợp của thầy G. thì hiếm có trong cộng đồng người VIệt, và dường như chưa có tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở Tây phương thì những trường hợp như thế này ngày càng phổ biến.

Trước đây, xu hướng "già hoá" của ơn gọi được thấy trong việc những người vào dòng đã rất trưởng thành, trải qua nhiều kinh nghiệm sống, đã đi làm thời gian lâu. Có người đã từng làm bác sỹ, kỷ sư. Nhưng đời sống xã hội không làm cho họ thoả mãn, vì thế họ đã tìm đến đời sống tu trì để đáp ứng nhu cầu tâm linh sâu xa hơn. Tuy nhiên, ngày nay ơn gọi không chỉ xuất phát từ những người độc thân, mà còn từ những người đã có gia đình như trường hợp của thầy G.

Đối với nhiều người thì một người như thầy G. có thể làm cho hình ảnh họ mang trong tâm trí về một vị linh mục "trong trắng" bị tác động mạnh mẽ. Có người còn cho rằng đây là một việc "phản cảm" vì họ không thể hình dung một vị linh mục hay tu sĩ đã từng có vợ và có con cái. Tuy nhiên, có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta nhận ra sự khác biệt giữa lý tưởng và thực tại.


Bản thân tôi không biết trên đời này có một linh mục hay tu sĩ nào có thể đáp ứng được cái hình ảnh "trong trắng" mà nhiều người mường tượng tới hay không. Hay trên thực tế, các linh mục vẫn mang trong mình nhiều mâu thuẫn, trong đó có cái tốt cái xấu lẫn lộn với nhau. Hõ đã có những cái đó trong người ngay từ lúc họ bắt đầu hành trình ơn gọi và chúng vẫn còn tồn tại ngay cả trong giây phút nhận chức linh mục. Và vị linh mục đó phải liên tục phấn đấu để mong sao cái tốt được thực hiện nhiều hơn cái xấu.

Sự trong trắng, thánh thiện có lẽ không phải là một "thực tại" nhưng trên thực tế là một "niềm hy vọng" và là một "mục tiêu" mà tất cả chúng ta, bất kể kẻ tu trì hay người ở ngoài xã hội phải hướng tới. Trong việc này thì tôi cho rằng không hẳn các linh mục hay tu sĩ có một điểm xuất phát thuận tiện hơn những người trong xã hội. Nhìn lại bản thân thì tôi nghĩ rằng, ngoại trừ những năm tôi chưa có trí khôn, còn những năm còn lại thì có lẽ tôi chưa bao giờ thấy mình là thánh thiện. Vẫn biết thế, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là Chúa vẫn muốn tôi làm chứng nhân cho Ngài.

Brisbane, QL ngày 25.11.2006

Hỏi chuyện bà cố

Hội dòng tại Úc sắp có thếm năm linh mục truyền giáo mới, trong đó có 3 người là gốc Việt. Hai người sẽ được tấn phong tại Brisbane vào cuối tuần này, còn 3 người còn lại sẽ được tấn phong hai tuần sau tại thành phố Melbourne. Một người anh em quê ở tỉnh Dak Nong có mẹ mới bay sang Úc để tham dự ngày lễ trọng đại nhất trong đời sống của con trai mình. Chúng tôi cùng nhau lái xe từ Sydney lên Brisbane để tham dự lễ, chuyến đi hơn 13 giờ đồng hồ.

Trên đường đi tôi hỏi chuyện bà cố:
- Bà cố đi đường xa có mệt không?
- Có gì mà mệt cha. Con đi như vậy cả tháng cũng được.
- Bà cố khoẻ vậy à?
- Con khoẻ lắm. Con có 12 đứa con, 6 trai 6 gái. Đứa nào cũng còn sống. Bây giờ mà ở nhà thì cũng đi làm rẩy. Làm cà phê đó cha.
- Bà cố cao tuổi rồi mà vẫn còn làm rẩy à? Sao bà cố không về hưu?
- Lúc nào mà con nhắm mắt xuôi tay thì lúc đó về hưu luôn cha.
- Vậy bà cố đã chuẩn bị lễ tạ ơn cho anh Tr. chưa?
- Chuẩn bị cả tháng rồi cha. Lên danh sách mời hết cả rồi.
- Bà cố dự định làm mấy mâm?
- 100.
- 100 mâm luôn. Nhiều vậy bà cố?
- Tại vì phải mời cả giáo xứ cha. 100 mâm thật ra cũng chưa đủ. Phải tới 150 mâm mới đủ.
- Giáo họ có tổ chức gì không?
- Có chứ. Ở chỗ con, giáo họ lúc nào cũng có tổ chức cho cha mới. Có cha kia vừa rồi họ đãi 80 mâm.
- Các cha mới được ưu đãi quá ha. Còn các seour thì sao?
- Các seour không được gì hết cha.
- Ủa, sao kỳ thị mấy seour vậy bà cố?
- Tại vì các seour chỗ con đi tu nhiều quá cha.
Nghĩ lại cũng tội nghiệp các seour thật. Các chị cũng dâng trọn đời cho Chúa, cũng làm việc đêm ngày để phục vụ Nước Trời, nhưng giáo dân vẫn luôn kính trọng các Cha hơn. Không biết đến lúc nào thì giáo họ, thay vì đãi 80 mâm cho cha mới, và 0 mâm cho seour khấn trọn đời, thì chỉ đãi 40 mâm mừng cha mới, và 40 mâm để mừng lễ khấn trọn đời của các seour.

Brisbane, QL ngày 24.11.2006

Trục trặc nho nhỏ


Hôm nay tôi đến lãnh sứ quán Thái Lan tại thành phố Sydney làm visa để đi sang nước này. Tôi mang theo một lá thư giới thiệu từ Đức Giám Mục tại Thái Lan. Thư viết hoàn toàn bằng tiếng Thái tôi không đọc được một chữ, nhưng tôi biết đó là thư trình bày rằng tôi sẽ qua Thái Lan và cộng tác với Giáo hội địa phương.

Tôi xin làm visa để ở Thái Lan một năm, rồi sau đó gia hạn lại. Tuy nhiên, nhân viên tại lãnh sứ quán đã không chấp thuận, bảo rằng tôi không có đầy đủ giấy tờ để được cấp visa 1 năm. Thư giới thiệu của ĐGM không xác định rõ ràng thời gian tôi sẽ ở Thái Lan. Cũng chẳng có một hợp đồng nào cụ thể về công tác tại nước này. Họ yêu cầu tôi xin visa 3 tháng, rồi sau khi qua Thái Lan làm đơn xin ở lại lâu hơn. Trong vòng một tuần nữa họ sẽ cấp visa cho tôi nếu không có gì cản trở.

Gặp trục trặc trong vấn đề visa, nhưng tôi không mấy lo lắng. Đến bây giờ một điều tôi đã nhận ra là chỉ nên lo ngại khi mọi chuyện xem quá êm xuôi. Còn chuyện ngoài ý muốn xảy ra dường như là điều hiển nhiên.

Trong cuộc sống, thường những chuyện xảy ra ngoài dự định là những cái làm cho đời sống mình bị xáo trộn. Nhưng chính sự xáo trộn ấy lại trở nên những kinh nghiệm rất quý giá, và nhiều khi nó là sự bắt đầu cho một trật tự mới tuyệt vời hơn và kỳ lạ hơn. Tuy nhiên, khi công việc đang bị đảo lộn thì không mấy ai nhận ra điều này. Mình chỉ cảm thấy vô cùng bực bội vì những gì nằm trong chương trình không diễn ra như ý muốn.

Nhưng thời gian sau, nhìn lại những gì đã xảy ra thì mình mới ý thức được rằng sự bất ngờ, ngẫu nhiên, và xáo trộn đó chính là biểu hiện của sự quan phòng mà chỉ có thể bắt nguồn từ Thiên Chúa. Sự sắp đặt của Chúa còn 'siêu' hơn những gì tự mình đã tính toán và lên chương trình rất kỹ lưởng. Nếu chương trình của mình đã diễn ra như ý muốn thì có lẽ đời sống của mình sẽ không thú vị và phong phú như bây giờ. Trải qua một vài kinh nghiệm cá nhân, tôi cảm nhận được sự hiện diện và bàn tay của Chúa trong đời sống tôi rất huyền nhiệm, vì thế giờ đây tôi cố tìm cách giữ được thái độ bình thản mỗi khi đối diện với những điều bất ngờ trong cuộc sống. Tôi cố nhìn vào vấn đề một cách lạc quan hơn để nhận ra khả năng nó sẽ mang lại cho tôi những gì còn tốt đẹp hơn cái mà tôi đang mong chờ.


Epping, NSW ngày 23.11.2006

Hòa mình chứ không hòa tan


Hôm nay tôi đọc được một bài trong tạp chí TIME cua Hoa Kỳ cho hay, các dòng nữ tu tại nước này đang trải qua một hiện tượng bất ngờ, đó là ơn gọi đi tu làm ma seour đang trên đà gia tăng. Xu hướng giảm ơn gọi đang trở ngược lại. Có hội dòng còn phải xây thêm nhà để có chỗ cho các thành viên mới vào ở. Tuổi của những ơn gọi mới này cũng trẻ hơn. Ngày càng có thêm nhiều sinh viên đại học tìm hiểu ơn gọi.


Có một nhận xét khác nữa là nhiều seour trẻ bây giờ ưa chuộng mặc tu phục, ngược lại với lớp các seour già đã loại trừ tu phục từ thời hậu Công đồng Vaticanô II. Các seour trẻ thích mặc tu phục như một lời tuyên bố và làm chứng về sự lựa chọn táo bạo mà họ đã làm trước những giá trị suy đồi của thế giới hiện đại.


Việc người trẻ bây giờ vào dòng, và chọn lựa những dòng mang phong thái "truyền thống" có lẽ cũng là một phản ảnh nói lên phản ứng của giới trẻ với sự rối loạn của thế giới ngày nay. Thế giới ngày càng phức tạp, và người trẻ ngày càng bị chao đảo giữa nhiều thứ hổn hợp, mâu thuẫn. Trở về với những gì gọi là "truyền thống" có thể là biện pháp mà người trẻ sử dụng để tự mình tìm lại sự quân bình trong đời sống. Không phải người trẻ nào cũng hài lòng với lối sống "thích gì làm nấy" được phổ biến và khuyến khích trong xã hội ngày nay.


Phương pháp khép mình lại để bảo vệ và duy trì sự sáng suốt của bản thân cũng là một điều cần thiết và tự nhiên để đối phó với những sức ép chung quanh. Nhìn lại mình, tôi thấy tôi không giống những bạn trẻ này. Tôi ra đường chẳng ai biết là linh mục hay tu sĩ. Tôi nhớ lần đầu tiên đi theo một ma seour ở Việt Nam đến thăm nơi hậu cai ma túy, những bạn trẻ nhìn ra cổng thấy tôi bước vào tưởng rằng tôi là thành viên mới gia nhập vì nhìn tướng tôi hơi bậm trợn.


Về trang phục, tôi ưa chuộng quần jeans hay khakhi và áo thun hay áo schemise giản dị khi ở nhà hoặc ra đường. Đi tham dự lễ lạt hay tiệc tùng, tôi mặc quần tây và áo schemise, thỉnh thoảng thêm áo veston và cravat.


Nhiều khi tôi nghĩ không biết mình cần phải làm gì để "tách" mình ra khỏi đám đông. Tại sao nhìn vào các linh mục hay tu sĩ khác thì người ta nhận ra ngay, còn nhìn tôi thì họ không thể? Tôi cũng không biết được bí quyết của những người đó là gì? Nhìn đạo đức hơn chăng? Lịch lãm hơn chăng? Chửng chạc hơn chăng? Lịch sự hơn chăng?


Thế rồi, nghĩ lại tôi thấy bình thản với phong cách riêng của mình. Tôi cố gắng làm sao có thể hòa đồng với xã hội và với những người trong môi trường sống của mình. Dù sao đi nữa thì tôi cũng là một thanh niên, một người trong xã hội, một người có bạn bè, có những sở thích giao tiếp, thể thao, ca nhac... Tuy nhiên, hòa đồng không có nghĩa phải hòa tan khiến cho mình mất đi bản sắc của một linh mục, một tu sĩ, và một nhà truyền giáo. Đó cũng là nguy cơ của những ông cha ông thầy mà người ta gán cho cái hiệu là "chịu chơi". Tìm được sự thăng bằng để "chơi" mà đừng có "chết" cũng không phải là chuyện đơn giản.


Chúa Giêsu cũng chịu chơi lắm nhỉ. Ngài đã xuống thế làm người, sống như con người, chia sẻ hoàn cảnh của con người, "ăn nhậu" với con người, nhưng sự thánh thiện và bản chất Thiên Chúa trong Ngài đã tồn tại một cách tuyết đối.


Epping, NSW ngày 22.11.2006

Tình huynh đệ


Tối hôm qua, tôi đi theo các cha Việt Nam trong dòng đến giáo xứ ở thành phố bên cạnh ăn tối với cha Th. và một số linh mục Việt Nam khác. Tất cả có khoảng 11 người. Cha triều có, cha dòng có. Có cha già, có cha trẻ, thậm chí còn có cha chịu chức sau tôi vài tháng nữa. Hóa ra tôi không phải là 'cha mới toanh' duy nhất, đó là cụm từ mà tôi đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần thời gian vừa qua.


Bữa ăn có thịt gà nướng, thịt trừu nướng, tôm hấp, salad, bánh mì, và rượu chát. Có bánh sinh nhật cho cha T. nữa vì hôm qua rơi đúng vào ngày sinh nhật 50 của ngài. Bữa ăn rất nhẹ nhàng thoải mái. Đa số các cha ở đó tôi mới gặp lần đầu tiên, nhưng đều thấy giãn dị và vui vẻ. Cha H. già nhất, bị đau thận, nhưng liên tục nói hài làm mọi người cười ồ lên. Cha Q. cùng dòng với tôi, vẫn với cái phong cách xuề xoà trong chiếc áo thun và cái quần 'lững'. Cha Th. là chủ nhà nên liên tục loay hoay với những món ăn và thức uống để đãi khách cho chu đáo. Cha L., mơi chịu chức là người duy nhất xuất hiện trong bộ đồ đen, tuy nhiên, cổ trắng đã được kéo ra.


Ngồi quanh hai chiếc bàn kề lại với nhau, các cha nói chuyện hài, nói chuyện chính trị, nói chuyện mục vụ, nọi chuyện tục...mà thanh. Những giờ gặp gỡ với nhau như vậy thật là thoải mái và giá trị. Tôi biết các cha được giáo dân mời đi dự tiệc, hay đến nhà ăn cơm không ít. Nhưng xuất hiện trước giáo dân thì có những quy luật cử xử của nó, còn các anh em linh mục ngồi lại với nhau thì mang một tinh thần khác.


Các cha dòng sống trong cộng đoàn với các linh mục tu sĩ khác cũng may mắn vì không bị cô độc. Nhưng các cha triều, như cha Th., một mình quản lý giáo xứ, tự lo liệu từ việc ăn uống đến phần giặt dủ, chắc chắn những cuộc họp mặt như vậy thật là bổ ích cho đời sống tinh thần. Một bữa ăn ngon, kèm theo vài ly rượu, và những câu chuyện giãn dị là những cái rất là lý tưởng để xây dựng tình huynh đệ với nhau.


Epping, NSW ngày 21.11.2006

Trung thành với việc nhỏ


Hội dòng của tôi cũng như nhiều Hội dòng khác, có thiết lập một mục vụ có tên là “Công lý và hòa bình”. Người được bố trí vào chức vụ này có trách nhiệm triển khai các dự án của Hội dòng liên quan đến công lý và hòa bình, hầu giúp Hội dòng có một tiếng nói tiên tri trước những vấn nạn trong xã hội, đặc biệt những gì có tác hại đến nhân phẩm con người cũng như sự vẹn toàn của thiên nhiên mà Thiên Chúa đã tác tạo nên.


Chi nhánh của Hội dòng của tôi ở Úc cũng có một linh mục được bổ nhiệm vào mục vụ này. Đối với tôi, đây là một trong những công việc quan trọng nhất trong chương trình mục vụ của nhà dòng. Người ấy phải có tầm nhìn rộng, phải hiểu biết và cập nhật các vấn đề của thời đại, phải mạnh dạn trong việc đưa ra những ý kiến để giúp cho Hội dòng làm tốt sứ mệnh của mình đối với Dân Chúa. Và trên hết, người ấy phải thật sự biết quan tâm đến những người xung quanh, thông cảm với hoàn cảnh của họ, và biết chia sẻ những ưu tư của họ. Trước đây, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm dẫn đầu Ủy ban Công lý và hòa bình của Tòa Thánh, có lẽ cũng vì ĐHY đã hội được những điều kiện đó và còn hơn thế nữa.


Sáng nay, tôi chứng kiến người anh em trong Hội dòng được bổ nhiệm vào mục vụ này dâng lễ, và đã làm tôi suy nghĩ. Cha X. năm nay khoảng tuổi trung niên. Có thêm một linh mục khác, năm nay 75 tuổi cùng đồng tế với ngài. Trong thánh lễ, đến lúc công bố tin mừng, công việc thường được các chủ tế giao cho vị đồng tế, thì cha X. đã kiêm hẳn.


Tuy nhiên, đến phần rước lễ, sau khi cha X. rước mình và máu xong, ngài đã tự động trở về ghế ngồi. Vị đồng tế già lúc ấy mới hiểu rằng, mình được giao trách nhiệm cho giáo dân rước lễ. Làm việc này xong, ngài trở lại bàn thánh thì thấy trên bàn, những vật dùng vẫn còn nguyên xi không có ai dọn dẹp (vì lễ ngày thường nên không có người giúp lễ). Thế là một mình ngài lủi thủi thu dọn khăn lễ, chén thánh, dĩa thánh.... Trong khi đó, vị chủ tế trẻ hơn ngồi thanh thản một mình ở ghế để 'cầu nguyện'. Giáo dân ngồi chờ khá lâu mọi việc mới hoàn tất và thánh lễ có thể tiếp tục.


Hình ảnh vị chủ tế trẻ ngồi 'cầu nguyện' để cho vị đồng tế già phải chuẩn bị bàn thánh, cho rước lễ, rồi dọn dẹp bàn thánh đã làm cho việc tham dự lễ của tôi hôm nay hoàn toàn bị chia phối. Tôi liên tưởng đến hình ảnh một ông quan đang ngồi để được hầu hạ.


Dĩ nhiên, đây không phải là sự việc duy nhất làm tôi suy nghĩ. Hơn một tháng qua, sống trong cộng đoàn với nhà truyền giáo này, tôi đã chứng kiến một điều khá bất ổn.. Mỗi tối, cộng đoàn có bữa ăn chung. Chúng tôi có một người nấu ăn, nhưng việc dọn dẹp, rửa bát thì phải tự lo liệu với mục đích củng cố tinh thần cộng đoàn, và vì đây là một công việc không khó khăn gì. Khi bữa ăn kết thúc, các cha già lần lượt về phòng để nghĩ ngơi. Tuy nhiên, mỗi ngày đều có một vài cha đã già yếu, đi lom khom cứ nán ở lại để giúp những người trẻ hơn rửa chén. Nhiều khi chúng tôi phải "đuổi" các ngài đi không cho giúp nữa.



Tuy nhiên, cha X. mỗi ngày, lúc dùng bữa xong, đều thản nhiên để cho những người ngồi chung cùng bàn của mình dọn dĩa mình xuống bếp, rồi ngài thản nhiên đi về phòng xuyên qua đường bếp, nơi những ai còn khoẻ mạnh như ngài đang phụ giúp công việc làm vệ sinh. 
Nhìn cảnh cha gia đang loay hoay lau chén, rồi quay sang nhìn cảnh cha trẻ đang vô tình bước ra khỏi phòng ăn về phòng thư giãn, trong tôi dâng lên một ý nghĩ không mấy thánh thiện.

Thiết nghĩ, công lý và hoà bình là một trách nhiệm vô cùng quan trọng. Phải chăng để thi hành công việc tốt, người đảm trách không chỉ phải biết làm việc lớn, nhưng còn phải ý tứ trong việc nhỏ? Trong Tin Mừng, người chủ đã giao cho các đầy tớ công việc lớn sau khi ông ta đã thử thách và nhận thấy họ trung thành trong những việc nhỏ. Đây là một phương pháp tốt để giúp những người lãnh đạo bố trí nhân sự. Nếu không thì nguy cơ đưa người không thích hợp vào những vị trí quan trọng là rất cao. Có lẽ nếu chúng ta có hoài bão làm việc lớn cho Giáo hội, cho xã hội, thì chúng ta nên bắt đầu với những công việc rất tầm thường mà chúng ta phải thực hiện trong cuộc sống hằng ngày.


Công lý và hoà bình bắt đầu với việc chia sẻ trách nhiệm ngay trong môi trường sống của mình một cách hợp lý và thiện chí. Nếu chúng tai ai cũng ý tứ về công lý và hoà bình trong những vấn đề nho nhỏ, thì có lẽ sự bất công lớn trong xã hội cũng sẽ được hạn chế rất nhiều. Thiết nghĩ, nhiều sự bất công nho nhỏ góp lại thành một sự bất công lớn. Nhiều cuộc xung đột nho nhỏ góp lại thành một chiến tranh lớn.


Epping, NSW ngày 21.11.2006

Những người bạn....


Tối hôm qua, tôi gặp H. trên Yahoo Messenger. H. là một thanh niên đã từng nghiện ma túy tại Việt Nam. Từ năm 2002-2004, Hội dòng sai tôi về Việt Nam để thực tập, và trong thời gian làm mục vụ ở đây, tôi đã cộng tác với một chương trình cai nghiện ma túy theo phương pháp tâm linh. H. cũng tham gia vào chương trình với hy vọng có thể khắc phục được căn bệnh nghiện ngập của mình.

Thế nhưng đam mê ma túy thì quá mãnh liệt mà chương trình cũng như bản thân H. lại quá mềm yếu, không mang lại kết quả thấy rõ là H. bỏ được ma túy. Rời khỏi mái ấm của chương trình cách xa thành phố, H. trở về Sài Gòn và tiếp tục với thú vui như trước. Cũng may mắn cho H. là trong thời gian này, giấy tờ xuất cảnh đã hoàn tất, và H. đã sang Mỹ định cư với gia đình. Qua Mỹ, vì phải bươn ba với việc mưu sinh và vì không có ‘bạn hiền’ nên H. đã ngừng chơi ma túy. Gặp tôi trên mạng, H. vui vẻ chào:

- Chào cha. Lâu quá mới gặp cha lại.

- Ừ, dạo này có khỏe không?

- Dạ khỏe. Cha đang ở đâu vây?

- Mình đang ở úc. Vài tháng nữa sang Thái Lan.

- Wow! Vừa rồi về Việt Nam, cha có gặp anh em (trong chương trình cai nghiện) không?

- Có gặp vài lần. Có đến chỗ hậu cai dâng lễ mừng sinh nhật chương trình nữa.

- Đã quá ta! Nghe nói T. bị bắt rồi phải không cha?

- Ủa, ai nói? Vừa rồi về thấy nó còn đó mà.

- H. nghe and N. nói mới bị bắt hơn một tháng rồi. Không hiểu sao anh em mình về thành phố ai cũng rớt lại.

- Ừ, nghĩ tới cũng phát rầu. Có thằng K. bây giờ không có chơi vì nó đi bộ đội rồi. Nếu nó còn ở nhà thì…có lẽ cũng thế thôi. À, dạo này thằng V., nó có thêm đứa con nữa. Mà nó tốt lắm. Giờ có nhà riêng, còn bỏ hẳn bia rượu nữa. Nó mà nhậu thì chỉ làm cho vợ nó khổ.

Nói chuyện với nhau qua mạng, chúng tôi luyên thuyên hỏi nhau về tình hình của các anh em đã từng tham gia vào chương trình cai nghiện. Từ khi H. rời Việt Nam cách đây gần hai năm, H. đã bỏ ma túy hẳn. Nhưng nghiện ma túy là một căn bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào nếu mình sống buông thả. Một đời sống tâm linh, xã hội, và gia đình tốt là những yếu tố giúp người nghiện duy trì sự lành mạnh. Nếu thiếu sự quân bình thì nguy cơ trở lại với ma túy là hoàn toàn có thể, bất kể họ đã bỏ ma túy được bao lâu.

Đồng hành với các bạn trẻ nghiện heroin những năm qua, tôi thấy kết quả của công việc rất khiêm tốn. Nhưng nó đã mang lại cho tôi nhiều bài học giá trị trong đời sống cá nhân và mục vụ. Trong đó, tôi nhìn vào mỗi cá nhân không phải qua những gì bên ngoài, nhưng bằng chính bản thể mà Thiên Chúa đã dựng nên. Tôi cố không để cho những “nhãn hiệu” thường được gắn liền với ai đó ảnh hưởng đến cách tôi đối xử với họ. Và trên hết, tôi nhận ra rằng mình phải có niềm tin vào tiềm năng của con người, có thể vượt qua bất cứ hoàn cảnh xiềng xích nào nếu có sức mạnh phù trợ của Thiên Chúa và sự nâng đỡ, thông cảm của những người xung quanh.

Làm việc với người nghiện và chứng kiến sự yếu đuối của họ lại giúp tôi càng nhận ra những xu hướng ‘nghiện ngập’ trong chính bản thân tôi. Trong giới linh mục tu sĩ không thiếu những người nghiện rượu, nghiện quyền lực, nghiện tình dục, hay nghiện làm việc…. Cái nghiện nào cũng rất nguy hiểm, và nó có thể mang lại những hệ quả không kém phần tai hại hơn căn bệnh nghiện ma túy, đặc biệt nếu người nghiện chính là người có nhiều trách nhiệm quan trọng trong xã hội.

Epping, NSW ngày 20.11.2006

Nuối tiếc....


Chiều Chúa Nhật, khuôn viên nhà dòng rất yên tĩnh. Một tiếng kêu oa óa của những con chim vẹt mào xanh cũng không nghe thấy. Sau bữa ăn tối một mình với cơm chiên và kim chi mà những người giáo dân đã gởi tôi, tôi thả bộ trong khu vườn để thưởng thức không gian êm đềm thanh vắng. Nhưng tâm trí tôi lại hướng về Sài Gòn, nơi mà chắc chắn nhiều người thân của tôi đang tập trung để cầu nguyện cho Dì tôi. Tôi lại thấy nuối tiếc khi hơn hai tháng ở Việt Nam trong mùa hè vừa qua, tôi lại không bỏ ra nhiều thời giờ để thăm viếng và an ủi Dì. Ngày cuối cùng trước khi rời Việt Nam để đi sang Thái Lan, rồi Úc, tôi đã liên tục từ chối tô phở mà Dì tôi đã kêu con gái của Dì nấu để đãi tôi. Cũng vì khi đến nhà Dì, tôi đã ăn trưa với hai người bạn, nên không buồn lòng để ăn thêm gì nữa. Ngồi một lát, tôi lại xin về vì chiều có hẹn.


Dì tôi níu tay tôi nói: - Có lẽ đây là lần cuối cùng Dì thấy được con. Sau này con về Việt Nam, chắc Dì không còn sống nữa đâu.


Tôi lắc đầu nói một cách tự tin: - Con không nghĩ vậy đâu. Thấy vậy, chứ con nghĩ Dì còn sống lâu lắm.

Tôi cũng nghĩ vậy trong đầu thật. Nhưng không ngờ, Dì tôi đã đoán đúng. Và chỉ chưa đầy hai tháng từ ngày tôi chào Dì tạm biệt, Dì đã ra đi, kết thúc một đời sống khổ nhọc và đau đớn với căn bệnh tiểu đường bên cạnh bao nhiêu lo toan của một người phải gánh trách nhiệm cho một gia đình đông con.

Hôm nay, tôi lại nhận được email của chị tôi nhắc nhở tôi nên năng thăm hỏi bố mẹ. Chị tôi bảo:


- Em chịu khó gọi điện thoại hay gởi email thăm mẹ nhé. Mẹ nhớ em nhiều hơn là em tưởng tượng đó. Vừa rồi sinh nhật bố, em gởi email chúc mừng, bố cứ đọc đi đọc lại nhiều lần. Em làm bố khóc vì cảm động đó.


Tôi cảm thấy rất bất ngờ. Email của tôi chúc mừng sinh nhật bố đọc qua không có gì gọi là 'ướt át', thế mà nó đã làm bố tôi chảy nước mắt.


Giờ thì tôi mới nhận ra mình không nên quá coi thường giá trị của một cử chỉ quan tâm, một lời nói ân cần. Trong thâm tâm tôi thấy áy náy, vì nhiều năm qua, trong tư thế một tu sĩ, tôi đã tham vấn và chia sẻ với nhiều người mà tôi đã gặp gỡ trên con đường mục vụ. Tôi đã an ủi những người già đau yếu trong bệnh viện, đồng hành với những bạn trẻ nghiện ma túy khi họ đau đớn với cơn nghiện, và chia sẻ nỗi buồn của người mắc bệnh HIV/AIDS.


Nhưng đối với bố mẹ và anh chị tôi, tôi lại tỏ ra quá khô khan và ít ỏi. Có lẽ một phần do tôi sợ rằng "Bụt chùa nhà không thiêng", nhưng cũng có phần do tôi quá vô tình. Sự vô tình trong việc trao cho nhau những gì tốt đẹp, nếu cứ tiếp diễn mãi thì e rằng sẽ mang lại nhiều nuối tiếc khi không còn cơ hội để thể hiện tấm lòng nữa. Sự ra đi của Dì tôi đã giúp tôi tỉnh thức hơn để nhận ra rằng, mình không chỉ làm công tác mục vụ cho những người xa lạ, mà con những người ngay bên cạnh và những người thân yêu của mình.



Epping, NSW ngày 19.11.2006

Kim chi Hàn Quốc


Sáng Chúa nhật, tôi cùng các cha trong dòng dâng thánh lễ cùng với một số giáo dân để cầu nguyện cho linh hồn Ysave, là Dì của tôi mới qua đời tại Việt Nam. Trong lúc có tin buồn, sự nâng đỡ của một cộng đoàn là niềm an ủi lớn lao nhất mà mình có thể nhận được. Sáng hôm nay, khi nghe tin dữ, nhiều người đã chia buồn với tôi. Các cha thầy người Việt khi nhận được tin qua email list cũng đã gởi đến tôi nhiều lời chia sẻ.


Mặc dầu buồn, nhưng không vì thế mà tôi không nhận ra những điều tốt đẹp luôn xảy đến với mình, cho dù đó chỉ là những điều rất tầm thường. Sáng nay, một cặp vợ chồng người Hàn Quốc mà tôi mới làm quen cách đây vài tuần đã mang đến cho tôi một hủ kim chi mà họ đã tự làm ở nhà. Đây là lần thứ hai họ mang kim chi đến tặng tôi vì họ biết tôi rất thích món ăn thuần túy Hàn Quốc này.


Trong đời sống tu trì, tôi đã không biết bao nhiêu lần ăn thức ăn từ những đồ đựng bằng nhựa mà các giáo dân, đặc biệt là giáo dân người Việt, đã thương mến gởi gắm cho các cha các thầy sau những lần họ mời mình tới nhà ăn cơm. Vì thế trong tủ lạnh của nhà dòng có nguyên một ngăn dành cho các thức ăn Việt Nam, có khi là cơm chiên, có khi là bánh bột lọc, bánh bèo, canh khổ qua. Hôm nay, tôi lại thêm vào đó một hủ kim chi Hàn Quốc.


Sau này qua Thái Lan để truyền giáo, tôi sẽ chứng kiến thường xuyên cảnh các thầy chùa mỗi ngày xuống đường để nhận những thứ mà người tín hữu bố thí. Đây là một hành động mang nhiều ý nghĩa, nói lên tính đơn sơ trong đời sống tu trì phật giáo, cũng như lòng rộng lượng và đạo đức của người tín hữu.


Bản thân tôi sẽ không bao giờ có kinh nghiệm rảo trên đường phố mỗi ngày để nhận thức ăn từ người dân. Nhưng hôm nay, cầm hủ kim chi trong tay, lòng tôi cũng dâng lên một niềm vui nhỏ nhỏ, khi được đón nhận từ những tấm lòng nhân hậu điều mà họ vui vẻ trao tặng cho tôi.


Epping, NSW ngày 19.11.2006

Chuyện vui, chuyện buồn


Hôm nay tôi được mời đi tham dự một thánh lễ và tiệc mừng 50 năm thành hôn của một cặp vợ chồng ở thành phố Bankstown, khu có đông dân người Việt tại Úc. Thánh lễ và bữa tiệc đều được tổ chức rất long trọng, đánh dấu một cuộc hành trình rất ý nghĩa trong ơn gọi đời sống hôn nhân. Hai ông bà đã sinh ra 6 người con, tất cả đều thành công và có địa vị trong xã hội. Họ đã làm tốt trách nhiệm làm cha làm mẹ, và bây giờ còn được thêm 16 người cháu quay quân bên họ trong ngày kỷ niệm này.


Nhìn cảnh gia đình tụ họp và niềm hạnh phúc thẩy rõ trên khuôn mặt hai bác, tôi cũng vui lây cho hai bác. Nhưng ngày vui của gia đình người ta lại làm cho tôi chợt nhớ rằng, chỉ tháng sau là chị tôi bên Mỹ sẽ làm đám cưới, nhưng tôi lại không thể có mặt. Quy tắc của Hội dòng là chỉ được 'về quê' 3 năm một lần, ngoại trừ có việc tang chế trong gia đình. Còn đám cưới, một dịp vui lại không được về. Đầu năm tới, anh tôi cũng sẽ tổ chức đám cưới, và như thế thi hai dịp vui trong gia đình, tôi đều vắng mặt.


Trên xe về nhà, tôi mới vừa tự nhủ mình phải chấp nhận những thiệt thòi vì đã chọn con đường truyền giáo và ơn gọi tu trì, vì thế những dịp vui của gia đình mình phải bỏ qua cũng không nên buồn. Về đến nhà, lên mạng để dò email thì nhận được một tin xét đánh: Dì (chị của mẹ tôi) ở Sài Gòn vừa mới qua đời. Nỗi sầu dâng lên trong tôi, vì tôi biết rằng gia đình Dì tôi, Cậu tôi, và gia đình của tôi sẽ rất buồn. Nghe nói Mẹ tôi bên Hoa Kỳ khi nhận được tin đã khóc thật nhiều, vì bây giờ bên phía mẹ tôi chỉ còn 3 chị em, lại mất thêm một người nữa còn hai. Tôi lại nghĩ, ước gì tôi có thể về Việt Nam để đưa tiễn Dì tôi tới nơi an nghĩ cuối cùng. Nhưng tôi biết đây cũng là điều không thể được, vì theo quy định của Hội dòng, Dì thì không được xem là thành viên trực tiếp trong gia đình.


Bây giờ đã về khuya, tôi ngồi một mình trong căn phòng lặng lẽ. Tôi bổng nhiên nếm được vị cay đắng của cuộc đời truyền giáo. Trong đời sống linh mục của tôi, tôi sẽ tham dự rất nhiều đám cưới và kỷ niệm hôn phối. Tôi sẽ cử hành lễ an táng cho rất nhiều người. Dịp vui tôi cũng có mặt, mà dịp buồn tôi cũng sẽ tham gia. Thế nhưng ngay trong gia đình tôi, người thân nhất của tôi, sẽ có những dịp vui và dịp buồn, mà tôi không thể nào chia sẻ được. Có điều gì đó hơi nghịch lý, nhưng hoàn toàn là sự thật!


Epping, NSW 1h30 sáng, ngày 19.11.2006

Những con chim két trong vườn


Sáng nay thức dậy, tôi ra phòng ăn rót ly trà xanh uống thì thấy một đàn chim két đang chờ bên ngoài cửa sổ. Chúng nhìn rất thích mắt - mỏ màu cam, lông đầu màu tím, lông ở ức màu vàng, đỏ, và lông trên lưng và cánh thì xanh lá cây. Hằng ngày, dường như theo giờ ấn định, sáng, trưa, chiều, chúng tụ họp bên ngoài cửa sổ vào những giờ mà chúng biết trong phòng ăn thường có người để bố thí cho chúng những lát bánh mì. Các cha thầy ở đây đã quen đưa thức ăn cho những con chim két, và thậm chí con vẹt mào lấy khuôn viên nhà dòng làm nơi định cư, nên chúng biết rằng cửa ấy là một nơi có nguồn thức ăn đáng tin cậy.


Tiếng kêu của những con chim này không hay, nhưng thân hình thì đẹp, nên khi cho chúng ăn, tôi thích bẻ mì ra từng mảnh nhỏ để cho chúng ăn dần. Vả lại, như thế thì hạn chế tình trạng dành nhau khi một bầy chim phải bu lại xung quanh một lát bánh mì to. Con người khi tranh dành miếng ăn mà cũng xô xát nói gì đến động vật, mà việc sinh tồn là mục đích sống duy nhất của chúng.


Vừa nhìn các con chim két mổ vào miếng bánh mì, tôi thầm nghĩ:


- Tụi mày khôn thật. Tụi mày biết ở đây có người có lòng tốt, nên sáng, trưa, chiều, đến giờ ăn là tụi mày bu lại. Không ai dạy tụi mày điều này mà tụi mày vẫn tự suy ra mà làm không lỡ một bữa nào. Đi làm truyền giáo mà gặp được người dễ dãi như tụi mày thì khỏe biết mấy. Không cần phải đi đâu, cứ đến giờ là có người tới muốn tìm hiểu đạo và học hỏi vì biết ở đây có thứ nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Nếu được như vậy, có lẽ bây giờ cả thế giới đều theo đạo Kitô giáo hết rồi. Mà không hiểu sao, con người ngày càng khôn ngoan, càng hiểu biết thì họ lại tránh nơi cung cấp cho họ 'dinh dưỡng' tinh thần. Nhà thờ ngày càng vắng giáo dân đi dự lễ. Đi tới mấy nhà thờ Tây, thấy loeo nghoeo mấy ông già bà già đi lễ Chúa Nhật mà phát rầu. Đúng là trơ trớ trêu, loài chim không biết suy nghĩ mà còn biết nơi nào có cái tốt để nuôi dưỡng nó, còn con người thì chìa cái tốt ra trơ trơ đó mà cứ từ chối không chịu nhận!


Epping, NSW ngày 18.11.2006

Thăm cha già


Tôi đang ngồi lướt mạng để dò tin tức về cuộc họp thượng đỉnh APEC tại Việt Nam thì một cha đàn anh đến rủ đi thăm bệnh nhận. Tôi đưa mắt khỏi màn hình hỏi: - Bệnh nhân nào vậy?


Cha trả lời:


- Cha Tom đang hồi phục sau cuộc mổ. Có Cha M. đi chung nữa. (Cha M. cũng đã về hưu, năm nay ngài 70 tuổi).


- OK. Anh đợi em 10 phút nhé.


Thế là ba cha con leo lên xe tìm đến bệnh viện. Ba người đều ba lứa tuổi khác nhau. Tôi thì linh mục trẻ mới ra lò. Cha H. (người Việt) thì chịu chức được 8 năm, tuổi xồm xồm. Còn cha M. người Úc thì thuộc loại kỳ cựu. Thế nhưng trong hội dòng, chúng tôi đều có thể nói là ba anh em với nhau.


Đến bệnh viện, chúng tôi lại gặp thêm một người anh em nữa cũng đã một mình đến thăm cha Tom. Khi chúng tôi đến thì y tá mới vừa đưa ngài về phòng. Thấy chúng tôi, cha vui hẳn lên. Chúng tôi cũng thấy ngài khỏe hơn trước nhiều, tinh thần lẫn thể xác.


Cha H. thì giúp cha Tom lên giường nằm và đặt gối cho ngài. Cha M. thì mở tủ để lấy áo quần dơ đưa về giặt. Cha Th. và tôi đứng kề giường ngài, hỏi chuyện từ tốn vì sợ ngài cảm thấy khó chịu khi có đông người trong phòng.


Một y sĩ bước vào phòng để kiểm tra hồ sơ thấy chúng tôi liền bảo:


- Bác này thật là 'nổi tiếng'. Ngày nào cũng có người đến thăm.
Sự ngạc nhiện của anh chàng y sĩ là có cơ sở. Chính tôi đã từng làm tuyên úy trong bệnh viện tại Hoa Kỳ, và đã chứng kiến rất nhiều trường hợp các bệnh nhân già phải nằm trong bệnh viện ngày nay qua ngày khác mà không thấy một bóng nào của người thân. Vì thế họ rất vui khi có một vị tu sĩ đến thăm viếng và trò chuyện với họ. Tuy nhiên trong cuộc nói chuyện thì tôi luôn được nghe những câu chuyện rất là thương tâm về mối quan hệ sứt mẻ trong gia đình.


Nghe lời nói của anh y sĩ, chúng tôi không nói gì, chỉ mỉm cười. Có lẽ anh ta không biết chúng tôi là "anh em" với nhau, mặc dầu người thì Úc, người thì Việt. Trong dòng khi có người có bệnh nghiêm trọng phải đi bệnh viện hay bác sĩ thì luôn có người giúp đỡ và tới thăm viếng. Cách đây vài tuần, tôi bị viêm cổ họng, nhưng không thể tự đi bác sỹ được vì tôi không biết đường thì một sư huynh năm nay tuổi đã ngoài 60 đã dẫn tôi đi.


Các linh mục và tu sĩ khi trở về già thường dễ bị neo đơn. Sau một đời làm phục vụ giáo hội, nhìn qua lại chỉ thấy một mình chơ vơ. Nhưng trong dòng thì có phần an ủi hơn vì bên cạnh các ngài còn có những người khác để có một cộng đồng tinh thần. Như vậy thì những ngày tháng cuối đời sẽ không thấy đơn độc. Đời sống cộng đồng có nhiều điều phức tạp, nhưng cũng mang lại cho mình rất nhiều niềm vui. Cộng đồng là một chỗ tựa khá bền vững nếu trong cộng đoàn, mình cũng không quên góp phần để xây dựng nó cho tốt đẹp. Đó là một trong những lý do tại sao tôi đã chọn con đường tu dòng thay vì tu triều. Hy vọng sau này, khi già yếu, bên cạnh tôi vẫn có những người an ủi và nâng đỡ như một người anh em.


Epping, NSW ngày 17.11.2006

Hoạt động lặng lẻ


Trong cộng đoàn có một cụ già tên Leo năm nay đã 84 tuổi. Lúc mới đến đây, tôi tưởng đây là một cha hay sư huynh đang hưu dưỡng. Nhưng hỏi ra mới biết cụ Leo chỉ là người giáo dân. Nhưng cụ đã gắn bó với dòng từ mấy chục năm qua. Liên lạc đầu tiên mà cụ có với Hội dòng là năm 1962 ở Papua Tân Guinea. Và cụ đã đến cộng đoàn này tại Úc từ năm 1990.

Mặc dầu đã 84 tuổi, nhưng trông cụ vẫn còn rất khỏe mạnh. Với bộ râu rậm, dài, bạc phơ, trông cụ rất giống một nhà truyền giáo đã trải qua nhiều kinh nghiệm. Nhưng trong khi các cha già khác hằng ngày dường như chỉ biết ngồi một chỗ, hay cùng lắm là đi lẫn quẫn trong nhà, cụ Leo đội nón ra vườn chăm bón vườn hoa trong khuôn viên rộng lớn của nhà dòng. Sau mỗi bữa ăn có mặt cụ, cụ đều ở lại để giúp các cha/thầy trẻ rửa chén.

Sáng nay bước vào nhà bếp, thấy cụ Leo đang đứng trước bồn rửa chén với một đống ly tách, đĩa bát, muổng nĩa, tôi lân la tới hỏi chuyện:


- Cụ đang làm gì đó?

- Tôi đang rửa chén.

- Cụ có dùng máy không?

- Số chén bát này không nhiều lắm, nên tôi không muốn bật máy lên.

- Vậy cụ rửa bằng tay có nhọc không?

- Đâu có gì mà nhọc. Tôi thích có việc để làm.

- Cháu thấy cụ già rồi mà còn mạnh khỏe thật.

Cụ Leo vừa loay hoay với cái thau chứa nước nóng để rửa muổng, nĩa, vừa trả lời:

- Phải tiếp tục làm việc mới mạnh khỏe được. Chứ ngồi một chỗ thì mau yếu lắm. Giống như các cha già đó. Các ngài ngày yếu dần là vì các ngài không hoạt động.

- Vậy hôm nay cụ định làm gì khi rửa bát xong?

- Tôi sẽ đi thăm em gái tôi trong nhà hưu dưỡng ở thành phố Auburn. Em gái tôi năm nay 82 tuổi rồi. Bà bị bệnh Alzheimer, nhưng bà vẫn nhận ra tôi. Tôi còn thêm một người em gái khác nữa, nhưng ở một thành phố xa hơn. Cuối tuần tôi mới đến thăm.

- Cụ đi thăm mấy bà chắc họ vui lắm.

- Cũng không vui lắm vì ai cũng già và lẫm cẫm, nhưng tôi vẫn thích đi.

- Cháu thấy cậu ở đây giúp được nhiều việc cho nhà dòng thật. Hy vọng cụ sẽ không đi nơi nào khác.

Cụ Leo mỉm cười trả lời cách hài hước:

- Còn một chỗ nữa mà tôi phải đi, nhưng tôi không biết lúc nào.

- Cháu nghĩ cụ còn lâu mới đi đấy.

- Điều đó thì tôi không nghĩ tới, mà tôi cũng không cần phải bận tâm. Càng lo lắng thì càng đi sớm.

Tôi rời nhà bếp, để lại cụ Leo một mình với đống chén bát. Ngày nào như ngày nấy, cụ vẫn một mình lặng lẻ làm những công việc cụ có thể làm được với tuổi tác của mình. Đời sống phục vụ âm thầm đã trải qua hàng chục năm, nhưng cụ vẫn không ngừng phục vụ. Niềm hạnh phục của một tâm hồn đơn sơ, trung tín với Chúa là không bao giờ hết phục vụ ở bất cứ giai đoạn nào trong đời. Hình ảnh cụ Leo lom khom bên bụi hoa hồng là một trong những hình ảnh đẹp nhất mà tôi đã thấy được từ ngày tôi bước chân đến cộng đoàn này.

Úc châu đang trải qua cuộc hạn hán lớn nhất trong vòng 100 năm qua. Thỉnh thoảng, gặp cụ Leo trong vường hoa, tôi vẫn hỏi:

- Mấy bụi hoa như thế nào rồi cụ?

Cụ lại trả lời:
- Ít nước quá. Sợ chịu không nổi!
Epping, NSW ngày 17.11.2006

Con có khóc mẹ mới cho bú


Chiều hôm qua, gặp tôi trong phòng ăn, cha phó giám tỉnh người Úc ân cần hỏi thăm: - Cha ở đây thấy thế nào?

Tôi thành thật trả lời: - Thưa Cha, cũng không tệ lắm. Con có nhiều thời gian rảnh rỗi để đọc sách, cầu nguyện, trò chuyện với các cha già, hơi giống như năm nhà tập vậy.

Cha phó giám tỉnh hỏi tiếp: - Vậy, cậu không thấy chán à?

- Thưa cha, con cũng cố tìm cho mình một số việc riêng để làm, như dịch thuật các tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt cho một trang web Công giáo ở Hoa Kỳ. Ngoài ra cũng có đi đây đó để dâng lễ và giải trí. Nhưng thú thật thì đôi khi con cũng nôn nao muốn bắt đầu công việc của mình. Nhưng con không thể làm gì được cho tới khi sang Thái Lan vào tháng 3.

- Cậu nghĩ như thế nào về việc ở đây cho đến tháng 3?

- Thưa cha, bề trên muốn con chờ anh T. để hai anh em cùng đến Thai Lan một lúc (hai người đều có bài sai đi TL). Nhưng con nghe nói anh T. sau khi chịu chức tháng 12 này sẽ về Việt Nam thăm gia đình. Như vậy thì con cũng không đi cùng anh ấy, nhưng chỉ gặp nhau ở đó thôi. Vì thế con nghĩ không biết nhất thiết con phải đợi đến lúc ấy mới đi hay không. Việc con ở đây 'lam quen' với cac đồng nghiệp thì con thấy không cần kéo dài từ tháng này sang tháng khác.

- Tôi cũng nghĩ như cậu. Tốt hơn là cậu sang Thái Lan và làm quen với môi trường sống bên đó.

Ngừng một lúc, cha phó giám tỉnh nói tiếp: - Tại sao cậu không trao đổi với cha giám tỉnh suy nghĩ của mình?

- Thưa cha, con định làm việc này sau chuyến đi dự lễ chịu chức ở Melbourne vào giữa tháng 12.

- Tôi nghĩ tốt nhất là cậu nên làm liền vì như vậy cha giám tỉnh còn có thời gian để sắp xếp. Nếu đợi lúc muộn thì cũng khó xoay sở.

Tôi thấy cha phó giám tỉnh nói có lý, nên vội đi gọi văn phòng của cha giám tỉnh. Nhưng ngài đã đi bệnh viện thăm một cha già mới trải qua một cuộc phẫu thuật nghiêm trọng. Thế là tôi đợi sáng hôm nay mới có cuộc trao đổi.

Kết cuộc, cha giám tỉnh cũng đồng ý là tôi không cần ở lại Úc cho đến tháng 3, nhưng có thể thu xếp một chương trình gì đó ngắn hạn để giới thiệu tôi vào văn hóa Thái Lan trong tháng 2 trước khi tôi bắt đầu chương trình học tiếng Thái tại Bangkok.

Trước khi làm việc này thì tôi sẽ tham dự chương trình chuẩn bị tại Úc và đi thăm một số điểm truyền giáo của tỉnh dòng Úc, đặc biệt là nơi phục vụ cho người thổ dân tại đây vốn phải trải qua rất nhiều thiệt thòi. Bối cảnh của họ cũng tương tự như người da đỏ ở Châu Mỹ, bị người da trắng đến cướp đất và đàn áp. Vì thế xã hội văn hóa của họ ngày càng suy sụp và chịu nhiều đau khổ.

Trải qua kinh nghiệm hôm nay, tôi thấy rằng câu nói 'con có khóc mẹ mới cho bú là thế'. Nếu tôi có điều không thỏa mãn mà cứ ôm ấp nó trong lòng, không chịu nói ra thì đâu ai biết có vấn đề gì để khắc phục. Sống với người Tây có một điều mà tôi đã biết là họ rất sòng phẳng và thẳng thắn. Nếu mình suy nghĩ gì thì phải nói ra, chứ không ai ngồi đó để đoán trong đầu mình đang có những tư tưởng gì.

Tôi là người sinh ra tại Việt Nam, nhưng lớn lên ở Hoa Kỳ, nên đôi khi tôi phải 'tùy cơ ứng biến'. Đối tượng mình thuộc về văn hóa nào thì mình cư xử và xử lý vấn đề theo văn hóa ấy. Làm một nhà truyền giáo, thì chắc chắn đây sẽ không phải lần đầu tiên tôi đề cập đến vấn đề văn hóa, vì đây là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất mà các nhà truyền giáo phải quan tâm đến, để có thể thi hành sứ vụ một cách hiệu quả, để chứng mình rằng, văn hóa nào cũng có giá trị đích thực, và không có văn hóa nào mà Chúa Thánh Thần không thể hiện diện và thực hiện những công việc nhiệm mầu của Ngài.


Sống lời khấn vâng lời không hẳn có nghĩa mình không có lập trường riêng, nhưng quan trọng là sẵn sàng chia sẻ và đối thoại với bề trên để hai bên có thể đi tới sự thông cảm vá quyết định tốt nhất cho mỗi trường hợp. Không phải khi nào mình cũng sẽ đạt được những kỳ vọng cá nhân, nhưng chắc chắn việc đối thoại sẽ dễ mang lại những gì mà trong thâm tâm mình thấy là thích hợp và bổ ích cho đời sống tinh thần và phục vụ của mình.


Epping, NSW ngày 16.11.2006

Chờ đợi.....



Tôi vốn được đào tạo tại Mỹ, nhưng bài sai truyền giáo đầu đời từ ngày tôi chịu chức linh mục vào tháng 5, 2006 là sang Thái Lan, đất nước của những tháp Chùa để phục vụ. Nhưng tinh thần hăng say của một nhà truyền giáo trẻ thì còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố. Thái Lan là một điểm truyền giáo mới của Hội dòng, đang được Tỉnh Dòng Úc quản lý. Vì thế, bề trên không muốn tôi đi sang Thái Lan ngay, nhưng phải qua Úc một thời gian để 'làm quen' với các đồng nghiệp tại đây và còn tham gia một chương trình hội nhập văn hóa Úc! Chương trình này tôi cùng tham gia với một số nhà truyền giáo khác lần đầu tiên tới Úc. Sự bổ ích cho các nhà truyền giáo đó thì thấy rõ. Còn tôi, sau này được chuyển sang Thái Lan để phục vụ, thì tôi cũng không hiểu được sự khôn ngoan của quyết định này là như thế nào. Nhưng đức vâng lời là thế đấy, đôi khi ta phải làm điều mình thấy chẳng hợp lý chút nào. Tôi chỉ hy vọng trong vấn đề này, bề trên của tôi đang 'connected' với tín hiệu của Chúa Thánh Thần.

Tôi bước xuống đất của những con Kangaroo từ đầu tháng 10, nhưng đến bây giờ chương trình hội nhập vẫn chưa diễn ra. Tới cuối tháng 11 thì mới bắt đầu, và kéo dài hai tuần lễ. Thời gian con lại, tôi sẽ đi tham dự 2 lễ tấn phong của các anh em cùng dòng, và tiếp tục công việc 'làm quen' của tôi. Dự định cuộc phiêu lưu này sẽ kéo dài cho tới cuối tháng 2, 2007. Thế là nhà truyền giáo trẻ trong tôi đang máu tới cở nào đi nữa thì cũng phải cứ ngồi đó mà chờ....

Hơn một tháng qua tại Úc, tôi đã được các cha người Việt trong dòng dẫn tới một số gia đình người Việt để ăn uống, hát karaoke, và còn 'nhậu' nữa. Tôi được dâng lễ một số lần tại các giáo xứ. Vì tôi còn trẻ, và vốn có ngoại hình không chút nào giống một vị linh mục, nên đi đâu cũng gây sự bất ngờ cho những người giáo dân.

Người Việt ở Úc thì niềm nở và vui vẻ. Văn hóa Úc nghe nói có tính khá 'lè phè' nên người Việt ở đây cũng có phong thái như vậy, đời sống và phong cách họ không náo nhiệt và bận rộn như những gia đình người Việt tại Hoa Kỳ. Có một gia đình người Việt gốc Hoa mách với tôi rằng, bất cứ đêm nào trong tuần họ cũng có thể 'nhậu' được. Một người khác thì nói, họ có thể đóng cửa cơ sở làm ăn của mình để đi chơi một hai tuần cũng không có vấn đề gì. Vậy thì quá thoải mái so với những gì mà người Việt tại Mỹ có thể làm được.

Có một điều tôi thấy hơi ngộ, không biết nhận xét có chính xác không. Trong tất cả những lần mà tôi đến ăn tại các gia đình người Việt, món tráng miệng trong những lần đó đều là xoài. Lúc thì xoài xanh, lúc thì xoài chín, nhưng luôn luôn đều là xoài. Phải chăng người Việt tại Úc ưa chuộng trái xoài đến thế sao? Tôi thấy đây cũng là một điều thú vị.

Có lẽ trong những ngày tại Úc, tôi cũng phải chấp nhận lối sống 'lè phè'. Nếu không thì tôi sẽ thấy rất bồn chồn, khó chịu. Chân ngứa nhưng không biết đi đâu. Người nổi gân cũng đành ngôi yên để nó dịu xuống. Điều bổ ích nhất mà tôi có thể làm trong những ngày này là tập sống đời sống 'chiêm niệm'. Tôi tự nhủ, sau này có muốn được những ngày thảnh thơi như thế này, mơ cũng không ra. Nên phải biết tận hưởng sự rảnh rổi, không có gánh nặng nào đè trên vai, không có gì phải hoàn tất kịp giờ. Biết đâu trong khoảng trống ấy, tôi lại nghe được trong tiếng gió đang vi vút qua hàng cây tràm trong khuôn viên nhà dòng lời nhắn nhủ gì đó mà Chúa đang muốn nói với tôi trong lúc này.

Epping, NSW ngày 15.11.2006

Thánh Thần Chúa Ngự Trên Tôi

"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Vui cho kẻ nghèo khổ. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bì giam cầm biết họ được tha, cho người mù sáng mắt lại, giải thoát những kẻ bị đè nén, và loan báo năm hồng ân của Chúa" (Luca 4: 18-19).


Tôi bắt đầu blog của tôi với đoạn Tin Mừng này trong sách Phúc Âm của thánh Luca vì đây không chỉ là lời nói của Chúa Giêsu khi Ngài khởi hành công trình rao giảng của Ngài, nhưng nó cũng là sứ mệnh đích thực của bất cứ người truyền giáo nào. Câu này thu tóm tất cả mục đích và chương trình hành động của nhà truyền giáo. Đây là một sứ mệnh rất cao cả và chất chứa nhiều thử thách.

Bản thân tôi không biết rằng mình có thực hiện được điều này hay không, vì tuổi đời tôi còn nhỏ, trí thông minh của tôi còn khiêm tốn, và kinh nghiệm truyền giáo thì hạn chế.

Có lẽ chính vì thế mà tôi muốn làm blog này để trên con đường hành trình, nếu có ai đó đến với tôi qua blog này, thì người đó có thể cùng tôi chia sẻ những cảm xúc và kinh nghiệm. Và sau một thời gian làm truyền giáo, tôi sẽ cố gắng nhìn lại để xem mình đã học hỏi được gì, đã làm được gì, và đã có những thay đổi gì trong bản thân.

Tôi cảm thấy phấn khởi với điều mà tôi đang làm, trong một quyết định thật ngẫu hứng. Hy vọng rằng đây sẽ là một thử nghiệm rất thú vị trong cuộc đời truyền giáo của tôi.

Epping, NSW ngày 14.11.2006