Phỏng vấn Lm. Antôn Nguyễn Công An, SVD -- đặc trách văn phòng ơn gọi Dòng Ngôi Lời tại Hoa Kỳ


Xin gửi đến các bạn bài phỏng vấn mình đã thực hiện với Cha Antôn Nguyễn Công An thuộc Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời về ơn gọi và mục vụ của ngài. Cha Công An tiên khấn tại Hoa Kỳ vào năm 2002, khấn trọn đời năm 2007 và chịu chức linh mục năm 2008. Sau một thời gian phục vụ truyền giáo tại Châu Phi, cha Công An trở về Hoa Kỳ và đảm nhận trách nhiệm quảng bá ơn gọi Ngôi Lời đến với các bạn trẻ. Mời các bạn đọc để tìm hiểu thêm về ơn gọi truyền giáo Ngôi Lời đồng thời cầu nguyện cho và tham gia vào sứ vụ để Tin Mừng ngày càng được rao giảng trên thế giới ngày nay.

*************

Hỏi: Chào cha Công An. Khi lần đầu tiên nghe tên “cha Công An”, nhiều người có thể không nghĩ tới tên cha mà nghĩ tới một công việc mà một linh mục có thể làm. Ví dụ, chúng ta có linh mục bác sĩ, linh mục tiến sĩ. Vậy cha có phải là linh mục công an không? Xin cha chia sẻ đôi chút về mình và công việc mà cha đang đảm trách hiện nay.

Lm. Công An: Mỗi lần giáo dân nghe hai chữ cha “Công An” thì họ đều ngạc nhiên hoặc dị ứng với cái tên này. Nhưng khi mình giải thích cho họ hiểu là tên được ghép theo nghĩa “công” là “công chính” và “an” là “an bình”, chứ không phải làm công an để bắt người, thì họ có cảm nhận tích cực hơn về tên của mình. Công việc của mình là tìm “bắt” người đi tu chứ không phải để bỏ tù! (Cười). Nói rỏ hơn là mình đang làm công việc chiêu mộ ơn gọi cho Hội Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời ở Hoa Kỳ. Nhờ cái tên “khó ưa” nhưng dễ nhớ nên đi đến đâu giáo dân đều biết và giúp giới thiệu ơn gọi. Nhờ đó mà công việc mục vụ thêm niềm vui và thuận lợi. Tạ ơn Chúa muôn đời.

Hỏi: Để làm công việc "bắt người", hoặc nói rõ hơn là giới thiệu ơn gọi truyền giáo Ngôi Lời với các bạn trẻ thì cha phải làm những gì?

Lm. Công An: Để cho công việc chiêu mộ các bạn trẻ theo đuổi ơn gọi linh mục hay sư huynh thì mình phải làm nhiều việc khác nhau, điển hình: đến các giáo xứ dâng lễ và chia sẻ về ơn gọi; đến thăm các gia đình có con cái có xu hướng đi tu; tham dự các buổi thuyết trình dành cho giới trẻ; tham dự các trại huấn luyện huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể; hoặc giảng tỉnh tâm cho các em lớp thêm sức, v.v. Nói chung là mình phải chụp lấy tất cả các cơ hội nơi nói có giới trẻ tụ họp để giao lưu, tìm hiểu và khuyến khích các em đi tu. Và đặc biệt là mỗi ngày phải cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội nói chung và hội dòng nói riêng thật nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Hỏi: Thấy cha phải rất chịu khó “bươn chải” để thi hành trách nhiệm. Vậy cha đối mặt với những thách đố nào trong mục vụ mà cha đảm nhận hiện nay? Và cha vượt qua những thách đố đó như thế nào?

Lm. Công An: Hiện tại mình gặp phải rất nhiều thách đố trong công tác mục vụ của mình. Kiếm được một ơn gọi rất khó trong thời đại ngày nay vì nhiều lý do khác nhau:

1. Gia đình rất giới hạn sanh con cho nên cha mẹ các em không muốn xa con cái.

2. Môi trường giáo dục muốn gạt bỏ tôn giáo ra ngoài lề cho nên đức tin và sự hiểu biết về tôn giáo của nhiều người trẻ rất mơ hồ.

3. Công nghệ càng phát triển thì người trẻ càng bị dìm sâu hơn trong thế giới kỹ thuật số. Khả năng tương tác và tương quan với người khác rất yếu. Có nhiều em thậm chí không biết cách cư xử và đối thoại trong những tình huống giao tiếp hằng ngày.

4. Ngày nay người ta có xu hướng tôn sùng chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn là hy sinh cho người khác. Do đó nhân đức hy sinh phục vụ người khác chỉ tìm thấy ở một vài em có cha mẹ và anh chị luôn gắn bó với cộng đồng hay giáo xứ nơi họ sống.

Tóm lại làm công việc “săn lùng” ơn gọi trong xã hội ngày nay quả là một thách đố không nhỏ chút nào!!! Tuy nhiên mình luôn giữ vững quan niệm: còn nước còn tát. Bên cạnh đó mình tin tưởng là Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy các bạn trẻ chọn con đường tu trì trong một ngày gần nhất vì Giáo Hội, mặc dầu đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong suốt 2000 năm qua, nhưng Giáo Hội vẫn còn đứng vững cho tới ngày nay.

Hỏi: Mặc dù thời đại thay đổi tạo ra nhiều yếu tố khiến cho công việc quảng bá ơn gọi truyền giáo Ngôi Lời gặp nhiều khó khăn, nhưng cha tin rằng vẫn còn có những bạn trẻ đang ôm ấp lý tưởng phục vụ Chúa và tha nhân trong ơn gọi tu trì chứ? Với những bạn trẻ đó thì cha muốn nhắn nhủ điều gì?

Lm. Công An: Mặc dầu ơn gọi tu sĩ ngày càng khan hiếm và làm cho công việc quảng bá ơn gọi cho Dòng Ngôi Lời càng khó khăn hơn, nhưng mình vẫn tin còn nhiều bạn trẻ muốn sống ơn gọi tu trì nhưng chưa có cơ hội tiếp xúc với các linh mục hoặc tu sĩ để tìm hiểu và tham khảo thêm về đời sống dâng hiến. Nếu bạn nào đã từng một lần suy nghĩ về ơn gọi dâng hiến hay đã từng ôm ấp ý tưởng này mà chưa dám chia sẻ với ai thì xin bạn hãy mạnh dạn đến gặp cha chánh xứ, quản xứ, linh hướng hay một nữ tu để chia sẻ, tham khảo và quý tu sĩ sẽ giúp bạn liên lạc với văn phòng ơn gọi của Nhà Dòng Ngôi Lời ở Mỹ, Vietnam, hay bất cứ nước nào.

Hỏi: Theo cha ơn gọi truyền giáo Ngôi Lời có những đặc điểm nào nổi bật? Xin cha giới thiệu một vài điều với các bạn đọc bài phỏng vấn này.

Lm. Công An: Ơn gọi truyền giáo Ngôi Lời có những đặc điểm nổi bật sau đây mà có thể khác biệt với một số dòng:

1. Tầm nhìn và hiểu biết về các văn hoá khác được mở ra vì dòng Ngôi Lời có một mạng lưới rất lớn bao phủ trên 80 quốc gia trên khắp 5 châu. Do đó thành viên của dòng được bài sai hoặc tự chọn một quốc gia hay một văn hoá nào mình thích để đến đó truyền giáo.

2. Đời sống cộng đoàn rất đa dạng vì là dòng quốc tế nên mình có nhiều cơ hội sống và tiếp xúc với anh em ở các nước khác chẳng hạn như Châu Phi, Nam Mỹ, Châu Âu ngay tại trong cộng đoàn của mình. Nhờ đó mà mình có cơ hội học hỏi và chia sẻ về văn hoá, phong tục, tập quán của họ ngay cả khi mình chưa đặt chân đến đất nước của họ.

3. Noi gương Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ; linh đạo của hội dòng là đến với người nghèo để giúp họ có một đời sống sung túc hơn về vật chất, kiến thức, luân lý và đạo đức. Dòng Ngôi Lời được nhiều người biết đến là nhờ đời sống tinh thần phục vụ cao, không quản ngại nghèo khổ, ốm đau và bệnh tật. Các cha các thầy luôn sẵn sàng dấn thân đến các vùng sâu vùng xa để giúp đỡ những người bất hạnh.

Trên đây là một vài điểm son mà dòng truyền giáo Ngôi Lời có. Hy vọng các bạn trẻ sẽ cho mình và cho Chúa một cơ hội để thử nghiệm về ơn gọi dâng hiến. Cho dù vài năm sau bạn không thấy thích hợp với ơn gọi tu sĩ thì kinh nghiệm hiểu biết và kiến thức về các văn hoá khác sẽ giúp bạn sống ý nghĩa hơn nhiều.

Hỏi: Cảm ơn cha đã chia sẻ một số đặc điểm về linh đạo và hoạt động của Dòng Ngôi Lời. Cha có thể chia sẻ trên phương diện cá nhân những hồng ân mà cha đã cảm nhận được trong kinh nghiệm linh mục truyền giáo Dòng Ngôi Lời của cha?

Lm. Công An: Vâng. Xin chia sẻ một vài hồng ân mà mình đã cảm nhận được trong ơn gọi linh mục, cách riêng là một nhà Truyền Giáo Dòng Ngôi Lời. Từ bé mình đã thích mạo hiểm và luôn ước mơ khi lớn lên thì được bay đến những phương trời xa xôi để khám phá và học hỏi những thứ mới lạ từ những vùng đất xa lạ này. Sau khi trở thành một thành viên của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời năm 2002, thì giấc mơ của mình đã dần dần thành hiện thực. Sau hai năm học thần học ở Chicago, năm 2004 mình đã được bề trên gửi đến nước Botswana (Châu Phi) để học hỏi ngôn ngữ, văn hóa và thực tập công việc truyền giáo. Ở tại đây hồng ân mà mình cảm nhận được là được sống giữa người bản địa, gặp gỡ và học hỏi những tập tục mới lạ mà người Việt Nam và người Mỹ không có. Nếu các bạn đã từng có cơ hội xem phim: “The Gods Must Be Crazy” (Đến Thượng Đế Cũng Phải Cười) thì sẽ hiểu mình nói gì! Cũng tại nơi đây mình có cảm giác mình là người “tặc giăng” vì được sống giữa chục ngàn con voi, cả ngàn con nai, vô số cọp, sư tử, hưu cao cổ, tê giác, chim đà điểu, cá sấu…. Nước Botswswana được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều thú rừng, bò và kim cương.

Bênh cạnh được ngắm vẻ đẹp thiên nhiên, mình còn có cơ hội ghé thăm các nước lân cận như Zimbabwe, Zambia và Nam Phi. Mỗi nước có một vẻ đẹp riêng và văn hóa cũng khác nhau. Thiết nghĩ nếu mình sống đời sống gia đình thì e rằng sẽ không bao giờ có cơ hội để đặt chân đến miền đất Châu Phi để khám phá vẽ đẹp thiên nhiên, học hỏi ngôn ngữ, văn hóa và tiếp cận và hiểu được cuộc sống của người dân ở đây. Mình xem đây là một diễm phúc lớn lao mà mình đã có được nhờ chọn con đường truyền giáo.

Chưa hết, sau khi thụ phong linh mục năm 2008 thì mình được bài sai đến nước Mozambique (Châu Phi) để phục vụ. Đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới vì mình phải làm lại từ đầu. Mình phải học ngôn ngữ Bồ Đào Nha, văn hóa, nếp sống và gặp gỡ nhiều bộ lạc khác nhau. Không những mình được thăm viếng các nước láng giềng ở Châu Phi mà mình còn cơ hội ghé thăm Ý, Hà Lan, Pháp, Na-Uy, Israel…trong những dịp nghỉ phép. Rất nhiều bạn bè của mình lam lũ với cuộc sống hằng ngày để lo cho gia đình từng miếng ăn và chưa một lần đặt chận đến các nước mà mình đã ghé thăm. Theo mình thì đây là những hồng ân mà Chúa thưởng cho mình như Ngài đã hứa ban thưởng cho tất cả những ai dám hy sinh từ bỏ chính mình, gia đình, người thân và bạn bè để theo Ngài thì Ngài thưởng gấp bội ở đời này và đời sau (Mt. 19, 29).

Hỏi: Đúng như cha chia sẻ. Một nhà truyền giáo Ngôi Lời không chỉ đi các phương xa để phục vụ những người nghèo, những người yếu thế trong xã hội, hoặc những người chưa được tiếp cận với Tin Mừng, mà còn có nhiều cơ hội để mở mang kiến thức và tầm nhìn qua những trải nghiệm vô cùng phong phú và thú vị. Vậy, đối với các bạn trẻ đọc bài phỏng vấn này, muốn tìm hiểu thêm về ơn gọi tu trì, đặc biệt ơn gọi truyền giáo Dòng Ngôi Lời, các bạn có thể liên lạc với cha bằng cách nào?

Lm. Công An: Nếu bạn nào muốn tìm hiểu về ơn gọi tu sĩ của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời thì xin liên lạc với mình qua Facebook (https://www.facebook.com/acnguyensvd), email: acnguyensvd@gmail.com hoặc Zalo hay WhatsApp qua số đt: 001.847.687.1459. Hy vọng sẽ sớm nhận được email, tin nhắn hoặc cuộc gọi của các bạn từ khắp năm châu.

Người phỏng vấn: Xin cảm ơn cha đã chia sẻ về ơn gọi Ngôi Lời cũng như mục vụ hiện nay của cha. Xin chúc cha luôn mạnh khoẻ và tràn đầy ơn thánh để tiếp tục “săn lùng” cho Nước Trời những nhà truyền giáo tương lai sẵn sàng hy sinh phục vụ để làm chứng cho Tin Mừng trên khắp năm châu.

Nhật ký từ Seoul (2)

Sau vài ngày thì mình cũng đã làm quen với chỗ ở cũng như môi trường mới. Mình đã sắm chăn gối cho phòng trọ cũng như một tấm thảm đặt trước cửa phòng tắm để khi bước ra vào không làm cho sàn nhà bị ướt. Đó là những thứ duy nhất mình cần phải sắm cho căn phòng. Mới đầu mình định mua một cái ấm nấu nước nhưng sau đó được cho hay là chủ nhà đã có đặt sẵn hai máy lọc nước nóng và lạnh ở tầng 4 và tầng 6 (mình ở tầng 5). Vì thế, mình không những không cần phải mua ấm nấu nước mà còn không cần phải mua nước lọc ngoài tiệm về uống.


Ở đây còn có máy giặt và bột giặt cho người thuê phòng trọ sử dụng mà không cần phải bỏ tiền vào để giặt. Điều này không chỉ thuận tiện mà còn tiết kiệm được một khoản tiền khi không phải đem tới những dịch vụ giặt đồ. Ở trên tầng 6 có sân thượng rộng rải có thể phơi áo quần sau khi giặt xong.

Một điều thuận tiện nữa mà chủ nhà cung cấp cho người thuê đó là một nhà bếp nhỏ mà mọi người có thể dùng để nấu ăn. Trong bếp có sẵn gạo được cung cấp miễn phí cho ai có nhu cầu nấu cơm. Tuy không phải là loại gạo ngon của HQ, nhưng so với gạo tại Thái Lan và Việt Nam thì cũng có thể cho là chất lượng tương đương với cơm phục vụ tại các quán ăn bình thường. Chủ nhà để sẵn một nồi cơm điện trong nhà bếp nên ai muốn nấu có thể tự nấu cho mình hoặc cho người khác ăn.

Những ngày qua mình đã nấu cơm hai lần, mỗi lần mình nấu khoảng bốn chén gạo để cho những người khác cũng ăn nếu muốn. Nồi cơm có chế độ giữ nóng nên ai tới sau cũng có cơm nóng để ăn. Hôm nay mình mới lần đầu tiên ăn cơm mình tự nấu. Phần thức ăn thì mình mua một hộp thịt gà xào từ tiệm tiện lợi GS25, ăn với kim chi mà một bạn trẻ đã đặt mua online giao đến tận nhà cho mình chiều nay. Một bữa ăn bao gồm cơm, thịt gà và kim chi, đơn giản nhưng cảm thấy rất ngon miệng.

Trong toà nhà có 2 tầng có phòng cho thuê, nhưng mình chưa thấy nhiều người sử dụng nhà bếp. Tuy nhiên mình có thấy thức ăn trong bồn rửa chén mà người ta “quên” đổ vào thùng rác sau khi ăn và rửa bát xong. Để giúp giữ vệ sinh nơi công cộng mình luôn đem đi đổ những thức ăn đó mỗi lần mình vào sử dụng nhà bếp, cho dù đó không phải là rác của mình. Đó cũng là cử chỉ “phục vụ” nho nhỏ mà mình có thể làm cho những người ở chung trong toà nhà chung cư cho dù mình không biết họ là ai.

Từ ngày tới đây mình chưa làm quen với ai trong toà nhà, mà cũng không mấy thấy ai để làm quen, ngay cả những người ở phòng bên cạnh mình. Một người duy nhất mà mình có “nói chuyện” đó là một ông già đang chiên trứng khi mình lên lấy nước nóng để ăn mì gói mua về từ tiệm tiện lợi. Khi ông thấy mình ngồi ăn mì ở bàn, ông nói gì đó bằng tiếng Hàn với mình. Mình không hiểu ông nói gì, nhưng với cử chỉ vừa nói vừa đưa tay lên bụng và với nét mặt và giọng điệu nên mình đoán ông ấy nói ăn mì nhiều nóng bụng. Và điều ông nói cũng đúng thật. Tối hôm đó, sau khi ăn mì hai ngày liền mình đã có cảm giác bất thường trong bụng nên tự hứa là từ này trở đi sẽ hạn chế ăn mì, thay vào đó ăn những thứ bổ ích hơn. Mặc dù mì HQ ngon và thuận tiện, nhưng chắc chắn về mặt dinh dưỡng thì nó không tốt cho sức khoẻ.

Nói về sức khoẻ thì ngày thứ hai tới HQ, mình đã tìm ra một phòng tập gym cách chỗ ở chỉ 5 phút đi bộ và đã đăng ký thành viên ở đó để tập trong thời gian lưu lại Seoul. Vì ở trong thành phố thủ đô nên mọi thứ dường như chỉ đi vài phút là có. Mình sẽ sử dụng phòng tập này nhiều vì sau khi làm việc nhiều giờ trong căn phòng trọ chỉ hơn 5 mét vuông kín mít thì việc đi ra ngoài để sinh hoạt sẽ giúp cho mình duy trì sức khoẻ và tinh thần.

Sau vài ngày làm quen với chỗ ở mới, mình cảm thấy khá thoải mái. Hôm nay mình dọn dẹp phòng chỉ mất vài phút là xong bởi vì căn phòng nhỏ không đòi hỏi nhiều thì giờ để lau chùi. Ở một nơi nhỏ cũng giúp cho mình tập chỉ bày ra những gì thực sự cần thiết cho cuộc sống thường nhật, tối giản đời sống, và tận dụng không gian và những thứ mình có để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt mỗi ngày.

Seoul, ngày 23.7.2023

Nhật ký từ Seoul (1)

 Hôm nay “tập 2” của chương trình sabbatical của mình chính thức bắt đầu tại Seoul, Hàn Quốc sau khi mình đã hoàn tất việc trở lại Thái Lan từ Nhật Bản để gia hạn visa. Mặc dù gặp một số khó khăn với hộ chiếu, nhưng cuối cùng mình cũng đã giải quyết được các vấn đề để rồi có thể thực hiện chuyến đi tới HQ như đã lên kế hoạch từ đầu.

Tuy mục đích của thời gian sabbatical của mình ở HQ vẫn là dành nhiều thời giờ để hoàn tất tập sách và giáo án về tôn giáo và môi trường như khi ở Nhật, nhưng mình đã có ý định tạo cho mình một trải nghiệm khác với ở Nhật Bản. Nếu như khi ở Nhật, mình được một cha bạn sắp xếp cho một chỗ ở thật là rộng rải trong một căn nhà lớn của Dòng Tên trên đồi của ngoại ô thành phố Kobe, thì ở HQ mình sẽ lưu lại trong một phòng trọ nhỏ ngay trong thủ đô Seoul.

Trước khi tới Seoul, mình đã liên lạc với một bạn trẻ mình thân quen tại HQ để giúp tìm cho mình một phòng trọ để thuê. Mình đã đưa ra các yêu cầu rằng phòng không cần lớn, nhưng sạch sẽ, gần phương tiện công cộng (ga xe điện), có internet sẵn và giá cả phải chăng.

Bạn trẻ đó đã giúp mình tìm được một phòng trọ đúng với yêu cầu trong khu vực Dongdaemun. Đây là một khu vực rất sầm uất tại thành phố Seoul. Toà nhà chung cư nơi mình thuê phòng là nơi có nhiều khách sạn, quán ăn, quán cà phê… để phục vụ cho khách cả trong nước lẫn ngoại quốc. Sáng nay mình đi dạo một vòng trong các con hẻm gần chỗ ở thì thấy có nhà hàng, tiệm bán thực phẩm của người Nga, Trung Đông và có cả quán ăn Việt Nam nữa. Ở đây cũng gần một TT du lịch, giải trí rất nổi tiếng của thành phố. Ngoài ra cũng gần một khu chợ truyền thống Dongdaemun Market.

Căn phòng trọ khoảng 6 mét vuông bao gồm nệm, phòng tắm, tủ áo, kệ đặt sách, bàn, tủ lạnh nhỏ và máy lạnh. Mọi thứ rất gọn gàng mặc dù không gian nhỏ, phù hợp cho các đối tượng sinh viên hoặc người trẻ độc thân sinh sống và làm việc trong thành phố. Tuy nhiên, phòng đang còn thiếu chăn gối nên tối qua mình phải lấy áo quần làm gối tạm. Hôm nay mình sẽ đi ra chợ mua chăn gối và một cái ấm điện nấu nước nóng để pha cà phê uống mỗi sáng khi thức dậy.

Có lẽ sau một vài ngày chuẩn bị cho chỗ ở mới và làm quen với môi trường xung quanh, mình sẽ sẵn sàng để bắt tay vào và tiếp tục những công việc mà mình đã lên kế hoạch. Mình tin rằng, trải nghiệm của mình ở HQ trong những tháng tới cũng sẽ mang lại cho mình nhiều điều thú vị đáng nhớ trong cuộc sống.

Seoul, ngày 20.7.2023

Chuyến đi với nhiều cuộc gặp gỡ


Hôm qua khi tới nhà thờ chánh toà để tham dự lễ truyền chức linh mục cho các thầy Dòng Tên, mình đã gặp lại nhiều khuôn mặt quen thuộc. Người đầu tiên là ĐGM Phan-xi-co Xa-vi-ê Vira, là giám mục GP Chiangmai. Mặc dù thời gian qua mình và ngài chưa có cơ hội giao tiếp nhiều, nhưng ngài cũng biết về mình qua những tập sách và những cuốn tạp chí mà mình biên tập và gửi đến cho ngài. Hôm qua, mình cũng tặng cho ngài cuốn tạp chí mới nhất vừa mới phát hành và một cuốn sách mình làm tác giả.

Người thứ hai mình gặp lại là cha xứ của nhà thờ chánh toà. Ngài là một con người vui vẻ, hoà đồng và nhiệt tình. Gặp mình ngài nhắc lại về chuyến đi cách đây khoảng 5 năm tới Gp Vinh cùng với một đoàn linh mục Thái Lan. Trong chuyến đi đó có hơn 30 linh mục Thái Lan đến từ nhiều giáo phận và mình là người đã lên chương trình và đồng hành với đoàn trong chuyến đi.

Mình cũng đã gặp một số linh mục trong giáo phận mà mình từng có dịp quen biết những năm trước. Đặc biệt, mình gặp lại khá nhiều linh mục trẻ đã từng là học trò của mình khi còn ở ĐCV. Có người chịu chức 5-6 năm, có người vừa mới chịu chức được vài tháng. Hầu hết đang làm cha phó ở trên vùng cao nguyên trông coi nhiều giáo điểm của người dân tộc thiểu số. Có người đang giúp trông coi 30-40 giáo điểm. Khi trò chuyện với các cha trẻ mình hỏi họ có vất vả và hạnh phúc trong đời sống mục vụ không thì hầu hết đều trả lời là cũng có cái vất vả, những cảm thấy hạnh phúc với sứ vụ.

Trong ngày lễ, mình cũng đã tình cờ gặp gỡ một số giáo dân mà mình từng quen biết. Có người tới tham dự lễ từ các giáo phận khác, như Gp Bangkok, Udonthani, Chiangrai. Một trong những giáo dân mình gặp lại sau rất nhiều năm là bà bọ của ĐGM Gp. Udon Thani.

Bên cạnh những cuộc tái ngộ thì còn những cuộc gặp gỡ mới, trong đó có gia đình của các tân chức, các cha/thầy Dòng Tên và các dòng khác tới tham dự sự kiện. Mình đã ra về trong niềm vui với những mối liên hệ mới để cùng nhau đồng hành trong đời sống ơn gọi và phục vụ. Sự thành công của một chuyến đi không phải ở việc có được những tấm hình đẹp hoặc những trải nghiệm mới mà còn là những con người mà ta gặp gỡ, giao lưu và xây dựng mối tương quan.

Bangkok, ngày 16.7.2023

Một ngày mới, một cuộc hành trình mới.


Tối qua sau khi tham dự tiệc liên hoan mừng các cha mới Dòng Tên xong thì mình bắt xe ôm Grab ra sân bay lúc hơn 8g tối để làm thủ tục lên máy bay về Bangkok. Tuy nhiên, chuyến bay 9g30 tối bị huỷ nên mình đành phải lên chuyến cuối ùng lúc 10g55. Khi về tới sân bay Don Muang thì cũng đã nửa đêm. Vì mình chỉ có hành lý xách tay nên khi đang từ máy bay đi ra ngoài thì mình đã mở ứng dụng Grab để đặt xe ôm về nhà cộng đoàn.
 
Mình vừa bước tới cổng ra vào số 15 thì tài xế xe ôm cũng tới nơi để đón. Quãng đường từ sân bay tới nhà cộng đoàn khoảng 15km. Nửa đêm đường vắng rộng thênh thang nên tài xế chạy xe rất nhanh. Mình thấy cũng hơi nguy hiểm nhưng lỡ lên xe ngồi rồi thì phải đành phó thác cho người điều khiển xe.
Mình bước vào nhà lúc 12g20. Tắm rửa xong, mình bắt đầu chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi sáng hôm nay. Như chuyến đi Nhật, chuyến đi lần này cũng khá dài nên mình phải mang đi nhiều đồ đạc khác nhau để sử dụng trong thời gian gần 3 tháng. Hơn 1g sáng mình mới lên giường và thiếp đi một lúc, giấc ngủ không sâu vì quá giờ đi ngủ bình thường.
 
Hơn 5g sáng mình bước xuống giường và chuẩn bị để đi ra phi trường. Mình khởi hành sớm vì mình đi bằng phương tiện công cộng (xe điện) nên phải trừ hao thời giờ. Ngoài ra, nếu ra muộn thì phải đối phó với một hàng người dài xếp hàng làm thủ tục ở sân bay. Mình thích làm sớm, xong sớm, rồi vào bên trong khu vực chờ để nghỉ ngơi hoặc làm việc.
 
Vì những ngày qua đi nhiều ở Chiangmai, rồi ăn ngủ không điều độ, nên sáng nay ở trong phòng chờ mình cũng không làm việc gì được nhiều. Tuy nhiên, mình cảm thấy an tâm và thoải mái hơn khi không phải làm một việc gì đó một cách cập rập và chạy đua với thời gian. Mình chỉ phải ngồi nghỉ ngơi, chờ giờ lên máy bay và chuẩn bị tinh thần cho những gì đang chờ đợi phía trước.
 
Bangkok, ngày 16.7.2023


Chuyện visa Thái


Sau ba tháng ở Nhật Bản, mình tạm biệt cha Th. và xứ hoa anh đào để lên đường trở lại với đất nước Thái Lan. Mặc dầu trong thời gian sabbatical, nhưng mình buộc phải trở lại Bangkok vì visa truyền giáo của mình ở Thái Lan hết hạn vào giữa tháng 7. Chính phủ Thái chỉ cấp visa với thời hạn không quá một năm nên những người làm việc, học tập và kết hôn với người Thái tại Thái Lan đều làm được visa không quá một năm. Đây là một điều khá phiền hà và tốn kém vì phải mất thời giờ và tiền bạc để gia hạn hằng năm, nhưng cũng đành phải chấp nhận.

Mình về đến Thái Lan ngày 1/7 thì ngày 4/7 có hẹn lên sở di trú để làm thủ tục visa. Ngỡ đâu mọi thứ sẽ ổn như mọi năm khi được vào làm thủ tục khá sớm. Nhưng khi nhân viên sở di trú mở cuốn hộ chiếu của mình ra thì bà nói không thể đóng dấu visa được vì những trang giấy còn trống cuối cuốn hộ chiếu không dùng để đóng visa. Mình và cô nhân viên của Giáo phận Bangkok bở ngỡ hỏi tại sao lại không dùng được thì bà nhân viên cho hay là trên những trang giấy đó không có chữ “visa” ở trên cùng -- điều này có nghĩa không thể đóng dấu visa ở đó. Đây là lần đầu tiên mình gặp sự cố này.

Bà nhân viên sở di trú bảo phải làm một cuốn hộ chiếu mới thì mới gia hạn visa được. Thế là mình phải ra về trong khi chỉ còn hơn một tuần là visa hết hạn và mình có chuyến đi nước ngoài cũng vào thời điểm này.

Từ sở di trú, mình bắt taxi đi thẳng lên Đại Sứ Quán Hoa Kỳ để xem có cách nào làm hộ chiếu cấp tốc, nhưng khi tới nơi thì phát hiện ra hôm đó là ngày 4/7 -- ngày Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ nên ĐSQ đóng cửa. Đáng ra mình cũng biết điều này nhưng vì bối rối về việc visa nên mình quên hẳn về ngày lễ. Với lại mình ở Thái Lan trên 16 năm rồi nên các ngày lễ ở Hoa Kỳ mình cũng không mấy quan tâm tới.

Về tới nhà, mình lên mạng tham khảo về việc gia hạn hộ chiếu tại Thái Lan thì nhận được thông tin rằng tại Bangkok, việc gia hạn hộ chiếu phải mất 5-6 tuần lễ mới xong. Mình thì không có 5-6 tuần mà chỉ có hơn 10 ngày là visa hết hạn. Sáng 5/7 tháng 7, mình lên ĐSQ Hoa Kỳ từ sớm để xin làm hộ chiếu “cấp cứu” là loại hộ chiếu có thời hạn sử dụng chỉ 1 năm dành cho những trường hợp như bị mất hộ chiếu hay hộ chiếu bị hư hỏng khi đang ở nước ngoài và cần phải xuất cảnh gấp.

Mình tới ĐSQ từ sớm thì thấy đã có một hàng người khá dài đang xếp hàng, đa số người nước ngoài chờ để phỏng vấn xin visa đi Mỹ. Mình cũng xếp hàng để check-in. Khi tới đầu hàng thì gặp một nhân viên của ĐSQ có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ của khách trước khi được vào bên trong. Mình nói với anh chàng nhân viên trẻ về sự cố mình đang gặp phải. Anh chàng lấy hộ chiếu và các thông tin của mình vào bên trong để tham khảo khoảng 5 phút rồi sau đó ra nói với mình hãy liên lạc với ĐSQ qua email để lấy hẹn, vì trường hợp của mình không quá khẩn cấp.

Thế là mình phải trở về nhà, viết email cho ĐSQ trình bày sự việc. Khoảng vài giờ đồng hồ sau, mình nhận được hồi âm từ văn phòng ĐSQ rằng mình cần vào trang web để làm hẹn qua hệ thống của họ. Mình làm theo chỉ dẫn và lấy được cái hẹn duy nhất còn lại cho sáng thứ 2, ngày 10/7. Tới ngày hẹn, mình lại thức dậy sớm và lên ĐSQ để làm thủ tục. Mọi thứ diễn ra trôi chảy và mình nhận được hộ chiếu cùng ngày.

Cầm được cái hộ chiếu “cấp cứu” trong tay, mình lại lên sở di trú sáng hôm sau để xin làm visa. Mặc dù mình là một trong những người đầu tiên xếp hàng để vào bên trong, nhưng mãi đến gần 12g trưa mình mới nhận được con dấu visa để tiếp tục lưu trú tại Thái Lan thêm một năm nữa.

Giải quyết được những khó khăn thủ tục, mình nhẹ người hẳn ra vì nếu visa của mình hết hạn thì sẽ là một rắc rối vô cùng nghiêm trọng. Mình sẽ phải xuất cảnh Thái Lan, qua một nước khác để làm lại hộ chiếu mới, mất thời gian vài tháng. Sau đó, mình sẽ trở lại Thái Lan với diện một khách du lịch bình thường, rồi bắt đầu quá trình làm visa từ đầu. Luật Thái Lan đòi hỏi người xin visa trước khi nhận được visa phải trở lại quốc gia quốc tịch của mình (Hoa Kỳ) rồi sau đó mới nhập cảnh Thái Lan được. Việc này không chỉ tốn kém về thời gian mà còn chi phí nữa.

Trải nghiệm này là một bài học lớn nhắc nhở mình phải cẩn thận về giấy tờ hộ chiếu để không gặp những sự cố dỡ khóc dỡ cười như những ngày vừa qua. Dù sao thì mọi thứ cũng đã tạm ổn và mình có thể thực hiện những kế hoạch như đã vạch ra cho những ngày tháng tới.

Hôm nay mình đang ở sân bay trên đường đi Chiangmai để tham dự lễ truyền chức của một thầy phó tế người Việt thuộc Dòng Tên. Mình quen biết thầy từ khi thầy mới tới Thái Lan để thực tập theo chương trình đào tạo của hội dòng. Khi mình còn đang ở Nhật thì đã nhận được thiệp mời của thầy. Mình lập tức nhận lời. Trong những ngày qua, mình hơi hồi hộp vì sợ rằng nếu thủ tục giấy tờ không giải quyết được thì sẽ phải huỷ chuyến đi. Nhưng cuối cùng, mọi thứ đã giải quyết xong và mình đang vui vẻ để thực hiện chuyến đi lên miền bắc Thái Lan để tham dự một sự kiện đáng vui mừng của Dòng Tên Thái Lan.

Bangkok, ngày 13.7.2023

Chia tay Nhật Bản



Hôm nay là ngày cuối cùng mình ở lại Kobe trong chương trình sabbatical của mình. Chiều nay, mình đi với cha Th lên giáo xứ của ngài ở tỉnh Wakayama rồi sáng mai ra sân bay để về lại Thái Lan. Mình kết thúc gần 3 tháng ở Nhật -- một thời gian rất tuyệt vời với nhiều niềm vui trong cuộc sống, đặc biệt đối với mục đích mình chọn Nhật để trải qua thời gian sabbatical.

Vì sabbatical là khoảng thời gian để mình tạm gác qua những sinh hoạt và trách nhiệm hằng ngày để thực hiện một dự án cá nhân nên việc chọn địa điểm và dự án phù hợp là thiết yếu cho một chương trình sabbatical tốt đẹp. Dự án mà mình chọn là sử dụng thời gian sabbatical để nghiên cứu và viết một tập sách tiếng Anh về đề tài ‘tôn giáo và môi trường’ để chuẩn bị cho một môn học mà mình sẽ dạy tại Hoa Kỳ vào năm 2024. Mặc dù mình đã nghiên cứu và viết nhiều về chủ đề này, nhưng để thực hiện một tập sách dài thì đòi hỏi quá trình nghiên cứu sâu xa hơn. Vì đây là một dự án quy mô đòi hỏi nghiên cứu về nhiều tôn giáo khác nhau, nên mình cần có thời gian đầy đủ để làm việc mà không bị chi phối bởi những trách nhiệm khác.

Mình đã được cha Th tạo điều kiện thuận lợi khi đến Nhật để có một nơi ở thật yên tĩnh và tiện nghi để làm việc. Mình ở một mình trong một căn nhà trên đồi Rokko, ngoại ô thành phố Kobe. Ở đây cũng tương đối gần ga tàu điện, các quán xá nên việc đi lại dễ dàng. Vì vậy, mình có thể tận dụng cơ hội này để làm theo kế hoạch mà mình đã lên trước khi đến đây.

Vậy trong ba tháng qua mình đã làm được những gì với cơ hội vô cùng đặc biệt này? Mình đã hoàn tất được bản thảo cho 9/10 chương của tập sách. Chỉ còn mỗi chương kết luận là mình chưa bắt đầu bởi vì mình sẽ chỉnh sửa bản thảo xong rồi mới thực hiện phần kết. Nội dung của tập sách xoay quanh các nguyên tắc đạo đức trong các truyền thống tôn giáo khác nhau về vấn đề môi trường như Phật giáo, Nho giáo, Ki-tô giáo, Hồi giáo… Nội dung cũng bàn về những phương cách để thúc đẩy việc chăm sóc môi trường như giao thoa văn hoá và đối thoại liên tôn, cũng như xây dựng mối tương quan mật thiết giữa con người và thiên nhiên dựa trên thế giới quan của các tôn giáo.

Ngoài hoàn tất bản thảo cho tập sách, mình cũng đã biên soạn một số nội dung của các chương để biến nó thành những bài viết tham luận để gửi cho các tạp chí học thuật quốc tế. Bởi vì nội dung và văn phong của một cuốn sách và một bài tạp chí có nhiều điểm khác biệt, nên để đăng bài viết trên tạp chí đòi hỏi một cấu trúc và lối viết khác. Gần đây mình đã gửi 4 bài viết tới các tạp chí ở 4 quốc gia khác nhau – Ba Lan, Đức, Anh Quốc và Indonesia. Hiện 3 trên 4 bài đã trải qua quá trình thẩm định thành công và sẽ lần lượt được đăng trong thời gian tới. Còn một bài gửi tới tạp chí ở Anh Quốc thì vẫn đang trong quá trình thẩm định. Mình cũng hy vọng bài viết sẽ được nhận nguyên bản hoặc nhận sau khi yêu cầu chỉnh sửa.

Những năm gần đây mình đã bắt đầu luyện viết lách bằng tiếng Việt để chia sẻ kiến thức với độc giả Việt Nam nên mình cũng đã biên soạn và chuyển dịch 3 bài viết tiếng Anh sang tiếng Việt. Những bài viết này mình đang lần lượt chia sẻ lên FB và sẽ chỉnh sửa trong thời gian tới để đưa vào một tập sách về đề tài chăm sóc môi trường mà mình sẽ biên tập. Trong tập sách sẽ có những bài viết được thực hiện bởi một số linh mục-tu sĩ Dòng Ngôi Lời. Đây sẽ là một tập sách rất ý nghĩa mà mình cũng đã ôm ấp để thực hiện tự lâu.

Gần 3 tháng ở Nhật, bên cạnh những công việc mà mình không thể gác qua một bên được, ví dụ biên tập tạp chí mà mình phụ trách và tổ chức chương trình hội thảo cho Trung tâm mà mình điều hành, thì bên trên là những gì mình đã hoàn tất được. Mình cảm thấy rất vui vì mình đã biết tận dụng cơ hội này để thực hiện kế hoạch như đã đưa ra. Thời gian qua tuy không quá dài nhưng mình đã làm được nhiều việc, nhiều hơn cả ước tính vì mình cảm nhận rằng, để có thời gian và điều kiện để thực hiện một dự án như thế này là một điều mà rất ít ai có cơ hội để làm. Vì mình là linh mục, được hội dòng hỗ trợ, được người này người kia giúp đỡ nên mình mới có thể bỏ ra thời gian để hoàn toàn tập trung vào điều mình muốn làm. Ở trong xã hội, những người giáo dân bình thường, họ phải lo việc cơm áo gạo tiền và bao trách nhiệm khác trong cuộc sống, họ không thể nào có điều kiện như mình. Vì thế, mình có trách nhiệm phải tận dụng hồng ân mà mình đã nhận được để thể hiện sự ý thức và biết ơn với Thiên Chúa và với những người đã giúp đỡ mình.

Dĩ nhiên thời gian ở đây, mình không cắm đầu vào máy vi tính hoặc sách vở hằng ngày. Mình cũng đã có thời gian để thư giãn, đi du lịch ở một số nơi tại Nhật Bản để trải nghiệm văn hoá, con người và môi trường sống ở Nhật. Có khi mình đem máy vi tính theo để làm việc. Mình đã ngồi viết ở rất nhiều nơi khác nhau tại Nhật bản như trên tàu Shinkensen, tại sân bay, tại ga tàu điện, tại các quán cà phê, quán ăn, khách sạn capsule (khách sạn con nhộng)… Điều này làm cho trải nghiệm viết cũng như những ý tưởng thêm sự ấn tượng, ít nhất trong cảm nhận của cá nhân mình. Thời gian qua cũng có một số người thân quen ở Hoa Kỳ cũng đã đến Nhật du lịch và mình đã có dịp để gặp gỡ họ trên xứ hoa anh đào. Đây là một điều “khuyến mãi” vô cùng giá trị trong quá trình thực hiện sabbatical tại Nhật.

Chương trình sabbatical tại Nhật sắp kết thúc. Mình bước chân đến đất nước yên bình này vào những ngày cuối của mùa hoa anh đào và mình rời nó khi Nhật chuẩn bị bước vào mùa mưa. Nhưng chương trình sabbatical của mình thì chưa kết thúc vì hội dòng cho phép mình thời gian 6 tháng cho việc này. Mình sẽ còn một phần nữa để thực hiện. Mình sẽ có những trải nghiệm mới, những cảm nhận mới, và những ý tưởng mới cho những ngày sắp tới. Mình hy vọng phần còn lại cũng sẽ thú vị và hiệu quả như phần đầu của chương trình.

Kobe, ngày 30.6.2023

Đi Hoa Kỳ

Từ tháng 7 năm 2022 đến nay, sau khi tình hình đại dịch Covid-19 không còn đe dọa nghiêm trọng và người dân có thể di chuyển tự do hơn, đặc biệt là vượt biên giới, mình đã có nhiều cơ hội thực hiện những chuyến đi đáng nhớ. Các hành trình quốc tế của mình chủ yếu là để tham dự các hội thảo và cuộc họp liên quan đến công việc.

Trong tuần vừa qua, mình đã có một chuyến đi đến Hoa Kỳ, đặc biệt là đến trường đại học/đại chủng viện Ngôi Lời tại bang Iowa. Lần này, không giống như những cuộc hội thảo trước đó, mục đích của chuyến đi là tham gia lễ trao bằng tốt nghiệp tại trường. Đây là một trải nghiệm mới mẻ đối với mình, khi lần đầu tiên mình được mời đến một nơi để thực hiện nhiệm vụ như vậy. Mặc dù gặp một chút ngạc nhiên khi nhận được lời mời từ cha hiệu trưởng của Divine Word College (DWC), đặc biệt là khi tôi mình ở một nơi rất xa, mình đã không mất nhiều thời gian để suy nghĩ và quyết định chấp nhận cơ hội này để tham gia sự kiện.

DWC có một vị trí đặc biệt trong trái tim mình, vì đây là nơi mình đã khởi đầu hành trình ước mơ và ơn gọi. Sau khi tốt nghiệp đại học tại UC Berkeley, mình đã quyết định đến đây để học các môn triết học trong một năm, nhằm chuẩn bị cho chương trình thần học tại Chicago. Kỷ niệm về khoảng thời gian đó luôn sống mãi trong tâm trí mình, mang lại những trải nghiệm tuyệt vời và giúp mình phân định rõ hơn về sứ mạng truyền giáo mà mình đã chọn theo.

Từ khi mình nhận chức linh mục và ra nước ngoài phục vụ, hiếm khi có dịp quay lại nơi này. Từ năm 2006 đến nay, mình chỉ trở về trường không quá hai lần, và mỗi lần đều trong bối cảnh trở về Hoa Kỳ để thăm gia đình. Một lần đặc biệt, mình trở về vào dịp Mùa Chay và được mời làm chủ tế trong Thánh lễ Vọng Phục Sinh, một sự kiện trọng đại.

Chuyến đi này, mình bắt đầu từ ngày 8/5 đến Chicago bằng hãng hàng không EVA của Đài Loan. Khi đến sân bay O'Hare, mình được một người anh em của Ngôi Lời đón và đưa về Thần học viện Ngôi Lời trong thành phố. Đây là nơi mình đã trải qua 4 năm trong chương trình thần học. Mặc dù chỉ ở đây vài ngày ngắn ngủi, nhưng mình đã tận dụng thời gian đó để gặp gỡ các cha và các thầy, trao đổi về công việc và gặp gỡ những khuôn mặt quen thuộc cũng như làm quen với những khuôn mặt mới.

Một trong những người mình đã có một cuộc nói chuyện khá dài, trên hai tiếng đồng hồ, đó là cha Roger Schroeder. Ngài là một giáo sư và một tác giả thần học truyền giáo. Hiện ngài phụ trách một trong những vai trò quan trọng tại viện Thần học Công giáo tại Chicago (CTU). Từ năm trước, ngài có ngỏ ý mời mình dạy một môn học ở CTU trên phương diện giáo sư khách mời. Mình đã đồng ý dạy một môn về đề tài tôn giáo và môi trường vào mùa hè 2024. Vì thế, trong chuyến đi này, mình có dịp để trao đổi cụ thể hơn về dự án này. Ngoài ra, mình và ngài cũng có dịp để chia sẻ với nhau nhiều hơn về những công việc mà cả hai đang làm trong lĩnh vực riêng của mình. Tháng 3 năm 2024, cha Roger cũng mời mình tham dự một chương trình hội thảo do ngài cộng tác tổ chức tại CTU. Tuy nhiên, mình chỉ có thể tham dự qua Zoom vì khi đó mình đang ở Thái Lan và việc thực hiện một chuyến đi như vậy thì khó khả thi.

Trong số các khuôn mặt mới thì mình có dịp gặp gỡ và trò chuyện nhiều với hai thầy người Myanmar và một thầy người Trung Quốc -- cả ba sẽ khấn trọn đời vào tháng 9 sắp tới. Hai thầy người Myanmar là những thành viên đầu tiên đến từ đất nước này. Vì thế việc có cả hai khấn trọn đời và sau đó chịu chức để trở thành những linh mục truyền giáo Ngôi Lời là một sự kiện đặc biệt đối với hội dòng. Được biết cả hai thầy có làm đơn thỉnh cầu lên Tổng quyền (theo quy trình của Hội dòng) để được bổ nhiệm tới Thái Lan/Myanmar sau khi chịu chức. Tuy nhiên, đến nay thì vẫn chưa nhận được quyết định của Tổng quyền, có lẽ sẽ biết kết quả trong ít tháng nữa. Mình cũng hy vọng rằng hai thầy sẽ được bài sai đầu tiên quá Thái Lan/Myanmar để giúp cho hoạt động của hội dòng ở vùng này được phát triển nhanh hơn theo chủ trương của Hội dòng hiện nay.

Mình rời khỏi thần học viện để tới DWC trước ngày diễn ra lễ phát bằng tốt nghiệp 2 ngày để có thời gian gặp gỡ các anh em Ngôi Lời ở đây, trong đó có một số người cùng lớp với mình khi mới gia nhập hội dòng. Ngoài ra, vì mình được mời phát biểu trong sự kiện của trường nên mình muốn làm quen với bầu khí và sinh hoạt của trường để làm tốt hơn trách nhiệm của mình. Những năm qua, kể từ khi mình rời nơi này thì trường đã có rất nhiều thay đổi. Một trong những thay đổi lớn nhất là ở đây không chỉ dạy các chủng sinh của hội dòng mà còn thêm nhiều linh mục tu sĩ đến từ các hội dòng, giáo phận từ các quốc gia khác. Vì thế cộng đồng sinh viên hiện nay bao gồm nhiều thành phần khác nhau tạo nên một sự đa dạng đáng kể.

Dĩ nhiên bài nói chuyện của mình đã được chuẩn bị trước, dựa trên những gì mình đã trực tiếp trải nghiệm khi còn học ở đây, những lần tới thăm trường những năm về sau và một số thông tin mà cha Tom Ascheman, hiệu trưởng của DWC đã cung cấp cho mình. Trên thực tế mình đã ghi những lời đầu tiên cho bài thuyết trình tối ngày 25 tháng 2, khi mình đang đứng xếp hàng để làm thủ tục tại sân bay Bangkok để đi họp ở Sydney, Úc châu. Mình có thói quen không thích để cho thời giờ trôi qua một cách vô bổ khi ở sân bay nên khi nào có thể mình đều mở máy vi tính ra để làm việc. Tối hôm đó vì phải đứng xếp hàng chờ khá lâu nên mình quyết định viết nháp bài phát biểu, ít nhất là những lời mở đầu (mà trong bản cuối cùng thì dường như hoàn toàn đã bị cắt đi). Bài phát biểu đó tiếp tục được mình viết thời gian lưu lại Úc, rồi chỉnh sửa sau khi trở về Thái Lan và cuối cùng là khi ở Nhật Bản. Vậy để thực hiện một bài nói chuyện 15 phút đó đã mất một khoản thời gian không ít để viết và chỉnh sửa cho phù hợp với tính chất của sự kiện và đối tượng người nghe.

Trong bài phát biểu, mình chia sẻ về mục đích của việc giáo dục, học tập để trở thành một con người đích thực theo hình ảnh của Thiên Chúa, được thể hiện một cách rõ ràng qua các mội quan hệ với người xung quanh, với thiên nhiên và với Thiên Chúa. Mình xây dựng bài viết, đan xen những suy tư dựa trên Kinh Thánh, tư tưởng Ki-tô giáo, Nho giáo và Phật giáo. Mặc dù nội dung của bài phát biểu có thể “hơi quá” đối với một số người có mặt trong sự kiện, đặc biệt các sinh viên trong chương trình ESL hoặc là một số giáo dân ít tiếp cận với thuật ngữ mà mình dùng, tuy nhiên, mình nghĩ rằng mọi người nắm được phần nào ý chính của bài phát biểu.

Sau lễ phát bằng, mình đã nhận được nhiều lời phản hồi tích cực đến từ các thành viên Ngôi Lời, các linh mục tu sĩ, cũng như một số giáo sư có mặt trong sự kiện. Những lời phản hồi tích cực này giúp mình thấy rằng việc mình chọn một đề tài mang tính suy tư hơi nặng ký về mặt lý thuyết cũng phần nào đạt được hiệu qủa cho bối cảnh của sự kiện. Trên thực tế, mình là một người chuyên về truyền đạt qua chữ viết hơn là lời thuyết trình, nên việc đứng lên phát biểu trong một sự kiện không phải là chuyện dễ dàng đối với mình. Vì không phải là sở trường nên mình chỉ mong làm tròn bổn phận và mọi người nhận ra sự nghiêm túc trong những gì mình thể hiện. Mình chủ trương rằng, nếu không thể thu hút người nghe bằng một phong cách thuyết trình phóng khoáng với những câu nói hay ho, những câu chuyện hài hước, thì có thể bù lại với một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nội dung rõ ràng, có đầu tư ý tưởng. Nếu người nghe cảm nhận được sự tôn trọng mà mình dành cho họ thì phần nào mình đã thành công trong công việc.

Một chuyến đi ngắn những đã có rất nhiều điều đáng nhớ. Mình chỉ ghi lại một số sự việc và cảm nhận ở đây để làm nhật ký. Còn có rất nhiều chuyện bên lề khác trong những lần gặp gỡ với anh em Ngôi Lời, những buổi tâm sự qua ly cà phê, qua ly rượu vang, hoặc ngồi với nhau trên xe đi từ nơi này qua nơi khác.

Một chuyến đi ngắn và ngủ cũng ít vì khác giờ nên đã ảnh hưởng nhiều đến nhịp sinh học của mình. Bây giờ ngồi trên máy bay trở lại Nhật Bản từ Chicago, mình ngồi viết nhật ký để tiêu khiển thời gian dài hơn 13 tiếng đồng hồ cho chuyến bay. Màn hình trên ghế máy bay cho hay còn gần 4 tiếng đồng hồ nữa máy bay mới đáp xuống sân bay Haneda tại Tokyo. Mình sẽ tiếp tục làm việc để thức trước khi tới Nhật Bản. Minh hy vọng rằng sẽ điều chỉnh lại nhịp sinh học khi trở lại Nhật để tiếp tục những gì mà mình sẽ thực hiện trong thời gian tới trên đất nước này.

Ngày 15.5.2023 

Ngày mưa


Trong hai ngày gần đây, trời đã có mưa nhẹ, khiến không khí trở nên se lạnh và ẩm ướt. Với thời tiết u ám như vậy, mình đã quyết định ở trong nhà và tập trung vào công việc của mình tại bàn làm việc trong phòng ngủ. Bàn làm việc của mình đối diện với cửa kính sát vách với khu vườn sau nhà, cho phép mình quan sát những giọt mưa bay bổng rơi xuống từ trên cao. Từ những giọt mưa nhẹ trên những cành cây lá phong đến những nụ hoa rực rỡ mùa xuân nở rộ ven bờ tường, tất cả được hiện lên trước mắt mình. Thỉnh thoảng, mình ngừng công việc để nhìn ra bên ngoài, nghe những âm thanh thánh thót của mưa chạm vào kính. Không gian xung quanh tràn ngập bình yên, chỉ có tiếng mưa rơi làm cho không khí càng trở nên thanh tịnh hơn.

Mặc dù trong căn nhà mà mình đang ở có nhiều phòng, nhưng mình chỉ tập trung sử dụng ba không gian chính. Phòng ngủ được dùng để ngủ nghỉ và làm việc. Phòng này cũng là nơi mình tập thể dục vào buổi chiều sau khi mình nghỉ làm việc. Nhà nguyện là nơi mình dành thời gian để dâng lễ và cầu nguyện mỗi ngày. Thường mình dâng lễ vào ban chiều trước khi mình dùng bữa tối. Trong khi đó, nhà bếp được sử dụng cho việc ăn uống, chủ yếu với những thực phẩm nấu sẵn được mua về từ siêu thị. Mình không bỏ ra nhiều thời giờ trong gian phòng này. Vì chỉ có một mình mình ở trong căn nhà lớn này nên tất cả các sinh hoạt mình đều làm một mình.

Từ chiều trở đi, mưa ngừng và bầu trời trở nên trong sáng, do đó sau bữa tối, mình đã chuẩn bị ba lô và đạp xe đến tiệm McDonald's tại ga tàu điện để thay đổi không khí. Một mình trong nhà suốt cả ngày, khi đến McDonald's nơi đông đúc với nhiều khách hàng ra vào, mình cảm thấy như được hòa mình vào nhịp sống của xã hội, với những người bản xứ. Dù mình chỉ ngồi làm việc trên máy tính ở một góc của quán, không trò chuyện với ai, nhưng mình có thể nghe thấy tiếng nói và tiếng cười của những người khác, đặc biệt của các bạn trẻ lứa tuổi sinh viên, khiến mình cảm thấy phấn khởi và vui vẻ hơn. Mình rất yêu sự yên tĩnh để tập trung hoàn thành dự án viết sách của mình, tuy nhiên, đôi khi mình cũng cần phải sống trong cộng đồng và giao tiếp với những người khác, dù chỉ là những người phục vụ trong quán cà phê hoặc nhà hàng. Tối nay, mình đã ở trong quán McDonald's khoảng hai giờ trước khi ghé qua chợ để mua đồ ăn trên đường về.

Đêm đã buông xuống. Mình cảm tạ Chúa vì đã có một ngày tốt lành với sự tiến bộ trong công việc. Hôm nay, mình đã bắt đầu chỉnh sửa chương 2 của tập sách về tôn giáo và môi trường mà mình đang viết. Đề tài của chương này liên quan đến cách nhìn của Nho giáo về con người và cách để cải thiện mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Hoàn thành chương này đòi hỏi rất nhiều nghiên cứu và suy tư, nhưng mình rất may mắn vì được tạo điều kiện để dành thời gian và không gian để viết về đề tài mà mình đã ấp ủ từ lâu.

Kobe, ngày 26.4.2023

Nghe nhạc cổ điển khi đêm về


Sau một ngày dài làm việc chăm chỉ, tham dự nhiều cuộc họp trực tuyến và biên tập các bài viết cho số tạp chí sắp được phát hành trong hơn một tháng nữa, tới 9 giờ tối, tôi thay vào bộ quần áo thoải mái và khoác lên mình chiếc áo len được tìm thấy tại một cửa hàng quần áo cũ khi tôi mới đến Kobe. Tôi bước ra khỏi nhà để đi đến siêu thị gần ga tàu điện Hankyu để mua thực phẩm cho ngày mai. Tôi chọn giờ đi muộn vì tôi thích rảo bước trên đường không quá đông người. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm siêu thị sắp đóng cửa và những món ăn cũng được giảm giá đáng kể, giúp tôi tiết kiệm được chi phí.

Khi đến chợ, tôi tìm đến quầy thức ăn đã nấu sẵn để xem liệu có món gì phù hợp để mua về. Nhưng vì thời điểm gần đóng cửa, phần lớn thực phẩm đã được khách hàng mua trước đó, chỉ còn lại một vài hộp gà nướng và sushi. Tuy nhiên, đó cũng là những món tôi ưa thích. Tôi chọn cho mình 2 hộp thịt gà và 1 hộp sushi – tất cả đều được giảm giá 40%.

Trên đường trở về nhà, tôi tiến vào căn phòng của mình, mở nhạc cổ điển trên kênh YouTube và kết nối với chiếc loa Bluetooth nhỏ Bose - món quà mà tôi đã nhận được từ người thân trong dịp Giáng Sinh vừa qua. Khi tới Nhật Bản, tôi đã mang nó theo bởi tôi yêu thích nghe nhạc nhẹ nhàng khi đang làm việc, giúp tôi cảm thấy thư giãn và dễ tập trung vào công việc hơn.

Trở về căn phòng giữa đêm tối, không gian xung quanh im lặng và tĩnh lặng, chỉ có tiếng nhạc cổ điển không lời vang lên từ chiếc loa Bose. Âm nhạc như một luồng gió nhẹ nhàng thổi qua, đưa tôi đến một thế giới khác, nơi tâm trí được giải tỏa khỏi những lo toan và áp lực hàng ngày.

Tôi nghe những giai điệu trong trạng thái trầm mặc, lắng nghe và cảm nhận mỗi nốt nhạc, như thể tôi đang hòa mình vào từng nhịp điệu, khiến tâm hồn cảm thấy lâng lâng, khó tả. Giai điệu cổ điển của các nhạc sĩ lừng danh như Beethoven, Mozart, Chopin... có sức mạnh kỳ diệu, đưa tôi đến một thế giới khác, nơi tôi có thể thăng hoa, tận hưởng sự yên bình và tìm thấy bình an trong cô độc.

Một mình nghe nhạc, tôi cảm thấy không còn đơn độc. Âm nhạc là người bạn đồng hành của tôi giữa một không gian thanh vắng. Xung quanh không có người thân, không có đồng nghiệp, không có ai quen biết hoặc nói được ngôn ngữ tôi hiểu. Tôi vừa nghe nhạc, vừa thưởng thức tách trà xanh mà tôi mới pha để uống cho ấm bụng trước khi đi ngủ. Mỗi nốt nhạc, mỗi giai điệu đưa tôi đến một thế giới khác, giúp tôi tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống. Trong không gian im lặng của đêm tối, tôi tiếp tục lắng nghe những giai điệu du dương và tận hưởng khoảnh khắc yên bình, tràn đầy cảm xúc.

Kobe, ngày 24.4.2023

Gió


Những ngày qua, tôi thường đi bộ lên đồi Rokko để tập thể dục và thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng trên máy tính. Trên đồi, không khí rất trong lành với những cơn gió xuân thường xuyên thổi qua, mang đến cho tôi những cảm xúc đặc biệt và lạ thường. Vì thời tiết vẫn tương đối lạnh, nên khi lên đồi, tôi phải mặc áo ấm.

Gió là một hiện tượng đầy ấn tượng, luôn đem đến cho chúng ta cảm giác sức mạnh vô hình của nó, từ hơi thở lạnh lẽo của mùa đông cho đến sự nồng nhiệt của mùa hè. Khả năng thổi bay các vật nhẹ như chiếc lá lượn lờ, nhánh cây xao động hay cả những vật nặng hơn như những tấm mái che, biển quảng cáo, thậm chí một chiếc ô tô... mọi thứ đều chao đảo trước sức mạnh bất tận của ngọn gió.

Dù mạnh hay yếu, gió vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Khi thoang thoảng thổi qua, nó mang lại cho chúng ta cảm giác nhẹ nhàng, tinh tế và sảng khoái, tạo nên một không gian yên bình để ta thư giãn. Tuy nhiên, khi thổi mạnh, nó có thể thay đổi hoàn toàn cảnh vật của một vùng đất, thay đổi toàn bộ tình trạng của cuộc sống con người.

Trong Kinh Thánh, hình ảnh ngọn gió được sử dụng để nói về Chúa Thánh Thần vì có nhiều điểm tương đồng. Chúa Thánh Thần tự do và linh hoạt, không ai có thể kiểm soát hay hạn chế được ý chỉ của Người, giống như cơn gió luôn thổi theo hướng mà nó muốn. Chúa Thánh Thần cũng hiện diện và hoạt động một cách sáng tạo ở mọi nơi, không bị giới hạn bởi không gian hoặc thời gian, giống như cơn gió có thể thổi qua mọi nơi trên trái đất, không bị ngăn cản bởi ranh giới quốc gia, văn hóa, hệ thống kinh tế, chính trị hay xã hội. Tương tự như sức mạnh của gió, điều quan trọng là ta biết tận dụng nguồn lực của Người để vận hành cuộc sống và biến đổi thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

Kobe, ngày 23.4.2023

Dâng lễ tại Yao, Nhật bản

Vào chiều Chủ Nhật thứ 2 của Mùa Phục Sinh, mình được mời đến dâng lễ cho một cộng đoàn Việt Nam nhỏ ở thành phố Yao, cách Kobe khoảng 40km. Đây là một trong những lễ tiếng Việt được tổ chức mỗi tháng một lần, với sự tham gia chủ yếu của các bạn trẻ đến từ Việt Nam sống và làm việc tại Nhật Bản, và một vài người Việt đã định cư ở đây từ lâu. Trong Thánh lễ đó, mình cũng được phép rửa tội cho một em bé của đôi vợ chồng trẻ đến từ Nam Định.

Bình thường Thánh lễ này được phụ trách bởi cha Hải cũng thuộc Tgp Osaka. Nhưng vì hôm qua ngài bận công việc, luôn tiện mình đang ở đây nên được mời dâng Thánh lễ thế.

So với các nhóm người Việt tại Thái Lan, nhóm tại Yao cũng có nhiều điểm chung. Ở Thái Lan, các nhóm chỉ có Thánh lễ mỗi tháng một lần, và hầu hết các thành viên đều là những người nhập cư. Tuy nhiên, tại Thái Lan không có sự tham gia của người Việt Kiều vì hầu hết họ tham dự các Thánh lễ bằng tiếng Thái.

Trong thời gian ở Nhật Bản, cha Thuần sẽ sắp xếp cho mình được dâng lễ cho một số nhóm tại đây để có cơ hội làm quen và giao lưu. Dù không phải là mục đích chính khi đến Nhật Bản, mình thấy rất tốt và bổ ích khi có cơ hội giao lưu và dâng lễ cùng với các anh chị em di dân tại đây vào các ngày cuối tuần.

Một trong những điều mà mình ưu tư từ lâu là làm thế nào để các di dân Công giáo Việt Nam ở nước ngoài không chỉ có thể học tập, làm việc và kiếm tiền, mà còn có thể học hỏi và đóng góp cho Giáo hội địa phương dưới vai trò là những Ki-tô hữu. Bởi vì ơn gọi môn đệ của Chúa thông qua bí tích rửa tội luôn tồn tại cho dù ta ở đâu, làm gì, hay sống trong bối cảnh xã hội nào. Điều này cần được các di dân nhận thức và thúc đẩy để sống ơn gọi của mình một cách tích cực.

Mùa Phục Sinh là dịp để chúng ta nhớ lại tính chất của ơn gọi và trách nhiệm của mỗi tín hữu trong việc thực hiện sứ vụ của mình, với ý thức, thái độ và phương cách phù hợp với ý nghĩa thực sự của biến cố Phục Sinh. Điều này đặc biệt quan trọng trong những ngày này khi Giáo hội trên toàn thế giới đang sống lại sự kiện Phục Sinh.

Kobe, ngày 16.4.2023

Tham quan

 
Trong vài ngày qua, mình đã có dịp đi tham quan một số địa điểm du lịch nổi tiếng tại Nhật Bản cùng với một nhóm các anh chị đến từ Hoa Kỳ. Đáng chú ý nhất là Công viên Nara, một thành phố lịch sử nằm cách Osaka khoảng 40km. Với không gian rộng lớn, rất nhiều cây xanh và nhiều ngôi chùa và đền lịch sử trên 1000 năm, Công viên Nara thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Ngoài ra, điểm đặc biệt của Công viên Nara là nơi nổi tiếng với rất nhiều con hươu hoang dã tự do lang thang trong khu vực công viên và quanh các địa danh lân cận. Người ta tin rằng hươu Sika ở công viên Nara đã được thần tài Kasuga của đền Kasuga Taisha bảo vệ từ lâu đời và trở thành biểu tượng của sự linh thiêng và bình an. Do đó, nhiều du khách đến công viên Nara để thưởng thức cảnh quan và tương tác với những chú hươu thân thiện ở đó. Ở đó du khách có thể mua một loại bánh cho chúng ăn nên các chú hươu luôn tìm tới người để xin ăn.

Ngày mình đi tham quan Công viên Nara, tôi thấy có rất nhiều học sinh cũng được trường tổ chức cho đi dã ngoại để tham quan công viên và các chùa chiền. Số lượng học sinh này lên đến hàng nghìn, nhưng họ được các thầy cô hướng dẫn và chỉ thể hiện sự hồn nhiên của tuổi trẻ trong khuôn khổ cho phép. Vì vậy, mặc dù có đông người, nhưng công viên không hổn loạn và ồn ào.
So với các địa điểm du lịch ở các nước khác, mình nhận thấy bầu không khí du lịch ở Nhật Bản trật tự hơn đáng kể. Khi du khách đến Nhật, họ ít nhiều hiểu về lối sống của người Nhật và tự mình kiểm soát hành vi để phù hợp với bối cảnh văn hoá và xã hội nơi họ đang sống.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có cách cư xử đúng mực khi đi tham quan công viên. Hôm qua, nhóm của mình đã tới công viên ở thành cổ Osaka để ngắm những cây hoa anh đào cuối cùng của mùa. Dù số lượng hoa không còn nhiều nhưng vẫn đủ để thu hút sự chú ý của du khách đến chụp ảnh. Hầu hết mọi người biết cách thể hiện sự tôn trọng và văn minh khi ở trong khu vực công cộng. Tuy nhiên, có một số người không chỉ giơ nhành cây để tạo dáng mà còn vô ý làm rụng hoa để tạo cảnh cánh hoa bay trong bức ảnh. Họ chẳng hề nhận ra rằng hành động đó là thiếu ý thức và ích kỷ, vì nó không chỉ ảnh hưởng đến sự đẹp của cây mà còn làm giảm trải nghiệm thú vị của những người đến sau. Họ chỉ tập trung vào nhu cầu của bản thân mà không suy nghĩ đến lợi ích chung. Đáng lưu ý, hành vi này không chỉ thấy ở những du khách trẻ mà còn thấy ở những người lớn tuổi.

Những ngày qua, mặc dù cha Thuần rất bận rộn với công việc, ngài vẫn cố gắng tìm thời gian để đồng hành cùng nhóm trong các chuyến du lịch. Nhờ ngài mà mọi người được tìm hiểu thêm về văn hoá Nhật Bản, Giáo hội Công giáo ở đây, cũng như cuộc sống thường nhật của người dân địa phương. Mình đã học được rất nhiều điều từ những địa điểm tham quan trong chuyến đi này.
Những nơi mình thích đi nhất là những nơi thiên nhiên, đặc biệt là núi đồi, công viên, vườn hoa hoặc những địa điểm văn hóa. Việc đến những nơi này không chỉ giúp mình thư giãn mà còn mang lại cho mình nhiều cảm hứng trong công việc nghiên cứu và giảng dạy. Cuộc sống hiện đại ngày nay đang bị kiểm soát quá mức bởi công nghệ và các dụng cụ máy móc. Đi đến thiên nhiên, mình có cơ hội để "giải độc kỹ thuật số", trở về với bản chất của con người và hòa mình với tự nhiên trong tình liên kết.

Mình ước gì rằng các trường học, nhà thờ…tổ chức nhiều hơn những chuyến dã ngoại cho các học sinh và giáo dân để họ có thể đi đến những nơi thiên nhiên để tận hưởng không gian trong lành, hài hoà và đẹp đẽ thay vì đắm mình trong màn hình điện thoại thông minh. Mặc dụ các thiết bị máy móc thì thông mình, nhưng sử dụng thiết bị này ngày càng nhiều dường như làm cho tư duy của con người dễ trở nên đần độn hơn.

Kobe, ngày 15.4.2023

Gặp người Việt trong nhà thờ Nhật

Tại nhà thờ Rokko nơi mình đã tham dự các nghi thức Tam Nhật Thánh, trong một nhà thờ hầu hết là người Nhật thì có một vài người nước ngoài. Người nước ngoài có da trắng, da đen thì dễ phát hiện. Nhưng mình cũng có phát hiện ra một giáo dân người Việt, là một thanh niên trẻ. Mình đoán đó là người Việt vì không chỉ nét mặt giống người Việt, mà vì người Việt có một thói quen đặc trưng trong nhà thờ, đó là khoăn tay khi đứng hoặc đi rước lễ.

Cuối Thánh Lễ Vọng Phục Sinh, cha chủ tế có giới thiệu mình cho cộng đoàn và nói là người Việt đang phục vụ tại Thái Lan. Sau lễ, người bạn trẻ đó đã đến chào mình. Cả hai tay bắt mặt mừng vì gặp người đồng hương giữa một đám đông toàn người Nhật. Vì thế mình đã xác định rằng mình đã đoán đúng. Người bạn trẻ nói gặp cha con vui quá vì con đang nghĩ ngày mai là lễ Phục Sinh không biết làm gì để mừng lễ.

Người bạn trẻ đang sinh sống với vợ con tại Nhật Bản và đang làm việc cho một công ty Nhật. Anh quê Miền Tây, còn vợ quê Sài Gòn. Hai người gặp nhau khi cả hai còn là du học sinh tại Nhật và đã kết hôn với nhau sau đó. Nhưng dịp này, vợ con về Việt Nam vài tuần để thăm gia đình. Ở một mình, anh ấy vẫn không bỏ bất cứ nghi thức nào trong Tuần Thánh. Sau khi tan sở, anh lên tàu đến nhà thờ để tham dự lễ.

Mình nói với bạn ấy, “Giỏi quá ha. Không có vợ con ở đây mà vẫn siêng đi lễ thế này.” Bạn ấy trả lời, “Người Công giáo thì phải đi lễ chứ cha.” Một sự thật hiển nhiên như thế đó. Nhưng không phải ai cũng ngộ ra, đặc biệt là các bạn trẻ đang sinh sống tại nước ngoài. Mình vẫn nhớ hoài một lần nọ, có một bạn trẻ ở Bangkok nói với mình là “quên” đi lễ Phục Sinh vì không ai đánh thức dậy đi lễ nên ngủ quên. Còn vào một Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa, mình hỏi một bạn trẻ đang tổ chức nhậu trong phòng trọ với bạn bè tại sao không đi lễ thì nhận được câu trả lời: “Cha cũng biết con qua đây là để đi làm kiếm tiền.” Một lần khác, một bạn trẻ cho hay, vì đa số các nhân viên trong một quán nhậu là người Công giáo, nên họ không thể đi lễ Vọng Giáng Sinh vì như vậy quán sẽ thiếu người làm và không thể hoạt động được, mặc dù lễ tiếng Việt chỉ mất vài tiếng đồng hồ và cách nơi làm việc chỉ 2km. Hoá ra cái quy tắc “người Công giáo thì phải đi lễ Chúa Nhật và các lễ trọng” ngày càng vô hiệu lực trong tâm trí của một số người Công giáo vì nhiều lý do khác nhau.

Kobe, ngày 9.4.2023

Tham dự Tuần Thánh ở Nhật Bản

Trong Tuần Thánh, mình tham dự toàn bộ các Thánh Lễ Truyền Dầu và Tam Nhật Thánh bằng tiếng Nhật tại nhà thờ chánh toà Tgp Osaka và một giáo xứ ở Rokko trong vùng Kobe. Vì mình không hiểu tiếng Nhật, không thể tham gia trong nghi thức qua tiếng nói và lời hát nên mình có nhiều thời giờ để quan sát các nghi thức, một phần để theo dõi tiến trình của các nghi thức để tham dự một cách tốt nhất và một phần để tìm thấy những đặc điểm trong cách người Công giáo tại Nhật Bản cử hành nghi thức phụng vụ. Mình đã có những quan sát và cảm nhận sau về trải nghiệm của mình:


- Mặc dù đây là lần đầu tiên mình tham dự Tuần Thánh bằng ngôn ngữ mà mình không hiểu biết, nhưng mình không cảm thấy nghi thức dài và mệt mỏi. Người Nhật tổ chức các nghi thức một cách gọn gàng, không kèm theo nhiều lời dẫn, thông báo… Và đặc biệt là tất cả các bài giảng đều ngắn, không quá 10 phút.

- Phong cách ‘tối giản’ của người Nhật có thể thấy trong nghi thức cũng như thiết kế nhà thờ và trang trí trong nhà thờ. Nếu như ở Thái Lan, các nhờ thờ luôn có nhiều hoa vào ngày Chủ Nhật và nhiều hoa hơn nữa vào các dịp lễ lớn, đặc biệt Phục Sinh, Giáng Sinh, và lễ mừng quan thầy giáo xứ, thì ở Nhật, người ta chỉ đặt một bình hoa vừa vừa ở trước bàn thờ để mừng lễ Phục Sinh.

- Nhà thờ của Nhật có một đồng điểm với ở Thái Lan là lượng âm thanh trong nhà thờ luôn chỉ vừa nghe. Nếu phải so sánh thì có thể nói lượng âm thanh chỉ bằng một nửa của lượng âm thanh ở Việt Nam.

- Ở cả hai nhà thờ mình tham dự đều không có ca đoàn, nhưng có ca trưởng để hát solo hoặc dẫn cộng đoàn hát.

- Trong các hàng ghế giáo dân hầu hết là những người trung niên và cao niên, có rất ít người trẻ hoặc thiếu nhi.

- Ở nhà thờ Rokko, có một người đàn bà ngồi xe lăn khoảng 70 tuổi. Bà luôn là người cuối cùng lên rước lễ. Bà tự lăn xe lên và xuống. Không ai giúp bà lăn và linh mục cũng không xuống dưới để trao Mình Thánh Chúa cho bà. Ngày thứ sáu Tuần Thánh, trong nghi thức hôn Thánh giá, giáo dân xếp hàng ngang mỗi hàng 4 người để cúi đầu trước Thánh giá (không hôn). Bà cụ cũng là người cuối cùng lên cúi đầu trước Thánh giá.

- Ở Nhà thờ Rokko, cha chủ tế, đồng tế, nhóm giúp lễ và các thừa tác viên Thánh thể cầu nguyện trước Thánh lễ khoảng 10 phút. Sau đó các thừa tác viên ra khỏi phòng áo để tiếp tục chuẩn bị cho Thánh lễ. Những người còn lại đứng trong thinh lặng cho tới đến giờ bước ra khỏi phòng áo để bắt đầu Thánh lễ.

Kobe, Nhật Bản, ngày 9.4.2023

Đi sắm đồ cũ tại Nhật

Khi mình xếp áo quần vào vali cho chuyến đi qua Việt Nam và Nhật Bản tiếp theo đó, mình đã chọn những áo quần nhẹ để không choán nhiều chỗ trong vali. Mình cũng nghĩ rằng ở Nhật Bản vào tháng tư thời tiết có lẽ mát chứ không lạnh. Vì thế mình chỉ mang một chiếc áo len mỏng mà mình từng mua tại tiệm Uniqlo ở Thái Lan. Chiếc áo len này đã từng đồng hành với mình tại Âu châu, Úc châu, cũng như Hoa Kỳ, và bây giờ thì tới Nhật Bản.

Tuy nhiên, khi tới đến thành phố Kobe thì mình phát hiện ra thời tiết còn tương đối lạnh. Nơi mình ở cũng nằm trên đồi nên nhiệt độ ban đêm thấp hơn phía dưới. Từ chiều thứ tư đến nay trời lại mưa nên trong nhà càng cảm thấy lạnh hơn. Những ngày qua, mình phải mặc ao len cả trong nhà lẫn khi đi ra ngoài. Nhưng với chỉ một chiếc áo len phải mặc suốt ngày thấy không ổn, nên hôm nay mình lên Google Maps để xem gần nơi mình ở có tiệm bán áo quần nào không để đi mua thêm áo mặc trong thời gian thời tiết ở đây còn lạnh.

Google chỉ cho mình một tiệm áo quần cũ (second hand) cách mình ở khoảng 1,5 km. Sau khi mình ăn và nghỉ trưa xong, mình sách ba-lô đội ô tìm tới tiệm áo quần cũ có tên Orange Thrifty. Nhờ có định vị dẫn đường mình cũng đã đến đúng chỗ. Bên trong có rất nhiều áo quần thời trang cũ, phần lớn dành cho phái nữ. Tuy nhiên, thời trang dành cho phái nam cũng được khoảng 20% của tiệm.Trong tiệm có cả thời trang đường phố và thời trang công sở.

Mình tới chỗ có treo những chiếc áo ấm danh cho nam giới. Có những chiếc áo jacket giá 6000 yen (>1500 THB), 3000 yen (>750 THB), và cũng có những chiếc áo với giả chỉ 1000, 800, 500 yen (130 THB). Những chiếc áo trong tiệm mặc dù không mới, nhưng đều trong tình trạng tốt và đều là hàng hiệu chất lượng cao. Mới đầu mình nghĩ rằng sẽ chỉ mua một chiếc áo ấm, nhưng thấy giá quá rẻ nên quyết định chọn bốn cái, 2 cái giá 500 yen, và 2 cái giá 800 yen. Thế là mình tậu được 4 cái áo ấm đẹp và chất lượng để thay qua thay lại mà chỉ mất 2,600 yen (675 THB/20 USD).

Thanh toán tiền xong, mình bước ra khỏi tiệm, lấy luôn một cái ra để mặc đi bộ về nhà vì sau 6 ngày liên tục mặc chiếu áo len kia thì cũng đã đến lúc phải thay áo vì nhiều lý do.

Trải nghiệm này cho thấy ở Nhật Bản không phải cái gì cũng đắt đỏ. Quan trọng là mình biết cách tìm, và quan trọng hơn nữa là may mắn.

Kobe, Nhật Bản, ngày 7.4.2023

Đi tàu, đi chợ


Hôm nay, sau khi Thánh lễ truyền dầu kết thúc, mình, Sr Thảo và cha Thuần được hai giáo dân người Nhật mời đi ăn trưa ở một nhà hàng trong thành phố Osaka. Hai bà là giáo dân của giáo xứ mà cha Thuần từng làm việc trước khi được thuyên chuyển qua giáo xứ mà ngài đảm trách hiện nay. Hai bà tỏ ra rất vui vẻ, cởi mở và quý cha Thuần. Không ai nói được tiếng Anh nên mình chỉ nói chuyện với họ một chút qua sự phiên dịch của Sr Thảo. Nhưng qua nét mặt, cử chỉ và giọng nói thì họ tỏ ra vô cùng cởi mở và thân thiện. Hôm nay lại là ngày sinh nhật của một trong hai người.

Ăn xong, mình, Sr Thảo và cha Thuần ra ga tàu điện để về - cha Thuần về giáo xứ của ngài để lo cho Tam Nhật Thánh; Sr Thảo về nhà dòng của sơ; còn mình thì về Trung tâm “Nhà Hy Vọng” ở Kobe. Tuy nhiên, Sr Thảo cũng đã rất chu đáo đưa mình lên đúng tuyến tàu (trước đó có đi nhầm tuyến) trước khi sơ về nhà dòng. Trước đó Sr Thảo định đưa mình về tới TT rồi mới lên tàu về nhà dòng, nhưng mình nhất định không đồng ý. Mình bảo Sr Thảo cứ để mình tự đi về nhà để tập làm quen với đường. Mình cũng đã từng qua Nhật và từng đi nhiều nơi nên mình không sợ nếu bị lạc đường vì mình mang quan điểm “Đường nằm nơi cái miệng.” Biết là người Nhật ít biết (hoặc ít dám) nói tiếng Anh, nhưng chắc chắn mình sẽ tìm được người giúp đỡ nếu thực sự cần thiết.

Sau khi đã lên đúng tuyến tàu thì mọi việc rất trôi chảy. Toa tàu mình đi từ Osaka tới Kobe có rất ít hành khách. Là tuyến tàu chạy chậm (dừng lại tất cả các ga) nên mất thời gian hơi lâu. Tuy nhiên, mình không có gì gấp rút nên không cần phải đi tàu nhanh. Về tới ga Rokkomichi, mình ra ngoài, bật lên định vị để xem hướng đi bộ về nhà. Thời buổi này có GPS hỗ trợ nên việc định hướng không là vấn đề.

Quãng đường từ ga tàu điện tới nhà hơn 1km đi lên dốc, nhưng không quá cao. Buổi chiều trời chưa quá lạnh nên đi bộ ngoài đường cảm thấy mát mẻ và sảng khoái. Mình bước đi chậm để quan sát mọi thứ xung quanh. Những ngày qua, mình đi lại với cha Thuần, hai người vừa đi vừa nói chuyện nên mình không thể tập trung ngắm nhìn những cảnh vật hai bên lối đi. Hôm nay mình đi một mình nên không có gì để chi phối. Thế là mình nhìn hết những cây xanh, cây hoa mà người ta trồng trên đường hoặc trong vườn nhà. Mình xem những quán xá mà người ta kinh doanh trong khu vực. Và dĩ nhiên mình ngắm nhìn những người đang đi trên đường phố - cách đi đứng, ăn mặc….

Đi được nửa đường, mình ghé qua một siêu thị để mua đồ về ăn tối. Mình vốn thích đậu hủ non nên mình tìm tới kệ đặt thực phẩm này. Qua Nhật mới thấy người ta có rất nhiều hiệu đậu hủ non khác nhau. Mình cũng không biết nên chọn loại nào nên chọn cái mà mình thấy có giá cả phải chăng. Về chất lượng thì mình nghĩ trong siêu thị Nhật cái gì cũng khá tốt nên mình không mấy băn khoăn về vấn đề này. Để ăn với đậu hủ mình mua mì udon. Thế là mình đã có một bữa ăn tối bao gồm mì udon với đậu hủ. Ở trong TT có đầy đủ những dụng cụ cần thiết để nấu ăn nên mình đã tự túc trong khâu này. Trong ba tháng lưu lại ở Nhật, ngoài những lúc đi ra ngoài ăn, hoặc có việc đi xa thì mình cũng sẽ tự nấu những món ăn đơn giản cho bản thân. Mình không biết nấu ăn nên chỉ sẽ nấu những gì “nhanh, gọn, lẹ” nhưng cũng đảm bảo dinh dưỡng. Thực ra mình là người dường như không biết nấu ăn nên có muốn cầu kỳ mình cũng không biết đường nào để làm. Nhưng dù sao thì mình vẫn thích cái lối đơn giản và nhanh gọn, đặc biệt khi mình nấu và ăn một mình.

Kobe, ngày 5.4.2023

Ngày thứ hai tại Kobe


 Hôm nay là ngày thứ hai tại Kobe. Mình đã làm quen với căn phòng ngủ của mình và đã sắp xếp những đồ đạc dùng hằng ngày vào những vị trí thuận tiện để xử dụng. Trong phòng ngủ có nhiều tủ áo, nhưng mình không cần đến vì áo quần mình mang đi không nhiều. Đây cũng là một thiếu sót vì hoá ra tháng tư thời tiết ở đây vẫn có tương đối lạnh, nhưng mình chỉ có một chiếc áo len mỏng. Có lẽ mình sẽ phải tìm mua thêm một chiếc áo ấm để thay qua thay lại trong thời gian trời còn rét.

Sáng nay, như thường lệ mình chỉ uống cà phê đen không đường sau khi thức dậy. Trong lúc uống cà phê, mình và và cha Thuần ngồi nói chuyện chia sẻ với nhau về những đề tài khác nhau mà cả hai quan tâm. Mình và cha Thuần đã quen nhau khá lâu và cũng đã từng cộng tác với nhau trong một số công việc nên có nhiều đồng điểm trong cách đặt và nhìn vấn đề. Nói cách khác là khi nói chuyện với nhau dường như cả hai bắt được tầng sóng trong tư tưởng nên dễ dẫn đến sự đồng cảm.

Mình nói chuyện với cha Thuần một hồi thì trở về phòng làm việc. Đến gần 10g00 sáng thì có Sơ Thảo tới làm việc tại trung tâm nêm mình ra chào và làm quen với sơ. Sơ Thảo là một tu sĩ trẻ thuộc một dòng nữ tu của Tgp Osaka. Mặc dù nhỏ con, nhưng sơ tỏ ra lanh lẹ, hoạt bát và vui vẻ. Cha Thuần trao đổi với sơ về những gì mình sẽ làm trong thời gian lưu lại Kobe để sơ nắm bắt được chương trình của mình.

Sau khi nói chuyện với Sr Thảo xong, mình và cha Thuần đi dâng lễ trong nhà nguyện. Còn Sr Thảo thì liên lạc với cha xứ của giáo xứ gần TT để mình và cha Thuần qua chào. Tuy nhiên, cha quản xứ không có ở nhà, mà chỉ có cha phụ tá. Ngài là một linh mục dòng Tên đã có tuổi ngoài 70 với cặp tai to như tai Đức Phật. Ngài vui vẻ và có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Mới đầu ngài chỉ nói chuyện bằng tiếng Nhật với cha Thuần và với Sr Thảo. Nhưng sau một lúc mình hỏi ngài bằng tiếng Anh thì ngài trả lời khá tốt và từ đó mình bắt đầu nói chuyện trực tiếp với ngài thay vì qua lời phiên dịch của cha Thuần.

Trong những ngày Tam Nhật Thánh, mình sẽ đến tham dự các nghi thức tại nhà thờ này. Ở đây chỉ có lễ bằng tiếng Nhật. Đó sẽ là trải nghiệm mới cho mình khi tham dự các nghi thức bằng ngôn ngữ mà mình không biết. Tuy nhiên, mình sẽ theo dõi nội dung bằng tiếng Anh qua ứng dụng phụng vụ mà mình có trên điện thoại để tham dự các nghi thức một cách trọn vẹn hơn.

Trở lại TT sau buổi gặp cha xứ người Nhật, mình, cha Thuần và Sr Thảo dùng buổi trưa, món mì xào măng chính Sr Thảo tự nấu. Một bữa ăn giản dị nhưng ngon vì mình không ăn sáng nên đến giờ đó cũng đã khá đói bụng. Ăn xong, mình nghỉ trưa rồi dậy làm việc cho tới hơn 5g chiều.

Một lát sau mình và cha Thuần đi ra ngoài ăn tối và tiếp tục cuộc nói chuyện từ sáng, cũng là những đề tài về mục vụ, về hoàn cảnh di dân, về Giáo hội và xã hội…. Mình và cha Thuần ngồi nói chuyên và dùng những món ăn truyền thống của Nhật trong một quán hẹp với chỉ vài cái ghế nhỏ. Ở Nhật các loại quán nho nhỏ này rất nhiều. Cha Thuần nói. Đó là phong cách của Nhật – nhỏ, gọn, nhẹ. Mình cũng thấy vậy.

Những ngày lưu lại ở Nhật, mình cũng sẽ học hỏi và bắt chước cái phong cách tối giản đó trong cuộc sống nhằm xây dựng một lối sống “đơn giản” nhưng “không đơn điệu”.

Kobe, ngày 4.4.2023

Chuyện trong tiệm hớt tóc


 

Trước khi rời Việt Nam, mình đã tìm đến một tiệm hớt tóc trên đường Pasteur để tân trang lại đầu tóc trước khi bay qua Nhật. Mặc dù mình mới cắt tóc ở Thái Lan chưa tới 2 tuần, nhưng mình thấy ở Việt Nam cắt tóc giá rẻ, qua Nhật không biết đi cắt tóc có dễ dàng hay không, nên quyết định cắt ở Việt Nam trước khi lên đường.


Như bao nhiêu vấn đề khác trong thế giới ngày nay, mình tìm ra tiệm hớt tóc dựa theo giới thiệu của Google với những phản hồi của các khách hàng đã từng dùng dịch vụ ở đây. Mình thấy tiệm hớt tóc cũng không quá xa, cách mình ở chỉ 950 mét, có thể đi bộ được.

Khi tới nơi, cô nhân viên tiếp tân hỏi mình muốn cắt tóc giáo 90k hay giá 130k. Mình nói cắt giá 130k. Cô hỏi có yêu cầu thợ nào không? Mình nói thợ nào cũng được vì đây là lần đầu tiên mình tới tiệm. Thế là mình được giao cho một thợ hớt tóc trẻ, tầm 20 tuổi. Anh thợ hỏi mình muốn cắt kiểu gì? Mình nói cắt như cũ, rẽ mái qua một bên. Anh ta hỏi phía dưới muốn cắt sát bao nhiêu? Mình trả lời 1,5 – đừng sát quá. Thế là anh ta bắt đầu gọt đầu của mình từ dưới lên trên.

Khi đã bắt đầu cắt một vài phút, anh thợ trẻ tự giới thiệu về mình. Nói rằng anh ta theo đạo Hồi giáo. Mình cũng bất ngờ vì thường trong tiệm hớt tóc người ta không nói nhiều về các vấn đề tâm linh. Mà ở Việt Nam thì cũng không mấy khi gặp ai người Hồi giáo, hoặc tự giới thiệu mình theo đạo Hồi giáo. Mình hỏi ở Sài Gòn người Việt theo đạo Hồi giáo nhiều không thì được cho biết là cũng khá nhiều. Bạn ấy đến từ một tỉnh miền Nam, ở đó có nhiều người theo Hồi giáo.

Mình hỏi anh thợ đi hớt tóc như vậy có cầu nguyện mỗi ngày 5 đợt như luật đạo không, thì anh ấy trả lời chỉ cầu nguyện khi ở nhà, vì trong tiệm không có không gian thuận tiện cho việc tâm linh. Mặc dù đạo hồi đang trong mùa chay Ramadan, nhưng người bạn trẻ cũng không thể giữ chay khi đi làm, mà chỉ giữ chay vào ngày nghỉ. Khi ở nhà thì sẽ ăn chay, cầu nguyện ngày 5 lần và tới đền thờ Hồi giáo gần nhà ở quận 8.

Người thợ hớt tóc chia sẻ một số điều về cộng đồng người Hồi giáo tại Sài Gòn cho mình nghe. Anh ta cũng không hỏi mình theo đạo gì, mà mình cũng không nói cho anh ấy biết. Sau khi về tới nhà mình mới tự vấn sao không nói cho người thợ hớt tóc trẻ biết mình là linh mục xem bạn sẽ có những suy nghĩ hay câu hỏi gì cho mình. Anh ấy đã rất sẵn sàng tự chia sẻ với mình rằng anh ta theo đạo Hồi giáo trong khi trước đó mình không hề hỏi han gì về tín ngưỡng của anh ta. Đáng ra mình cũng phải đáp trả sự cởi mở này bằng việc tiết lộ về chính mình.

Trong mối tương quan giữa các tôn giáo hiện nay, người ta thường nói về các hình thức đối thoại liên tôn. Trong các hình thức khác nhau, hình thức đầu tiên và căn bản nhất là đối thoại trong cuộc sống hằng ngày giữa những con người trong xã hội. Mỗi ngày chúng ta có thời gian để gặp gỡ, chia sẻ, và trao đổi với những người khác tôn giáo trong những tình huống cũng như hoàn cảnh bình thường trong cuộc sống. Sự đối thoại này có thể diễn ra bất cứ nơi nào – nơi làm việc, trước sân nhà, hoặc như trong trường hợp hôm nay, trong một tiệm hớt tóc nam.

Hôm đó mình đã bỏ lỡ cơ hội để thực sự thực hiện đối thoại liên tôn bằng hình thức đối thoại trong cuộc sống thường nhật. Người thợ hớt tóc trẻ đã mở ra cho mình một cơ hội, nhưng mình đã không nắm lấy. Và đây là một điều rất đáng tiếc vì không dễ gì mà một linh mục gặp một thanh niên Hồi giáo trong một tiệm hớt tóc tại Sài Gòn. Là một người đã không ít lần viết và thuyết trình về đề tài đối thoại liên tôn trên lý thuyết, nhưng không phải lúc nào mình cũng đem ra thực hành một cách có ý thức trong bối cảnh thực tế. Đây cũng là bài học nhắc nhở mình phải ý thức và tận dụng những cơ hội, cho dù là những tình huống rất bình thường để đối thoại, ở bất cứ nơi nào, hoàn cảnh nào, và với bất cứ ai có thiện tâm thiện chí để đối thoại và chia sẻ.

Sài Gòn, ngày 4.4.2023

Ngôi nhà hy vọng

Tối hôm qua, chuyến bay Vietjet xuất phát từ Sân bay Tân Sơn Nhất lúc 1g sáng đã đáp ở Sân bay Osaka, Nhật Bản lúc 8g30 sáng. Mình rời Việt Nam sau khi đã hoàn tất 3 chương trình hội thảo tại Nghệ An và Sài Gòn về các đề tài truyền giáo, mạng xã hội, và môi sinh. Chương trình cuối cùng diễn ra ngày hôm qua tại Trung tâm Linh đạo Đắc Lộ thuộc Dòng Tên ở Quận 3, Sài Gòn.

Sau khi làm thủ tục nhập cảnh xong, mình ra ngoài và được cha bạn là cha Nguyễn Quốc Thuần đang chờ đón. Cha Thuần hiện đang quản xứ trong Tgp Osaka, đồng thời làm mục vụ di dân Việt Nam. Ngài từng cộng tác với mình để biên tập cuốn sách chủ đề “Di dân Việt Nam tại Á châu” được phát hành năm 2020.

Từ sân bay, mình và cha Thuần đi bằng tàu điện để tới thành phố Kobe. Nơi đây có một trung tâm mục vụ cho di dân Việt Nam gọi là “Nhà Hy Vọng” do cha Thuần phụ trách. Toà nhà này thuộc Dòng Tên sở hữu, nhưng chuyển nhượng lại cho mục vụ Việt Nam. Toà nhà 2 tầng khá rộng với nhiều phỏng ngủ, phòng ăn, phòng khách, và phòng sinh hoạt.

Đây là nơi mà mình sẽ ở trong thời gian lưu lại Nhật Bản cho tới tháng 7. Chuyến đi này nằm trong khuôn khổ của một chương trình gọi là “sabbatical” mà mình được Hội dòng cho phép thực hiện trong năm nay. “Sabbatical” là thời gian mà các tổ chức tôn giáo cũng như xã hội cho phép thành viên của mình được phép nghỉ làm việc để có thể theo đuổi sở thích của mình, như đi du lịch, viết lách, nghiên cứu, tình nguyện hoặc các hoạt động khác (hoặc thậm chí nghỉ ngơi). Trong thời gian đó, nhân viên vẫn được tuyển dụng tại tổ chức của họ, nhưng họ không cần thực hiện nhiệm vụ bình thường hoặc báo cáo công việc.
 
Đối với Dòng Ngôi Lời, tỉnh Dòng Úc mà mình trực thuộc thì một thành viên có thể xin phép thực hiện sabbatical sau 15 năm khấn trọn hoặc chịu chức linh mục. Theo dự tính thì mình sẽ đi sabbatical vào năm 2022, nhưng vì khó khăn liên quan đến đại dịch Covid-19, nên mình đã hoản lại tới năm nay.

Mình sẽ làm gì trong thời gian sabbatical? Đó là mình sẽ đầu tư một khoản thời gian đáng kể để soạn bản thảo cho một tập sách tiếng Anh với đề tài tạm dịch là “Sự tu dưỡng bản thân theo phương cách tôn giáo với sự thúc đẩy một nền sinh thái toàn diện”. Đây là tập sách mà mình đã ấp ủ viết trong thời gian nhiều năm qua và cũng đã thực hiện một số bài viết có liên quan đến chủ đề này. Tuy nhiên, những bài viết trước đây chỉ là những mảnh ghép khác nhau xoay quanh đề tài, nhưng chưa bàn thảo hết mọi vấn đề mà mình cần phải khai thác. Chính vì thế mà trong kỳ nghỉ phép này, mình sẽ tận dụng thời gian để biên soạn lại những gì đã từng viết, tiếp cận những khía cạnh của đề tài chưa được đề cập tới, và thực hiện một bản thảo nháp từ đầu tới cuối theo thứ tự của mục lục mà mình đã soạn.
 
Mình không kỳ vọng sẽ hoàn tất mọi thứ trong thời gian sabbatical, nhưng với sự nỗ lực thì mình nghĩ rằng sẽ có một bản thảo tương đối đầy đủ để có thể tiếp tục hoàn thiện sau đó. Mình có động cơ lớn phải hoàn tất bản thảo trong năm 2023 hoặc đầu năm 2024 vì vào tháng 6, 2024, mình được một học viện Thần học tại thành phố Chicago dạy môn học về tôn giáo và môi trường. Mình sẽ lấy bản thảo của mình làm tài liệu cho môn học để các sinh viên tham dự lớp học không phải đọc các tài liệu khác. Mình cũng sẽ xây dựng những bài thuyết trình cho môn học dựa trên tài liệu này để làm rõ những nội dung trong tài liệu cũng như củng cố thêm kiến thức cho người học.
 
Thường thì thời gian sabbatical người ta không phải làm những trách nhiệm bình thường. Nhưng trên thực tế thì mình không thể bỏ hết những việc bình thường để đầu tư toàn thời gian vào việc viết lách được. Đó là vì ngay cả khi đang ở Nhật, mình sẽ vẫn phải tiếp tục làm nhưng công việc biên tập tạp chí, họp hành, thuyết trình trong một số chương trình hội thảo online, và thực hiện những bài viết khác mà mình đã chấp nhận thực hiện cho các dự án sách báo khác. Tuy nhiên, khi ở đây, mình sẽ có thêm thời giờ để suy tư và làm việc khi không phải đảm trách những công việc hoặc tham gia các sinh hoạt như khi ở nhà tại Thái Lan.

Mình đến Nhật lần này không phải với mục đích để đi du lịch, không phải để đi nghiên cứu, tìm hiểu về đời sống của người Nhật (vốn rất ấn tượng và thú vị), nhưng là để tìm một không gian lý tưởng để thực hiện dự án sách quan trọng này. Dĩ nhiên mình sẽ có những cuộc gặp gỡ và tham gia một số sinh hoạt trong thời gian lưu lại Nhật Bản. Nhưng tất cả những thứ đó là thứ yếu đối với việc mình cần phải thực hiện tập sách cho kịp để sử dụng nó vào năm tới.

Mình rất may mắn khi cha Thuần đã tạo điều kiện cho mình tới ở trong căn nhà này trong thời gian ba tháng. Mình tin rằng với phong cảnh yên bình ở đây, với điều kiện thuận lợi về nhiều mặt, mình sẽ ít nhiều đạt được những mục tiêu mà mình đã vạch ra khi chọn nơi này để thực hiện chương trình sabbatical chính thức bắt đầu từ hôm nay. Mình bắt đầu chương trình này trong Tuần Thánh cũng là thời gian quan trọng để mình suy tư, cầu nguyện và nhận ra rằng tất cả mọi việc mình làm đều là để tôn vinh Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương một cách vô bờ bến, đặc biệt qua việc chịu khổ hình, cái chết và sự sống lại trong vinh quang của Chúa Giê-su.
 
Kobe, Nhật Bản, ngày 3.4.2023

Tạm biệt tháng 3 tại Sài Gòn



Tối hôm nay mình viết nhật ký từ một nơi khá thú vị, đó là một quán cà phê nhạc acoustic ở trên đường 3 tháng 2, Quận 10 tại Sài Gòn. Mình đã tới Sài Gòn từ ngày 25/3 trong một chuyến đi Việt Nam kéo dài 10 ngày để thực hiện một số bài thuyết trình ở Nghệ An, Gp. Vinh và Trung tâm Linh đạo Đắc Lộ thuộc Dòng Tên tại Sài Gòn. Ở Nghệ An, mình được cha Lê Đức Bắc, SVD mời để chia sẻ trong chương trình hội thảo về Loan báo tin mừng mà ngài tổ chức trong Hạt Phủ Quỳ, Gp Vinh.
 
Trong chuyến đi Vinh lần này, bên cạnh việc thuyết trình ở nhà thờ Gx Đồng Lèn, nơi các cha Ngôi Lời đang phục vụ giáo xứ cũng như một số giáo điểm ở vùng núi, mình còn có dịp hội ngộ với một số bạn trẻ ở huyện Nghi Lộc mà đã từng sinh hoạt với mình khi còn là các lao động nhập cư tại Thái Lan. Mặc dù chỉ là một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi trong một bữa ăn tối tại Vinh, nhưng sự hội ngộ cũng mang lại cho mình cũng như các bạn rất nhiều niềm vui khi nhắc lại cho nhau nghe những kỷ niệm thời vất vả mưu sinh trên đất Thái. Đặc biệt bây giờ, dường như bạn nào cũng đã lập gia đình và có con cái. Còn thời các bạn làm việc tại Thái Lan và sinh hoạt trong giáo xứ của mình thì ai cũng còn rất non trẻ.
 
Mình chỉ lưu lại Nghệ An/Vinh hơn hai ngày vì mình có lịch thuyết trình ở Sài Gòn vào sáng Chúa Nhật 26/3. Lần này mình thuyết trình trong hai buổi hội thảo ngày Chúa Nhật. Chúa Nhật đầu tiên mình thuyết trình về đề tài Mạng xã hội. Và Chúa Nhật thứ hai (2/4/2023), mình sẽ thuyết trình về đề tài môi trường. Đây cũng là những đề tài mà mình bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu và suy tư nên mình cũng muốn chia sẻ kết quả của quá trình tìm hiểu vấn đề với những người khác.
 
Thời gian còn lại trong tuần, mình có một số cuộc gặp gỡ với các cộng sự và người quen tại Việt Nam. Ngoài ra, hầu hết thời gian mình dành cho công việc biên tập và viết lách vì mình phải chạy đua với thời gian để phát hành tạp chí của Trung tâm nghiên cứu mà mình đảm trách cho đúng thời hạn. Việc biên tập đòi hỏi rất nhiều thời giờ và mình phải làm liên tục cho dù ở bất cứ nơi nào -- tại sân bay, ở những nơi mình lưu lại trong các chuyến đi, và thậm chí trong quán cà phê.

Tối nay mình đã tìm tới một nơi với hy vọng nó sẽ mang lại cho mình thêm nguồn cảm hứng trong công việc, đó là một quán cà phệ nhạc sống acoustic. Mình được trời ban cho một khả năng là có thể tập trung làm việc ở những nơi ồn ào mà không mấy bị phân tâm. Vì thế trong căn phòng mà ban nhạc đang trình diễn trên sân khấu mình vẫn có thể mở máy vi tính ra để làm việc hiệu quả. Thậm chí ngồi trong không gian như vậy còn làm cho mình cảm thấy không buồn ngủ, nên việc nhìn chăm vào những bài viết học thuật dường như đỡ nhàm chán hơn. Tuy nhiên, trong không gian quán cà phê thì không phải cái gì cũng có thể làm được. Chủ yếu mình làm những việc như sửa lỗi chính tả, sửa những lỗi trong việc trích dẫn của tác giả, và những vấn đề liên quan đến hình thức của bài viết. Đối với nội dung thì mình phải chọn một không gian thuận lợi hơn để làm việc.
 
Ngoài những công việc mà mình phải làm một cách liên tục thì có một việc khác mình cũng không thể lơ là đó là chăm sóc sức khoẻ. Trong suốt chuyến đi mình đều tìm thời gian để tập thể dục. Những ngày lưu lại Vinh, mình chơi bóng chuyền với các bạn trẻ tại nhà thờ Đồng Lèn vào ban chiều. Tại Sài Gòn, mình tìm đến một phòng tập gym bên cạnh Công viên Tao Đàn để tập thể dục nhằm duy trì sức khoẻ. Khi đi lại, việc ăn uống và ngủ nghỉ sẽ không điều độ như ở nhà, nên việc tập thể dục đều đặn là rất cần thiết để duy trì sức khoẻ tốt.

Sáng hôm nay mình đi tới bệnh viện Chợ Rẫy từ lúc 6g sáng để khám sức khoẻ tổng quát. Đây là một việc mà mình đã không làm tới nơi tới chốn trong thời gian rất lâu. Thực ra ở Thái Lan mình cũng đã làm hẹn với một bệnh viện để khám tổng quát, nhưng tới tháng 7 mình mới có hẹn. Cách đây vài ngày tình cờ mình được một người bạn ở Sài Gòn cho hay ở bệnh viện Chợ Rẫy có khoa chăm sóc sức khoẻ theo yêu cầu. Mình có thể tới bệnh viện đăng ký khám sức khoẻ và lấy kết quả trong ngày, không cần phải làm hẹn. Thấy thuận tiện và biết rằng bệnh viện Chợ Rẫy là một bệnh viện có uy tín tại Việt Nam nên tối hôm qua, mình đã nhịn ăn uống từ sớm tối để chuẩn bị cho cuộc khám sáng hôm nay.
 
Sau khi làm thủ tục, mình đã được bác sĩ tư vấn nên khám những vấn đề gì. Mọi thứ diễn ra khá nhanh chóng, và tới hơn 8g00 thì tất cả các việc xét nghiệm đã hoàn tất. Mình đặc biệt ấn tượng với y tá lấy máu của mình. Ông ta lấy máu mà mình không hề có cảm giác như có kim đâm vào trong vein. Chưa bao giờ việc lấy 5 ống máu thấy dễ dàng và nhẹ nhàng như thế.
 
Mọi thứ ở bệnh viện xong, mình ra một quán cà phê trên đường Lý Thường Kiệt gần đó để làm việc chờ lấy kết quả lúc 2g chiều. Mình không muốn về phòng rồi trở lại vì không muốn mất thời giờ đi lại cũng như phải dang nắng vì mình chủ yếu đi lại bằng xe ôm grab, vừa nhanh vừa rẻ. Khi mình trở lại bệnh viện thì kết quả đã có sẵn và chỉ sau vài phút chờ thì mình được vào gặp bác sĩ. Cô bác sĩ khá trẻ và vui tính, báo cho mình là kết quả các xét nghiệm tốt, không có gì phải đáng quan ngại. Tuy nhiên, cũng có một vài chỉ số hơi cao hoặc hơi thấp so với lý tưởng, nhưng không phải là những vấn đề phải gây hoang mang.
Sau khi nhận kết quả xét nghiệm xong, mình về lại chỗ ở, nghỉ ngơi một lúc, rồi sách ba lô đi tiếp. Nơi mình đến là quán cà phê nhạc sống mà mình thấy người ta giới thiệu trên mạng xã hội. Trước khi vào quán cà phê, mình đi bộ tới một quán vĩa hè gần đó để ăn một tô bún chả cá thác lác và 3 quả vịt lộn cho bữa ăn tối. Ăn xong, mình bước vào quán khoảng 30 phút trước khi chương trình nhạc acoustic bắt đầu. Ở đây không gian không lớn lắm, có một sân khấu nhỏ, khách hàng cũng chỉ vài chục người. Mình ngồi một mình với máy vi tính và ly trà gừng giá 60,000 VND.
 
Ban nhạc là 3 thanh niên trẻ, một người nam, một người bắc, còn người thứ ba chỉ gõ trống không nói gì nên không biết gốc gác ở đâu. Họ hát đủ thứ thể loại nhạc, mình dường như không quen biết đa số các bài họ hát, có lẽ vì họ chủ yếu hát những ca khúc mới. Nhưng mình không quan tâm lắm vì mình chỉ muốn mượn không gian lạ để làm việc, không phải chủ trương đi nghe nhạc. Dù sao thì mình vẫn cảm thấy thú vị với một cảm giác rất là “Sài Gòn” khi tới đây tối hôm nay.
 
Hôm nay là ngày cuối cùng của tháng 3, một thời gian khá bận rộn với những chuyến đi Úc và Việt Nam, nhiều cuộc họp hành, và công việc dạy học, biên tập, viết lách v.v. Nhìn lại mình cảm thấy rằng mình đã có một thời gian tốt đẹp. Ngày mai mình bắt đầu một tháng mới hứa hẹn nhiều trải nghiệm thú vị. Mình may mắn khi trong đời sống và công việc của mình luôn có những điều phía trước làm cho mình trông chờ và muốn bước tới để được tiếp cận với nó. Tuy nhiên, để thực hiện được những điều đang chờ đợi thì luôn đòi hỏi nơi mình sự cật lực và nghiêm túc trong công việc cũng như sự cầu tiến để tạo thêm cho mình những cơ hội để khám phá và tìm hiểu.
 
Sài Gòn, 31.3.2023