Làm một linh mục thì mình cũng không xa lạ gì với việc phải
nói trước nhiều người. Thời gian qua mình cũng đã có cơ hội phát biểu ở nhiều
nơi. Nhưng tuần vừa rồi là lần đầu tiên mình thuyết trình với tư cách là một “nhà
nghiên cứu” trong một chương trình hội thảo quốc tế về tôn giáo, văn hóa và giá
trị môi trường trong vùng ASEAN. Chương trình được tổ chức dưới sự hợp tác giữa
trường đại học Assumption Thái Lan và một tổ chức nước ngoài. Trong chương
trình có những bài thuyết trình của các tri thức đến từ các nước trong vùng như
Indonesia và Phi Luật Tân. Cách đây gần sáu tháng mình đã nhận được lời mời từ
giáo sư Roman Meinhold là người chịu trách nhiệm tổ chức chương trình để có một
bài tham luận liên quan đến chủ đề cuộc hội thảo. Mình đã nhận lời và xem đây
như là một thách thức quan trọng trong quá trình học tập và nghiên cứu của
mình. Thách đố lại lớn hơn khi đề tài của mình liên quan đến Phật giáo và đạo đức
môi trường chứ không phải một đề tài liên quan đến Kitô giáo. Vì mình là một
linh mục Công giáo nghiên cứu về Phật giáo nên mình phải thực hiện bài tham luận
một cách nghiêm túc để tránh bị chỉ trích là thiếu hiểu biết hoặc nông cạn.
Vì mình đã có một quá trình chuẩn bị tương đối kỷ lưỡng nên
bài tham luận của mình đã được đón nhận với những lời phản hồi tốt. Có người
thì nói là do đề tài mang tính học thuật cao nên họ cũng không hiểu hết những
gì mình trình bày. Tuy nhiên đối với nhiều người khác thì họ đánh giá bài mình
tốt ở sự sâu sắc trong ý tưởng. Một vị giáo sư từ Pháp nói với mình rằng, “Rõ ràng
là anh am hiểu về đề tài mà anh đã trình bày.” Mình nghe lờ nhận xét của ông thì cảm thấy rất phấn
chấn vì đối với một nhà nghiên cứu điều quan trọng nhất là sự am hiểu. Cha Jon,
một linh mục người Đức đang phục vụ tại Bangkok, sau khi nghe bài tham luận của
mình cũng đã có nhiều lời khen làm mình rất vui. Nhưng điều đáng mừng trên hết
là trong số những người tham dự chương trình có các vị sư và những người Phật
giáo, nhưng không ai phản đối những gì mình trình bày. Chỉ có một vị sư dường
như chưa hiểu một phần trong bài của mình, đã đứng lên phát biểu và mình đã giải
thích lại những gì mình nói để cho ngài được rõ.
Vạn sự khởi đầu nan. Để làm một nhà nghiên cứu đòi hỏi nhiều
sự đầu tư về thời giờ cũng như chất xám, và luôn nhờ vào ơn Chúa. Như mọi khi
trước khi lên đứng nói trước đám đông, mình luôn cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi
sáng, và sau khi làm xong việc thì mình lại cảm tạ Chúa. Lần này cũng thế. Mình
đã không quên cầu xin sự phù trợ khi phải ra thuyết trình về Phật giáo. Và mình
cũng đã không quên cảm tạ Chúa vì Ngài đã giúp mình làm tốt công việc mình đã đảm
nhận.
Bangkok, ngày 22.9.2014