Ăn ngủ với Cô Vy



Mình vẫn tiếp tục giữ khoảng cách xã hội để đóng góp vào nỗ lực đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên thế giới và cụ thể tại Thái Lan. Ba ngày qua số ca mới tại xứ chùa vàng tăng mạnh, mỗi ngày đều trên 100 người. Cao nhất là 188 ca mới trong một ngày. Trước tình trạng khủng hoảng, các lao động Việt Nam tại Thái Lan đang ồ ạt tìm cách hồi hương mặc dầu khi trở về Việt Nam phải đi cách ly tập trung 14 ngày trước khi được về nhà. Người Thái Lan tại Bangkok cũng đang đua nhau về quê ở các tỉnh bất chấp Bộ Y tế khuyến cáo không nên về vì có thể mang bệnh đến những vùng quê vốn chưa có nhiều người bị nhiễm. Và điều đó cũng đã xảy ra. Hôm nay thời sự đưa tin một thanh niên làm việc tại quán bar ở khu phố Thong Lor của Bangkok đã bị phát hiện dương tính với Covid-19 sau khi trở về quê tại Chiangrai ngày 21 tháng 3. Người Việt Nam thì về quê vì nhiều lý do khác nhau. Họ bị thất việc do các nhà hàng quán ăn bị buộc phải đóng cửa. Nhiều người cũng sợ tình trạng lây lan tại Thái Lan ngày càng gia tăng. Ngoài ra, việc Thái Lan và các quốc gia lân cận đóng cửa biên giới sẽ dẫn đến tình trạng visa hết hạn mà lại không thể đi đóng dấu hàng tháng được.

Mình thì suốt 13 ngày qua chủ yếu ở nhà và chỉ một vài lần đi ra ngoài khi có công việc lặt vặt. Mình vội đi và cũng vội về, tránh chỗ có đông người. Hôm nay mình qua trung tâm The Mall Ngamwongwan để đi ngân hàng. So với mọi khi, khu phố hôm nay thật trống trải như một dịp nghỉ lễ dài ngày. Trong trung tâm mua sắm, các cửa tiệm đều đóng cửa ngoại trừ khu vực siêu thị, các quầy bán thức ăn mang đi và các ngân hàng ở trên tầng 5. Khi vào trung tâm có hai nhân viên đứng để kiểm tra thân nhiệt cũng như xịt gel rửa tay cho khách. Từ ngày mốt trở đi lệnh khẩn cấp toàn quốc và giờ giới nghiêm sẽ bắt đầu được áp dụng nên chắc chắn không khí trong thành phố thủ đô này sẽ càng ảm đạm hơn nữa.

Trong những ngày này, mình dường như ăn ngủ với Covid-19. Mặc dầu mình có rất nhiều việc khác để làm, nhưng đầu óc khó tập trung khi chuyện Covid-19 đang khiến cuộc sống của toàn thể người Thái và người nước ngoài đang sinh sống tại Thái Lan bị đảo lộn. Từ sáng đến khuya, mình liên tục cập nhật các thông tin để phổ biến cho cộng đồng di dân Việt Nam tại Thái Lan. Có thông tin lấy từ các nguồn truyền thông Thái. Có thông tin nhận được từ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan. Có thông tin đến từ các cá nhân ở nơi này nơi kia, người Thái có, người Việt có.

Ngoài việc thu thập, sàn lọc và phổ biến thông tin, mình cũng trả lời các câu hỏi của nhiều người gởi đến qua tin nhắn hoặc qua điện thoại. Có những câu hỏi mình trả lời được. Có những câu hỏi mình không biết cách để trả lời. Và có những câu hỏi mình không muốn trả lời vì mình đã đăng thông tin trên Facebook, chỉ cần mở ra đọc là biết. Nhiều khi câu hỏi đến nhiều quá khiến mình nổi cáu, đặc biệt có người giữa đêm khuya khi mình đang ngủ cũng gọi điện thoại tới xin lời khuyên. Nhiều bạn trẻ Việt Nam làm đêm ngủ ngày nên họ quên rằng các linh mục thì làm việc ban ngày và ngủ ban đêm.

Những ngày này thật khó để có thể giữ một nhịp sống bình thường, nhưng mình đang cố gắng ăn ngủ điều độ và tập thể dục để duy trì sức khỏe. Trong mùa Chay Thánh, tình trạng đại dịch cũng làm cho mình suy tư hơn về sự mong manh của cuộc sống, về những giá trị đích thực mà mỗi cá nhân phải hướng tới, và những điều cần làm để cho những giây phút trên trần thế thực sự có ý nghĩa. Trong Thánh Lễ và kinh nguyện hằng ngày, mình cảm thấy việc cầu nguyện cho “chúng con và toàn thế giới” “khi này và trong giờ lâm tử” thiết thực và cấp bách hơn bao giờ hết. Chính vì thế mà bên cạnh việc đăng các thông tin về đại dịch cho các bạn trẻ nắm được tình hình về Covid-19, mình cũng kèm theo những lời nhắc nhở về những gì là ưu tiên trong cuộc sống, đó là đặt tâm trí vào việc sống đạo và giữ đạo (ngay cả ở nơi cách ly tập trung) và việc cư xử với người khác bằng tấm lòng bác ái, cảm thông và vị tha.

Không biết thời gian phải ăn ngủ với Covid-19 sẽ còn kéo dài bao lâu nữa. Nhưng có lẽ đây sẽ là một Mùa Chay đáng nhớ nhất trong đời, một Mùa Chay mà qua biến cố đại dịch lan tràn khắp thế giới, nhắc nhở mỗi người “hãy nhớ mình là bụi tro, một mai người sẽ trở về bụi tro.”

Bangkok, ngày 24.3.2020

Cách ly xã hội trong thời kỳ Covid-19



Hôm nay đã là ngày thứ 9 từ khi mình quyết định giữ khoảng cách xã hội để thực hiện trách nhiệm trong việc đẩy lùi sự lây lan của cơn đại dịch Covid-19. Sau khi mình hoàn tất chương trình hội thảo quốc tế tại trường đại học St. Louis, Bangkok xong vào tối 11.3, mình đã trở về nhà cộng đoàn dòng Ngôi Lời Bangkok và từ đó cho đến nay thì hầu như chỉ ở nhà. Mình có một buổi chiều đi công việc tại trung tâm mua sắm gần nhà và một vài lần đạp xe ra chợ để mua ít thức ăn. Ngoài ra mình không đi đâu.

Cũng may là thời gian này tại Đại chủng viện đang nghỉ hè sau khi đã kết thúc năm học, nên mình cũng không phải đi dạy học như những tháng trước đây. Những ngày qua, mình có một thời khóa biểu tương đối đều đặn. Sáng sớm thức dậy, mình làm vệ sinh cá nhân rồi guyện kinh riêng. Sau đó mình ra nhà bếp pha một ly cà phê đen (không đường) để uống. Mình thường vừa uống cà phê vừa đi dạo trong vườn của nhà để ngắm những cây cảnh và thở không khi trong lành vào buổi sáng. Sau khi uống cà phê xong, mình chuẩn bị dâng lễ với anh em ở trong nhà. Những ngày này, trong mỗi Thánh lễ đều cầu nguyện đặc biệt cho tình trạng đại dịch đang xảy ra trên thế giới.

Dâng lễ xong, mình bắt đầu làm việc. Những ngày này, công việc của mình chủ yếu liên quan đến việc chấm bài thi của các thầy tại đại chủng viện, thực hiện một số bài nghiên cứu cho những chương trình hội thảo mà mình sẽ tham dự trong năm nay, và biên soạn những bài tham luận cho một tạp chí chuyên môn mà mình là chủ bút.  Vì là việc dùng đầu óc nên lúc nào mình cũng dán mắt vào sách vở hoặc máy vi tính.

Sau khi đã làm được một số việc, mình “giải lao” bằng cách theo dõi các thông tin liên quan đến đại dịch Covid-19 tại Thái Lan và đăng lên trang Facebook của mình hầu giúp các anh chị em lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan nắm bắt được tình hình để có những quyết định phù hợp cho chính mình trong thời gian khó khăn này. Những ngày qua có rất nhiều biến động trong tình hình tại Thái Lan nên nhiều  người đang hoang mang muốn rời khỏi đây. Tuy nhiên, việc rời khỏi Thái Lan trong lúc này lại gặp nhiều cản trở vì Lào đã quyết định đóng biên giới không cho người Việt Nam nhập cảnh trong khi nhiều chuyến bay từ Bangkok về Việt Nam cũng đã bị các hãng hàng không hủy bỏ. Sự việc đã bế tắc lại còn thêm một khó khăn nữa là Vương quốc Campuchia đưa ra quyết định không cho người Việt Nam nhập cảnh từ ngày 21.3 khiến cho việc đi gia hạn hộ chiếu mỗi tháng không thể tiếp tục làm được. Trong thời gian này, điều các bạn Việt Nam cần là những thông tin kịp thời và chính xác, nên mình cố gắng thanh lọc các thông tin quan trọng để phổ biến cho các bạn được biết để có thể đối phó với tình hình.

Buổi chiều của mình bắt đầu sau giờ nghỉ trưa. Mình thường bỏ ra 1 tới 1 tiếng rưỡi đồng hồ để tập thể dục. Cũng may là ở nhà có một số dụng cụ để tập nên mình không phải đi tới các câu lạc bộ. Điều này tiết kiệm được tiền cũng như thời gian đi lại. Thường thì khi đang tập thể dục, mình mở Youtube để xem các chương trình thời sự hoặc là video học tiếng Nhật (vì mình đang tự học tiếng Nhật). Sau khi tập thể dục xong, mình làm một ít việc nhỏ như chăm vườn hoặc việc lặt vặt cá nhân.

Buổi tối của mình thường dành cho việc đọc sách, làm các việc trên máy vi tính, theo dõi tình hình về Covid-19 tại Thái Lan cũng như ở các nước trên thế giới. Tối nay, mình bỏ ra một ít thời giờ để viết những dòng nhật ký này để ghi lại về cuộc sống trong những ngày “cách ly xã hội” trong thời kỳ Covid-19.

Mình “cách ly xã hội” bằng cách không đi lại, không giao tiếp với nhiều người. Nhưng trong những ngày này, tâm trạng của mình luôn hướng về xã hội, về những người thân và những con người khắp nơi trên thế giới đang chống chọi với cơn đại dịch. Trong những lúc khó khăn, mỗi nơi đều cần có những nơi là chỗ dựa cho những người đang gặp khó khăn, lo âu và hoang mang. Tại Thái Lan anh chị em Việt Nam không có nhiều chỗ dựa vì họ là một cộng đồng lao động di dân bất hợp pháp. Họ không có nhiều quyền lợi, bị hạn chế trong ngôn ngữ và kiến thức, và dễ bị rối loạn bởi nhiều nguồn thông tin trái chiều. Những ngày này, mặc dầu mình cách ly xã hội, nhưng qua mạng xã hội, mình vẫn có thể đến với những anh chị em di dân Việt Nam. Có người đã hồi hương và đang bị cách ly tại các địa điểm cách ly tập trung tại Việt Nam. Có người đang chuẩn bị về trên những chuyến bay chưa bị hủy để rời khỏi vùng dịch Thái Lan. Có người sẽ trụ lại Thái Lan với niềm hy vọng sẽ vượt qua những ngày sóng gió của cơn đại dịch.

Mình cũng sẽ trụ tại đây vì mình không biết nơi nào khác để đi trong lúc này. Hôm qua, cha J. thuộc dòng Augustine người Úc chia sẻ trong tin nhắn rằng, bề trên của ngài tại Úc cho hay, nếu ngài muốn về lại Úc thì phải về trong lúc này. Nhưng nếu đã trở về Úc thì sẽ rất lâu mới có thể quay lại Thái Lan. Còn không thì cứ tiếp tục ở lại Thái Lan và đối phó với bất cứ tình huống gì sẽ xảy đến. Cha J. đã quyết định tiếp tục ở lại Thái Lan mà không trở về Úc. Ngài chỉ nói một câu ngắn gọn, “Tôi quyết định tiếp tục ở lại Thái Lan vì sứ vụ của tôi ở đây.”

Tâm trạng của mình cũng như của cha J. vậy. Trong những ngày này, Giáo hội Thái Lan cũng đang phải đối phó với sự gia tăng trong đại dịch bằng cách tạm thời hủy các Thánh lễ và các sinh hoạt giáo xứ. Tại nhà dòng tất cả các sinh hoạt mùa chay Thánh và Tuần Thánh cũng sẽ bị hủy. Trong những ngày tới đây, mỗi ngày mình cũng sẽ ở nhà làm những công việc hằng ngày của mình. Mình may mắn khi cho dù không bước ra bên ngoài nhiều tháng thì mình vẫn không hết việc để làm. Và mình vẫn có thể sống được với sự trợ giúp của hội dòng. Vì thế mình không phải lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền để nuôi bản thân. Nhưng không phải ai cũng được như mình. Ngoài kia rất nhiều người đang hoang mang không biết rồi sẽ sống như thế nào khi không có việc làm, khi quán xá phải đóng cửa, khi quán mở không có khách. Vì thế điều mình có thể làm được là trở nên một chỗ dựa và là một chút an ủi nho nhỏ cho những ai tìm đến với mình trong thời gian này.

Bangkok, ngày 20.3.2020

Hội thảo thời Covid-19


Hôm nay chương trình hội thảo quốc tế chủ đề “Tôn giáo trong thế giới kỹ thuật số” mà mình đã bỏ công sức thời gian qua để tổ chức cũng đã chính thức khai mạc. Mặc dầu Thái Lan đang đối diện với tình trạng ngày càng có thêm người bị nhiễm covid-19 và có nhiều người không dám đến Thái Lan, nhưng mình cũng đã quyết định không hủy chương trình nhưng vẫn thực hiện theo dự định.

Dĩ nhiên, thực trạng covid-19 đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng trên chương trình hội thảo.

- Mỗi người đến tham dự trước khi bước vào bên trong sảnh và phòng hội thảo phải được đo nhiệt độ xem có bị sốt hay không.

- Nhiều người ngồi trong phòng hội thảo đeo khẩu trang để tự bảo vệ bản thân.

- Một số chuyên gia nước ngoài vắng mặt vì họ không được cấp trên cho phép đến tham dự.

- Một số chuyên gia nước ngoài vắng mặt vì nếu họ đến Thái Lan, khi trở lại sẽ bị cách ly 14 ngày để bảo đảm không bị bệnh.

- Một số chuyên gia nước ngoài do không thể đến tham dự nên đã tham dự qua mạng. Có người đã thuyết trình về công trình nghiên cứu của mình online.

- Có người không thê trực tiếp thuyết trình nên đã gửi video bài thuyết trình của mình để mở ra cho cá tham dự viên cùng xem và thảo luận.

Ngày hội thảo đầu tiên đã kết thúc tốt đẹp. Mặc dầu có nhiều điều bất cập gây ra bởi tình hình hiện tại, nhưng mình cũng đã cố gắng tổ chức sao cho cuộc hội thảo được phong phú và ý nghĩa.

Đầu ngày hội thảo, mọi người cũng đã có phút thinh lặng để cầu nguyện cho thế giới trong lúc covid-19 đang hoành hành khắp mọi nơi. Mình cũng đặc biệt cầu nguyện cho chương trình được tốt đẹp và mọi người được bình an và khỏe mạnh. Để tổ chức sự kiện trong thời buổi covid-19 có thật nhiều điều phải băn khoăn. Ngày mai chương trình hội thảo sẽ tiếp tục thêm một ngày dài từ sáng đến tối.

Bangkok, 10.3.2020

Nhật ký: Đi U về


Chiều nay mình đã trở lại Bangkok từ Udon Thani trên chuyến bay của hãng Thai Lion lúc 5g10. Vì máy bay không đầy khách nên chuyến bay khởi hành không chỉ không chậm trể mà còn trước giờ ấn định nữa. Khi xuống máy bay, xe buýt sân bay đón tất cả các khách một lượt rồi đưa thẳng vào nhà ga. Vì ga đến nội địa gần đường Vibhavadi nên mình đi bộ ra ngoài đường để bắt taxi về nhà. Tài xế taxi, một người đàn ông trung niên, khi mình vừa lên xe thì ông ấy lấy khẩu trang đeo vào vì sợ khách sẽ ngại nếu tài xế không có đeo khẩu trang.

Khi xe đang chạy trên đường Vibhavadi thì ông tài xế nói: - Bình thường giờ này là đường kẹt cứng cả hai chiều. Nhưng bây giờ có thể chạy đều đều như thế này là do cái con vi-rút nó gây ra.

Đúng thế. Dường như vì cơn dịch mà trong thành phố nhìn nhẹ nhàng và thông thoáng hơn, mặc dầu đi đâu cũng thấy người đeo khẩu trang kín mặt. Giờ đây chỉ những người có công việc cần đi ra ngoài thì mới đi, còn nếu không cần thiết thì nhiều người cũng ở nhà cho lành.

Bản thân mình sau khi về tới nhà, rửa tay và mặt xong cũng cảm thấy nhẹ người hơn. Mặc dầu vì công việc mình luôn sẵn sàng đi ra ngoài, ngay cả chương trình hội thảo mình cũng không hủy bỏ mà vẫn tổ chức theo kế hoạch, nhưng những ngày này, có lẽ không gì dễ chịu hơn là ở nhà, dâng lễ misa, kinh nguyện, làm những công việc chăm sóc nhà, chăm sóc vườn, đọc sách, đọc tài liệu nghiên cứu và tập thể dục hằng ngày. Đó là những sinh hoạt lý tưởng của một ngày yên bình. Tuy nhiên, trên thực tế thì cuộc sống và trách nhiệm của một linh mục truyền giáo thì không chỉ mãi thanh thản như thế được.

Bangkok, ngày 5.3.2020

Bị "cách ly" trên máy bay


Chiều qua mình ra sân bay Don Muang để đi Udon Thani họp việc nhà dòng tại miền đông bắc Thái Lan. Khi lên máy bay mình cũng như các hành khách khác ai nấy đều đeo khẩu trang. Khi máy bay chuẩn bị di chuyển mình phát hiện ra các hàng ghế trước, sau và một bên mình đều không có ai ngồi. Thế nên mình quyết định tháo khẩu trang ra cho thoải mái hơn.

Nong bua lamphu, 5.3.2020

Chuyện trong ngày

Hôm nay việc thi cử đã diễn ra cho cả ba môn do mình đảm nhiệm tại Đại Chủng Viên Lux Mundi. Một phần mình cho thi trong lớp, một phần mình cho viết ở nhà rồi gửi bài vào qua email. Mình cho tới nửa đêm là hạn chót để các thầy gửi bài vào. Với việc thi cử hôm nay thì cũng có nghĩa mình đã kết thúc năm thứ tư giảng dạy tại Đại chủng viện quốc gia Thái Lan. 4 năm thì cũng chưa phải dài lắm. Trong ĐCV có cha Patrick người Á nhỉ lan đã dạy 12 năm. Nhưng năm nay ngài cũng đã quyết định rời Thái Lan để trở về Á nhi lan để phục vụ. Còn mình thì chưa biết sẽ còn tiếp tục giảng dạy tại đây cho đến khi nào.

Thi cử xong thì mình phải bỏ thời giờ ra để chấm bài. Tuy nhiên, trong lúc này thì mình chưa có thời giờ và cũng chưa có tâm trí để chấm bài thi vì tuần tới mình còn phải tổ chức hội thảo quốc tế tại Bangkok. Chương trình đã được chuẩn bị gần 2 năm, nhưng tới gần ngày diễn ra sự kiện thì bị “Cô Vy” gây rắc rối đủ điều. Nào là tham dự viên từ một số quốc gia không dám tới Thái Lan vì sợ tình hình tại đây bất ổn. Nào là Thái Lan không dám tiếp nhận một số tham dự viên đến từ các quốc gia có nhiều người bị nhiễm. Đó là chưa nói đến sự quan ngại tổ chức cuộc họp có nhiều người tham dự cùng một lúc. Vì thế nên tối hôm qua ban tổ chức đã quyết định hủy chương trình khai mạc có mời các quan khách đến tham dự. Ngoài ra, trong chương trình cũng hủy phần đưa tham dự viên đi tham quan chùa chiền tại Bangkok cũng như đi ăn ở nhà hàng nơi có đông người. Thật đáng tiếc khi bao nhiêu công lao bỏ ra để tổ chức sự kiện nhưng lại gặp nhiều trắc trở. Dù sao đi nữa thì mình vẫn sẽ phải tiến tới với công việc và phó thác mọi sự vào bàn tay quan phòng của Chúa. 

Bangkok, 3.3.2020