Băng Lào để đi ăn Tết
(Cả nhà đang chờ mình nghe điện thoại từ một bạn trẻ gọi đến hỏi: "Cha về tới Việt Nam chưa?")
Ngày 29 Tết (mồng 5 tháng 2 dương lịch) hai chị Koi và Noi, cùng cha Maitri đưa mình sang Vientiane và tiễn mình ra bến xe đi Hà Tỉnh để đón tết cùng gia đình của những bạn trẻ mà mình quen biết qua việc mục vụ tại Bangkok. Chuyến đi đến Vientiane có một chút trục trặc vì chị Koi cứ ngở rằng đến cửa khẩu là mình có thể làm re-entry permit được, nhưng sự thực không phải vậy. Re-entry permit để trở lại Thái Lan phải làm trước tại sở di trú cách đó một cây số, chứ không thể làm ở cửa khẩu. Thế là mọi người phải theo mình đến sở di trú chờ mình làm giấy tờ, chỉ có chiếc xe bus mà mình đã mua vé qua đến Vientiane thì không chịu chờ.
Cả năm người leo lên chiếc xe tuktuk để đi sở di trú và quay trở lại cửa khẩu. Qua cửa khẩu Thái xong thì phải đón một chiếc xe bus đến cửa khẩu Lào để tiếp tục làm thêm một lượt nữa. Sau đó chúng tôi lại thuê một chiếc xe 15 chỗ ngồi để đến một nhà thờ mà cha Maitri có hẹn với cô giáo dạy giáo lý để trao đổi tài liệu của ngài.
Vì là lần đầu tiên mình đến Vientiane nên mình muốn đi tham quan thành phố. Cha Maitri và hai chị cũng muốn đi chung. Mọi người quyết định sẽ đi tham quan sau khi ăn trưa xong. Các cô dạy giáo lý dẫn đến một quán bình dân để ăn trưa. Nhưng cha Maitri khuyên mình nên ra bến xe mua vé đi Việt Nam cho chắc ăn trước rồi đi đâu thì hãy đi. Mình nghĩ có lý nên làm theo.
Ra đến bến xe miền nam ở Vientiane, mình xém hết hồn khi đến cửa bán vé đi Việt Nam nghe nhân viên bán vé bảo rằng:
- Hôm nay không có chuyến xe đi Việt Nam. Vì sắp gần Tết nên họ nghỉ chạy rồi.
- Anh có chắc không? – Mình hỏi. – Anh thử liên lạc lại xem.
Anh ta cầm điện thoại gọi ai đó, nhưng sau khi bỏ điện thoại xuống thì câu trả lời vẫn như cũ. Ông quản lý thấy một nhóm người đứng cửa sổ thắc mắc nhiều điều nên ra hỏi lý do. Nghe mình trình bày vấn đề, ông bảo:
- Anh có thể bao một chiếc xe đi Việt Nam.
- Bao chiếc xe như vậy bao nhiêu tiền? – Mình hỏi.
- Khoảng 300 USD.
- Trời tôi đi máy bay không có giá đó. Làm gì đi Việt Nam bằng xe mà có giá đó.
Trong khi đứng không biết phải làm gì tiếp thì anh nhân viên nói với chị Koi rằng, hình như có một chiếc xe đi Việt Nam đang đậu ngoài bãi. Hãy ra hỏi dò thử. Ra hỏi thì được biết đây là chiếc xe đi Vientiane-Đà Nẳng – chiếc duy nhất trong ngày, và xe sẽ rời bến lúc 5 giờ chiều.
Nhìn đồng hồ thấy lúc đó đã hai giờ nên mình quyết định ở lại bến xe chờ, còn những người khác thì lên xe đi tham quan. Nói năm giờ chiều nhưng mãi đến hơn 7h tối chiếc xe mới xuất bến. Toàn bộ người trên xe là người Việt Nam đang lao động tại Lào, một số ít tại Thái Lan. Chỉ riêng có một cô bé người Nhật đang tìm đường đi Hà Nội từ Lào. Người ngồi bên cạnh mình là một thanh niên bằng tuổi, quê ở Huế, làm việc xây dựng ở Lào đã được 12 năm. Anh chia sẻ:
- Về thì tốn kém và cực nhọc, mà không về thì trong lòng bức rức khó chịu.
Đó là cảm tưởng chung của tất cả mọi người khi xa quê, xa gia đình trong dịp Tết. Đến cửa khẩu Việt Nam, hộ chiếu của anh bất hợp pháp (hình đã bị phai hẳn không còn thấy gì nữa), nên đã phải cho hải quan ăn một số tiền khá lớn mới được cho qua. Trên xe có nhiều trường hợp bất hợp pháp đành phải bỏ một số tiền ra nhờ lái xe làm thủ tục hộ.
Chặng đường từ Vientiane đến cửa khẩu Cầu Treo ở Hà Tỉnh không xa, và thời gian đi cũng không dài lắm. Xuất bến hơn 7h mà tới 2h sáng là đã đến ranh giới Lào-Việt. Tuy nhiên, giờ đó không phải là giờ hành chánh nên xe phải dừng chờ đến 7h sáng là giờ hành chánh của hải quan cửa khẩu. Cửa khẩu nằm ở trên núi nên khí hậu lạnh cóng, lại còn có mưa nên giá buốt và khó chịu hơn. Ngồi trên xe thì chật chội mà ra ngoài thì lạnh thấu xương không chịu được. Mình trở qua trở về tìm giấc ngủ, còn khi nào ngủ không được thì bắt chuyện với những người khác trên xe. Vì trên xe ai cũng là dân lao động cùng cảnh ngộ nên họ nói chuyện với nhau rất tự nhiên.
Sau nhiều giờ vất vả thì xe cũng đã đến đất Hà Tỉnh, và mình là người đầu tiên xuống xe ở Ngã tư Phố Châu, huyện Hương Sơn. Lúc ấy đã 11h sáng. Có người trên xe thì phải đợi tới tối mới đến Huế hoặc Đà Nẳng để đón giao thừa với gia đình. Chờ mình ở ngã tư là Thước, một bạn trẻ làm việc ở Thái Lan về quê ăn Tết đồng thời chữa bệnh vì mới phát hiện ra bị sỏi thận, cô em gái Thường đang dự tu trong Dòng Mến Thánh Giá Vinh, và Tùng một người em họ mới về từ Đắc Lắc.
Thước đưa mình về nhà của cha mẹ ở trong làng thuộc Giáo họ Yên Hòa, giáo xứ Kẻ Mui. Nhà của Thước nghèo, được dựng theo kiểu quen thuộc là chính giữa có bàn thờ và hai bên là giường ngủ, được che bằng mùng và màn. Trong làng có một số nhà đã được xây loại cấp 3, còn cấp 4 thì hình như rất ít. Người dân Yên Hòa vẫn còn dùng củi để nấu ăn.
Thời tiết ở Hà Tỉnh lạnh cực kỳ. Mình không ngờ ở Việt Nam lại có thể lạnh đến mức độ đó. Mình mặc ba bốn lớp áo mà vẫn thấy lạnh. Mẹ của Thước phải bỏ than vào trong một cái thau nhôm cho mình hơ ấm. Mà người Việt Nam có một điều rất lạ. Ngoài trời thì lạnh buốt mà nhà nào cũng mở cửa toang ra cho nên ngồi bên trong cũng chẳng khác ngồi bên ngoài là bao.
Ngày 30 Tết ở nhà Thước dường như mọi người có thể về được đã về. Riêng một người con trai đang đi tu tại Phi Luật Tân và một người chị ở Đắc Lắc không về được. Cha Thước là một người đàn ông đã mất đi một cánh tay vì tai nạn nhiều năm trước, còn mẹ thì vẫn khỏe mạnh nhưng có lẻ khổ cực nhiều do hoàn cảnh của gia đình khó khăn.
Biết mình đến có nhiều người ghé qua, trong đó có cậu Đông của Thước, là cha của Thuấn, một bạn trẻ khác cũng đang làm việc ở Thái Lan. Một bữa ăn trưa được dọn ra với rất nhiều món ăn mà chỉ có ngày Tết mới có thể chứng kiến được. Ở quê dù nghèo bao nhiêu thì ngày Tết cũng phải ăn uống cho thỏa thuê. Đó là cách suy nghĩ của người Việt Nam ở khắp nơi. Mình ngồi ăn trưa bên cạnh một đống than hồng trong thau nhôm, xung quanh là rất nhiều khuôn mặt mới lạ, những con người quê ở Hà Tỉnh. Họ đang đón tiếp một vị linh mục đến nhà mình ăn Tết. Họ vừa cảm thấy vinh dự vừa lo lắng làm sao cho mình thoải mái trong những ngày này, vì hoàn cảnh của họ không được thuận tiện cho mấy. Mình cũng không biết những ngày sắp tới sẽ như thế nào? Đây là cái Tết đầu tiên mình ăn mừng ở xứ này, nơi mình chưa bao giờ đến. Nó sẽ để lại trong mình những kỷ niệm như thế nào? Mình ngồi run lập cập vì giá rét, trong lòng cũng hồi hộp không ít vì biết rằng mình sẽ có những kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày ngắn ngủi ở xứ nghèo này.
Huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tỉnh, ngày 30 Tết (6.2.2008)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment