Chuyện từ một bài giảng


Từ tuần trước, mình bắt đầu dạy tiếng Thái cho các sinh viên từ Hoa Kỳ vừa đến Thái Lan trong chương trình du học ngắn hạn. Nhóm sinh viên có 40 người, đến từ trường đại học Loyola tại tiểu bang Maryland. Đây là một trường đại học thuộc dòng Tên tại Hoa Kỳ. Đa số các sinh viên là người Công giáo. Mặc dầu chỉ là chương trình du học nửa năm, nhưng vì cha James Kelly là người phụ trách chương trình muốn họ có một trải nghiệm sâu sắc hơn trong thời gian ở Thái Lan nên đã mời mình dạy khóa tiếng Thái nói trên.


Hôm nay, sau giờ học, một bạn nam sinh viên tên R. đến nói với mình: - Thưa cha, cho con gặp cha một chút được không?

Mình nói được, trong đầu nghĩ có lẽ R. muốn hỏi gì về nội dung của bài học ngày hôm nay. Nhưng hóa ra đó không phải là lý do em muốn gặp mình.

R. nói: - Thưa cha, trong bài giảng Thánh Lễ Chúa Nhật hôm qua, cha kể câu chuyện về người mẫu cho họa sỹ Leonardo Davinci. Người mẫu ông ta dùng để vẽ Chúa Giê-su cũng chính là người mẫu mà sau này ông ta dùng để vẽ Giu-đa, kẻ phản bội Chúa. Anh ta đã thay đổi từ một người điển trai với khuôn mặt thánh thiện để trở thành một con người với khuôn mặt hung dữ và đáng sợ. Câu chuyện này đã thật sự đánh động con bởi vì con thấy mình cũng đang thay đổi. Tuy nhiên, con đang thay đổi ngược lại. Trước đây, khi còn học trường phổ thông thì con là một người rất manh động, cộc tính, và hay bốc đồng với người khác. Nhưng sau khi tốt nghiệp trường trung học và vào đại học, thì con đã có những thay đổi để trở nên con người hiền hòa và tốt hơn. Con thấy tính cách của nhân vật trong câu chuyện hình như có những điểm tương đồng với bản thân con trước đây. Con cảm ơn cha đã kể câu chuyện đó cho con nghe và giúp con có thêm nghị lực để tiếp tục thăng tiến.

Trong căn phòng có hàng chục sinh viên khác đang đứng trò chuyện với nhau, mình thật bất ngờ và cảm động khi một bạn sinh viên trẻ đến chia sẻ với mình những điều thật riêng tư. Mình nói:

Cha rất vui khi nghe những lời chia sẻ của con. Cha nghĩ rằng mọi người đều trải qua những kinh nghiệm trong cuộc sống. Có những kinh nghiệm vui buồn và đau khổ. Có những kinh nghiệm không hay ho mà chúng ta muốn quên đi hoặc che dấu. Nhưng tất cả chúng ta đều được kêu gọi để hoàn thiện bản thân bằng chính nỗ lực cá nhân và ơn lành đến từ Thiên Chúa.
Mình đang nói chuyện với R. thì có một vài bạn sinh viên khác đến đứng gần. Mình nghĩ lúc này không mấy thuận tiện để nói nhiều nên mình nói với R. rằng:

- Suốt thời gian con học tại đây, nếu con muốn gặp cha để chia sẻ bất cứ điều gì, cần có người lắng nghe thì cứ gọi điện thoại cho cha nhé. Chúng ta có thể gặp gỡ và trò chuyện với nhau.

- Vậy thì tốt lắm. – R. đáp.

- Vậy nhé. Cha sẽ viết số điện thoại của cha xuống cho con. Rồi khi nào cần thì con gọi cho cha.

Mình đưa cho R. mảnh giấy có ghi số điện thoại của mình. R. cầm lấy rồi bỏ vào túi sau khi nói lời cảm ơn.

Mình rời phòng học trong lòng dâng trào niềm hạnh phúc vì bài giảng lễ của mình đã đánh động vào một bạn trẻ đang cố tìm cho mình một lối đi trong cuộc sống. Có khi mình giảng lễ, cứ tưởng chừng như không ai nghe, cứ tưởng chừng như chỉ là nước chảy lá môn, cứ tưởng chừng như vào tai này rồi ra tai kia. Nhưng trên thực tế không phải vậy. Có rất nhiều người đang muốn nghe một lời nói liên kết thực trạng cuộc sống với Lời Chúa, một lời nói cảm thông, một lời nói thách đố, một lời nói chất chứa Tin Mừng của Chúa. Họ muốn nghe những điều đó từ một vị linh mục giảng lễ, và họ sẵn sàng đón nhận khi nó được nói lên một cách chân thành và nghiêm túc. Có những khi mình làm biếng soạn bài giảng vì nó phải mất nhiều thời giờ mới có được một bài giảng hay và sâu sắc. Nhưng hôm nay, R. đã nhắc nhở mình rằng sự hy sinh và cố gắng đó là đích đáng, vì trong những hàng ghế giáo dân tham dự lễ, còn có nhiều người đang chờ đợi và lắng nghe những điều mà vị đại diện của Chúa muốn nói với họ.

Bangkok, ngày 21.7.2014  

No comments: