Theo ước tính thì hiện nay tại Thái Lan có khoảng 90 linh mục, tu sĩ và chủng sinh gốc Việt đang phục vụ và học tập trên toàn quốc. Khi nghĩ đến các linh mục, tu sĩ Việt Nam, nhiều người kể cả người Thái lẫn người Việt thường cho rằng, họ đến Thái Lan với mục đích phục vụ cộng đồng di dân Việt Nam tại Thái Lan, cụ thể các lao động di dân đang sinh sống tại đây. Trên thực tế, hầu hết các linh mục, tu sĩ Việt Nam được các dòng sai đến Thái Lan không với mục đích để phục vụ người Việt, nhưng để phục vụ cho người Thái và để giúp mở mang giáo hội địa phương. Cha Lê Thông Trường thuộc dòng Ngôi Lời là trong số các linh mục đang dấn thân trên cánh đồng truyền giáo ở xứ chùa vàng. Cha Trường thụ phong linh mục tại Hoa Kỳ năm 2018 và bắt đầu phục vụ tại Thái Lan trong vai trò là linh mục truyền giáo từ tháng 10, 2018 cho đến nay. Xin mời quý vị làm quen với nhà truyển giáo trẻ này qua bài phỏng vấn sau.
Hỏi: Thưa cha, cha có thể cho biết đôi chút về lý lịch của cha.
Cha Trường: Tôi sinh năm 1987 trong một gia đình Công giáo đạo đức tại Sài Gòn. Năm 6 tuổi, tôi theo gia đình định cư tại thành phố Charlotte, bang North Carolina, Hoa Kỳ. Tôi đã lớn lên ở thành phố này, nơi tôi đã tốt nghiệp chương trình giáo dục phổ thông tại một trường Công giáo. Khi vào đại học, tôi cũng đã học tại trường Đại học North Carolina thuộc thành phố Charlotte. Tôi tốt nghiệp bằng cử nhân khoa sinh học và có ý định đi theo con đường y khoa. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp và có một thời gian đi làm để trải nghiệm trong lĩnh vực y tế thì tôi lại suy nghĩ nhiều về ơn gọi linh mục. Từ đó tôi bắt đầu cầu nguyện nhiều để tìm hiểu về ơn gọi của mình.
Hỏi: Trước khi đến Thái Lan trong vai trò là linh mục truyền giáo, cha đã từng đến Thái Lan chưa?
Cha Trường: Tôi từng đến Thái Lan thực tập 2 năm sau khi đã hoàn tất năm 2 trong chương trình thần học, trong khuôn khổ chương trình Đào tạo xuyên văn hóa của Dòng Ngôi Lời. Tôi đến Thái Lan để đi thực tế nhằm xác định về ơn gọi truyền giáo của mình. Tôi muốn biết xem Chúa có thực sự kêu gọi tôi dấn thân như là một nhà truyền giáo hay không. Vì thế tôi đã mở lòng để học hỏi và làm hết sức mình trong thời gian thực tập đó. Tôi đã để cho Chúa dẫn dắt tôi trong một cuộc hành trình đầy bất ngờ. Qua kinh nghiệm phục vụ cho các bệnh nhân nhiễm HIV, dạy tiếng Anh trong trường học cũng như cộng tác với mục vụ giáo xứ, tôi đã học hỏi được nhiều điều bổ ích. Kết cuộc, tôi đã nhận được câu trả lời một cách kỳ diệu, và tôi đã rời Thái Lan với niềm tin vững chắc rằng Chúa muốn tôi trở thành một tu sĩ truyền giáo.
Hỏi: Sau khi chịu chức, cha có thể xin đi phục vụ ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Tại sao cha lại trở lại Thái Lan?
Cha Trường: Thực ra trước khi chịu chức linh mục, tôi có cân nhắc về điểm truyền giáo mà Dòng Ngôi Lời vừa mới thành lập tại Miến Điện, dưới sự quản lý của tỉnh Dòng Ngôi Lời Úc Châu. Với kinh nghiệm có được từ Thái Lan, tôi nghĩ rằng mình có thể cống hiến cho sứ vụ tại nơi truyền giáo mới này. Tổng quyền dòng Ngôi Lời tại Rô-ma cũng đã cho tôi bài sai tới Miến Điện để phục vụ trong lĩnh vực Kinh Thánh. Tuy nhiên, bề trên tại Thái Lan lại xin cho tôi trở lại Thái Lan để giúp trong Trung tâm HIV Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vì ở đây đang thiếu nhân sự. Rốt cuộc, tôi đã gác qua ý định đi Miến Điện và chấp nhận trở lại Thái Lan nơi hội dòng đang cần đến sự hiện diện của tôi nhất. Thiết nghĩ làm một nhà truyền giáo cần phải có tinh thần sẵn sàng phiêu lưu. Mình sẽ không biết chắc chắn mình sẽ được sai đi đâu. Nhưng mình lên đường với niềm tin vào Thiên Chúa. Và đó là điều mà tôi đã làm thời gian qua.
Hỏi: Cha có thể cho biết các trách nhiệm chính của cha trong lúc này?
Cha Trường: Bây giờ tôi cộng tác vào công việc ở Trung tâm Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và quản xứ nhà thờ Thánh Micae tại tỉnh Nong Bua Lamphu, vùng đông bắc Thái Lan. Trong giáo xứ, tôi cử hành các bí tích, dâng lễ hằng ngày và cuối tuần. Phía trung tâm, ngoài việc chăm sóc các bệnh nhân và người trẻ, tôi còn phải viết những dự án để xin hỗ trợ tài chánh để điều hành trung tâm.
Hỏi: Sứ vụ của cha tại Thái Lan phản ảnh điều gì về ơn gọi truyền giáo Ngôi Lời của cha?
Cha Trường: Tôi thấy mình như là tài xế xe buýt, người làm vườn, nhà tư vấn, thợ sửa chữa, thầy giáo, và dĩ nhiên linh mục. Trong tất cả những công việc và hình thức mục vụ là một lời mời gọi căn bản tương quan mật thiết với Chúa Giê-su Ki-tô mà các tông đồ đã tuyên xưng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”. Đối với tôi, việc chăm sóc cho các bệnh nhân và người trẻ bị nhiễm HIV ở trung tâm của dòng là hiện thân của chức vụ tư tế. Bên cạnh đó, việc dâng Thánh lễ mỗi ngày giúp tôi có nền tảng vững chắc trong công việc của mình. Ngược lại những gì tôi làm hằng ngày trong công việc cũng tác động vào cách mà tôi dâng Thánh lễ trên bàn thờ.
Hỏi: Cha cảm thấy như thế nào về sứ vụ chăm sóc người bị nhiễm HIV?
Cha Trường: Mặc dầu tôi chỉ mới chính thức bắt tay vào làm việc ở trung tâm được 9 tháng, nhưng tôi không biết có bao nhiêu lần tôi muốn bỏ cuộc. Phục vụ các bệnh nhân và những người trẻ làm cho mình nhiều khi kiệt quệ về thể lý cũng như cảm xúc. Mỗi ngày mình phải đối diện với sự chết chóc và đau khổ. Nhưng những lúc đó tôi lại nhớ đến lời nói của Chúa Giê-su: “Đây là mình thầy sẽ bị nộp vì các con”. Tôi tự chất vấn bản thân, có bao giờ Chúa Giê-su lại mặc bỏ các bệnh nhân và người trẻ này không? Nêu không thì cá nhân tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa để sống ơn gọi linh mục của mình.
Hỏi: Cha có kế hoạch gì liên quan đến công việc của cha cho tương lai?
Cha Trường: Tôi hy vọng mục vụ HIV/AIDS sẽ được tiếp tục phát triển. Chúng ta đang chứng kiến những diễn biến mới liên quan đến bệnh nhân cao tuổi cũng như những người trẻ dường như không còn muốn sống. Trước đây những thành công trong nỗ lực phòng chống HIV đã dẫn đến tình trạng tự mãn. Vì thế, mục tiêu đặt ra cho năm 2020 về số trường hợp nhiễm mới trên toàn cầu nói chung và ở Đông Nam Á nói riêng sẽ không được đáp ứng. Một mục tiêu mới đã được đặt ra cho năm 2030 là mức lây nhiễm sẽ dưới 1000 người/năm. Vì thế còn có rất nhiều điều cần phải làm. Trung tâm sẽ còn phải hoạt động tích cức thêm ít nhất 10 năm nữa.
Hỏi: Điều gì trong mục vụ của cha làm cha cảm thấy hài lòng nhất?
Cha Trường: Có những khoảnh khắc mà tôi có thể nhận ra sự hoạt động của Chúa Thánh Thần. Điều đó làm tôi cảm thấy được an ủi. Tôi cảm thấy phấn khởi khi có thể xây dựng mối tương quan với các bệnh nhân và người trẻ, và thấy rằng họ tiếp tục có hy vọng trong cuộc sống. Họ vẫn tìm cách để vượt qua những thách đố về thể lý cũng như cảm xúc mà họ gặp phải hằng ngày.
Hỏi: Công việc của cha có những thách đố gì?
Cha Trường: Thách đố lớn nhất là giúp cho các người trẻ và bệnh nhân hướng về tương lại và thực hiện quá trịnh điều trị một cách chuyên cần. Vì sự chán nản và thất vọng luôn bám lấy họ nên không dễ dàng để giúp họ có một thái độ sống tích cực. Cách đây hơn hai năm một bạn trẻ tên Pu đã rời khỏi trung tâm để tự lực cánh sinh. Khi ấy em rất khỏe mạnh. Nhưng gần đây, em trở lại trung tâm trong tình trang thân thể tàn tạ và đã qua đời sau đó không lâu. Nguyên do dẫn đến cái chết của Pu là sau khi rời khỏi trung tâm một thời gian, em đã ngừng uống thuốc kháng vi-rút HIV. Cái chết của Pu rất xót xa, và cũng không phải cá biệt vì còn có rất nhiều trường hợp khác tương tự như Pu.
Một thách đố khác mà tôi phải đối diện là làm sao tìm ra nguồn tài chánh để duy trì các hoạt động của trung tâm. Các nguồn hỗ trợ cho hoạt động trong lĩnh vực HIV thời gian qua ngày càng thuyên giảm trong khi nhu cầu thì vẫn thấy rõ rệt.
Hỏi: Cha có nghĩ rằng mình sẽ phục vụ tại Thái Lan một thời gian dài?
Cha Trường: Phải chờ xem trung tâm sẽ có đủ ngân sách để duy trì các hoạt động hay không. Cá nhân tôi không thích phải đi quyên góp hay xin tiền, nhưng đây cũng là một điều cần thiết nên tôi phải đáp ứng. Nếu tôi không thể thực hiện trách nhiệm đã trao phó thì cũng có thể đây là dấu chỉ của Chúa Thánh Thần kêu gọi tôi đi tới một nơi mới và nhường chỗ lại cho một người khác đảm trách.
Hỏi: Cha thích điều gì nhất về việc phục vụ tại Thái Lan?
Cha Trường: Tôi thấy sự tự do tôn giáo tại Thái Lan giúp cho tôi cảm thấy thoải mái để phục vụ mà không phải sợ hãi bất cứ điều gì. Tôi nghĩ rằng so với nhiều nơi trên thế giới, Thái Lan là một đất nước hiền hòa và niềm nở. Tôi cảm thấy an toàn và người dân cũng đã đón nhận sự hiện diện của tôi.
Hỏi: Cha cảm thấy thế nào về vùng Đông Bắc Thái Lan nơi cha đang phục vụ?
Cha Trường: Tỉnh Nong Bua Lamphu là một trong những tỉnh nghèo nhất Thái Lan nên tôi thấy có rất nhiều thứ mình có thể làm khi ở đây. Tuy nhiên, tôi còn đang cố gắng làm quen với giọng nói Isan. Vì chưa thạo tiếng địa phương nên tôi chưa thể nói chuyện với người dân được như mong muốn.
Hỏi: Cha nghĩ như thế nào về sứ vụ truyền giáo trên một đất nước mà đại đa số người dân là Phật giáo?
Cha Trường: Tôi nghĩ rằng giữa Công giáo và Phật giáo có nhiều đồng điểm, đặc biệt trong các khía cạnh tâm linh. Hai tôn giáo này không phải đối nghịch nhau. Ngược lại, cả hai tôn giáo có thể hợp tác và bổ sung cho nhau trong công việc công lý và hòa bình. Ở Trung tâm của dòng, đa số các bệnh nhân theo Phật giáo. Chúng tôi luôn tôn trọng tín ngưỡng của họ, mặc dầu chúng tôi luôn chia sẻ cho họ hiểu niềm tin và động cơ thúc đẩy các hành động của chúng tôi.
Hỏi: Trở lại mục vụ cho những người bị nhiễm HIV, cha có những điều gì muốn chia sẻ thêm không?
Cha Trường: Điều tôi muốn nói là, đối với tôi, những người bị nhiễm HIV không hẳn chỉ là những người cần sự giúp đỡ và nâng đỡ từ người khác. Nhưng trong họ, tôi nhận ra sự hiện diện của Đức Ki-tô—một Đức Ki-tô đang đau khổ. Bản thân tôi cũng có những vết thương và rạn nứt trong chính mình, và chính tôi cũng cần sự chữa lành. Vì thế chúng ta có thể đồng cảm với nhau trong thân phận là con người với những vết thương. Tuy nhiên, có một sự thật là tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa yêu thương và ban cho nhân phẩm mà không ai có thể tước lấy được. Trong cuộc sống thì mọi thứ sẽ trôi qua—các chức vị, sự thành công, sự thất bại, những đau khổ và lo âu—nhưng tình yêu của Thiên Chúa sẽ tồn tại trong chúng ta. Đây là sự thật, mặc dầu nhiều khi chúng ta trải qua cả cuộc đời mà vẫn không thể nhận ra điều đó.
Bangkok, ngày 10.6.2019
No comments:
Post a Comment