Ở nhiều nơi công cộng tại Thái Lan như xe điện,
phòng chờ tại sân bay, nhà ga v.v., người ta thường có ghế ưu tiên cho những
người đặc biệt như người già, phụ nữ đang mang thai, người khuyết tật… Điều này
không có gì khác biệt với các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, ở Thái
Lan ghế ưu tiên còn được dành cho các vị sư Phật giáo. Tại phòng chờ sân bay thậm
chí còn cò ghế salon ở một góc riêng biệt chỉ dành cho các vị sư. Lý do cũng dễ
hiểu vì Thái Lan là đất nước Phật giáo nên họ ưu ái các vị sư không có gì bất
thường.
Đối với các linh mục thì không được ưu tiên mặc dầu
linh mục cũng là giới tu trì chẳng khác các vị sư. Nhiều khi mình đi lại thấy
phía các nhà sư được ưu tiên trong khi mình thì phải như bao nhiêu người khác
thì cái bản tính xấu trong con người có phần được đánh động với một chút so đo
và ghanh tị. Nhưng sau khi nén lại được suy nghĩ tiêu cực đó thì mình chợt cảm
thấy thật vui khi mình không được ưu tiên. Mình cảm thấy vui vì e rằng nếu mình
luôn được ưu tiên như vậy thì biết đâu mình lại trở thành người cao ngạo, kiêu
căng và đòi hỏi quyền lợi.
Ở trong môi trường mà linh mục không mấy được trọng
vọng, mình hiểu được như thế nào là một con người bình thường như bao nhiêu người
khác. Mình cảm nhận được cảm xúc của đại đa số người khi họ phải bươn chải để sống
trong xã hội, phải phấn đấu để thăng tiến chứ không nhận được bất cứ ưu ái gì từ
người khác. Sự ưu ái và quyền lợi, khi rơi vào tay của người thiếu ngay thẳng sẽ
dẫn đến sự lạm dụng và thất đức. Hơn bao giờ hết, Giáo hội cần các linh mục, tu
sĩ khiêm tốn—khiêm tốn trong cách cư xử, khiêm tốn trong lối sống, khiêm tốn
trong cách làm việc. Tại Thái Lan, việc các linh mục không nhận được những ưu
tiên trong xã hội không phải là một điều bất công, mà là một điều may mắn và thuận lợi cho
ơn gọi của các ngài.
Bangkok, ngày 22.8.2019
No comments:
Post a Comment