Tối qua mình đi ăn tiệc giỗ ở nhà bà Giày Huấn, một giáo dân Việt Kiều trong giáo xứ. Tiệc giỗ 1 năm của mẹ bà Giày Huấn được tổ chức thật lớn, có sáu cha đến tham dự cũng như mười mấy bàn tiệc. Mà nghe nói đây chỉ là những khách chọn, chứ chưa phải là tất cả những ai quen biết.
Nhà bà Giày Huấn khá lớn, và gia cảnh xem ra khá giả. Cha Gowit nói rằng bà là một người rất thích làm phúc cho các cha và các nhà thờ. Gia đình bà con xem ra rất thành công và hạnh phúc. Khi buổi tiệc đã dần tàn, chỉ còn mình và cha Somnuk ở lại cũng như mấy anh em trong gia đình, mọi người đùa giởn với nhau thật tự nhiên và náo nhiệt (Tuy nhiên, hậu quả của sự náo nhiệt đó là mình đã được tắm bằng một ly bia đầy nhóc do sự quá tay của một ông anh đã uống hơi quá mức). Một người anh họ từ miền Nam Thái Lan lên tham dự tiệc phải móc tiền ra lì xì cho tất cả những người em trong gia đình, như người em trai của anh đến từ Bangkok phải làm từ ngày trước. Nhưng kết quả của cuộc đùa giởn nói trên là cha Somnuk đã nhận được một số tiền khá lớn để đem về giúp cho những nhà thờ nghèo của cha sau khi tất cả phải móc tiền lì xì ra bỏ vào giỏ để dâng cúng cho nhà thờ.
Bà Giày Huấn đi lễ mỗi sáng, còn trong nhà thì bàn thờ có chưng rất nhiều tượng ảnh Chúa và Mẹ. Mình ngồi ở bàn tiệc nhìn quanh một vòng thì thấy trên tường còn có hình của nhà Vua Thái Lan, rất nhiều hình ảnh của con cái, những tờ lịch Việt Nam, trong đó có lịch được Tổng Lảnh Sứ Quán Việt Nam tại Thái Lan tặng trong dịp Tết. Và trên tường có treo một đồng hồ "Hồ Chí Minh". Khác với những người Công giáo Việt kiều ở các nước khác trên thế giới, người Việt kiều Công giáo ở Thái Lan có cảm tình đặc biệt với Hồ Chí Minh và coi ông như một lãnh đạo vĩ đại của đất nước. Trong buổi tiệc, gia đình còn mở nhạc cách mạng ra để cho mọi người thưởng thức. Bà Giày Huấn hỏi mình: - Nhạc này hay không cha?
Mình trả lời một cách tế nhị: - Nghe nhạc này ăn xong muốn đi đánh giặc cô à.
Anh của cô Giày Huấn, năm nay đã 81 tuổi, nghe nói mình là linh mục Việt Nam cũng đến để nói chuyện làm quen. Ông cụ sinh ra ở Quảng Bình nhưng đến Thái Lan từ năm 14 tuổi. Hiện nay con cái rất thành công, trong đó có một người con trai có xưởng sản xuất đồ nội thất tại Bangkok. Anh Tâm khoe với mình, anh rất thân với đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok và đi lại với họ luôn.
Còn ông cụ khi nghe mình kể rằng bố qua Mỹ từ những năm 1975, và trước kia có đi lính cho VNCH thì hỏi lại: - Vậy lúc đó đi lính cho thằng Thiệu hay thằng Kỳ?
- Thưa ông, con cũng không rõ. - Mình trả lời. - Con chỉ biết là đi lính cho Miền Nam Việt Nam.
Đến Thái Lan mới thấy người Việt ở đây cũng đa dạng lắm, nhiều thành phần, nhiều ý thức và não trạng khác nhau. Mình làm việc mục vụ trong môi trường này phải thận trọng trong những lời ăn tiếng nói và tránh những gì không giúp đỡ cho công tác mục vụ tâm linh. Đã bước vào con đường truyền giáo là phải chấp nhận sự khác biệt, và tìm cách hòa nhập vào môi trường mới một cách hài hòa và tế nhị để công việc mang lại kết quả như mong muốn.
Udon Thani, ngày 18.2.2008
No comments:
Post a Comment