Gần 12 giờ trưa, P. gọi điện thoại tới hỏi:
- Anh đi với em đến nhà anh A. không?
- Đi lúc nào? - Mình hỏi.
- 1h ăn cơm xong mình gặp nhau ở trạm xe điện rồi đón taxi đi. Em muốn đi thăm anh A. vì lâu rồi em không có cơ hội đi gặp anh.
- Được rồi. Lát nữa gặp lại.
Thế là mình và P. lại gặp nhau thêm một lần nữa để đi chơi, lần này đến nhà một người quen cũng là Việt kiều Thái. Ở đó có chị T., anh B. và anh A. Anh B. ở miền Nam ngày lễ lên thăm hai người em. Ba mẹ của các anh chị ở tỉnh Nongkhai vùng đông bắc. Ông bà của các anh chị người Hải Phòng, nhưng bố mẹ thì sinh ra ở Lào, rồi sau đó di cư qua Thái Lan.
Các anh chị rất vui tính và cởi mở. Anh A. là một nhiếp ảnh gia, nhưng còn là một người nấu ăn không chuyên nghiệp nữa. Anh thích nấu các món ăn Việt và nấu khá ngon. Mình đến nhà, anh bày ra món bánh cuốn anh mới vừa làm xong. Anh bảo:
- Ở đây không có món này nên mình muốn ăn thì phải tự làm lấy.
Nhà chị T. theo đạo Công giáo. Khác với nhiều người Việt khác ở Thái Lan mà mình đã từng gặp, ba anh chị đều nói tiếng Việt khá tốt, mặc dầu cả ba đều sinh ra ở Thái Lan. Nói giỏi nhất là chị T. Anh B. kể:
- Lúc trước (khi người Việt chưa có quyền công dân) con đi học tiếng Việt. Mỗi lần đi phải nhét cuốn vở trong người vì sợ cảnh sát phát hiện. Lúc đó đi đâu xa một tí là bị kiểm tra và bỏ vào tù.
- Khi bị bỏ vào tù thì như thế nào?
- Gia đình phải đến bảo lãnh và đóng tiền phạt. Cuộc sống lúc đó khổ lắm. Người Việt phải luôn dấu lý lịch của mình. Có khi trong xóm có hai gia đình người Việt mà họ không biết gì về nhau. Sau đó có lần cả hai lên máy bay đi Việt Nam, họ mới phát hiện ra hàng xóm mình là người Việt.
- Lý do gì mà người Việt lúc nào cũng phải dấu lý lịch mình?
- Vì người Thái lúc đó rất nghi ngờ người Việt, người Việt bị kỳ thị lắm.
- Sau này tại sao người Việt được làm công dân?
- Một phần cũng nhờ sự giúp đỡ của chính quyền Việt Nam. Người Việt cũng đặt vấn đề tại sao ở các nước khác, người ta định cư 5 năm là được vào quốc tịch, mà ở Thái Lan người Việt sinh ra trên đất Thái lại không được làm công dân? Chính quyền Thái hiểu được điều này là vô lý, họ cũng thấy xấu hổ, nên đã chịu thay đổi chính sách.
- Em nghe nói vì có thời gian rất dài người Việt phải che dấu về lý lịch của mình, nên bây giờ mặc dầu đã được tự do, nhưng rất nhiều người Việt vẫn còn có thói quen không cho ai biết về mình. Điều ấy có đúng không?
- Đúng vậy. Ra đường gặp người Thái gốc Việt, nếu họ không nói tiếng Việt với cha trước thì cha đừng nói tiếng Việt với họ. Bởi vì có thể họ sẽ không thích.
- Có lẽ hoàn cảnh phải che dấu đã đi sâu vào tiềm thức của họ nên bây giờ người Việt mình vẫn chưa thoát khỏi lối sống đó.
Nói chuyện với anh B. mình hiểu thêm về hoàn cảnh lịch sử của người Việt tại Thái Lan. Và mình lại cảm phục ba anh chị hơn. Mặc dầu họ sinh ra và lớn lên trong môi trường mà họ phải che dấu về sự thật của mình, nhưng họ vẫn cố gắng duy trì tiếng nói của cha mẹ ông bà. Chỉ có ông bà các anh chị mới sinh ra ở Việt Nam, chứ ngay cả bố mẹ cũng chỉ sinh ra ở Lào. Thế nhưng bây giờ cả ba người không chỉ nói được tiếng Việt, mà như anh A. còn biết nấu giỏi các món ăn Việt nữa.
Nếu so sánh hoàn cảnh của các anh chị với các bạn trẻ Việt kiều ở Mỹ hay ở Úc thì các bạn ấy quá thuận tiện. Không chỉ được tự do khẳng định bản sắc, mà còn được tìm hiểu văn hóa, tiếng Việt một cách dễ dãi. Thế nhưng có quá nhiều bạn trẻ nói được rất ít tiếng Việt.
Chiều nay mình và chi T. với các seour đến một nhà người quen ăn tối. Khi đưa mình về chi T. chỉ cho mình quyển sách học tiếng Việt chị đang dùng để trau dồi thêm vốn liếng tiếng Việt đã rất tốt của chị. Mình lại cảm phục chị thêm nữa. Quả thật tâm hồn Việt Nam của chị rất mạnh mẽ và việc chị cố gắng thăng tiến là điều chứng minh rất rõ rệt hoài bão và ước muốn của chị.
Bangkok, ngày 14.4.2007
No comments:
Post a Comment