Các bạn trẻ Việt Nam ở Thái Lan hay hỏi mình: - “Tết này cha có về Việt Nam không?” hoặc “Lâu này cha có về Việt Nam chơi không?” Trước đây mỗi lần được hỏi như vậy thì mình luôn có một chút lúng túng. Không phải lúng túng về nội dung của câu hỏi mà vì cái chữ “về”. Mỗi khi mình có một chuyến đi Việt Nam thì mình luôn nói là mình “đi” chứ không phải là “về”. Nếu là về thì về Hoa Kỳ. Nơi đó có cha mẹ, các anh chị, các cháu và những người thân yêu khác. Cho dù mình không sinh ra ở Mỹ, nhưng vì mình đã sống phần lớn cuộc đời của mình tại Mỹ nên mình coi đó như là “quê” của mình, nơi mà cứ mỗi ba năm là mình được phép thực hiện một chuyến trở về để thăm gia đình theo hiến pháp của Dòng Ngôi Lời. Từ khi mình rời khỏi Hoa Kỳ để sang truyền giáo tại Thái Lan thì mình đã chỉ có được hai chuyến như thế.
Ngược lại mình đã đi Việt Nam khá nhiều lần, có khi đi theo một phái đoàn các linh mục Thái Lan để tham quan Việt Nam; có khi đi để hướng dẫn một đoàn giáo dân người Thái đi hành hương Việt Nam; có khi đi vì công việc của nhà dòng hoặc các công việc mục vụ khác. Chuyến đi Việt Nam lần này là để thăm và động viên gia đình của các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông tại Thái Lan vào tháng sáu vừa qua. Nhưng ngoài ra, mình cũng đã có giờ để đi thăm nhiều gia đình khác nữa, đa số là các gia đình có con em đang hoặc từng làm việc tại Thái Lan. Ở mỗi nơi họ đón tiếp mình thật nhiệt tình. Họ lấy làm rất vui khi có mình đến thăm cho dù mỗi nơi mình chỉ ở lại được một lúc. Họ lấy làm rất phấn khởi khi mình có thể sắp xếp thời giờ để dùng cơm với gia đình. Và họ cảm thấy rất hạnh phúc khi mình có điều kiện để dâng lễ trong giáo xứ của họ.
Sự thân thiện và lòng nhiệt tình của những người giáo dân Việt Nam làm cho mình nhiều khi cũng cảm thấy khó xử khi phải từ chối lời mời chân thành của họ để ở lại dùng bữa hoặc nghỉ qua đêm ở nhà của họ. Biết họ mời nhiệt tình nên việc phải từ chối là một nỗi buồn cho mình, nhưng điều đó thì không thể tránh được vì thời giờ không cho phép. Tuy nhiên, cái lòng hiếu khách, đặc biệt là đối với các linh mục của người giáo dân Việt Nam, dường như đã ngày càng làm cho mình cảm thấy những chuyến “đi” Việt Nam trở nên như những chuyến “về” nhiều hơn. Khi nói đến về thì người ta liên tưởng đến việc về với yêu thương, về với sự gần gũi, về với sự đầm ấm của những người thân quen. Người ta cũng về với những cảnh vật và lối sống quen thuộc. Nếu xét theo khái niệm đó thì những chuyến đi Việt Nam của mình không còn là những chuyến đi nữa mà trên tinh thần là những chuyến về thực thụ. Cho dù là Khánh Hòa nơi mình được sinh ra, hay Sài Gòn nơi mình đã có những năm thực tập trong quá trình đào tạo để trở nên nhà truyền giáo, hoặc là ở Hà Tĩnh-Nghệ An nơi mình thực hiện những chuyến đi để thăm viếng những người thân quen, những chuyến đi đã trở nên những chuyến về thật vui vẻ và thoải mái. Mình đã nghiệm ra rằng yếu tố quyết định cho một cuộc hành trình mang tính chất là một chuyến về không hẳn phải là nơi mình sinh ra, cũng không hẳn là nơi mình đã ở lâu nhất, mà là tình cảm và sự gắn bó với những con người ở nơi đó mang đến cho mình. Vì thế cho dù có đi Mỹ hay là đi Việt Nam, mỗi chuyến đi đều là những chuyến về. Đi Hoa Kỳ là về thăm gia đình. Đi Việt Nam là về với quê hương nơi mình sinh ra và những con người luôn luôn đón tiếp mình thật nồng hậu. Đi Thái Lan là trở về với đời sống và công việc truyền giáo của mình. Và nói cho cùng thì mọi người đều đang trên một chuyến về thật vĩ đại, đó là chuyến về với nguồn cội của mình, là Thiên Chúa, là nước trời. Ở đó có đời sống vĩnh cửu và tình yêu vô biên. Có lẽ nếu suy nghĩ thật kỹ thì trong cuộc sống của mình không có chuyến đi nào cả mà chỉ có những chuyến về -- về với những người anh em đồng loại, về với chính mình, và về với Thiên Chúa.
Trên chuyến bay Thai Airways từ Sàigòn trở về Bangkok, ngày 15.8.2015
Lễ Mừng Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời
No comments:
Post a Comment