Tôi tự phỏng vấn tôi


Hôm nay mình đóng vai trò là một nhà phỏng vấn, không phải phỏng vấn bất cứ ai khác mà phỏng vấn chính mình. Mình đặt ra những câu hỏi để xem những câu trả lời cho những câu hỏi đó là gì? 

Hỏi: Tại sao cha quyết định đến Thái Lan để truyền giáo?

Đáp: Tôi chọn Thái Lan vì tôi thích sống và làm việc trong môi trường Á châu. Từ khi còn sống ở Mỹ, tôi đã cảm thấy mình có tình cảm đặc biệt với nguuồn cội Á châu của mình và luôn tìm cách để duy trì nó trong đời sống tinh thần của mình. Thái Lan thu hút tôi vì nó là một nước Châu á, nhưng cũng rất xa lạ đối với tôi về mặt xã hội và tôn giáo. Vì thế nó đáp ứng được cả hai điều kiện mà tôi đẵt ra cho mình, đó là vừa quen thuộc vừa mới lạ đối với tôi, làm cho tôi muốn bước chân đến đây để truyền giáo.

Hỏi: Điều bất ngờ nhất đối với cha về đất nước và con người Thái Lan là gì?

Đáp: Thứ nhất là tiếng Thái không khó học như người ta nghĩ. Thứ hai là tôi chưa tìm được cơ sở nào cho cái hình ảnh “đất nước của nụ cười” thường được nhắc đến khi nói về Thái Lan. Tôi thấy người Thái cũng giống như bao nhiêu người khác, vui thì cười, giận thì cũng la hét, đấm đá không thua ai. Ba là những cử chỉ vô cùng ấn tượng bên ngoài của người Thái không hẳn luôn luôn thể hiện một nội tâm sâu sắc và có ý thức. Vì thế chúng ta không thể kết luận về tâm tính của người Thái chỉ qua những cử chỉ bên ngoài ấy. 

Hỏi: Việc cha được bổ nhiệm làm cha xứ tại tỉnh Nong Bua Lamphu có giống như cha mong đợi hay không?

Đáp: Điều này hoàn toàn ngoài sự mong đợi của tôi. Điều tôi mong đợi là được cộng tác vào công việc truyền giáo mang tính xã hội, có liên quan đến mục vụ sẵn có của hội dòng tại Thái Lan, đó là công việc giúp đỡ những người bị bệnh HIV. Dù sao đi nữa đó cũng là lý do chính khiến cho tôi chọn Thái Lan để đi truyền giáo.

Hỏi: Vậy cuối cùng cha có được làm mục vụ với người bị bệnh HIV/AIDS không?

Đáp: Có. Vì trung tâm chăm sóc các trẻ em và người lớn bị HIV/AIDS nằm ngay trong khuôn viên nhà thờ nên mục vụ này trở nên một phần quan trọng trong công việc của tôi. Tuy nhiên, mục vụ này mang chiều kích tâm linh hơn là xã hội.

Hỏi: Ngoài mục vụ HIV/AIDS cha còn làm gì?

Đáp: Tôi đã đầu tư nhiều công sức và thời gian vào mục vụ giới trẻ và lao động di dân, đặc biệt là lao động di dân Việt Nam. Đây cũng là một điều nữa mà tôi không hề mong đợi khi chọn đến Thái Lan để truyền giáo. Tôi không ngờ ở Thái Lan có nhiều lao động di dân Việt Nam đến vậy. Và một điều khác nữa là có quá ít người trong giáo hội địa phương quan tâm đến mục vụ cho lao động di dân Việt Nam lúc đó. Vì thế tôi đã bắt tay vào mục vụ này để giúp cho các bạn trẻ Việt Nam tại Thái Lan có cơ hội để duy trì đời sống tâm linh của mình khi đến đây làm việc.

Hỏi: Cha thấy rằng người địa phương đã đón nhận cha như thế nào?

Đáp: Nói chung là tôi cảm thấy mình không có khó khăn gì để hội nhập vào xã hội Thái Lan. Đặc biệt giáo dân người Thái cũng như người Thái gốc Việt đối xử với tôi rất tốt. Nhiều người đã hỗ trợ cho tôi trong công việc truyền giáo của mình. Có thể nói điều kiện làm việc mục vụ của tôi phần lớn đến từ những người Thái chứ tôi không có nguồn tài trợ từ nước ngoài như một số nhà truyền giáo khác. Và tôi cho đó là điều đúng đắn vì xu hướng truyền giáo hiện nay không phải là rót tiền từ nước giàu sang nước nghèo mà là giúp cho giáo hội địa phương tìm cách để tự giúp đỡ mình trước. Những người trong một cộng đồng và đất nước phải biết tương trợ lẫn nhau trước khi tìm đến sự hỗ trợ từ bên ngoài. Điều này giúp cho mọi người cảm thấy mình có phần trong việc xây dựng cộng đoàn và Giáo hội.

Hỏi: Cha cảm thấy tự hào nhất về điều gì mà cha đã làm được trong thời gian qua?

Đáp: Không phải tự hào mà hạnh phúc và cảm tạ Chúa. Đó là giáo xứ nhỏ bé của mình, trước đây là một nơi ít ai biết đến, ngay cả trong giáo phận này, giờ đã trở nên một “ví dụ” về cách tổ chức các chương trình mục vụ, đặc biệt là các mục vụ liên quan đến giới trẻ. Ngoài ra giáo xứ còn được biết đến vì công tác truyền thông của mình, ví dụ trang mạng, chương trình phát thanh, và tờ thông tin liên lạc, v.v… Điều thứ hai mà tôi cảm thấy vui là mục vụ cho người Việt Nam đã dần dần nhận được sự quan tâm của Giáo hội Thái Lan, đặc biệt là ở hai GP Bangkok và Udon Thani. Tại hai nơi này, tôi đã cộng tác với một số linh mục, tu sĩ, giáo dân Việt Nam để thực hiện mục vụ di dân. Ngoài ra chúng tôi còn giúp cho các lãnh đạo cũng như các vị linh mục trong giáo phận nhận ra tầm quan trọng của mục vụ di dân Việt Nam.

Hỏi: Cha có cảm thấy khả năng của mình được tận dụng khi đến làm việc tại Thái Lan hay không?

Đáp: Tôi thấy rằng ngay cả những cái không phải là “khả năng” của tôi cũng được đem ra để xử dụng nữa. Ví dụ, tôi được một trường đại học tại tỉnh Khon Kaen mời dạy một lớp tiếng Việt cho các sinh viên của họ cách đây vài tháng. Tôi không phải là một người thành thạo tiếng Việt, vì tôi được lớn lên tại Hoa Kỳ. Khả năng tiếng Việt của tôi chỉ ở mức trung bình. Thế mà tôi cũng đã nhận lời đi dạy lớp tiếng Việt nói trên. Ngoài ra, ở đây tôi bổng trở nên một người đa nghề: thầy giáo dạy tiếng Anh ở từ trường tiểu học cho đến đại học, thông dịch viên, chuyên gia về văn hóa Việt Nam, người dẫn chương trình, hướng dẫn viên du lịch, ca trưởng, người quản trò trong các chương trình sinh hoạt, v.v… Không có cái nào tôi làm xuất sắc cả. Nhưng tôi làm những điều này vì nhu cầu của môi trường truyền giáo mà tôi đã bước vào. Và tôi cảm thấy hạnh phúc khi những điều đó là sự đóng góp cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội.

Hỏi: Cha đang chuẩn bị rời khỏi giáo xứ mà cha đã phục vụ suốt 5 năm qua, cha có buồn không?

Đáp: Thật sự là tôi rất thực tế. Tôi luôn ý thức được rằng không có việc gì là mãi mãi. Tôi biết mình chỉ ở đây một thời gian, rồi sẽ chuyển đi nơi khác. Và tôi thấy rằng đây đúng là lúc tôi cần phải thuyên chuyển. Nó tốt cho tôi và cũng có thể tốt cho những người giáo dân ở đây, mặc dầu trong thời gian đầu thì không thể tránh khỏi những giao động đòi hỏi mọi người phải thích nghi. Tuy nhiên trước khi tôi rời khỏi nơi này thì tôi cũng cố gắp sắp xếp mọi sự để cho người đến sau tôi có điều kiện làm việc tốt. So với khi tôi đến giáo xứ này thì ai đó sẽ đến sau tôi phải đối diện với một tình hình rất khác. Có thể nói khi tôi đến đây thì dường như đối diện với một con số “O”. Nhưng bây giờ giáo xứ làm việc có hệ thống và tổ chức. Cơ sở vật chất cũng ổn định. Điều còn lại là nỗ lực của cá nhân nhà truyền giáo trong công việc của mình mà thôi.

Hỏi: Nếu cha không buồn khi rời khỏi đây thì cha có nuối tiếc gì không?

Đáp: Câu trả lời của tôi có thể làm cho người khác cảm thấy chửng hửng. Nhưng tôi không nuối tiếc gì cả. Tôi không phải là người thích níu kéo quá khứ. Tôi sống và làm việc chủ yếu trong hiện tại. Tôi làm việc hết mình với những gì trước mắt. Và đến lúc tôi đi thì tôi sẽ đi một cách thanh thản. Tôi phó thác vào Chúa và những người sẽ đến tiếp tục công việc của tôi. Tôi cũng không nuối tiếc vì tôi cảm thấy phấn khởi với những gì đang chờ đợi mình phía trước.

Hỏi: Vậy có ai nuối tiếc trước sự ra đi của cha không?

Đáp: Hmm…Tôi cũng không biết nữa. Cũng có người bày tỏ cảm tình theo chiều hướng đó, nhưng tôi không biết họ có thật lòng hay không? Hoặc nếu có thì cũng chỉ một chút thôi. Tôi nghĩ cũng sẽ chẳng có ai rơi nước mắt khi chia tay tôi đâu. Tôi đánh giá mình làm việc chưa đủ tốt để có thể làm cho người khác thương. Có lẽ chỉ ở mức “nể” mà thôi. Mà “nể” là cảm nhận của lý trí, còn “thương” là cảm nhận của con tim. Tôi nghĩ rằng tôi được nhiều người nể hơn là được họ thương.

Hỏi: Vậy cha có muốn được giáo dân thương không?

Đáp: Ai mà không muốn được thương? Tôi cũng vậy thôi. Nhưng để được thương thì mình phải đáng thương. Tôi chưa làm gì đáng thương cả. Có lẽ đó là khuyết điểm lớn nhất trong con người của tôi.

Hỏi: Vậy cha nghĩ cha phải làm gì để được người khác thương?

Đáp: Bớt trổ tài. Bớt nóng tính. Bỏ ra nhiều thời giờ hơn để hỏi han và nói chuyện với những đứa trẻ và những người già. Quan tâm về yếu tố con người hơn là hoạt động. Cầu nguyện nhiều hơn và toát lên tâm hồn của một con người cầu nguyện thay vì toát lên tâm hồn con người làm việc. Thiết nghĩ nếu tôi làm được những điều này thì người khác sẽ thương tôi hơn.

Hỏi: Vậy cha có định tập làm những điều mà cha vừa nói không?

Đáp: Tôi vẫn luôn cố gắng tập đấy chứ. Chỉ việc tôi chưa thành công như mong muốn mà thôi.

Hỏi: Vậy chúc cha sớm đạt được những điều mà cha mong muốn nhé. Xin Chúa chúc lành cho cha và đồng hành với cha trên chặng đường sắp tới trong cuộc đời truyền giáo của cha.

Đáp: Vâng. Xin cám ơn.   



Nong Bua Lamphu, ngày 28.12.2012

No comments: