Hôm nay đã là ngày thứ 9 từ khi mình quyết định giữ
khoảng cách xã hội để thực hiện trách nhiệm trong việc đẩy lùi sự lây lan của
cơn đại dịch Covid-19. Sau khi mình hoàn tất chương trình hội thảo quốc tế tại
trường đại học St. Louis, Bangkok xong vào tối 11.3, mình đã trở về nhà cộng
đoàn dòng Ngôi Lời Bangkok và từ đó cho đến nay thì hầu như chỉ ở nhà. Mình có
một buổi chiều đi công việc tại trung tâm mua sắm gần nhà và một vài lần đạp xe
ra chợ để mua ít thức ăn. Ngoài ra mình không đi đâu.
Cũng may là thời gian này tại Đại chủng viện đang
nghỉ hè sau khi đã kết thúc năm học, nên mình cũng không phải đi dạy học như những
tháng trước đây. Những ngày qua, mình có một thời khóa biểu tương đối đều đặn.
Sáng sớm thức dậy, mình làm vệ sinh cá nhân rồi guyện kinh riêng. Sau đó mình ra
nhà bếp pha một ly cà phê đen (không đường) để uống. Mình thường vừa uống cà
phê vừa đi dạo trong vườn của nhà để ngắm những cây cảnh và thở không khi trong
lành vào buổi sáng. Sau khi uống cà phê xong, mình chuẩn bị dâng lễ với anh em ở
trong nhà. Những ngày này, trong mỗi Thánh lễ đều cầu nguyện đặc biệt cho tình
trạng đại dịch đang xảy ra trên thế giới.
Dâng lễ xong, mình bắt đầu làm việc. Những ngày
này, công việc của mình chủ yếu liên quan đến việc chấm bài thi của các thầy tại
đại chủng viện, thực hiện một số bài nghiên cứu cho những chương trình hội thảo
mà mình sẽ tham dự trong năm nay, và biên soạn những bài tham luận cho một tạp chí
chuyên môn mà mình là chủ bút. Vì là việc
dùng đầu óc nên lúc nào mình cũng dán mắt vào sách vở hoặc máy vi tính.
Sau khi đã làm được một số việc, mình “giải lao” bằng
cách theo dõi các thông tin liên quan đến đại dịch Covid-19 tại Thái Lan và
đăng lên trang Facebook của mình hầu giúp các anh chị em lao động di dân Việt
Nam tại Thái Lan nắm bắt được tình hình để có những quyết định phù hợp cho
chính mình trong thời gian khó khăn này. Những ngày qua có rất nhiều biến động
trong tình hình tại Thái Lan nên nhiều
người đang hoang mang muốn rời khỏi đây. Tuy nhiên, việc rời khỏi Thái
Lan trong lúc này lại gặp nhiều cản trở vì Lào đã quyết định đóng biên giới
không cho người Việt Nam nhập cảnh trong khi nhiều chuyến bay từ Bangkok về Việt
Nam cũng đã bị các hãng hàng không hủy bỏ. Sự việc đã bế tắc lại còn thêm một
khó khăn nữa là Vương quốc Campuchia đưa ra quyết định không cho người Việt Nam
nhập cảnh từ ngày 21.3 khiến cho việc đi gia hạn hộ chiếu mỗi tháng không thể
tiếp tục làm được. Trong thời gian này, điều các bạn Việt Nam cần là những
thông tin kịp thời và chính xác, nên mình cố gắng thanh lọc các thông tin quan
trọng để phổ biến cho các bạn được biết để có thể đối phó với tình hình.
Buổi chiều của mình bắt đầu sau giờ nghỉ trưa.
Mình thường bỏ ra 1 tới 1 tiếng rưỡi đồng hồ để tập thể dục. Cũng may là ở nhà
có một số dụng cụ để tập nên mình không phải đi tới các câu lạc bộ. Điều này tiết
kiệm được tiền cũng như thời gian đi lại. Thường thì khi đang tập thể dục, mình
mở Youtube để xem các chương trình thời sự hoặc là video học tiếng Nhật (vì
mình đang tự học tiếng Nhật). Sau khi tập thể dục xong, mình làm một ít việc nhỏ
như chăm vườn hoặc việc lặt vặt cá nhân.
Buổi tối của mình thường dành cho việc đọc sách,
làm các việc trên máy vi tính, theo dõi tình hình về Covid-19 tại Thái Lan cũng
như ở các nước trên thế giới. Tối nay, mình bỏ ra một ít thời giờ để viết những
dòng nhật ký này để ghi lại về cuộc sống trong những ngày “cách ly xã hội”
trong thời kỳ Covid-19.
Mình “cách ly xã hội” bằng cách không đi lại,
không giao tiếp với nhiều người. Nhưng trong những ngày này, tâm trạng của mình
luôn hướng về xã hội, về những người thân và những con người khắp nơi trên thế
giới đang chống chọi với cơn đại dịch. Trong những lúc khó khăn, mỗi nơi đều cần
có những nơi là chỗ dựa cho những người đang gặp khó khăn, lo âu và hoang mang.
Tại Thái Lan anh chị em Việt Nam không có nhiều chỗ dựa vì họ là một cộng đồng
lao động di dân bất hợp pháp. Họ không có nhiều quyền lợi, bị hạn chế trong
ngôn ngữ và kiến thức, và dễ bị rối loạn bởi nhiều nguồn thông tin trái chiều. Những
ngày này, mặc dầu mình cách ly xã hội, nhưng qua mạng xã hội, mình vẫn có thể đến
với những anh chị em di dân Việt Nam. Có người đã hồi hương và đang bị cách ly
tại các địa điểm cách ly tập trung tại Việt Nam. Có người đang chuẩn bị về trên
những chuyến bay chưa bị hủy để rời khỏi vùng dịch Thái Lan. Có người sẽ trụ lại
Thái Lan với niềm hy vọng sẽ vượt qua những ngày sóng gió của cơn đại dịch.
Mình cũng sẽ trụ tại đây vì mình không biết nơi
nào khác để đi trong lúc này. Hôm qua, cha J. thuộc dòng Augustine người Úc
chia sẻ trong tin nhắn rằng, bề trên của ngài tại Úc cho hay, nếu ngài muốn về
lại Úc thì phải về trong lúc này. Nhưng nếu đã trở về Úc thì sẽ rất lâu mới có
thể quay lại Thái Lan. Còn không thì cứ tiếp tục ở lại Thái Lan và đối phó với
bất cứ tình huống gì sẽ xảy đến. Cha J. đã quyết định tiếp tục ở lại Thái Lan
mà không trở về Úc. Ngài chỉ nói một câu ngắn gọn, “Tôi quyết định tiếp tục ở lại
Thái Lan vì sứ vụ của tôi ở đây.”
Tâm trạng của mình cũng như của cha J. vậy. Trong
những ngày này, Giáo hội Thái Lan cũng đang phải đối phó với sự gia tăng trong
đại dịch bằng cách tạm thời hủy các Thánh lễ và các sinh hoạt giáo xứ. Tại nhà
dòng tất cả các sinh hoạt mùa chay Thánh và Tuần Thánh cũng sẽ bị hủy. Trong những
ngày tới đây, mỗi ngày mình cũng sẽ ở nhà làm những công việc hằng ngày của
mình. Mình may mắn khi cho dù không bước ra bên ngoài nhiều tháng thì mình vẫn
không hết việc để làm. Và mình vẫn có thể sống được với sự trợ giúp của hội
dòng. Vì thế mình không phải lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền để nuôi bản thân.
Nhưng không phải ai cũng được như mình. Ngoài kia rất nhiều người đang hoang
mang không biết rồi sẽ sống như thế nào khi không có việc làm, khi quán xá phải
đóng cửa, khi quán mở không có khách. Vì thế điều mình có thể làm được là trở
nên một chỗ dựa và là một chút an ủi nho nhỏ cho những ai tìm đến với mình
trong thời gian này.
Bangkok, ngày 20.3.2020
No comments:
Post a Comment