Tình yêu đáp trả tình yêu: bài học từ một người ăn xin cao thượng














Tình yêu đáp trả tình yêu. Đó là điều mà các thành viên trong nhóm giới trẻ tại nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micael ở tỉnh Nong Bua Lamphu, vùng Đông bắc Thái Lan đã cảm nhận được trong dịp tổ chức vận động đóng góp cho những nạn nhân của trận động đất tại Haiti ngày 12 tháng 1 vừa qua. Sự kiện thiên tai kinh khủng này đã khiến cho hàng trăm nghìn người bị thiệt mạng hoặc bị thương tích, và hàng triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Vô số trẻ em bất chợt thấy mình trở nên những trẻ mồ côi không cha không mẹ.

Cùng với cộng đồng thế giới người dân Thái Lan đã tỏ ra rất đồng cảm với nỗi khổ đau của người dân nước Haiti, là một trong những đất nước nghèo nhất thế giới. Mọi tầng lớp trong xã hội được kêu gọi để chia sẻ với họ trong lúc gian nan, đó cũng là điều mà người dân Thái đã nhận được trong biến cố thiên tai sóng thần xảy ra tại Thái Lan những năm về trước. Vì thế họ đã nhiệt tình đáp ứng lời kêu gọi san sẻ với người cùng cực.

Nhóm giới trẻ của giáo xứ TLTT Micae không đông nhưng rất đa dạng và nhiệt tình. Nhóm bao gồm những học sinh cấp II và cấp II, những lao động di dân đến từ Việt Nam, và những bạ trẻ mồ côi bị nhiễm HIV. Dường như tất cả xuất thân từ hoàn cảnh gia đình vừa đủ sống, khó nghèo, hoặc thậm chí bần cùng. Nhưng khi các bạn nhận được tin Hội đồng Giám mục Thái Lan kêu gọi tất cả các thành phần trong giáo hội địa phương nên chung tay vào nỗ lực cứu trợ, các bạn đã nhanh chóng đáp lại lời mời gọi ấy. Sau một cuộc bàn thảo ngắn, các bạn đã quyết định đi đến một khu chợ trong phố vào ngày thứ bảy để kêu gọi người dân đóng góp. Các bạn sẽ tập họp lúc 9h sáng và có mặt trước chợ lúc 9h30 sáng.

Ngày thứ bảy đến và các bạn đã tụ họp như đã hẹn. Chỉ một vài bạn không đến được vì vướng những sinh hoạt hoặc công việc khác. Khi các bạn xuống xe phía sau khu chợ thì nỗi e ngại hiện rõ trên khuôn mặt mọi người. Trong số các bạn chưa ai từng làm điều như thế này. Các bạn cũng chưa biết sẽ nói gì để làm cho người ta sẵn sàng đóng góp. Các bạn không biết người ta sẽ nhìn các bạn như thế nào? Họ có tin vào sự chân thành của mình không? Hay họ sẽ mắng hoặc nói những lời không thiện cảm với mình? Mặc dầu các bạn ai nấy đều mặc áo của nhà thờ và trên băng-rôn có đầy đủ thông tin về nhà thờ, cha xứ, v.v. để chứng mình đây không phải là một nhóm lợi dụng thời cơ để lừa lộc người tốt bụng, nhưng các bạn cũng không tránh nỗi sự lo ngại.

Bên cạnh khu chợ có một ngân hàng. Nhóm bạn trẻ đi vòng khu chợ và dừng chân trước ngân hàng đó. Vì là ngày cuối tuần nên ngân hàng mở cửa trể, chỉ có những khách hàng đến để rút tiền từ máy ATM. Trước tòa nhà người dân đã dành một phần lòng lề đường để bày bán hàng hóa. Có một người bán kính mát, có người bán dép. Bốn năm người đang ngồi bán vé số.

Trước ngân hàng là nơi khá thuận tiện để bày bán hàng hóa. Không ai hiểu điều này hơn gã đàn ông ăn xin đang ngồi ở lề đường bên cạnh một người bán vé số. Ông ta trông khoảng 40 tuổi. Ông ta bị què vì sau lưng thấy có một cây gậy. Hóa ra không chỉ què mà còn bị mù nữa. Nhưng ông ta là một người ăn xin khá chuyên nghiệp vì ông có nguyên một giàn âm thanh đê hỗ trơ cho sự nghiệp ăn xin của mình. Giàn âm thanh của ông vừa có máy mở nhạc vừa có micro. Khi nhóm giới trẻ đến thì thấy ông ta đang nói vào micro đồng thời mở một bài hát nghe rất buồn để khiến cho những người qua lại độntg lòng với hoàn cảnh khó nghèo của ông. Ông ta có một giọng nói khá truyền cảm. Thiết nghĩ nếu ông ở trong một hoàn cảnh khác thì ông có thể hành nghề một người dẫn chương trình hoặc một phát ngôn viên đài phát thanh.

Nhóm giới trẻ đứng cách xa người ăn xin khoảng 5 mét vì không muốn giành dựt “địa bàn làm ăn” của ông ta. Các bạn bắt đầu giăng băng-rôn và kêu gọi người đi qua lại đóng góp một cách dè dặt. Cha xứ phải thúc dục các bạn hãy mạnh dạn lên. Không mấy lâu thì các bạn đã nhận được sự ủng hộ đầu tiên đến từ một người đàn bà vừa bước ra khỏi tiệm bán hàng tạp hóa. Trước cử chỉ tốt bụng ban đầu đó, các bạn cảm thấy tự tin hơn và bắt đầu kêu gọi một cách mạnh dạn hơn. Những người xung quanh bắt đầu nghe được lời rao của các bạn, trong đó có gã đàn ông ăn xin mù trên lề đường.

Các bạn trẻ đã tỏ ra hơi bất ngờ khi người đàn ông ăn xin ấy không hề tỏ ra khó chịu vì bị lấn át địa bạn. Ngược lại khi phát hiện ra việc các bạn đang làm thì ông ta đã nói vào micro rằng xin đóng góp phần của mình. Nhưng vì què đi lại khó khăn nên ông xin các bạn đến nơi ông đang ngồi để nhận tiền. Một bạn trẻ mang hộp đến và ông đã lấy tiền từ trong túi áo ra để bỏ vào. Đó là số tiền mà ông ta đã xin dược sáng hôm ấy. Số tiền không nhiều, nhưng đối với một người ăn xin cũng không phải là ít.

Hành động của người ăn xin đã làm cho các bạn trẻ bất ngờ và cảm động. Bất ngờ vì một người ăn xin mù mắt đã nắm được chính xác công việc mà các bạn đang làm và những gì đang xảy ra tại Haiti. Và cảm động vì một người ăn xin què quặt mù lòa không có gì cũng có tấm lòng để ủng hộ các bạn. Từ một bạn gái học sinh lớp 11 đến một em mồ côi bị nhiễm HIV và tất cả các bạn đều tỏ ra hâm mộ lòng bác ái của ông ta vì ông đã chứng tỏ rằng việc quan tâm đến người nghèo, san sẻ với người đói khát, thể hiện tình liên đới với anh em đồng loại là điều mà không chỉ những người giàu có mới làm được, nhưng người nghèo khổ nhất, người kém may mắt nhất cũng có thể làm được một cách rất tuyệt vời.

Nhưng người ăn xin đã không ngừng lại ở cử chỉ đóng góp mà suốt thời gian nhóm giới trẻ đứng trước ngân hàng, ông ta đã không ngừng lợi dụng cái máy phát thanh của mình để kêu gọi lòng hảo tâm của những người đi qua lại trên đường phố. Mối quan tâm của ông không còn xoay quanh hoàn cảnh khó khăn của chính mình nữa mà đã tập trung vào những nạn nhân thiên tai mà chính mắt ông cũng không hề thấy. Đối với những người ngồi bán hàng gần đó, cử chỉ và tấm gương của ông cũng làm cho họ không thể ngồi yên mãi mà phải đứng dậy để bỏ vào thùng cái gì đó, cho dù chỉ là năm mười baht. Chính các bạn trẻ cũng cảm thấy bị thúc đẩy phải đáp trả lòng tốt với lòng tốt. Các bạn mua thức ăn thức uống để tặng cho ông ta và đến nơi ông ngồi để cám ơn tấm lòng rộng lượng của ông. Những người ngồi xung quanh ai nấy đều ấn tượng với sự trao đổi tình người giữa gã ăn xin và các bạn trẻ. Một bạn trẻ trong nhóm nhận xét rằng, “Hôm nay chúng ta đã chứng kiến một phép lạ nho nhỏ.”

Đến khi các bạn rời khỏi khu chợ hai đờ đồng hồ sau thì các bạn đã nhận được số tiền ủng hộ gấp đôi số tiền dự định. Tiếng kêu gọi đóng góp của các bạn đến những người đi qua lại trên đường phố, những người ngồi trong xe hơi, xe công cộng, xe máy đã trở nên bạo dạn và lớn tiếng hơn. Các bạn không còn đứng một chỗ nữa mà đi vòng quanh chợ, đứng ở ngã tư đường kêu gọi đóng góp từ những người dừng xe ở đèn đỏ, và đi dọc đường TT của phố. Tiếng kêu của các bạn đã cất lên thật thánh thót giữa tiếng ồn ào của xe cộ và sinh hoạt của phố chợ. Sư hy sinh của một gã ăn xin què quặt mù lòa đã thúc đẩy các bạn phải tận tình hơn và phải trút bỏ đi sự e ngại của mình.

Khi trở lại giáo xứ, ngồi quay quần trong bàn cơm trưa với những món ăn đơn sơ – gỏi đu đủ, trứng chiên, và cá kho – các bạn đã ôn lại sinh hoạt sáng hôm đó. Một câu hỏi được đặt ra cho các bạn: “Điều gì đã làm cho các bạn ấn tượng nhất về sinh hoạt sáng này?” Một bạn trẻ mồ côi trả lời một cách đơn giản và ngắn gọn, “Người ăn xin mù.” Em không giải thích gì thêm v ề câu trả lời của mình, nhưng trong bàn ai cũng hiểu được điều mà em ấy đang suy nghĩ trong đầu. Không ai trong nhóm có một câu trả lời nào khác.


Nong Bua Lamphu, ngày 30.1.2010

Lễ khánh thành TT Mẹ Maria cho giới trẻ HIV


Hôm qua TT Mẹ Maria được khánh thành. Có sự hiện diện của ĐGM George Phimphisan, một số linh mục, các seour, và lãnh đạo tỉnh. TT Mẹ Maria là mục vụ mới nhất của TT ĐMHCG để tạo điều kiện cho giới trẻ bị nhiễm HIV có cơ hội để tiếp tục con đường học vấn hoặc hoặc nghề để có thể tìm việc làm tự lo cho bản thân. Đối tượng đến ở TT là các bạn trẻ tuổi từ 14-15 trở lên.

Một năm qua thầy Damien, nhà truyền giáo Ngôi Lời đã cật lực xây dựng TT Mẹ Maria để chăm sóc những người xấu số.

TT Mẹ Maria ở cách nhà thờ mình khoảng 4 cây số, được xây trên một vùng đất khá rộng gần TT dạy nghề của tỉnh. Hôm qua vì có lãnh đạo cao nhất của tỉnh hiện diện cùng với nhiều quan chức nên có nhiều cảnh sát tháp tùng, có cả cảnh sát trưởng của tỉnh.


Đức Giám Mục chủ tọa nghi thức làm phép TT. Ngài đang đứng trước căn nhà "chung" của TT. Nơi đây là văn phòng, phòng ăn, và phòng sinh hoạt cho các thành viên. Phía sau căn nhà chung này có một ao cá và vườn rau. Các bạn trẻ đến ở đây phải chung tay làm việc bênh cạnh việc học tập. Nuôi cá, nuôi vịt và trồng rau là để giúp cho TT có thêm thức ăn cho mọi người.


ĐGM đi rảy nước thánh ở tất cả các căn nhà. Có ba căn là nơi ở của các thành viên. Mình có công việc rất quan trọng trong nghi thức làm phép. Đó là cầm dù che cho ĐGM khỏi bị nắng.

Sau khi cử hành nghi thức xong, hai bạn trẻ múa để tặng ĐGM và các quan khách.


ĐGM, vị lãnh đạo tỉnh, cảnh sát trưởng và cha Chuck, Dòng CCT trò chuyện rất vui vẻ và thân mật.


Mọi người được đãi tiệc sau khi các nghi thức đã cửa hành xong.

Nong Bua Lamphu, ngày 28.1.2010

Đi tìm sự yên tĩnh


Hôm nay mình nghỉ ngơi vào giờ sáng, không làm việc giáo xứ. Mình tìm đến một thiền viện trên đồi cách trung tâm phố khoảng 15 cây số. Ở đây có một ngôi chùa được cất lên ở miệng một hang động. Đi lên đồi chừng hai cây số nữa thì có mốt hồ nước, tuy không lớn nhưng cảnh vật rất yên tĩnh. Xung quanh hồ nước là rừng cây xanh tươi và núi đồi. Bên cạnh bờ hồ nhà chùa có dựng lên hai cái chòi lớn có sàn gỗ cho khách đến ngồi nghỉ ngơi và ngắm cảnh.

Mình chọn nơi đây để đến nghỉ ngơi sau một tuần làm việc mục vụ khá bận rộn. Mặc dầu hạnh phúc và thích thú với công việc truyền giáo, nhưng cũng có nhiều khi thấy cạn sức và cần những thời giờ thảnh thơi không cần phải nghĩ ngợi đến công việc của mình. Hôm qua mình bảo Thồn, người giúp việc giáo xứ rằng, hôm nay chúng ta “đóng cửa tiệm”. Thồn đi thăm bạn bè ở Udon Thani từ tối hôm qua. Mình thì đi ngủ lúc 10h tối và thức dậy 5 giờ sáng. Thời giờ ban sáng thảnh thơi. Mình làm việc kinh nguyện ban sáng, sau đó đi pha một lý cà phê “chồn”, rồi ngồi xuống bàn soạn bài giảng tĩnh tâm mà mình sẽ giảng cho các cha trong giáo phận trong dịp cắm phòng tới đây. Mình thường soạn bài giảng vào giờ sáng vì đây là lúc mà mình cảm thấy thanh thản và ý tưởng “phong phú” nhất.

Sau khi mình ra trước sân nhà thờ trò chuyện với vài bệnh nhân AIDS thì lúc 9h30 sáng, mình lấy giỏ ra, bỏ vào đó một cuốn sách, một cuốn vở, một gói bánh và một chai nước, rồi lái xe lên đồi.

Ở đây chỉ có một mình mình. Chẳng có ai đến cả. Khách tham quan cũng không thấy đến. Thế giới và thời giờ như dừng lại trong sự yên tĩnh của khu rừng. Nếu không có tiếng chim hót ở đâu đó trong những cành cây, hoặc tiếng dế kêu đàng sau những bụi cỏ, hoặc tiếng gió xào xạc xuyên qua những ngọn dừa hoặc thỉnh thoảng tiếng cá vỗ mặt nước thì có lẻ chẳng ai biết có sự sinh động trên thế giới.

Lạ nhỉ? Tại sao thế giới êm đềm vậy mà người ta ít tìm đến. Họ chỉ thích những nơi màu sắc rực rở và đầy náo nhiệt. Tiếng chim hót thánh thót thế nhưng họ chẳng muốn nghe. Nhữn ngọn cỏ bông lau lung lay duyên dáng thế mà họ chẳng thèm nhìn. Vừa rồi có một người đàn ông đến dừng chân ở đây. Ông ta đem máy chụp hình ra chụp một tấm rồi lên xe lái trở xuống núi. Thời gian nhìn cảnh không đủ lâu để ông nghe tiếng một cành cây khô bị gảy rớt xuống đất hoặc một con ếch nhảy cái oặp từ trên bờ xuống nước.

Trên đồi những cây có hoa màu cam nở rộ, dường như mọi thứ xanh tươi hơn sau những cơn mưa lớn bất ngờ ba bốn ngày qua. Một cặp trai gái đến thả xuống hồ một miếng bánh mì, một con cá nhảy lên chụp thức ăn. Họ nói chuyện với nhau điều gì đó rồi rời khỏi nơi đây. Họ lên xe của họ đậu cách đây khoảng 100 mét. Họ không đi xuống núi nhưng đi lên, có lẽ ghé thăm nhà truyền thống của chùa.

Một vị sư trẻ tới ngắm cảnh. Ông ta khoảng ngoài 30 tuổi. Ông đứng ở một góc của nhà sàn nhìn ra phía bờ hồ, chưa đầy 1 phút. Ông đã bỏ đi. Ủa, không ở lại ngồi thiền chốc lát sao? Vội đi thế nhỉ.

Có lẻ sự yên lặng phải thế. Nếu nhiều người đến đây để tham quan, rồi ở lại đây nhiều giờ thì sự yên tĩnh ấy chẳng còn tồn tại nữa. Nơi đây sẽ trở thành nơi bát nháo, ồn ào. Thế thì để cho nơi này là nơi thanh tịnh thì nó cứ phải trống vắng. Thỉnh thoảng mới có người ghé chân qua để có thể tự nói với mình rằng tôi đã đến nơi thanh vắng và đây là tấm hình để làm bằng chứng cho việc tôi đã làm. Còn tiếng tàu dừa khô rời xuống đất, tiếng cá nhảy trên mặt nước, tiếng những cây bông lau cà nhè nhẹ vào nhau thì cứ để cho loài bướm và những con chuồn chuồn bay lượn trên mặt hồ nghe và thưởng thức sự thanh bình của nó.


Nong Bua Lamphu, ngày 25.1.2010

Dã ngoại đầu năm








Hôm nay mình đưa nhóm giới trẻ của giáo xứ đi dã ngoại ở Huay Krathin ở tỉnh Loei, cách nhà thờ khoảng 120 cây số. Ở đây có một hồ nước được bao vây bởi núi rừng rất thơ mộng. Người ta tới đây thuê những cài "chòi nổi" ra giữa hồ nước để giải trí và chơi nước.

Đây là sinh hoạt chính thức của nhóm trong năm mới. Mình muốn tạo cho mọi người có sự phấn khởi để bắt đầu năm sinh hoạt của nhóm, nên đã "chịu chơi" một bữa cho mọi người thêm tinh thần.

Dĩ nhiên cuộc dã ngoại hôm nay không chỉ là vui chơi. Hôm nay mình cũng tổ chức họp nhóm để bàn về những vấn đề liên quan đến nhóm cũng như khuyến khích mọi người tham gia sinh hoạt một cách tích cực và có trách nhiệm hơn, đặc biệt là các em nam còn trẻ tuổi và chưa đầy đủ ý thức.

Sau khi đã ăn uống, họp, và có thời giờ giải trí bơi lội, mình đã cử hành một Thánh Lễ cho nhóm trên chòi để kết thúc chương trình sinh hoạt trong ngày. Hy vọng rằng những buổi cầu nguyện như thế sẽ giúp các em thêm lòng đạo đức, tạo nên sự mới lạ cho các em trong việc sinh hoạt. Mình cũng hy vọng rằng các bạn trẻ mới đến với nhóm, đặc biệt là các em chưa theo đạo Công giáo, và các em bị nhiễm HIV sẽ cảm thấy nhóm giới trẻ là một nơi sinh hoạt lành mạnh, thân thiện và thu hút.

Nong Bua Lamphu, ngày 23.1.2010

Bản TTLL đầu tiên của cộng đoàn CG VN tại Thái Lan






Mình rất vui khi đã làm được tờ Thông tin liên lạc đầu tiên này. Mình ở một xứ xem như cũng tương đối là "khỉ ho cò gáy" nên không dễ đi lại trong việc làm mục vụ cho các bạn trẻ lao động di dân. Mà nước Thái thì cũng rộng lớn nên cũng không dễ dàng đi lại. Ngoài ra mình cũng bận với công việc của giáo xứ, việc truyền giáo cho người Thái, đâu dễ gì mà đầu tư được nhiều thời giờ cho mục vụ di dân. Chính vì thế mà mình đã đề xuất làm tờ TTLL và cũng may là có các thành viên trong HH tán thành. Như thế là một việc bổ ích đã được thực hiện.

Mình hy vọng rằng tờ TTLL đơn sơ nhỏ bé này sẽ được chuyển đi nhiều nơi qua chính những bàn tay của các bạn trẻ Việt Nam đang mưu sinh trên đất Thái. Như vậy thì mặc dầu mình không đến được trực tiếp với các bạn nhưng gián tiếp qua những gì mình và các cha, các thầy, các seour, v.v. gởi gắm trong đó.

Nong Bua Lamphu, ngày 22.1.2010

Hội thảo mục vụ tại Úc


Tuần này mình đi Úc để tham dự cuộc hội thảo về mục vụ truyền giáo trong giáo xứ được Hội dòng tổ chức cho các thành viên của dòng. Nơi mình đến là Marsfield, ngoại ô thành phố Sydney. Mình đến từ sáng hôm qua và sáng nay cuộc hội thảo đã bắt đầu với phần chia sẻ về công việc mục vụ giáo xứ từ các nơi. Mỗi người được thời gian 10 phút để trình bày về công việc của mình.

Mình cũng nói về việc mục vụ của mìnhại Thái Lan. Dĩ nhiên trong 10 phút thì những gì không được đề cập đến nhiều hơn những gì nói đến. Mình chỉ trình bày một vài thông tin về môi trường truyền giáo của mình và hoàn cảnh trong giáo xứ, và sau đó là cho mọi người xem video hình ảnh mục vụ giáo xứ, trong đó có các tầng lớp người lớn, giới trẻ và thiếu nhi.

Những anh em đang làm việc mục vụ ở các nơi khác như ở New Zealand và Úc cũng đã chia sẻ về công việc của họ. Chiều nay chương trình chia sẻ cũng sẽ tiếp tục và sẽ đan sen vào những đề tài của tuần hội thảo và học hỏi.

Sáng nay trong cuộc nói chuyện đầu tiên cha Jacob đến từ Ấn Độ cũng đã trình bày đề tài mục vụ giáo xứ của Giáo hội và Hội dòng Ngôi Lời tại Úc. Những ý tưởng của ngài được anh em lắng nghe, đặt vấn đề, và đưa ra những nhận xét dựa vào kinh nghiệm mục vụ của chính mình.

Ngoài những buổi hội thảo và học hỏi, mục đích của tuần này là tạo cơ hội cho các "cha xứ" đến từ các nơi tụ họp lại với nhau trong tình huynh đệ để xây đắp tình tương thân tương ái cũng như hỗ trợ nhau trong công việc mục vụ mà mọi người đã đảm nhận. Mình rất vui khi được đến để học hỏi và chia sẻ trong những ngày này.

Thời tiết ở Sydney những ngày này rất nóng nực vì vẫn đang con trong mùa hè. Nhưng chắc chắn đó không phải là nguyên do tại sao có sự ấm áp giữa các anh trong dòng mà vì do có sự liên đới với nhau trong tinh thần huynh đệ và sự liên kết trong việc thực hiện sứ vụ xây dựng nước Chúa ở những nơi mà mỗi người đang phục vụ.

Sydney, ngày 12.1.2010

Năm mới

Thế là một năm mới cũng đã bắt đầu, nhưng không khí trong giáo xứ sau những ngày Giáng Sinh thì xìu xuống hẳn. Hai Chúa Nhật qua giáo dân đi lễ ít. Nhiều người đi xa để thăm bà con vào dịp đầu năm. Có người ở nhà nhưng có lẽ họ thấy đi lễ Giáng Sinh là đủ rồi. Lòng đạo đức nhiều giáo dân của mình là thế đấy. Họ chỉ đến vào những ngày lễ lớn, nhưnng sau đó thì biến mất.

Mặc dầu những ngày cuối năm và đầu năm trong nhà thờ hơi ảm đạm, nhưng mình cũng tin rằng tình hình sẽ tốt hơn sau những ngày lễ qua đi và mọi sự trở lại với nhịp sống bình thường. Một điều vui cho mình là gần đây có một gia đình Công giáo đã dọn đến Nong Bua Lamphu từ một tỉnh khá xa để làm ăn. Họ thuê một căn nhà và sân vườn để mở tiệm bán kuấytiếu. Nơi thuê chỉ cách nhà thờ vài cây số. Gia đình gồm hai vợ chồng, một đứa con nhỏ và một người anh rể. Người chồng tên Nừng và người vợ tên Mày. Cả hai đều tỏ ra chất phác và hiền lành. Quán của họ chỉ là một quán bình dân. Vì mới đến nên họ chưa có lượng khách đông. Ngày mồng 1, cô Mày khoe với mình hôm nay bán hết sạch thức ăn. Mình hỏi như vậy thu nhập được bao nhiêu. Chị bảo lời được 300 baht. Đó là một số tiền không phải là nhiều.

Năm mới đến mình cũng có nhiều hy vong cho việc phát triển cộng đoàn Công giáo. Tuy nhiên nhiều khi nhìn qua nhìn lại cũng cảm thấy bế tắc vì ước muốn thì nhiều nhưng số giáo dân thì ít ỏi. Vắng một vài gia đình là tự nhiên trong nhà thờ cảm thấy khác hẳn. Một niềm vui khác là Thồn, người giúp việc giáo xứ của mình cũng đã bỏ ý định đi kiếm việc làm nơi khác và sẽ tiếp tục ở lại để giúp mình làm việc mục vụ giáo xứ. Thồn còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, và kiến thức cũng chưa nhiều. Nhưng Thồn có khả năng làm một số việc mà mình cần nên không có em cũng làm cho công việc của mình vất vả thêm. Tài năng lớn nhất của Thồn là biết đàn hát và đó là một điều không thể thiếu cho mục vụ giới trẻ.

Cuối năm điểm lại một số sinh hoạt quan trọng của giáo xứ, mình cũng cảm thấy thỏa mãn với những gì mình đã làm được từ ngày lãnh nhận nhiệm vụ ở xứ này. Biết rằng nhiều sinh hoạt chưa được kết quả như mong muốn. Biết rằng một số sinh hoạt chỉ là những thử nghiệm trong quá trình vạch ra chương trình mục vụ vững chắc và lâu dài cho giáo xứ, nhưng mình tin rằng những gì đã làm được trong thời gian qua đối với giáo xứ nhỏ bé này cũng rất có ý nghĩa. Mình tin rằng cộng đoàn nhỏ bé của mình đã làm được nhiều thứ mà chưa chắc một giáo xứ lớn có thể làm được. Mình nghĩ rằng họ đã cố gắng. Cũng có nhiều người rất thờ ơ, nhưng rồi cũng đã có người cố gắng và đã hy sinh rất nhiều cho cộng đoàn. Nhờ họ mà giáo xứ đã trở nên một nơi sinh động hơn với nhiều sinh hoạt tốt đẹp. Mình hy vọng rằng trong năm mới này chương trình mục vụ sẽ tiếp tục được phát triển để nhà thờ Công giáo sẽ là nơi phục vụ giáo dân Công giáo nói riêng và người dân địa phương nói chung.

Nong Bua Lamphu, ngày 3.1.2010