Nhình lại năm 2018: Tháng 2


Những năm qua mình đã làm phép xác cho nhiều lao động di dân Việt Nam tại Thái Lan, nhưng không mấy khi dâng lễ an táng. Đó là vì đa số những trường hợp làm phép xác là ở trong một căn phòng hoặc không gian nào đó trong khu vực nhà xác của các bệnh viện, sau đó thi hài được đưa về Việt Nam để an táng.

Trong tấm hình này là một bạn gái chỉ mới 16 tuổi. Ra đời sớm, qua Thái Lan làm việc, rồi mạng sống bị kết thúc một cách thê thảm trên xa lộ mà có xe chạy với tộc độ cả trăm cây số một giờ. Đa số các tại nạn liên quan đến người Việt Nam xảy ra vào giờ khuya khi họ đang đi làm, đang đi làm về, hoặc đang đi chơi sau giờ làm việc.

Năm 2018 cũng đã có không ít các tai nạn xảy ra, có vụ dẫn đến tử vong, nhưng cũng có những người thoát được tử thần vì được đưa tới bệnh viện cấp cứu kịp thời. Dường như các vụ tai nạn xảy ra mình đều được báo và tìm tới để xin hỗ trợ bằng cách này cách khác. Sự hỗ trợ không hẳn chỉ là vấn đề kêu gợi sự giúp đỡ từ cộng đồng về tài chánh, mà còn tư vấn về cách làm các thủ tục để đưa thi hài về quê hương, để đòi bồi thường bảo hiểm, hoặc chỉ là để có những lời động viên an ủi gia đình và người thân của nạn nhân.

Người ta nói trong công việc mục vụ thì có hai sự kiện có nhiều người quay quần lại với nhau: đó là đám cưới và đám tang. Ở Thái Lan thì dường như mình rất ít có cơ hội để tham dự các lễ cưới hoặc đám cưới của các bạn trẻ Việt Nam; nhưng mình đã hiện diện ở không ít những dịp buồn. Mặc dầu không ai muốn có sự việc đau đớn xảy ra, nhưng khi đã phải trải qua biến cố đau thương thì sự hiện diện và nâng đỡ của một vị mục tử cũng mang lại niềm an ủi không ít cho những người trong cuộc.

Niềm vui, nỗi buồn là kinh nghiệm chung của con người bất kê tôn giáo, nên mình không chỉ tìm đến những người bên giáo mà những người bên lương mình cũng tìm cách để nâng đỡ họ trong những lúc vô cùng khó khăn như thế này. Đối với người bên giáo thì việc tìm đến một vị linh mục khi có chuyện nghiêm trọng xảy ra là điều bình thường. Nhưng đối với các anh chị em bên lương thì nhiều khi chính mình phải chủ động liên lạc với họ để xem có cần sự giúp đỡ như thế nào hay không vì nhiều người nghĩ rằng linh mục thì chỉ quan tâm đến người bên giáo.

Những gì mình làm để hỗ trợ cho gia đình của những người gặp nạn hoàn toàn là những thứ mà mình đã học hỏi được trong chính kinh nghiệm phục vụ của mình. Không có lớp học nào trong suốt những năm được đào tạo trong chương trình triết học hay thần học để đối phó với những hậu quả xảy ra từ những vụ tai nạn thương tâm. Và vụ tai nạn thương tâm nhất chính là vụ tại nan xảy ra ngày 2 tháng 6, năm 2014 khi đã có 14 người Việt thiệt mạng trên đường đi tham dự chương trình hội trại do mình tổ chức. Chính từ tất cả những gì mình đã làm để giải quyết các vấn đề trong vụ tai nạn đó đã giúp mình hiểu rõ những gì cần phải làm trong những vụ tai nạn xảy ra tiếp theo.

Vụ tai nạn năm 2014 lấy đi mạng sống của cha Hanh, 12 bạn trẻ Việt Nam và anh tài xế quả là một sự mất mát quá lớn lao. Nhưng cũng chính từ biến cố đó mà mình đã học hỏi được nhiều điều để có thể phục vụ cho những người sau này. Khả năng phục vụ là vậy. Nó dựa trên một phần rất nhỏ kiến thức học hỏi qua sách vở và trường lớp. Phần lớn còn lại là đến từ những trải nghiệm thực tế với những bài học vô cùng giá trị chỉ có thể thu thập được qua trường đời và qua kinh nghiệm dấn thân phục vụ.

Bangkok, ngày 22.12.2018

No comments: