Cuốc chiến cạnh tranh dành được sự chú ý

 


Có một điều mà mình đang cố gắng làm mỗi lần đi lại trên xe buýt hay xe điện công cộng là không xem điện thoại như đa số các hành khách khác đang ngồi trên xe. Nếu có dùng điện thoại thì chỉ là để nghe audiobook qua tai nghe. Lý do là vì trong công việc của mình hằng ngày, mình luôn nhìn chăm vào màn hình vi tính hoặc ipad để viết lách, biên tập, đọc tài liệu… Vì thế, khi đi ra ngoài, đó chính là lúc mình có cơ hội để ‘biết người biết ta’ qua việc quan sát những gì xung quanh mình.

Ngồi trên xe buýt, mình có thể nhìn nhân viên thu tiền và xuất vé cho hành khách như thế nào. Mình có thể xem cách người đó giao tiếp với mọi người và thái độ trong công việc. Ngồi trên xe điện, mình có thể nhìn xung quanh để quan sát những mốt thời trang hay kiểu tóc mà giới trẻ ngày nay đang ưa chuộng. Mình có thể phát hiện nếu có người cao tuổi chưa có chỗ ngồi mà mình có thể nhường lại cho họ. Và dĩ nhiên đó cũng là lúc mình để cho mắt mình làm việc nhẹ nhàng hơn khi không phải dán vào một mành hình nhỏ bé của chiếc điện thoại thông minh.

Trên thực tế thì trên xe buýt hay xe điện có 10 người thì 9 người đang xem điện thoại. Vì thế mỗi lần mình ngồi trên tuyến xe điện ngầm tại Bangkok mà nhìn thấy ‘quảng cáo’ trên màn hình nhắc nhở mọi người không dùng điện thoại khi đi lại trên cầu thang, hoặc đang bước vào hoặc ra khỏi tàu thì mình không thể không cảm thấy một chút trớ trêu, vì thông điệp bổ ích ấy dường như không được ai tiếp cận, vì hầu hết đang nhìn vào điện thoại, đâu có nhìn lên màn hình tv của toa tàu để xem quảng cáo. Bởi thế lời tuyên truyền của người sản xuất thông báo cộng đồng dường như trở thành nước đổ lá môn. Người đã không xem điện thoại khi ngồi trên tàu điện thì có lẽ cũng sẽ không xem điện thoại khi lên xuống cầu thang hoặc thang máy. Còn người có nguy cơ có hành vi này nhiều nhất thì thông điệp lại không nhận được sự chú ý của họ.

Sự chú ý là một thứ mà thời buổi này còn quý hơn vàng. Ngày xưa, người ta cho vàng lá món đồ có giá trị nhất. Nhưng bây giờ thứ mà ai cũng muốn chiếm được, đó là sự chú ý của người khác. Các công ty công nghệ, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất phim ảnh…nghiên cứu và tìm đủ mọi cách để lấy được sự chú ý của người tiêu dùng. Đối với người kinh doanh các mặt hàng, sự chú ý có thễ dẫn đến doanh thu cao hơn. Đối với một ca sĩ, sự chú ý biến cho bài hát của họ trở nên một bản hit. Đối với các công nghệ, sự chú ý dẫn đến những cái bấm chuột để tiếp cận nội dung. Điều này dẫn đến thêm data về người tiêu dùng mà họ có thể ‘thu hoạch’ để tìm hiểu về sở thích, điều kiện, nhu cầu, thói quen…mua sắm của người tiêu dùng để bán lại cho các doanh nghiệp. Vì thế ai cũng tranh dành bằng mọi cách để lấy được sự chú ý của mỗi người từ trẻ em cho đến cụ già.

Sự chú ý của con người ngày càng trở nên một thứ có giá trị, được nhiều người và tổ chức tranh dành thì không dễ gì cho những cá nhân thiếu ‘chuyên nghiệp’ như cha mẹ, cô thầy, cha xứ… có lợi thế trong cuộc cạnh tranh không cân sức này. Và họ cũng dễ dàng nhận ra yếu thế của mình trong cuộc chiến mà ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Vì thế mà bài giảng lễ phải ngắn gọn hơn, nghi thức phải kết thúc nhanh hơn, bài thuyết trình phải thêm hình ảnh minh họa, clip YouTube phải xúc tích và dùng nhiều kỹ thuật hơn, và bài viết trên mạng xã hội không chỉ phải ít chữ mà còn phải kèm theo hình ảnh thật bắt mắt. Nội dung gì mà hơi dài hay hơi đơn điệu sẽ dễ dàng bị rơi vào hố rác sâu thẳm của thế giới kỹ thuật số nếu là đăng tải trên mạng. Còn với người nghe trực tiếp thì ngày xưa còn có hiện tượng ‘vào tai này ra tai kia’, nhưng bây giờ không dễ gì để cho nội dung kịp vào tai để mà có cơ hội ra tai kia. Có thể nói, nội dung không cuốn hút sẽ bị loại bỏ ngay từ giây phút trình bày.

Làm thế nào để các nhà tôn giáo hay nhà giáo dục thu hút được sự chú ý của người khác quả là một bài toàn khó. Một nhóm như BTS thì hát hay, nhảy đẹp. Một Elon Musk thì quyền lực và giàu có. Một Selena Gomez thì trẻ trung, quyến rủ. Còn bao nhiêu người khác gây được sự chú ý vì có khả năng làm chiêu trò, gây sốc hay tạo nên sự tò mò nơi người khác.

Trong tình cảnh như thế, các nhà tôn giáo và giáo dục đang đối diện với một thách đố vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, họ không thể đầu hàng trước thách đố này, nhưng phải tìm ra những phương pháp để lấy được sự chú ý của con người. Đây là một sự thao thức cho chính mình mà đến bây giờ mình vẫn chưa nghĩ ra phương hướng nào để ứng phó. Mình tin rằng đây cũng là sự trăn trở của vô số các nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội. Và như bao nhiêu vấn đề khác trong xã hội ngày nay, trình bày về vấn nạn luôn dễ dàng hơn đưa ra đường lối giải quyết.

Bangkok, ngày 2.6.2022

No comments: