Phái đoàn ĐHY Phạm Minh Mẫn đến Bangkok




Hôm nay mình có mặt ở Chanthapburi để tham dự lễ kỷ niệm 300 năm cộng đồng Công giáo tại giáo phận và 100 năm nhà thờ chánh tòa. Mình đến đây cùng phái đoàn Việt Nam bao gồm ĐHY Phạm Minh Mẫn, ĐGM Bùi Văn Đọc và một số linh mục và các seour. Phái đoàn Việt Nam là khách mời đặc biệt của giáo phận trong dịp lễ lớn này. Lý do phái đoàn VN được mời là vì giáo dân ở giáo phận Chanthapburi đa số là những người gốc Việt Nam. Vào đầu thế kỷ thứ 18, 130 người Công giáo đầu tiên của giáo phận đã di cư đến đây từ Việt Nam để trốn hoàn cảnh đàn áp tôn giáo tại quê nhà. Từ 130 người Công giáo đầu tiên này họ đã xây dựng một cộng đồng Công giáo bền vững cho đến ngày hôm nay.

Khi phái đoàn đến nơi thì chứng kiến một nhà thờ chánh tòa tràn ngập trong không khí lễ hội. Những sinh hoạt mừng lễ đã bắt đầu từ ngày mồng 7 và sẽ kết thúc ngày mai với Thánh lễ đại trào với sự hiện diện của nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân. Đây sẽ là một trong những chương trình lễ lớn nhất trong giáo hội Công giáo Thái Lan năm nay. Được biết giáo phận đã bỏ ra 70 triệu baht để trùng tu nhà thờ chánh tòa cho dịp trọng đại này.

Khi xe của phái đoàn đến nơi thì giáo dân xếp hàng để chào đón. Sau đó mọi người được mời ngồi vào ghế để xem các đội múa trình diễn những màn múa để chào đón quan khách. Nghi thức chào đón xong, phái đoàn được mời đi dùng cơm tối.

Mình chỉ đi theo phái đoàn chứ không phải thuộc về phái đoàn nên mình không tham gia vào những cái “danh dự” của phái đoàn như chụp hình hoặc nhận vòng hoa. Vừa ăn tối xong thì trong nhà thờ có thánh lễ nên mình tách ra khỏi nhóm để đi dự lễ đồng tế có đông đảo các giám mục và linh mục. Trong nhà thờ giáo dân ngồi kín mít. Mình cũng gặp được một vài linh mục quen biết nên cũng không thấy xa lạ. Mình cũng bất ngờ khi phát hiện ra một số giáo dân trong giáo phận Udon của mình cũng đã đến để tham dự lễ. Cuối tuần này ở tiểu chủng viện cũng có lễ mừng hàng năm của TCV, nên việc họ đã đi thật xa để tham dự nói lên phần nào tầm quan trọng của dịp lễ này.

Trong thánh lễ ĐGM chủ tế là người Thái gốc Việt đã nhiều lần nhắc lại cho giáo dân về nguồn gốc Việt Nam và niềm tin Kitô giáo của mình. Khi mới đến chính họ đã xây dựng một ngôi nhà thờ đơn sơ để thờ phượng trong khi đó ở vùng này chỉ là một vùng hẻo lánh với những khu rừng rậm rạp. Trong giờ rước lễ mình lại thấy rất nhiều tà áo dài mà người mặc thì bây giờ không còn nói được tiếng Việt nữa. Nhưng họ chọn áo dài để mặc trong dịp lễ này để biểu dương nguồn gốc văn hóa và tôn giáo mà họ đã lãnh nhận được từ bậc ông bà tổ tiên của họ.

Một hình ảnh khác hơi bất ngờ là cuối thánh lễ khi đi kiệu Đức Mẹ xung quanh nhà thờ thì thấy một đoàn đàn ông đứng dọc đường kiệu với những nón cối trên đầu và mặc những áo màu xanh rêu trông thật giống….Việt Cộng. Một vị linh mục đi ngang qua thấy đoàn trong bộ đồng phục lạ thường nên quở một cách hài hước: Việt cộng, Việt cộng. Vị linh mục này là người Thái gốc Việt. Nhưng rồi dường như hầu hết các cha đến từ giáo phận này đều là dòng máu Việt. Và các nữ tu cũng thế.

Sau khi kiệu Đức Mẹ xong (tượng Đức Mẹ mới hoàn tất với giá 10 triệu baht), mình đi vào những phòng triển lãm để tìm hiểu. Ở đây mình biết thêm về nguồn gốc của giáo phận. Mình gặp những giáo dân còn biết nói tiếng Việt. Cô dạy giáo lý nói được khá nhiều. Cô nói trước đây cô từng đi giúp những người tị nạn Việt nam đến Thái lan. Chính vì thế mà cô biết nói. Những người khác thì chỉ nói bập bẹ. Mình nói mình muốn nói chuyện với người già. Chị bảo ngày mai sẽ cho gặp mẹ của cô.

Khi các giáo dân biết mình là linh mục người Việt họ rất niềm nở và xúm lại để nghe mình hỏi chuyện. Mình hứa là sẽ tìm dịp đến đây để tìm hiểu thêm về lịch sử của cộng đồng, một cộng đồng mà bây giờ đã bị hổn hợp qua việc cưới hỏi giữa các dân tộc với nhau: Việt-Siêm, Việt-Thái, Việt-Hoa, Thái-Hoa, Thái-Siêm, và Hoa-Siêm. Giờ đây ít có ai 100% dòng máu Việt. Giới trẻ bây giờ đều mang những dòng máu hổn hợp. Nhưng dòng máu Việt vẫn là một tính chất rất đặc biệt đối với những người ở đây.

10 giờ tối mình về khách sạn nghỉ ngơi. Phái đoàn đã về từ khi dùng cơm tối xong. Nhưng mình đi dự lễ nên “bị bỏ lại”. Một thần dòng Lasan đưa cho mình chìa khóa phòng khách sạn và nhờ người chở mình đến nơi nghỉ đêm.

Phái đoàn đến từ Việt Nam được đón tiếp rất nồng hậu ở mọi nơi. Việc đi lại, ăn ở đều được lo chu đáo bởi các seour dòng Lasan và giáo phận Chanthapburi. Hai ngày qua, trước khi đến Chanthapburi, phái đoàn đã có dịp đi tham quan nhà dòng Camilian, TT Mục Vụ giáo phận Bangkok, đi Ayudhya, đi thăm ĐGM mới của GP Bangkok, và đi thăm tòa khâm sứ tại BKK. Có thể nói phái đoàn như VIP trong những ngày này. Tối nay mình được cho một phòng ngủ tại khách sạn nơi phái đoàn đang nghỉ cũng chỉ vì được “ăn ké”.

Chanthapburi, ngày 11.12.2009

No comments: