Giáo hội Thái Lan và sứ vụ truyền giáo




Trong hội trường của TT Mục vụ Ban Phu Wan (Người Gieo Giống), các giám mục và linh mục ghi danh tham dự chương trình hội thảo lần thứ 32 dường như đã đến đầy đủ. Có những vị linh mục đã về hưu nhưng vẫn muốn đến tham dự hội thảo. Có những linh mục trẻ mới chịu chức chỉ được vài tháng. Có linh mục thuộc Hội thừa sai Paris và các hội dòng truyền giáo khác đang hoạt động tại Thái Lan. Trong hội trường còn có sự hiện diện của Đức Khâm Sứ Chang In-Nam, người gốc Hàn Quốc đã được bổ nhiệm phụ trách Thái Lan và các nước lân cận từ năm 2012 cho đến nay.  

Sáng nay, ĐHY Francis Xavier Kriengsak Kovitvanij, chủ tịch HĐGM Thái Lan đã tuyên bố khai mạc chương trình hội thảo. Trong bài mở đầu, ĐHY đã nhấn mạnh rằng Giáo hội Thái Lan rất tạ ơn Chúa vì việc Giáo hội Thái Lan được thành lập, tuy nằm ngoài chương trình ban đầu của các vị truyền giáo Âu châu, nhưng không nằm ngoài chương trình yêu thương vĩ đại của Chúa. Mặc dầu việc các nhà truyền giáo đến Thái Lan chỉ là chuyện tình cờ do kế hoạch đi tới nơi khác tại Á châu bị gián đoạn, nhưng sự việc nằm ngoài ý định ban đầu đó đã làm cho Tin Mừng được rao giảng tại Thái Lan. Và do đó mà cho tới hiện nay thì Tin Mừng đã được công bố trên đất nước Thái 350 năm.

Trong những ngày này, các phần của chương trình hội thảo không chỉ nhìn ngược quá khứ để ôn lại con đường của các nhà truyền giáo trên đất Xiêm hàng trăm năm về trước, nhưng còn nhìn tới để thấy rằng Giáo hội Thái Lan phải nhận ra vai trò của giáo hội Thái Lan là giáo hội truyền giáo không chỉ cho người Thái mà còn cho các dân tộc khác. Đã đến lúc người Công giáo Thái Lan ý thức được rằng họ không phải chỉ nương tựa vào các nhà truyền giáo ngoại quốc đến rao giảng Tin Mừng cho người Thái, nhưng chính họ phải đảm trách công việc đó cho nhau. Trong bài giảng trong nghi thức khai mạc của Đức Cha John Bosco Bancha, GM Giáo Phận Ratchaburi, ngài đã nói rằng: Nếu 300.000 người Công Giáo Thái Lan tích cực rao giảng Tin Mừng thì chắc chắn giáo hội địa phương sẽ ngày càng phát triển và lớn mạnh một cách không ngờ.

Ngoài việc người Công giáo Thái Lan trở nên các nhà truyền giáo trên đất nước mình, họ còn phải sẵn sàng để đóng góp vào sứ vụ rao giảng tại các đất nước khác. Thái Lan hiện nay đã có Hội thừa sai Thái Lan. Các linh mục và nữ tu trong hội hiện đang phục vụ tại một số quốc gia như Lào, Campuchia và Đài Loan. Giáo hội và mỗi người giáo dân chỉ thực sự trưởng thành khi đã ý thức được rằng mình không chỉ thừa hưởng việc chăm sóc từ những người khác nhưng chính mình phải cộng tác vào công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa. Giáo hội và giáo dân Thái Lan đang ở trong giai đoạn chuyển mình để ngày càng trưởng thành hơn trong căn tính và đường lối hoạt động của mình. Dịp kỷ niệm 350 năm truyền giáo tại Thái Lan là mốc thời gian quan trọng để xây dựng và củng cố một ý thức hệ mới cho các thành phần của Giáo hội Thái Lan từ hàng lãnh đạo cho đến giáo dân. Hy vọng rằng, năm thánh này sẽ mang lại nhiều kết quả và hồng ân đặc biệt cho người Công giáo Thái Lan để Tin Mừng sẽ được công bố qua lời nói cũng như hành động cụ thể trong đời sống của Giáo hội địa phương và trong toàn xã hội Thái Lan.

Nakhon Pathom, ngày 16.7.2019

No comments: