Thân phận AIDS




(Trên: Anh Nói trong những ngày cuối đời với bộ xương bọc da. Dưới: Anh chàng "Jennifer" mạnh khỏe ngày nào bây giờ cũng chỉ là một thân hình tàn tạ chờ chết. Và kết cuộc là một đám tang đơn sơ diễn ra tại một ngôi chùa trong thị trấn.)





Sau thánh lễ sáng Chúa Nhật vừa qua, mình đang ngồi nói chuyện với giáo dân trước nhà xứ thì thầy Damien đến đưa tin: Nói, bệnh nhân AIDS mà mình xức dầu và rửa tội tuần trước đã qua đời.

- Bây giờ xác đang ở đâu? - Mình hỏi thầy.

- Đem đi bệnh viện rồi. - Thầy Damien trả lời.

- Rồi sẽ làm gì hả thầy?

- Người ta sẽ làm sạch rồi đưa đến chùa thiêu.

- Vậy mình rửa tội cho người ta rồi không làm gì hết à?

- Không, mình không làm gì hết.

Mình nghe thầy nói vậy thấy trong lòng hơi hụt hẩng, có phải như mình đem con bỏ chợ không? Nhưng từ trước đến giờ những bệnh nhận sắp chết vẫn được rửa tội, rồi vẫn được đưa đến chùa, gia đình mời sư đến tụng kinh, rồi thiêu. Mình thấy có điều gì không tốt trong cách giàn xếp này, nhưng mình chưa biết sẽ phải cải thiện tình huống như thế nào cho hợp tình hợp lý.

Trường hợp Nói có tình huống khá bất ngờ xảy ra. Thời gian anh ta ở trong trung tâm, mặc dầu nhân viên đã nhiều lần mời gia đình đến thăm viếng, nhưng họ đều từ chối. Anh Nói muốn được ở trong nhà những ngày cuối cùng họ cũng từ chối. Đến lúc sắp chết, TT báo cho gia đình biết để tới thăm, họ cũng từ chối.
Nhưng ngày thứ hai khi đem xác đến chùa thiêu thì thấy gia đình và họ hàng thuê một chiếc xe 15 chỗ đến tham dự. Họ muốn đem tro về để rải trên sông Mêkong, nhưng tài xế của chiếc xe thuê không đồng ý. Người ta sợ chuyên chở tro của người chết, đặc biệt là một người bị AIDS sẽ mang đến cái xui xẻo cho công việc làm ăn của họ. Gia đình tỏ ra rất bất bình và buồn vì sự việc như thế.

Cô em gái đến đứng bên cạnh quan tài của Nói, nhìn vào cái xác chết đáng sợ và nói: "Mẹ đến thăm anh rồi đấy, anh Nói ạ." Cô ta chảy nước mắt.

Thầy Damien tỏ ra không hài lòng.

- Tôi không hiểu những người này. Thời gian anh sống không có một lần đến thăm viếng. Cho đến gần chết cũng không chịu đến thăm. Vậy thì tại sao giờ này lại chảy nước mắt để làm gì? Tại sao phải tỏ ra quan tâm và đau khổ sau khi chuyện đã rồi?

Trong thâm tâm của mình, mình cũng hy vọng rằng sự thay đổi trong thái độ là một sự chân thành, mặc dầu là quá trể. Nhưng quả thật nhìn bên ngoài thì mình không khỏi nghi ngờ những giọt nước mắt của họ là những giọt nước mắt cá sấu.

Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng thậm tệ như anh Nói. Trường hợp của "Jennifer", một anh chàng đồng tính thì đáng mừng hơn. Trong thời gian Jenny ở trung tâm, gia đình đến thăm thường xuyên. Và anh đã chết trong lần cuối cùng đi bệnh viện chỉ một ngày sau khi thiêu Nói. Thế là trong vòng một tuần có hai bệnh nhân đã chết vì căn bệnh SIDA.

Lễ an táng của Jenny cũng được gia đình đến tham dự đầy đủ và bày tỏ sự thương tiếc một cách chân thành. Tình cảm mà họ dành cho anh không chỉ trong lúc anh đã nằm trong quan tài mà còn khi đang ở trên giường bệnh nữa.

Mình rất tiếc là mình chưa được rửa tội cho Jenny. Sau khi anh chết mình hỏi thầy Damien: - Tại sao không kêu tôi rửa tội cho anh ta?

- Tại vì cũng không nghĩ là anh sẽ đi sớm như vậy. Cũng biết là sắp đi rồi, nhưng vừa rồi đưa đi bệnh viện thì buổi tối anh ta chết lúc nào không hay.

Sự ra đi nào cũng đáng thương tiếc, nhưng đối với Nói và Jennifer thì đó có lẽ là điều tốt nhất cho họ. Những ngày cuối đời đau đớn và thê thảm quá. Nhìn vào họ mà thấy vừa sợ vừa đau lòng. Những người trong trung tâm sẽ còn những người ra đi tiếp theo. Đó là hệ quả tất nhiên của căn bệnh SIDA mà chưa có phương cách cứu chữa một cách triệt để. Dù sao đi nữa ta vẫn tin rằng, mặc dầu thân xác cứu chữa không được, nhưng với lòng thương xót khoan dung vô bờ bến của Chúa thì vẫn còn hy vọng cho linh hồn của họ. Nhưng điều này thì không thể thấy được, chỉ có thể đặt niềm tin vào Ngài và tin rằng niềm tin đó là niềm tin chính xác.

Bangkok, ngày 4.6.2008

No comments: