Chết bởi Whatsapp



Báo chí tại Ấn độ đưa tin có hai chàng thanh niên đi du lịch bằng xe ô-tô. Họ lái vào một làng nhỏ. Ở đó, họ gặp thấy một số trẻ em nên muốn chụp hình lưu niệm với chúng. Để lấy lòng các em nhỏ, họ cho các em những viên kẹo mà họ có mang theo. Tình cờ, có một người trong làng nhìn thấy hai người thanh niên lạ mặt cho kẹo các trẻ nên chụp ảnh sự việc và gửi vào Whatsapp của những người khác trong làng kèm theo thông tin, “Trẻ em làng đang bị người lạ mặt dùng thủ đoạn để bắt cóc!” Thế là trong chốc lát, thông tin đó được truyền đi khắp làng. Mọi người ùa nhau đến nơi đang xảy ra sự cố. Họ túm lấy hai chàng thanh niên và đánh tơi bời khiến cả hai đã tử vong. Báo chí đưa tin đã đặt tít cho sự việc nói trên là, “Chết bởi Whatsapp”.

Trong thời kỳ kỹ thuật số, những sự cố tai hại xảy ra cho xã hội không khác gì một thảm họa cháy rừng. Khi lửa đã bén, có gió mạnh thì những ngọn lửa lan nhanh và bùng phát dữ dội mà không ai có thể kiềm chế được. Đến khi vụ cháy đã được khắc phục thì đã có thiệt hại vô cùng nặng nề về tài nguyên, tài sản, môi trường và mạng sống con người.

Những “đám cháy kỹ thuật số” cũng có sức lan nhanh và gây thiệt hại cho con người và xã hội không kém. Khi chúng ta cẩu thả trong việc truyền tải thông tin hoặc thiếu khôn ngoan trong việc tiếp nhận và xác định tính chân thực của thông tin, chúng ta có thể trở nên nguyên do gây ra những đám cháy kỹ thuật số rất khủng khiếp.

Trong thời kỳ kỹ thuật số, mặc dầu những thôn tin và hình ảnh mà chúng ta truyền tải qua mạng Internet được số hóa với vỏn vẹn hai con số 1 và 0, nhưng hậu quả có thể gây ra thì không bằng các con số vô hình vô cảm, mà bằng máu, bằng thịt, bằng nước mắt, bằng cả mạng sống con người.

Bangkok, 27.9.2019

No comments: