Cách đây vài ngày mình nhận được tin nhắn trên Facebook từ một bạn trẻ người Thái muốn tìm hiểu về đạo Ki-tô giáo. Mình nhắn tin hồi âm là đang ở Philippines, nhưng cũng chuẩn bị trở lại Bangkok và hẹn gặp nhau để nói chuyện vì mình nghĩ qua FB sẽ không thuận tiện để chia sẻ chi tiết về tôn giáo. Mình hẹn gặp bạn trẻ tên N. ở quán cà-phê Starbucks gần nơi bạn ấy làm việc.
N. đến gặp mình đúng giờ hẹn. Mình tới sớm hơn nên đã tìm được một chỗ ngồi thích hợp. N. là một bạn trẻ quê vùng Đông bắc, giáp Sông Mekong. N có khuôn mặt hiền lành, ăn nói lịch sự, có học thức và đã tốt nghiệp đại học ngành kỹ sư hoá học tại một trường đại học nổi tiếng tại Thái Lan.
Trong hai giờ nói chuyện, N chia sẻ nhiều điều về chính mình, đặc biệt là sự thích thú với đạo Ki-tô giáo từ khi còn nhỏ. Ngày xưa mỗi lần ở nhà thờ có tổ chức lễ Giáng Sinh, N hay lén vào để xem các sinh hoạt. N thích vào các nhà thờ Công giáo vì khung cảnh trong nhà thờ tạo nên cho N cảm giác an bình. Gia đình N theo Phật giáo. N là con trai duy nhất trong gia đình, nhưng từ nhỏ đã nói với bố mẹ là sẽ đổi đạo.
Tuy nhiên, đến bây giờ N mới bắt đầu tìm hiểu về đạo. Thời gian học đại học, N tham gia một nhóm Tin Lành vì không biết phân biệt giữa các phái Ki-tô giáo. Mãi về sau khi có bạn người Công giáo đưa tới nhà thờ N mới phát hiện là suốt những năm đại học mình tham gia nhầm phái. N từng thắc mắc tại sao nhóm đó không có các nghi thức lễ long trọng và sâu sắc mà mình đã từng chứng kiến trước đây. Đối với N những nghi thức phụng vụ là điều thật tuyệt vời cho dù chưa hiểu được ý nghĩa của các nghi thức ấy.
Hôm nay mình giới thiệu cho N những điều căn bản nhất về đạo Ki-tô giáo và giáo hội Công giáo. Mình cũng giới thiệu cho N một vài nhà thờ gần phòng trọ của N để có thể đi lễ và tìm hiểu thêm về đạo. Mình giới thiệu cho N một diễn đàn mạng Công giáo bằng tiếng Thái để có thể tham gia thảo luận và gặp gỡ những người khác cũng đang tìm hiểu về đạo như bạn ấy. Và trên hết, mình chia sẻ với N rằng việc học đạo là một cuộc hành trình đòi hỏi thời gian để học, để hiểu, để thấm nhuần và để xác tín. Không phải năm ba tháng mà có thể đạt được những điều đó. Sau khi đã học xong, mình chỉ rửa tội nếu đã sẵn sàng dấn thân trên con đường đức tin. Điều này phải hoàn toàn đến từ sự thành tâm và tự nguyện. Không ai có thể áp lực mình cũng như mình không thể tự áp lực bản thân.
Về chuyện gia đình, mình nhấn mạnh với N rằng một người theo đạo Công giáo phải luôn có hiếu với cha mẹ và ông bà tổ tiên. Lời cầu nguyện cho các ngài trong kinh nguyện hằng ngày và đặc biệt trong Thánh lễ là phần thiết yếu của đời sống tâm linh Công giáo. Về hình thức thể hiện tấm lòng hiếu thảo có thể khác, nhưng về tính chất thì giữa Công giáo và Phật giáo không mấy khác nhau.
Qua cuộc nói chuyện với mình N nói rằng cảm thấy an tâm và hết cảm thấy áp lực hay dè dặt khi khởi hành việc tìm hiểu đạo. Mình hứa sẽ đồng hành với N với điều kiện cho phép. Hy vọng rằng bạn trẻ này sẽ tìm ra những chân lý cho cuộc sống mà bạn đang khao khát tìm kiếm.
Bangkok, ngày 21.8.2019
No comments:
Post a Comment