Có nên tự hào là con Thiên Chúa?



Nhiều lần tôi thấy người Công giáo phát biểu nơi này nơi kia, đặc biệt là trên những diễn đàn mạng xã hội, câu: “Tự hào là người Công giáo” hoặc “Tự hào là con Thiên Chúa.” Có lẽ khi nói điều này, người phát biểu muốn bày tỏ niềm vui khi được Thiên Chúa ban cho sự sống, được liên kết mật thiết trong ân nghĩa với Ngài và được mời gọi cộng tác vào công trình cứu chuộc của Ngài. Và niềm vui đó càng gia tăng khi biết rằng chính mình đã được cứu độ bởi Đức Ki-tô, là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúa Cha ban cho chúng ta Đức Giê-su như là một Đấng Cứu Thế và là một bậc Thầy luôn dạy bảo, hướng dẫn và thúc đẩy chúng ta sống một lối sống cởi mở, yêu thương, phục vụ.

Khi nói một cách nôm na rằng chúng ta tự hào là người Công giáo với những cảm nhận như trên thì điều đó không thể hiện sự kiêu căng hay tự cao tự đại. Tuy nhiên nếu không cẩn thận trong cách phát biểu, đặc biệt trong bối cảnh tương quan với những người khác tôn giáo, một câu nói “trống rỗng” không kèm theo lời phân tích rõ ràng có thể dẫn đến hiểu lầm và mâu thuẫn. Một câu nói thiếu ý thức cũng có thể dẫn đến thái độ muốn chia rẽ và loại trừ.

Mặc dầu tinh thần “tự hào” có thể được hiểu theo nghĩa tích cực thì chúng ta cũng phải nhớ rằng thái độ đó chưa phải là giá trị tâm linh sâu sắc nhất trong thần học Ki-tô giáo. Đối với người Công giáo, điều mà mỗi người chúng ta phải trau dồi va nuôi dưỡng không phải là lòng tự hào mà là tâm hồn biết cảm tạ tri ân Thiên Chúa. Được sinh ra là con Thiên Chúa, được cứu chuộc bởi Đức Ki-tô, được sống trong tình yêu của Ngài không phải là những thành tích mà chúng ta đã đạt được bởi công lực hay trí tuệ của mình. Đây là những ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một cách nhưng không, và không ai có thể dám nói rằng mình đáng được lãnh nhận những hồng ân đó.

Tâm hồn cảm tạ tri ân sâu xa chính là thái độ của Đức Maria khi Mẹ ca ngợi Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa. Thần trí tôi hớn hở reo mừng vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.” Đó cũng là thái độ của tác giả Thánh vịnh 118:21, “Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con và thương cứu độ.”

Hơn ai hết, thánh Phao-lô đã có công trong việc rao giảng Tin Mừng đến người ngoại giáo và thành lập những cộng đoàn Ki-tô hữu ở nhiều nơi trong thời sơ khai. Nhưng trong thư thứ hai gửi tin hữu Thexalonica, ngài không hề tỏ ra tự hào trước thành tích của mình. “Chúng tôi phải luôn tạ ơn Thiên Chúa về anh em: đó là điều phải lẽ, vì lòng tin của anh em đang phát triển mạnh, và nơi tất cả anh em, lòng yêu thương của mỗi người đối với người khác cũng gia tăng” (1:3). Thánh Phao-lô đã ý thức sâu xa rằng đức tin và đức ái của các Ki-tô hữu có phát triển thì cũng nhờ vào bàn tay của Thiên Chúa chứ không phải do công trạng của chính thánh nhân hay do các tín hữu tự làm nên mà có.

Vì thế mỗi người chúng ta thay vì tự hào là con Thiên Chúa hay là người Công giáo thì nên phát triển nhiều hơn tâm hồn cảm tạ tri ân là giá trị tâm linh tốt lành, thánh thiện nhất. Một tâm hồn biết cảm tạ Chúa cũng sẽ biết can đảm ca ngợi Ngài trước mặt người khác như Đức Maria đã làm trong kinh Magnificat. Một tấm lòng tri ân Thiên Chúa sẽ dám đi ngược chiều với những người khác trong lời nói và hành động như một trong 10 người bị bệnh phong hủi được Chúa Giê-su chữa lành đã làm. Những hành động yêu thương, phục vụ khiêm tốn xuất phát từ chính tâm tình cảm tạ bởi vì chúng ta ý thức được rằng tất cả những gì chúng ta đã nhận được nhưng không từ Thiên Chúa, bất kể đó là đức tin hay là của cải vật chất, thì không thể chỉ giữ lấy cho riêng mình mà phải chia sẻ cho những người xung quanh.

Lòng tự hào nếu bất cẩn hay thiếu ý thức có thể dẫn đến thái độ kiêu căng và tự đắc. Nhưng một tâm hồn cảm tạ sẽ luôn giúp chúng ta nhận ra vị trí đích thực của mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và những người xung quanh.

Bangkok, ngày 20.10.2018

No comments: