Nhìn lại năm 2018: Tháng 3



Sự việc nổi bật nhất trong tháng 3 là chuyến đi đến Nhật Bản. Trong chuyến đi này mình đã đặt ra một số mục tiêu để cho cuộc hành trình có ý nghĩa. Thứ nhất là thăm các anh em dòng Ngôi Lời đang phục vụ tại Nhật. Thứ hai là trải nghiệm về con người và đất nước Nhật bản một cách thực tế hơn. Thứ ba là gặp lại một người anh em linh mục Việt Nam mà mình rất quý mến đang phục vụ tại Nhật. Và cuối cùng là tìm hiểu thêm về thực trạng lao động di dân Việt Nam tại đây.

Chỉ trong vòng hơn 10 ngày mình đã làm được tất cả những điều đó và đã có một trải nghiệm vô cùng thú vị trên đất nước hoa anh đào. Nếu ôn lại những gì mình đã chứng kiến thì phải cần rất nhiều trang giấy nên mình sẽ không làm điều đó mà nói về một điều mà mình rất thích ở Nhật—đó là chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp mà người Nhật sử dụng đa số nhìn rất giản dị. Thường thì những chiếc xe đạp có kiểu dáng khá đơn điệu và màu sắc cũng chỉ là những màu sẩm tối. Nhưng những chiếc xe đạp ấy xuất hiện rất nhiều trên đường phố. Ở trong khu vực các trạm tàu điện hoặc trước các trung tâm mua sắm đều có hàng trăm, thậm chí cả ngìn chiếc xe đạp đang được gởi trong bãi đậu xe. Trước các cửa tiệm trong phố người ta cũng thấy có những chiếc xe đạp của khách hàng đang đậu ở đó. Xe đạp ở Nhật không chỉ dành cho sinh viên, học sinh mà ngay ca nhân viên văn phòng hoặc người lớn tuổi cũng đạp xe để đi làm hoặc đi công việc. Có xe còn gắn thiết bị đặc biệt để cho người có con nhỏ chở trẻ em.

Nhật bản là một đất nước phát triển nên ai chưa đến Nhật có lẽ không nghĩ rằng ở đây phương tiện đi lại này được sử dụng nhiều như vậy, ngay cả trong thành phố thủ đô Tokyo. Ở Thái Lan và Việt Nam chiếc xe đạp truyền thống dường như ngày càng thấy hiếm có và thay vào đó la những chiếc xe máy hoặc xe đạp điện. Nếu ai có khả năng thì tậu cho mình chiếc xe ô-tô để trở thành xế hộp. Não trạng phải “lên đời” làm cho nhiều người cảm thấy áp lực phải sắm cho mình những chiếc xe đắt tiền và cảm thấy ái ngái nều phải xuất hiện ở nơi công cộng ngồi trên một chiếc xe đạp. Còn ở Nhật nếu người ta có cảm thấy như vậy thì cũng không thấy hiện lên trên nét mặt của họ bởi vì việc đi lại trên chiếc xe đạp xem ra rất bình thường, bất kể đó là một người đang mặc đồng phục học sinh hoặc là một bộ đồ veston để đi đến văn phòng làm việc.

Một lối sống giản dị là thách đố lớn cho những người đang cố chạy theo kịp với những phong trào mang tính chủ nghĩa vất chất trong đó những gì mới nhất và đắt tiền nhất được cho là có giá trị nhất. Những chiếc xe đạp ở Nhật nhắc nhở chúng ta về một lối sống nhẹ nhàng và bình dị hơn, nhưng lại chất chứa sự văn minh và nhân bản. Giữa sự tối tân và hiện đại của xã hội kỹ thuật số thì chiếc xe đạp là một biểu tượng cho những giá trị về cái thực, về sự chân thành và về sự hài hòa giữa con người và môi trường thiên nhiên.

Bangkok, ngày 24.12.2018

No comments: