(1) Lang chài Puri
Cuộc sống của làng chài Puri tại miền đông Ấn độ
vào buổi chiều thật sôi động với nhiều sinh hoạt khác nhau cùng một lúc. Sau
khi những chiếc thuyền đánh cá cập bến với số cá đã đánh được từ một ngày lao động,
trên bãi cát các ngư dân bày số cá đã bắt được trên bãi cát cho những tiểu
thương xem hàng để mua. Mỗi lần có một thùng cá được đổ ra thì những tiểu
thương đứng bao vây để xem hàng. Ai dành mua được mớ cá thì hốt vào thau rồi đội
đầu mang về. Tuy nhiên không hề thấy tiền trao tay bởi vì những người bán và
mua đều đã quen biết nhau nên việc tính tiền sẽ diễn ra sau khi hàng đã được bốc
về.
Khi những chiếc thuyền cập bến thì có hai cách để
đưa thuyền lên. Có chiếc thì được thắt vào một sợi giây dài. Trên bãi cát người
ta xây một cái trục xoay. Những người đàn ông và cả trẻ con nắm những khúc gỗ
chĩa ra từ cái trục rồi xoay vòng cho giây cuốn vào trục để kéo thuyền lên. Có
chiếc thì được kéo lên trực tiếp bởi một đội ngũ khoảng 10-12 người đàn ông khỏe
mạnh. Trên bãi cát có những người đang ngồi gỡ lưới. Dường như ai cũng có một
công việc gì đó để làm. Tuy nhiên giữa công việc thì người ta cũng đứng trò
chuyện vui vẽ với nhau. Các phụ nữ trong những chiếc sarong truyền thống với đủ
màu sắc tươi cười trò chuyện như đang ở một lễ hội.
(2) Bãi biển Puri
Bên cạnh làng chài là bãi biễn du lịch Puri nơi có
nhiều người địa phương cũng như du khách tới tham quan và tắm biển. Khi mình đến
đây thì đã chiều nhưng trên bãi biễn không nhiều người. Cha Joshy nói rằng càng
về chiều thì sẽ có càng nhiều người ra bãi biển để tắm. Mà dường như dân địa
phương không chỉ đến đây để tắm mà còn làm những việc khác nữa vì khi mình và
cha Mishen đi ngang qua bãi cát bên cạnh làng chài thì gặp khá nhiều quả “mìn”
và còn bắt gặp vài hung thủ đang đặt mìn nữa.
Trên bãi biễn ngoài những dịch vụ ăn uống như thường
gặp ở các nơi du lịch khác thì còn có dịch vụ cưỡi lạc lạc đà và cưỡi ngựa với
giá 100 rupee cho 200 mét. Một dịch vụ khác rất phổ biến tại đây là dịch vụ
ngoáy tai. Những người làm công việc này chủ yếu là những chàng trai với một hộp
đồ nghề tương tự như hộp đánh giày tại Việt Nam. Khi họ thấy khách thì tới chào
dịch vụ của mình. Mình nhận thấy người cung cấp các dịch vụ thì nhiều nhưng
khách hàng thì rất ít.
(3) Trung tâm phát triển con người
Cha Joshy dẫn mình tới một trung tâm hoạt động xã
hội của Dòng Tên gọi là “Human Life Centre.” Ở đây có những lớp học dạy tiếng
Anh, dạy nghề và các kỹ năng khác như đánh máy và vi tính cho học sinh, sinh
viên. Trung tâm có một phòng đọc sách rất đơn sơ. Trong phòng chỉ có những chiếc
bàn và ghế dài bằng ghỗ như những bàn ăn của các canteen. Phòng cũng chỉ có máy
quạt chứ không có gắn máy lạnh. Khi mình nhìn vào xem thì thấy phòng đầy những
bạn trẻ sinh viên đang ngồi học bài trong đó rất chắm chú. Cha Tony John người
điều hành trung tâm cho hay để được sử dụng phòng đọc sách phải đóng phí thành
viên tháng. Mặc dầu phí thành viên chỉ vài trăm rupee một tháng, nhưng việc các
bạn sinh viên phải đóng tiền để sử dụng một phòng đọc sách thô sơ như vậy chứng
tỏ tại Ấn độ không gian để cho các học sinh, sinh viên có nơi yên tĩnh để học bài
rất hạn chế. Ấn độ hiện nay có dân số đứng thứ nhì trên thế giới, và không bao
lâu nữa sẽ vượt Trung Quốc chiếm vị trí đất nước có đông dân số nhất thế giới.
Vì thế ở đây đi đâu cũng thấy người tấp nập. Ở trong các thành phố, người đông
đúc, xe cộ tấp nập cộng thêm tiếng còi inh ỏi, môi trường nhiều bụi và rác—tất
cả tạo nên một quang cảnh thật hổn độn.
(4) Nhà Mẹ Tê-rê-xa Calcutta
Sáng ngày 28 tháng 11, mình cùng với cha Joshy và
cha Mishen đáp xuống sân bay Calcutta từ Bhubaneswar sau khi đã kết thúc hai
ngày làm việc. Tại sân bay cha Johnson thuộc dòng Tên là bạn của cha Joshy đến
đón tại sân bay và đưa đi thăm nhà Mẹ Tê-rê-xa trong thành phố Calcutta. Đây là
nơi mẹ Tê-rê-xa đã ở và phục vụ hàng chục năm trong sứ vụ phục vụ người nghèo của
mẹ. Đây cũng là nhà mẹ của dòng tu mà mẹ đã thành lập, và hiện là nơi đào tạo
các nữ tu trẻ của dòng.
Mặc dầu ngày thứ năm là ngày nhà dòng đóng cửa để
tĩnh tâm tuần, nhưng cha Johnson đã giúp liên lạc để các seour mở cửa cho phép
mình và các cha vào viếng mộ của mẹ và dâng lễ trong nhà nguyện bên cạnh mộ của
mẹ. Ngôi mộ của mẹ Tê-rê-xa đơn sơ như con người và cung cách của mẹ và đúng với
linh đạo sống khó nghèo của hội dòng. Sau khi mình và các cha đã dâng lễ và cầu
nguyện trước mộ của Mẹ Tê-rê-xa xong thì đã vào tham quan phòng ngủ của mẹ, một
không gian nhỏ bé và đơn giản chỉ với cái giường nhỏ, bàn làm việc và một vài tấm
hình treo trên tường, trong đó có hình mẹ đang bắt tay ĐGH Gioan Phaolo II.
Trong Thánh lễ cũng như lúc cầu nguyện trước mộ của
mẹ, mình đã cầu nguyện cho tất cả những người thân, những người đã xin lời cầu
nguyện từ mình, và cho tất cả những ai mình đang phục vụ trong sứ vụ của mình.
Mình đặc biệt xin Mẹ Tê-rê-xa cầu bàu cùng Chúa ban cho mình một tinh thần phục
vụ khiêm tốn, biết quên mình như mẹ.
(5) Đàn ông, bò và chó
Ở Ấn độ, đặc biệt là ở vùng mà mình đã tới thì khi
đi ra đường mình để ý thấy có rất nhiều phái nam đi lại ngoài đường, nhiều hơn
phụ nữ hẳn. Một điều đáng chú ý là dường như tất cả các cửa tiệm và các sạp
ngoài chợ đều được trông coi bởi phái nam. Cho dù là một người bán rau, bán tạp
hóa hay một cửa tiệm điện tử, người bán hàng đều là nam. Cả một đoạn đường dài
hàng chục cây số ngồi trên xe ô-tô, mình nhìn vào các cửa hàng để xem ai đang
bán thì chỉ thấy đàn ông và thanh niên. Chỉ có một lần duy nhất mình nhìn thấy
người đứng bán là phụ nữ, nhưng đó là cửa tiệm chuyên may trang phục dành cho nữ.
Ngoài đàn ông con trai thì bò là một hình ảnh rất
quen thuộc trên các con đường ở Ấn độ, đặc biệt là ở các tỉnh và vùng quê.
Trong tín ngưỡng của người theo Ấn độ giáo, con bò được tôn thờ như một thần
thánh nên người ta nuôi bò và thả tự do cho đi lại trên đường phố. Con bò dường
như cai trị đường phố vì không ai dám đuổi nó đi và chỉ có thể tránh nó khi nó
đang đứng, nằm hoặc đang đi ngay giữa đường.
Chó cũng là một con vật thấy rất nhiều trên đường
phố tại Ấn độ. Người Ấn độ không ăn thịt chó nên cũng không ai sợ để cho chó đi
tự do ngoài đường sẽ bị bắt cóc. Vì thế mà ngay cả ở phía trước sân bay quốc tế
Calcutta mà cũng thấy nhiều con chó đang nằm ngủ một cách thoải mái. Người Ấn độ
cũng tỏ ra rất thản nhiên trước sự việc có nhiều con chó đi qua lại ở các nơi
công cộng.
Sân bay Calcutta, Ấn độ, ngày 28.11.2019