Xin gửi đến các bạn bài phỏng vấn mình đã thực hiện với Cha Antôn Nguyễn Công An thuộc Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời về ơn gọi và mục vụ của ngài. Cha Công An tiên khấn tại Hoa Kỳ vào năm 2002, khấn trọn đời năm 2007 và chịu chức linh mục năm 2008. Sau một thời gian phục vụ truyền giáo tại Châu Phi, cha Công An trở về Hoa Kỳ và đảm nhận trách nhiệm quảng bá ơn gọi Ngôi Lời đến với các bạn trẻ. Mời các bạn đọc để tìm hiểu thêm về ơn gọi truyền giáo Ngôi Lời đồng thời cầu nguyện cho và tham gia vào sứ vụ để Tin Mừng ngày càng được rao giảng trên thế giới ngày nay.
*************
Hỏi: Chào cha Công An. Khi lần đầu tiên nghe tên “cha Công An”, nhiều người có thể không nghĩ tới tên cha mà nghĩ tới một công việc mà một linh mục có thể làm. Ví dụ, chúng ta có linh mục bác sĩ, linh mục tiến sĩ. Vậy cha có phải là linh mục công an không? Xin cha chia sẻ đôi chút về mình và công việc mà cha đang đảm trách hiện nay.
Lm. Công An: Mỗi lần giáo dân nghe hai chữ cha “Công An” thì họ đều ngạc nhiên hoặc dị ứng với cái tên này. Nhưng khi mình giải thích cho họ hiểu là tên được ghép theo nghĩa “công” là “công chính” và “an” là “an bình”, chứ không phải làm công an để bắt người, thì họ có cảm nhận tích cực hơn về tên của mình. Công việc của mình là tìm “bắt” người đi tu chứ không phải để bỏ tù! (Cười). Nói rỏ hơn là mình đang làm công việc chiêu mộ ơn gọi cho Hội Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời ở Hoa Kỳ. Nhờ cái tên “khó ưa” nhưng dễ nhớ nên đi đến đâu giáo dân đều biết và giúp giới thiệu ơn gọi. Nhờ đó mà công việc mục vụ thêm niềm vui và thuận lợi. Tạ ơn Chúa muôn đời.
Hỏi: Để làm công việc "bắt người", hoặc nói rõ hơn là giới thiệu ơn gọi truyền giáo Ngôi Lời với các bạn trẻ thì cha phải làm những gì?
Lm. Công An: Để cho công việc chiêu mộ các bạn trẻ theo đuổi ơn gọi linh mục hay sư huynh thì mình phải làm nhiều việc khác nhau, điển hình: đến các giáo xứ dâng lễ và chia sẻ về ơn gọi; đến thăm các gia đình có con cái có xu hướng đi tu; tham dự các buổi thuyết trình dành cho giới trẻ; tham dự các trại huấn luyện huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể; hoặc giảng tỉnh tâm cho các em lớp thêm sức, v.v. Nói chung là mình phải chụp lấy tất cả các cơ hội nơi nói có giới trẻ tụ họp để giao lưu, tìm hiểu và khuyến khích các em đi tu. Và đặc biệt là mỗi ngày phải cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội nói chung và hội dòng nói riêng thật nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ.
Hỏi: Thấy cha phải rất chịu khó “bươn chải” để thi hành trách nhiệm. Vậy cha đối mặt với những thách đố nào trong mục vụ mà cha đảm nhận hiện nay? Và cha vượt qua những thách đố đó như thế nào?
Lm. Công An: Hiện tại mình gặp phải rất nhiều thách đố trong công tác mục vụ của mình. Kiếm được một ơn gọi rất khó trong thời đại ngày nay vì nhiều lý do khác nhau:
1. Gia đình rất giới hạn sanh con cho nên cha mẹ các em không muốn xa con cái.
2. Môi trường giáo dục muốn gạt bỏ tôn giáo ra ngoài lề cho nên đức tin và sự hiểu biết về tôn giáo của nhiều người trẻ rất mơ hồ.
3. Công nghệ càng phát triển thì người trẻ càng bị dìm sâu hơn trong thế giới kỹ thuật số. Khả năng tương tác và tương quan với người khác rất yếu. Có nhiều em thậm chí không biết cách cư xử và đối thoại trong những tình huống giao tiếp hằng ngày.
4. Ngày nay người ta có xu hướng tôn sùng chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn là hy sinh cho người khác. Do đó nhân đức hy sinh phục vụ người khác chỉ tìm thấy ở một vài em có cha mẹ và anh chị luôn gắn bó với cộng đồng hay giáo xứ nơi họ sống.
Tóm lại làm công việc “săn lùng” ơn gọi trong xã hội ngày nay quả là một thách đố không nhỏ chút nào!!! Tuy nhiên mình luôn giữ vững quan niệm: còn nước còn tát. Bên cạnh đó mình tin tưởng là Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy các bạn trẻ chọn con đường tu trì trong một ngày gần nhất vì Giáo Hội, mặc dầu đã trải qua rất nhiều thăng trầm trong suốt 2000 năm qua, nhưng Giáo Hội vẫn còn đứng vững cho tới ngày nay.
Hỏi: Mặc dù thời đại thay đổi tạo ra nhiều yếu tố khiến cho công việc quảng bá ơn gọi truyền giáo Ngôi Lời gặp nhiều khó khăn, nhưng cha tin rằng vẫn còn có những bạn trẻ đang ôm ấp lý tưởng phục vụ Chúa và tha nhân trong ơn gọi tu trì chứ? Với những bạn trẻ đó thì cha muốn nhắn nhủ điều gì?
Lm. Công An: Mặc dầu ơn gọi tu sĩ ngày càng khan hiếm và làm cho công việc quảng bá ơn gọi cho Dòng Ngôi Lời càng khó khăn hơn, nhưng mình vẫn tin còn nhiều bạn trẻ muốn sống ơn gọi tu trì nhưng chưa có cơ hội tiếp xúc với các linh mục hoặc tu sĩ để tìm hiểu và tham khảo thêm về đời sống dâng hiến. Nếu bạn nào đã từng một lần suy nghĩ về ơn gọi dâng hiến hay đã từng ôm ấp ý tưởng này mà chưa dám chia sẻ với ai thì xin bạn hãy mạnh dạn đến gặp cha chánh xứ, quản xứ, linh hướng hay một nữ tu để chia sẻ, tham khảo và quý tu sĩ sẽ giúp bạn liên lạc với văn phòng ơn gọi của Nhà Dòng Ngôi Lời ở Mỹ, Vietnam, hay bất cứ nước nào.
Hỏi: Theo cha ơn gọi truyền giáo Ngôi Lời có những đặc điểm nào nổi bật? Xin cha giới thiệu một vài điều với các bạn đọc bài phỏng vấn này.
Lm. Công An: Ơn gọi truyền giáo Ngôi Lời có những đặc điểm nổi bật sau đây mà có thể khác biệt với một số dòng:
1. Tầm nhìn và hiểu biết về các văn hoá khác được mở ra vì dòng Ngôi Lời có một mạng lưới rất lớn bao phủ trên 80 quốc gia trên khắp 5 châu. Do đó thành viên của dòng được bài sai hoặc tự chọn một quốc gia hay một văn hoá nào mình thích để đến đó truyền giáo.
2. Đời sống cộng đoàn rất đa dạng vì là dòng quốc tế nên mình có nhiều cơ hội sống và tiếp xúc với anh em ở các nước khác chẳng hạn như Châu Phi, Nam Mỹ, Châu Âu ngay tại trong cộng đoàn của mình. Nhờ đó mà mình có cơ hội học hỏi và chia sẻ về văn hoá, phong tục, tập quán của họ ngay cả khi mình chưa đặt chân đến đất nước của họ.
3. Noi gương Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ; linh đạo của hội dòng là đến với người nghèo để giúp họ có một đời sống sung túc hơn về vật chất, kiến thức, luân lý và đạo đức. Dòng Ngôi Lời được nhiều người biết đến là nhờ đời sống tinh thần phục vụ cao, không quản ngại nghèo khổ, ốm đau và bệnh tật. Các cha các thầy luôn sẵn sàng dấn thân đến các vùng sâu vùng xa để giúp đỡ những người bất hạnh.
Trên đây là một vài điểm son mà dòng truyền giáo Ngôi Lời có. Hy vọng các bạn trẻ sẽ cho mình và cho Chúa một cơ hội để thử nghiệm về ơn gọi dâng hiến. Cho dù vài năm sau bạn không thấy thích hợp với ơn gọi tu sĩ thì kinh nghiệm hiểu biết và kiến thức về các văn hoá khác sẽ giúp bạn sống ý nghĩa hơn nhiều.
Hỏi: Cảm ơn cha đã chia sẻ một số đặc điểm về linh đạo và hoạt động của Dòng Ngôi Lời. Cha có thể chia sẻ trên phương diện cá nhân những hồng ân mà cha đã cảm nhận được trong kinh nghiệm linh mục truyền giáo Dòng Ngôi Lời của cha?
Lm. Công An: Vâng. Xin chia sẻ một vài hồng ân mà mình đã cảm nhận được trong ơn gọi linh mục, cách riêng là một nhà Truyền Giáo Dòng Ngôi Lời. Từ bé mình đã thích mạo hiểm và luôn ước mơ khi lớn lên thì được bay đến những phương trời xa xôi để khám phá và học hỏi những thứ mới lạ từ những vùng đất xa lạ này. Sau khi trở thành một thành viên của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời năm 2002, thì giấc mơ của mình đã dần dần thành hiện thực. Sau hai năm học thần học ở Chicago, năm 2004 mình đã được bề trên gửi đến nước Botswana (Châu Phi) để học hỏi ngôn ngữ, văn hóa và thực tập công việc truyền giáo. Ở tại đây hồng ân mà mình cảm nhận được là được sống giữa người bản địa, gặp gỡ và học hỏi những tập tục mới lạ mà người Việt Nam và người Mỹ không có. Nếu các bạn đã từng có cơ hội xem phim: “The Gods Must Be Crazy” (Đến Thượng Đế Cũng Phải Cười) thì sẽ hiểu mình nói gì! Cũng tại nơi đây mình có cảm giác mình là người “tặc giăng” vì được sống giữa chục ngàn con voi, cả ngàn con nai, vô số cọp, sư tử, hưu cao cổ, tê giác, chim đà điểu, cá sấu…. Nước Botswswana được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều thú rừng, bò và kim cương.
Bênh cạnh được ngắm vẻ đẹp thiên nhiên, mình còn có cơ hội ghé thăm các nước lân cận như Zimbabwe, Zambia và Nam Phi. Mỗi nước có một vẻ đẹp riêng và văn hóa cũng khác nhau. Thiết nghĩ nếu mình sống đời sống gia đình thì e rằng sẽ không bao giờ có cơ hội để đặt chân đến miền đất Châu Phi để khám phá vẽ đẹp thiên nhiên, học hỏi ngôn ngữ, văn hóa và tiếp cận và hiểu được cuộc sống của người dân ở đây. Mình xem đây là một diễm phúc lớn lao mà mình đã có được nhờ chọn con đường truyền giáo.
Chưa hết, sau khi thụ phong linh mục năm 2008 thì mình được bài sai đến nước Mozambique (Châu Phi) để phục vụ. Đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới vì mình phải làm lại từ đầu. Mình phải học ngôn ngữ Bồ Đào Nha, văn hóa, nếp sống và gặp gỡ nhiều bộ lạc khác nhau. Không những mình được thăm viếng các nước láng giềng ở Châu Phi mà mình còn cơ hội ghé thăm Ý, Hà Lan, Pháp, Na-Uy, Israel…trong những dịp nghỉ phép. Rất nhiều bạn bè của mình lam lũ với cuộc sống hằng ngày để lo cho gia đình từng miếng ăn và chưa một lần đặt chận đến các nước mà mình đã ghé thăm. Theo mình thì đây là những hồng ân mà Chúa thưởng cho mình như Ngài đã hứa ban thưởng cho tất cả những ai dám hy sinh từ bỏ chính mình, gia đình, người thân và bạn bè để theo Ngài thì Ngài thưởng gấp bội ở đời này và đời sau (Mt. 19, 29).
Hỏi: Đúng như cha chia sẻ. Một nhà truyền giáo Ngôi Lời không chỉ đi các phương xa để phục vụ những người nghèo, những người yếu thế trong xã hội, hoặc những người chưa được tiếp cận với Tin Mừng, mà còn có nhiều cơ hội để mở mang kiến thức và tầm nhìn qua những trải nghiệm vô cùng phong phú và thú vị. Vậy, đối với các bạn trẻ đọc bài phỏng vấn này, muốn tìm hiểu thêm về ơn gọi tu trì, đặc biệt ơn gọi truyền giáo Dòng Ngôi Lời, các bạn có thể liên lạc với cha bằng cách nào?
Lm. Công An: Nếu bạn nào muốn tìm hiểu về ơn gọi tu sĩ của Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời thì xin liên lạc với mình qua Facebook (https://www.facebook.com/acnguyensvd), email: acnguyensvd@gmail.com hoặc Zalo hay WhatsApp qua số đt: 001.847.687.1459. Hy vọng sẽ sớm nhận được email, tin nhắn hoặc cuộc gọi của các bạn từ khắp năm châu.
Người phỏng vấn: Xin cảm ơn cha đã chia sẻ về ơn gọi Ngôi Lời cũng như mục vụ hiện nay của cha. Xin chúc cha luôn mạnh khoẻ và tràn đầy ơn thánh để tiếp tục “săn lùng” cho Nước Trời những nhà truyền giáo tương lai sẵn sàng hy sinh phục vụ để làm chứng cho Tin Mừng trên khắp năm châu.