Trong cộng đoàn có một cụ già tên Leo năm nay đã 84 tuổi. Lúc mới đến đây, tôi tưởng đây là một cha hay sư huynh đang hưu dưỡng. Nhưng hỏi ra mới biết cụ Leo chỉ là người giáo dân. Nhưng cụ đã gắn bó với dòng từ mấy chục năm qua. Liên lạc đầu tiên mà cụ có với Hội dòng là năm 1962 ở Papua Tân Guinea. Và cụ đã đến cộng đoàn này tại Úc từ năm 1990.
Mặc dầu đã 84 tuổi, nhưng trông cụ vẫn còn rất khỏe mạnh. Với bộ râu rậm, dài, bạc phơ, trông cụ rất giống một nhà truyền giáo đã trải qua nhiều kinh nghiệm. Nhưng trong khi các cha già khác hằng ngày dường như chỉ biết ngồi một chỗ, hay cùng lắm là đi lẫn quẫn trong nhà, cụ Leo đội nón ra vườn chăm bón vườn hoa trong khuôn viên rộng lớn của nhà dòng. Sau mỗi bữa ăn có mặt cụ, cụ đều ở lại để giúp các cha/thầy trẻ rửa chén.
Sáng nay bước vào nhà bếp, thấy cụ Leo đang đứng trước bồn rửa chén với một đống ly tách, đĩa bát, muổng nĩa, tôi lân la tới hỏi chuyện:
- Cụ đang làm gì đó?
- Tôi đang rửa chén.
- Cụ có dùng máy không?
- Số chén bát này không nhiều lắm, nên tôi không muốn bật máy lên.
- Vậy cụ rửa bằng tay có nhọc không?
- Đâu có gì mà nhọc. Tôi thích có việc để làm.
- Cháu thấy cụ già rồi mà còn mạnh khỏe thật.
Cụ Leo vừa loay hoay với cái thau chứa nước nóng để rửa muổng, nĩa, vừa trả lời:
- Phải tiếp tục làm việc mới mạnh khỏe được. Chứ ngồi một chỗ thì mau yếu lắm. Giống như các cha già đó. Các ngài ngày yếu dần là vì các ngài không hoạt động.
- Vậy hôm nay cụ định làm gì khi rửa bát xong?
- Tôi sẽ đi thăm em gái tôi trong nhà hưu dưỡng ở thành phố Auburn. Em gái tôi năm nay 82 tuổi rồi. Bà bị bệnh Alzheimer, nhưng bà vẫn nhận ra tôi. Tôi còn thêm một người em gái khác nữa, nhưng ở một thành phố xa hơn. Cuối tuần tôi mới đến thăm.
- Cụ đi thăm mấy bà chắc họ vui lắm.
- Cũng không vui lắm vì ai cũng già và lẫm cẫm, nhưng tôi vẫn thích đi.
- Cháu thấy cậu ở đây giúp được nhiều việc cho nhà dòng thật. Hy vọng cụ sẽ không đi nơi nào khác.
Cụ Leo mỉm cười trả lời cách hài hước:
- Còn một chỗ nữa mà tôi phải đi, nhưng tôi không biết lúc nào.
- Cháu nghĩ cụ còn lâu mới đi đấy.
- Điều đó thì tôi không nghĩ tới, mà tôi cũng không cần phải bận tâm. Càng lo lắng thì càng đi sớm.
Tôi rời nhà bếp, để lại cụ Leo một mình với đống chén bát. Ngày nào như ngày nấy, cụ vẫn một mình lặng lẻ làm những công việc cụ có thể làm được với tuổi tác của mình. Đời sống phục vụ âm thầm đã trải qua hàng chục năm, nhưng cụ vẫn không ngừng phục vụ. Niềm hạnh phục của một tâm hồn đơn sơ, trung tín với Chúa là không bao giờ hết phục vụ ở bất cứ giai đoạn nào trong đời. Hình ảnh cụ Leo lom khom bên bụi hoa hồng là một trong những hình ảnh đẹp nhất mà tôi đã thấy được từ ngày tôi bước chân đến cộng đoàn này.
Úc châu đang trải qua cuộc hạn hán lớn nhất trong vòng 100 năm qua. Thỉnh thoảng, gặp cụ Leo trong vường hoa, tôi vẫn hỏi:
- Mấy bụi hoa như thế nào rồi cụ?
Cụ lại trả lời:
- Ít nước quá. Sợ chịu không nổi!
Epping, NSW ngày 17.11.2006
No comments:
Post a Comment